Những làn khói bên cội sứ

(VNBĐ – Truyện ngắn). Ông muốn kêu lên nhưng mồm miệng như cứng lại, không thể cử động được, giọng nói cũng biến đi đâu mất dù chỉ là tiếng ú ớ. Ông muốn ngồi dậy, rời khỏi chỗ nằm nhưng cơ thể lại cứ dán chặt xuống giường. Mọi thứ như không chịu làm theo sự điều khiển của ông nữa. Ông biết mình đang gặp nguy hiểm nhưng lại không thể nào tự cứu hoặc cầu cứu ai.

Mọi cố gắng của ông đều vô ích.

Ông đành nằm yên ngó trân trân lên trần nhà chờ đợi. Giờ này có lẽ đêm đã qua nhưng đợi cho trời sáng thì hãy còn lâu lắm. Với những gì đã đọc, đã biết từ cơ thể mình và qua những lần khuyên răn của bác sĩ, ông hiểu mình đang trong cơn đột quỵ.

Giữa giấc ngủ chập chờn, ông chợt có cảm giác như ai đó đang bóp vào tim mình, làm nhói lên cơn đau thắt ngực, rồi đầu ông ong ong, những ý nghĩ xáo trộn quay vòng, những đợt sóng đỏ xô bủa vào vùng não bộ.

Người con gái của ông đang ngủ ở tầng dưới, chỉ cách ông đúng một tấm mê trần bê tông, đi qua 18 bậc cầu thang gỗ. Bình thường, khoảng cách ấy có biết bao tín hiệu để liên lạc với nhau. Một tiếng khẽ gọi, một cái khua gậy cũng nghe rõ mồn một vậy mà giờ đây đến việc tạo ra một tiếng động ông cũng không thể. Ông thầm ước có một phép màu để bỗng dưng người con gái tật nguyền của ông thức dậy, lê tấm thân gầy, què quặt lên phòng ông, phát hiện ra sự nguy kịch để cứu ông. Nhưng tất cả chỉ là sự tĩnh mịch. Một sự tĩnh mịch đáng sợ như dồn tụ cả vạn ngày tĩnh mịch trong ngôi nhà này. Ông muốn nhắm mắt nhưng mí mắt của ông dường như đã đông cứng. Mọi giác quan chỉ còn cho ông nhận biết có một làn sóng đỏ cứ trào phủ lên não bộ, chực tràn ra ngoài cơ thể.

Bất giác ông nghĩ đến cái chết…

Khi đã qua tuổi chín mươi, ông thường nghĩ về cái chết. Thực ra thời gian sống của ông cũng đã quá nhiều. Cuộc đời ông cũng đã thừa mứa những nỗi niềm, buồn nhiều hơn vui. Ông có chết đi cũng chẳng nuối tiếc điều gì. Nhưng ông lại rất sợ chết, chỉ vì lo cho con gái tật nguyền cũng đã về già sẽ không biết trông cậy vào ai. Cuộc sống bình thường trong ngôi nhà của ông là sự nương tựa của hai cha con. Một người tật nguyền đã qua tuổi bảy mươi và một người còn già hơn hai mươi tuổi. Máu mủ và hơn bốn mươi năm chung sống đã khiến họ vượt qua mọi khác biệt, trở thành mảnh ghép vừa vặn cho ngôi nhà được yên bình.

***

Sau chiến tranh, ông khấp khởi trở về quê nhà vì những tin tức gia đình mà ông có được khá tích cực. Ông vẫn giữ trong hành trang mang về lá thư đứa con gái viết cho bằng nét chữ rất đẹp. Rằng mẹ và con vẫn khỏe chờ đón cha về!

Nhưng rồi khi trở về nhà mọi thứ không như thế.

Ông nhớ như in ngày ông xuống tàu đi tập kết, tiễn ông là người vợ trẻ và hai đứa con, đứa nhỏ chỉ vừa mới sinh có vài tháng. Hai mươi mốt năm đằng đẵng, ông không nhận được tin tức gì của gia đình. Và đinh ninh là vợ con vẫn đợi ông ở miền Nam. Ông vượt qua mọi cám dỗ, kiềm chế mình để giữ gìn kỷ luật của tổ chức; vượt qua mọi thách thức tình yêu để giữ mình chung thủy. Lá thư đầu tiên con gái viết gửi cho ông là sau ngày hòa bình; rằng con đã trưởng thành, được học hành và làm cô giáo.

Về tới nhà, ông mới nhận ra sự nghiệt ngã, trớ trêu của cuộc đời. Thì ra, vì mong muốn ông trở về nhà mà khi viết thư, con gái ông đã giấu đi một nửa sự thật. Rằng vợ ông đã có chồng, có con riêng và hai đứa con của ông chỉ còn lại một. Bất ngờ và thất vọng về một gia đình sứt mẻ, ông quyết định đưa con gái về thành phố.

Ông được bố trí công tác ở một sở lớn của tỉnh. Con gái cũng được ông xin chuyển trường về thành phố. Và chính thời điểm đi đi về về lo thủ tục này, cô gặp phải tai nạn giao thông, phải cưa mất một chân. Ở cái tuổi ngoài bốn mươi, ông phải vừa công tác vừa chăm nuôi đứa con tật nguyền. Nghĩ về tương lai, lắm lúc ông muốn đi bước nữa nhưng nhìn ánh mắt của con, ông không nỡ.
Càng về già, ông càng nghĩ ngợi nhiều về cái chết. Ai rồi cũng phải chết mà. Nhưng nếu ông chết đi, ai sẽ đỡ đần cho con gái khi già yếu, ốm đau, nhất là phải sống trong cảnh tật nguyền? Xa hơn nữa, khi con qua đời, ai sẽ thừa tự, chăm sóc mồ mả, cúng giỗ tổ tiên?

Người con biết được nỗi lo lắng thường trực của ông, cũng tỏ ra hoang mang không kém. Hai người già cứ lẩn thẩn quanh ý nghĩ về sự mù mịt của tương lai. Ngôi nhà cũng từ đó trở nên ngột ngạt.

Có lần trong bữa cơm ông thốt lên: “Mẹ mầy vậy mà khôn. Lấy chồng, có con cái, giờ già cả có đứa để nhờ”. Nghe vậy, người con càng buồn hơn. Ông oán vợ không giữ được đứa con thứ hai cho mình. Cả con gái cũng oán trách mẹ mình chỉ biết lo làm lụng mà thiếu chăm sóc để em cô phải chết chỉ vì thiếu hiểu biết để chữa trị một căn bệnh xoàng xĩnh…

Thực ra có người mẹ nào mà không thương con, chỉ vì y học thời bấy giờ còn quá kém cỏi mà nhận thức về chữa bệnh của con người lại quá lạc hậu, chỉ biết nghe theo mấy mụ lang vườn.

***

Trời sáng. Người con thức dậy đã lâu vẫn không thấy cha đi xuống lầu để chuẩn bị bữa ăn như thường lệ thì cất tiếng gọi: “Cha ơi, cha!”. Không có tiếng trả lời. Cô cố lết lên cầu thang thì thấy cha mình đã bất động…

Các bác sĩ ở bệnh viện lớn nhất tỉnh đã cho chụp cộng hưởng từ và nỗ lực cấp cứu nhưng có vẻ như đã quá muộn để giúp ông hồi phục. Bác sĩ xác định ông bị đột quỵ não do tắc mạch. Mi mắt ông hơi sụp xuống, ánh nhìn lờ đờ; tay chân không còn vận động được; cơ mặt săn lại…

Từ giờ phút ấy cô con gái đã gần như ở hẳn trong bệnh viện để chăm cha. Một người đàn bà già yếu, tật nguyền phải loay hoay suốt ngày khi thì bơm thức ăn, khi bóp tay chân, trở người, thay bỉm…

Cũng có lúc cô cảm giác như ngón tay ông khẽ động đậy, mi mắt ông khẽ chớp. Nhưng thứ mà cô nhìn thấy được rõ ràng nhất đó là những giọt nước mắt của ông trào ra khi có người đến thăm nom hoặc khi nghe cô nhắc đến một câu chuyện cảm động.

***

Cha ơi! Con đã cố gắng để không ngã quỵ, dành sức lực chăm sóc cho cha. Nhìn cha, lòng con tan nát, tâm trạng bấn loạn và cơ thể mệt mỏi vô cùng. Ngay lúc phát hiện cha nằm bất động, con đã muốn ngất đi nhưng rồi đã cố vượt qua để bình tĩnh gọi xe cấp cứu với hy vọng sẽ kịp giành lại sự sống cho cha. Nhưng giờ đây có vẻ như mọi thứ đã muộn màng. Con rất ân hận, tự thấy có lỗi với cha. Tại sao con lại không biết cha đang nguy kịch? Tại sao trong lúc cha cần có con nhất thì con lại ngủ say? Tại sao? Tại sao?

Cha ơi, lẽ nào điều lo sợ nhất của con là phải sống thiếu cha, giờ nó đang diễn ra? Cha phải cố lên, cha phải sống vì còn bao nhiêu thứ quan trọng cha con mình còn chưa làm xong. Con biết từ khi cha trở về và mang con theo, con đã không mang lại hạnh phúc cho cha. Ngược lại, con đã trở thành gánh nặng trên bước đường đời của cha. Nếu không có con, hoặc giả con đã có gia đình trước khi gặp lại cha, có lẽ cuộc đời cha đã khác. Cha sẽ có một gia đình mới ấm êm, hạnh phúc. Chiến tranh và số phận đã khiến cha không được quyền lựa chọn hạnh phúc cho riêng mình. Thanh xuân cha đã hy sinh cho lý tưởng trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh; hòa bình lập lại, cha lại phải tiếp tục hy sinh đời riêng. Vì con, cha đã trở thành một người đàn ông giỏi giang nhất. Ngoài thời gian làm việc ở công sở, cha gánh vác công việc nhà chẳng khác gì một người mẹ đảm đang. Chợ búa, cơm nước chưa đủ mệt, cha còn nuôi heo, nuôi gà kiếm thêm thu nhập để con được sống trong ngôi nhà tử tế. Hình ảnh cha với chiếc xe đạp rong ruổi khắp ngõ gần, hẻm xa để mua cám, bán trứng dù vẫn đang là cán bộ cao cấp hay đã về hưu.

Cha bảo tao không thể chung sống được với mẹ mày nhưng tao muốn khi chết đi cả nhà mình lại được quây quần. Vậy là cha lo về quê tìm đất xây thành một khu có ba ngôi mộ thật to, thật đẹp.

Và mẹ con đã là người đầu tiên về nằm ở đó.

Minh họa: Lê Duy Khanh

Cha lại bảo còn một điều lớn lao nữa là tao có thể yên tâm nhắm mắt. Con hiểu đó là việc tìm kiếm cho con một đứa em nuôi thật tốt để khi cha lìa trần nó sẽ thay cha mà săn sóc con và sau này lo việc thờ tự tổ tiên vì ông bà chỉ có cha là đứa con duy nhất.
Việc này cha còn nợ con mà. Cha nhất định phải sống. Con đã đọc đâu đó rằng khoa học phát triển đã làm ra chiếc máy đọc suy nghĩ và chuyển hóa thành lời nói. Nếu cha không nói được, con nhất định sẽ mua chiếc máy này cho cha để ngày ngày được nghe, được hiểu lòng cha…

***

Lòng hiếu thảo của con gái cùng rất nhiều tiền bỏ ra để ông được chạy chữa tốt nhất cũng chỉ giúp cho sự sống của ông kéo dài được hơn một tháng.

Một buổi chiều, sau cái lắc đầu của bác sĩ, người ta cho chuyển ông sang phòng hồi sức tích cực để thực hiện những nỗ lực giúp kéo dài thêm những hơi thở cuối cùng.

Ông được đưa về nhà.

Những đứa em của cô con gái của ông giúp chị lo hậu sự cho cha và đọc điếu văn tiễn biệt:

…Sau hòa bình lập lại tưởng cha đã được sống yên bình bên đứa con gái rượu yêu thương, nhưng rồi cha đã phải nhận lãnh trách nhiệm của gia đình chăm sóc, đỡ đần cho chị Hai bị tai nạn, tật nguyền. Má và các con biết ơn cha vô cùng! Chị Hai biết ơn cha vô cùng!…

Những người thân yêu của cha luôn nhớ về một người cha có tấm lòng vĩ đại suốt đời hy sinh vì lý tưởng, phục vụ đất nước và hy sinh cho con cái, không một chút riêng tư…

Lời lẽ của điếu văn khiến người dự tang rưng rưng.

***

Cuối cùng rồi ông cũng về chung với bà trong khu mộ này.

Có những chuyện tưởng chừng vô lý nhưng rất trớ trêu thay nó lại xảy ra và lại trở nên có lý. Bà đi trước ông hai năm và được chôn cất trong khu mộ có ba sinh phần.

Chính ông và đứa con gái tật nguyền đã bỏ ra rất nhiều tiền của và cả năm trời để nghiên cứu các mẫu hình về những ngôi mộ đá hoa cương và xây nên khu mộ lát đá vĩnh cửu. Ông không thể biết được tới khi cô con gái qua đời ai sẽ lo chăm sóc mồ mả cho tổ tiên và cho cha con ông. Thôi thì có khu mộ xây bằng vật liệu đá mang tính vĩnh cửu này sẽ đỡ lo sự thất lạc về sau.

Và chuyện mời bà cùng nằm chung nơi đây, hẳn phần hương khói cũng sẽ được ấm áp…

Vậy là bà được các con thờ chung với người chồng sau, lại ở chung khu mộ với người chồng trước…

Những ngày khu mộ được xây dựng bà đã nhiều lần được đưa đến đây xem và tỏ ra rất hài lòng. Nó tọa lạc ngay trên lưng chừng núi quê hương. Ở đây, bà có thể nhìn thấy một vùng núi đá và cánh đồng, nơi bà đã còng lưng dầm mưa dãi nắng suốt một thời trẻ để nuôi những đứa con sớm mồ côi cha khôn lớn. Nếu thanh xuân của ông là chuỗi ngày hy sinh thì thanh xuân của bà là những năm tháng cắm mặt vào đá núi và bùn non để kiếm tiền, kiếm gạo nuôi con.

Lấy ông được năm năm sinh ra hai mặt con thì ông đi tập kết, bà trở thành góa bụa nuôi con. Khi con gái lớn hơn một chút bà tái giá với một người đàn ông giỏi giang những mong ngước mặt với đời nhưng rồi cũng chỉ được đúng năm năm nữa với thêm ba mặt con thì người chồng sau cũng qua đời. Năm đứa con nuôi được bốn cho đến khi khôn lớn, phương trưởng đối với người đàn bà góa bụa hai lần như bà đã là một kỳ tích. Nhưng ông và con gái không nghĩ vậy. Khát vọng thừa tự trước hoàn cảnh quá éo le khiến bà luôn bị họ oán trách. Cũng vì thế khi còn sống bà và ông gần như không thể trò chuyện. Còn cô con gái luôn dành cho mẹ những lời xát muối.

***

Người ta bảo những người thân khi chết đi sẽ được gặp nhau ở cõi âm. Nhưng ông và bà đã nằm bên nhau trong cùng khu mộ này tròn hai năm rồi mà cửa lòng vẫn khóa.

Chiều nay, những đứa con của ông và của bà sau lễ cúng mãn tang cha đã mang những bộ đồ tang, những bức liễn người ta viếng ngày ông mất và đồ thờ lên hóa vàng phía trước khu mộ. Trong khói hương bảng lảng sương đêm và mùi hoa sứ, bà hiện lên. Dướm chân về phía nấm mồ ông, gõ cửa. Lời bà nhẹ như gió thoảng trong sương trăng, như lời bà thì thào vào cái đêm đầu tiên ông trở về ngủ lại trong ngôi nhà của bà.

– Anh Năm, anh Năm…

Ông cựa mình lắng nghe. Tiếng bà rời rạc thoảng đi:

– Hãy tha lỗi cho em, đã không chờ đợi được anh, đã không giữ được đứa con nhỏ của chúng ta…

Ông nhớ lại. Những lời lẽ này rất quen. Hình như bà đã nói với ông một lần. Đúng rồi. Lần đó. Đêm đầu tiên ông trở về gặp bà. Và bà đã thu hết can đảm để từ chiếc giường bên này chiếc bàn nước, bước đi bằng những bước chân mèo sang ngồi mép tấm phản gõ, nơi ông nằm. Bà đã lay thật nhẹ cánh tay ông khi nói. Một lần nói của bà ám ảnh cả đời còn lại của ông. Dù rằng khi đó ông đã có câu trả lời.

– Em không có lỗi gì cả, là chiến tranh, là số phận… Em ngủ đi.

Sau câu trả lời ngắn ngủi đó của ông, bà trở lại giường nằm thút thít khóc. Ông nói vậy thôi nhưng ông đã có sự lựa chọn khác. Hôm sau ông đưa con gái về thành phố…

Một nửa thế kỷ đã trôi qua rồi, giờ đây từ sâu dưới nấm mồ, ông lại một lần nữa nghe lời xin lỗi của bà… Chết là hết mà! Tại sao ông và bà đã nằm sâu dưới hơn thước đất vẫn phải nói, phải nghe tiếng chì tiếng bấc thế này? Chết là hết mà! Sao bà vẫn luôn thấy như còn mắc nợ ông?

Ông với bà đã nằm ở đây rồi, sao nấm mồ của hai người vẫn đóng cửa. Chẳng phải khi hạ huyệt con gái đã nhắn với ông: “Cha đi, gặp mẹ”…

Trần ai khổ hận của bà, của ông chưa đủ sao?

Ông vụt hiện lên như làn khói mỏng manh choàng qua bóng bà la đà quanh cội sứ nở đầy hoa trắng. Ngọn khói quyện vào nhau bay mông lung qua những nấm mồ lô nhô giữa núi rừng ban khuya rợn ngợp ánh trăng. Từ giữa miên trường, ngọn khói bay mải miết ra cánh đồng quê có tiếng ì oạp lội bùn non và tiếng thúc bò lanh lảnh.

TRẦN QUANG KHANH

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Nơi yên nghỉ cuối cùng

Màn đêm dần buông xuống, hai bên vệ đường không còn một bóng người. Khải cứ đi lang thang trong vô định, tìm kiếm một cái gì đó mà mình đã đánh mất rất lâu…

Giọt lệ nàng An Nhiên

An Nhiên là tiểu thư trong một hào môn dưới triều Chúa Nguyễn Phúc Thuần. Nàng giỏi cầm, kì, thi, họa, nhan sắc hoa nhường nguyệt thẹn…

Làng dừa bên bờ sóng

Làng tôi nhìn về hướng biển Đông xanh thẳm. Làng như con thuyền bập bềnh bên triền sóng, là lá chắn cho dãy phố sầm uất của thôn Tân Thành, Tam Quan, Hoài Nhơn xưa…