Những ngọn gió phận người

(VNBĐ – Thơ và lời bình). Ngay cái tiêu đề Gió thiếu phụ, Trần Quang Khanh đã ngầm gợi ý cho người đọc cách bước vào không gian bài thơ. Một không gian đầy “Gió” được hiểu theo nghĩa biểu trưng. Gió đã “thổi” xuyên suốt bài thơ dài 6 khổ. Và đối tượng trữ tình “Em”, tuy chỉ xuất hiện một lần duy nhất ở khổ thơ đầu nhưng số phận và cuộc đời Em hiển lộ rất rõ vì đã có Gió thay lời. Lần theo bước đi của Gió, ta hiểu Em. “Những ngọn gió buông tuồng đi qua những cánh đồng/ qua núi qua sông/ qua thời gian mịt mù tháp cổ”. Núi, sông, cánh đồng, đó là không gian dành cho Em, là nơi Em từng đặt bước, từng dấn thân. Mỗi bước Em đi phải qua muôn vàn gian nan, trắc trở. Bao lâu? Làm sao Em đếm được cái “thời gian mịt mù” của đời kiếp con người, chỉ có “tháp cổ” mới là chứng nhân thôi. Vậy, Em là ai? Chính cái không gian và thời gian mà Gió đã đi qua là lời đáp: Em, một phụ nữ chân quê, sống kiếp đời gian nan, cơ cực, bi thương.

Em đấy, “tóc em ngược bay qua mùa gió”. Đây đâu phải là tóc em bay trong gió từng làm say mê bao trái tim trai mà là “ngược bay qua mùa gió”, để “men theo bờ thời gian tháng năm” mà cất bước theo chồng. Lấy chồng, Em vẫn tiếp tục bước đi trên “những con đường hun hút”. Đường Em đi “mịt mù mưa hay chói chang bóng nắng”? Chỉ là hỏi vu vơ vậy thôi chứ câu trả lời đã sẵn: “mịt mù mưa”, “gió xình xịch trôi đổ ngã phía quê chồng”. Dữ dội và khắc nghiệt! Có chồng, cuộc đời Em phải chất thêm “ngậm ngùi” và “hụt hẫng”. Điều đó, nhà thơ đã để cho “những bảo tháp” và “nắng” trong vườn nói hộ và chia sẻ cùng Em.

Không còn tách bạch hai thực thể Gió và Em, Trần Quang Khanh đã nhập thành một với tên gọi Gió thiếu phụ. “Gió” được mang tên thân phận Em – thiếu phụ. Rất lạ, rất mới! Đã từng nghe nhiều cách nói được liên tưởng từ Gió như “Mẹ là ngọn gió của con suốt đời” (Trần Minh Quốc), “Em là ngọn gió đời anh” với ý nghĩa Gió là hiện thân của hạnh phúc, tình yêu. Còn “Gió thiếu phụ” của Trần Quang Khanh hẳn mang ý nghĩa trái ngược: là gió dữ, khắc nghiệt, là hiện thân của bi kịch. Ở đây là bi kịch cuộc đời thiếu phụ. Và với Gió thiếu phụ, Trần Quang Khanh đã tạc vào thơ ca đương đại số phận bi kịch người phụ nữ bằng một hình tượng thơ giàu sức gợi, mới mẻ, mang dấu vân tay của tác giả.

Hình tượng thơ Gió thiếu phụ nằm giữa bài thơ (đầu khổ thơ thứ tư) vừa khái quát cho ý ba khổ thơ đứng trước vừa mở ra trường liên tưởng mới về Gió thiếu phụ ở các khổ thơ sau. Là Gió nên phải “lang thang”, “buông tuồng”, “vô định”. Thật là chí lý khi nhà thơ đã vận đời Em vào đời Gió. Đặt chúng bên cạnh cái đã được định hình bền vững “con voi đá bao đời vẫn lạnh/ cổng hoàng thành hoang phế vẫn uy linh”, ngòi bút của Trần Quang Khanh càng tô đậm thêm màu bi kịch cho “Gió thiếu phụ”. Đời thiếu phụ luôn nặng gánh chồng con. Con thì “bơ vơ” vì thiếu vắng cha. Còn chồng thì về đâu mà để cho “ngọn cỏ lau cong hình hài con mắt nhớ/ ráng chiều đẫm đợi phía hoàng hôn”? Là thiếu phụ mong nhớ, đợi chờ chồng? Hẳn thế. Thiếu phụ trong thơ xưa “Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm” (Nguyễn Du). Thiếu phụ trong thơ Trần Quang Khanh cũng thế nhưng thi sĩ lại để cho “con mắt” của ngọn cỏ lau và “ráng chiều” cất tiếng. Mượn thiên nhiên để phô diễn nỗi lòng của nhân vật là thủ pháp đã cũ mòn. Trần Quang Khanh tránh lối mòn đó bằng cách biến thiên nhiên thành nhân vật của chuyện lòng.

Trường liên tưởng về Gió thiếu phụ tiếp tục nối dài ở khổ thơ cuối: Những ngọn gió lỡ làng/ giấc mơ trưa bơ thờ theo nhịp võng/ vô tình đánh rơi chiếc bóng/ lầm lũi đổ dài trên lúa trên sông…

Nào chỉ có “lang thang”, “buông tuồng”, “vô định” mà “Gió thiếu phụ” còn mang trong mình cái “lỡ làng” duyên kiếp. Có phải “lỡ làng” mới là căn cơ của bi kịch? Nếu không phải vậy thì tại sao con phải “bơ vơ”, thiếu phụ phải độc hành trên “con đường hun hút” và phải đỏ mắt trông đợi người thương? “lỡ làng” là ngọn gió đầu tiên thổi qua đời Em, là “cái nhân” của “Gió thiếu phụ”. Khi kể, người ta thường nói nguyên nhân trước nhưng Trần Quang Khanh lại đặt nó ở cuối bài thơ như một lời lý giải. Một cấu tứ gây bất ngờ, ấn tượng! Nhưng ấn tượng hơn cả vẫn là “chiếc bóng/ lầm lũi đổ dài trên lúa trên sông”. Ngoài “buông tuồng”, “vô định” còn một đặc tính khác của gió không thể không nói đến là… vô hình. Gió vô hình nên “chiếc bóng” xuất hiện cuối bài thơ rất hợp lý trong trường liên tưởng. Phải, Em chỉ là “chiếc bóng” tồn tại vật vờ, dễ biến, dễ tan. Dù chỉ là “chiếc bóng” thôi mà Em cũng bị “giấc mơ trưa” đến bất chợt “vô tình đánh rơi”. Xót, xót vô cùng! Càng xót xa hơn khi chiếc bóng ấy cứ “lầm lũi trên lúa trên sông”, cứ mãi lận đận, gieo neo suốt kiếp đời. Trần Quang Khanh thật khéo gây ám ảnh cho người đọc về số phận hẩm hiu của người phụ nữ qua hình ảnh “chiếc bóng”. Gây ám ảnh cho người khác thì nhất định tâm hồn người thơ đã từng bị những “chiếc bóng” kia ám ảnh. Đúng! Bởi những “chiếc bóng” kia là mẹ, là chị, là em, là những phụ nữ trên quê hương của tác giả (địa chỉ này được để lại qua hình ảnh “tháp cổ” và “hoàng thành”, những di tích văn hóa ở An Nhơn, Bình Định). Họ gần gũi lắm, thân thương lắm! Bi kịch cuộc đời họ cứ hiển hiện ra trước mắt, va đập mạnh vào trái tim nhà thơ khiến lòng ai không khỏi đau đáu, xót thương, thổn thức. Tình cảm ấy cứ trầm tích, ẩn ức trong tâm hồn thi sĩ. Nên rất tự nhiên, họ đã bước vào thơ anh, là nguồn cảm hứng cho hồn thơ anh cất cánh. Họ, chân thực ở bi kịch cuộc đời còn nhà thơ thì chân thành, sâu sắc trong tình yêu đối với họ. Điểm gặp nhau giữa trái tim nhà thơ và cuộc đời ở một chữ “chân”, đó là cốt lõi để Trần Quang Khanh làm nên một Gió thiếu phụ rất xúc động.

Một điều đáng lưu ý trong kết cấu: mở đầu là “Em” nhưng kết thúc là “chiếc bóng”. Không chỉ tạo sự hô ứng cho bài thơ mà cái chính là ngòi bút của Trần Quang Khanh muốn xoáy vào cái nghiệt ngã của số phận người phụ nữ: bị bỏ rơi, bị quên lãng ngay khi còn hiện hữu. Sự nghiệt ngã đó trong con mắt nhà thơ muôn đời vẫn thế như “Con voi đá bao đời vẫn lạnh/ Cổng hoàng thành hoang phế vẫn uy linh”. Người phụ nữ trong thơ Trần Quang Khanh tuy không còn bị cái bóng đen nam quyền đè nặng nhưng cái khắc nghiệt của thời đại họ sống (thời tao loạn) cũng khiến họ không thoát được “phận đàn bà”. Kết thúc bài thơ bằng hình ảnh “chiếc bóng” là một kết thúc buồn. Là bi kịch mà! Đó là lời buồn được vọng về từ xa xưa “Đau đớn thay phận đàn bà/ Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu” (Nguyễn Du).

Chạm bút đến một đề tài quen thuộc, Trần Quang Khanh đã tìm cho thơ mình một lối đi riêng. Vẫn trên nền tảng của hiện thực – lãng mạn, vẫn mang đậm hơi thở truyền thống nhưng bài thơ có những nét mới trong cách thể hiện, đặc biệt là trong kiến tạo thi ảnh, hình tượng. Chính cái đặc sắc, riêng biêt trong bút pháp đã làm cho Gió thiếu phụ cuốn chân người đọc bước vào không gian bài thơ để cùng nhân vật trữ tình sống lại với ký ức, suy tư và thương cảm cho phận người.

TUỆ MỸ

(Văn nghệ Bình Định số 96 tháng 4.2021)

Gió thiếu phụ

TRẦN QUANG KHANH

Những ngọn gió buông tuồng đi qua những cánh đồng
qua núi qua sông
qua thời gian mịt mù tháp cổ
tóc em ngược bay qua mùa gió
men theo bờ tháng năm.

Những con đường hun hút dài
mịt mù mưa hay chói chang bóng nắng
gió trên không tầng tầng mây trắng
gió xình xịch trôi đổ ngã phía quê chồng.

Ký ức thẫn thờ theo miền cổ tích
những bảo tháp vút cao
ngậm ngùi trông bến vắng
nắng hẫng lung linh giàn mướp giàn bầu.

Gió thiếu phụ lang thang
con gánh củi bơ vơ dò tìm vô định
con voi đá bao đời vẫn lạnh
cổng hoàng thành hoang phế vẫn uy linh.

Gió và gió buông tuồng
trần trụi hoang mang hòn gạch vỡ
ngọn cỏ lau cong hình hài con mắt nhớ
ráng chiều đẫm đợi phía hoàng hôn…

Những ngọn gió lỡ làng
giấc mơ trưa bơ thờ theo nhịp võng
vô tình đánh rơi chiếc bóng
lầm lũi đổ dài trên lúa trên sông…
(Rút từ tập thơ Gió thiếu phụ, NXB Hội Nhà văn, 2020)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Truyện cổ viết lại cho thiếu nhi

Viết lại truyện cổ như một cảm hứng đối với các nhà văn viết cho thiếu nhi. Gọi là cổ, nhưng trong đời sống, xét đến cùng, những gì mang tính phổ quát, không bao giờ cổ…

Từ bước chân Dế Mèn…

Với những ai quan tâm đến tình hình nghiên cứu văn học thiếu nhi trong nước những năm qua, Tiến sĩ Lê Nhật Ký đã không còn là cái tên xa lạ…

Làm mới một câu chuyện cổ

Nếu trong truyện “Tấm Cám”, người dì ghẻ bị căm ghét bao nhiêu, thì ở “Cổ tích viết lại” của Phạm Hồng Oanh, nhân vật này lại chiếm được cảm tình của độc giả bởi tấm lòng thương thảo…