Những đứa trẻ sinh ra từ khuông nhạc

(VNBĐ – Truyện ngắn dự thi).

1.
“Cá voi sẽ viết lời cho bài hát và chim chóc sẽ sáng tác nhạc, những đứa trẻ được sinh ra trên các dòng kẻ”.

Mi hướng ánh mắt về phía bầu trời trong veo, xanh như mặt nước biển và bắt đầu cất tiếng hát. Biển rẽ sóng, tạo thành một khuông nhạc với năm dòng kẻ lấp lánh ánh vàng của cát, nốt nhạc hóa thành những ngọn sóng dập dờn. Biển trong giấc mơ của Mi đẹp như một vũ điệu kỳ lạ. Những tiếng hót thánh thót vang động hệt như âm thanh của giọt nước lạc giữa rừng núi suối khe. Không nhìn thấy bất cứ mảng sắc tối nào dưới đáy biển trồi lên như những nốt nhạc quen thuộc bình thường màu đen trên giấy. Một giọng nói thì thào bên tai Mi, “Lời hát ấy là của cá voi”. Mi nghe tiếng hát của chúng vọng vang êm đềm về dòng chảy nào đó lặng lẽ trong trí nhớ của Mi. Mi không thấy người lạ nào ngoài sóng biển, ngoài những ký ức tuổi thơ đang vỗ về, an ủi mình. Mi giật mình. Tiếng hát của cá voi hình như vẫn còn âm ỉ vọng lại. Mi tỉnh giấc, thấy mình đang ở trong một căn phòng, một ngôi nhà khác, không phải nơi Mi đã chào đời, không có cha, không có mẹ. Mi thắc mắc thứ cảm giác nào lúc này là hư là thực.

“Giấc mơ đấy” – Kẻ lạ ấy nói. Mi có chút sợ hãi, nhưng vẫn hờ hững như một áng mây lạnh. Khả năng, không phải tại Mi chưa biết cách thể hiện cảm xúc. Mi nghĩ khác con người bình thường. Mi không cần phải tham gia vào trò chơi của nó. Cảm xúc chỉ khiến mọi thứ trở nên tệ hơn.

Mi quan sát tiếng nói của kẻ lạ, rồi hồn nhiên kể lể. Mi nhắc đến mái tóc của bà ngoại, nhưng trí não lại đang nghĩ về chú cá voi viết lời bài hát trong giấc mơ lạ. Mi định thao thao bất tuyệt thêm vài ba câu nữa, nhưng bên cạnh Mi chỉ còn biển, chỉ còn tiếng sóng vỗ chập chờn. Giá Mi hiểu được, tại sao biển mênh mông mà Mi thì bé xíu như những ngôi sao trên bầu trời đêm.

Sáng hôm sau, Mi nhớ lại giấc mơ đêm hôm trước, khoảnh khắc khi sóng rẽ nước tạo thành năm dòng kẻ, Mi thấy mình trong hình hài của một nốt Mi, trên cùng một khuông nhạc với vài đứa trẻ quen mặt khác. Chúng, tất cả chúng đều là những nốt nhạc bay bổng dịu dàng, chúng được tạo hình từ âm thanh của đất trời hiền lành, tinh khiết. Mi nghĩ về ánh sáng mặt trời buổi sớm trên biển. Cha có lần từng hứa sẽ đưa Mi về quê nội, nơi ở của những bạn cá voi biết viết lời bài hát giữa đại dương mênh mông trong giấc mơ của Mi. Nhưng cha bận lắm với công việc của một người thợ cắt tóc. Rồi cha bận hơn nữa, khi cha rời khỏi Mi. Cha bận hơn nữa, khi cha bắt đầu đến với một người đàn bà khác. Cha bỗng dưng trở nên xa lạ với Mi.

Hôm qua là đêm cuối cùng Mi hết tuổi mười bảy.

2.
“Đó có phải lời hát hay thứ âm thanh mê ảo kỳ diệu của thế giới này?”.

Người đàn ông ngồi phía trong góc tối, mắt đăm đắm vào khoảng vô định, lặng lẽ chờ từng mốc điểm nhịp của chiếc đồng hồ treo tường, đang tíc tắc trôi qua dù chỉ vài khoảnh khắc anh rảnh rỗi, tiệm cắt tóc nhỏ của anh vắng khách. Anh không có thời gian cho việc ngồi thưởng thức thứ âm nhạc yêu đương xa xỉ, và nhạt nhẽo của giới trẻ. Nhưng anh bị chúng phân tâm, anh nhớ con gái. Đứa con gái anh chăm bẵm, yêu thương, từ những ngày đầu nó mới chỉ là một thiên thần đỏ hỏn trong tay anh. Đứa con gái sinh ra trong một cuộc hôn nhân vội vã, không tình yêu với người mẹ của nó. Đứa con gái xinh xắn, giống anh nhiều hơn mẹ. Đứa con gái trầm lặng, ít nói từ khi nó chào đời đến giờ. Anh, đã có lúc ngơ ngác, vì nó chẳng nghịch ngợm, tràn đầy năng lượng như những đứa trẻ khác. Nó không thích ở gần mẹ. Nó chỉ quấn lấy anh. Anh cũng ít nói. Khả năng anh thấy nó giống anh nhiều hơn. Anh lặng lẽ yêu thương, lặng lẽ làm tròn chức phận của một người cha. Nhưng, khi nó bắt đầu chạm mốc mười tám, anh lại quyết định chấm dứt cuộc hôn nhân gần hai mươi năm không hạnh phúc. Anh rời khỏi nó, với lý do của riêng anh. Anh cần cơ hội mới cho đời anh. Anh tưởng, anh có cách trọn vẹn hơn, nhưng không thể. Anh nghĩ, anh biết rằng, nó sẽ buồn, sẽ giận, sẽ lặng im lâu lắm, hoặc là, anh sợ cả ý nghĩ này đến với anh, nó chẳng cần đến anh nữa trên cuộc đời này nữa thì sao. Những ngày còn bé, nó đã từng chất vấn anh câu hỏi ngây ngô, “Con sinh ra từ đâu hả cha?”. Anh cười. Mắt anh lim dim, nhìn nó rồi nói, “Con là một nốt nhạc vui của cha”.

Minh họa: Lê Trọng Nghĩa

Anh chỉ là một người thợ cắt tóc. Anh cũng là một người cha. Dù rằng, từ khi anh sinh ra, anh chưa hề, chưa bao giờ nhìn thấy mặt cha mình. Anh từng hứa đưa Mi về quê nội, ngồi bên cạnh Mi trên biển vào những ngày mùa hè, ánh sáng tràn trên mặt nước. Giá mà anh biết trước cuộc hôn nhân của mình sẽ khiến con khổ đau bất hạnh. Giá mà, Mi được ra đời từ những khuông nhạc như con từng nghĩ thế. Đã có lúc, anh muốn ngừng việc cầm kéo, muốn trở về biển, về bên cạnh Mi, lắng nghe Mi hát lời của cá voi viết nhạc. Anh nằm mơ thấy biển, thấy bé Mi của anh. Những giấc mơ bao giờ cũng kỳ diệu. Anh đã gọi, Mi ơi, Mi rất nhiều lần. Tiếng sóng trong giấc mơ đêm qua, đêm qua nữa, và hằng đêm khác đáp lại anh với tiềm thức ảo ảnh, mộng mị xa xôi.

3.
Đô đã thành một chàng trai. Mười sáu tuổi. Đô không còn là đứa nhóc ngơ ngác nghịch ngợm trong vòng tay đủ đầy của cả cha lẫn mẹ. Mười sáu tuổi lặng lẽ như một dấu mốc thời gian quan trọng đối với nhiều đứa trẻ. Nhưng, Đô đã ngừng đến lớp từ năm mười tuổi khi trận đại dịch diễn ra, và Đô không thể quay lại trường. Đô không biết mười sáu tuổi của mẹ ra sao? Nhưng bà ngoại kể, mười tám tuổi mẹ đã có Đô trên đời. Đô chẳng nhớ được bất cứ điều gì thêm về người đàn ông ấy. Đô sợ hãi, không thích đến gần kẻ luôn luôn có một ánh mắt lạnh lẽo, xa lạ. Mười sáu tuổi Đô chỉ nhớ rằng, ông ta đã từng đánh Đô một trận lúc bốn, năm tuổi bằng chiếc roi rất cứng. Chân tay Đô, thịt da Đô bầm tím. Đô lên tám tuổi, ông ta rời đi vĩnh viễn. Mẹ thì buồn, nhưng Đô thì vui. Đô nghĩ ông ta chẳng khác nào một hung thần xấu xí.

Chị Mi về ở với ông bà và Đô. Cha chị Mi thì khác. Đô nhìn thấy cậu rất yêu thương, cưng chiều chị. Nhưng cậu ấy cũng rời bỏ chị Mi. Mẹ chị Mi, thật không dám nói thêm điều gì, Đô chỉ nghe lén được vài câu của người lớn, “Nhờ ông bà thương, cho con gửi bé Mi một thời gian. Cuộc hôn nhân của con đã đến lúc không thể níu kéo. Mẹ nó, từ chối nó”. Chị Mi không hề có một biểu hiện gì trên nét mặt khi được sắp xếp như thế. Nhưng Đô thấy ông bà khóc. Người lớn, hình như lúc nào cũng có những lý do riêng của mình khi họ không muốn/ không thể ở bên cạnh đứa trẻ họ đã nhào nặn thành dáng thành hình, bắt đầu cuộc chơi của một sinh mệnh.

Chị Mi ít nói. Mấy lần Đô đã cố gắng thử bắt chuyện, thủ thỉ với chị. Chị cũng chỉ mỉm cười. Chị như sống trên mây. Đô ở dưới mặt đất nhìn lên. Dăm bận, Đô cố tình dò hỏi chị Mi về những thứ mà người ta gọi là ước mơ. Chị Mi cũng chỉ mỉm cười tiếp, rồi hỏi ngược lại Đô, “Ước mơ để làm gì?”.
Trẻ con thường nhiều ước mơ hơn người lớn.

Đô biết, chị Mi có khả năng vẽ. Đô thích sự thử thách với những trò chơi mang tính kỹ thuật hơn. Thêm một lần khác, Đô vẫn tò mò muốn biết, chị Mi mơ ước về điều gì? Hệt như chị Mi phải có nghĩa vụ trả lời câu hỏi đó cho Đô vậy. “Thế giới này rộng lớn bao nhiêu?”, chị Mi nói trong khoảng trống không có gió của căn phòng nhỏ.

Năm bảy tuổi, Đô nhớ, trong một buổi chiều mẹ đến trường đón Đô về, Đô đã thắc mắc khi đi qua đoạn đường vòng về phía ngôi nhà của ông bà nằm trên dốc cao một cách ngây ngô rằng, “Tại sao lại có cầu vồng?”, rồi Đô hỏi tiếp, “Tại sao ba không ở với mẹ con mình nữa?”. “Con là nốt nhạc vui của mẹ, con là cầu vồng bảy sắc của mẹ, thế đủ rồi nghen Đô”.

Đô thấy mình biến thành những nốt nhạc như chị Mi. Đô nằm mơ. Đô nhớ chị đã kể về con cá voi biết viết lời cho bài hát. Rồi chị nói, chị được sinh ra từ những dòng kẻ trên một khuông nhạc. Chị Mi được học nhiều thứ từ bé. Học đàn piano, học vẽ. Đô thì không được học gì cả. Mười sáu tuổi, mẹ nói, “Đô đi học nghề gì đó nha con”. Đô chẳng hiểu được mấy thứ gọi là ước mơ của con người. Mẹ của Đô không từ chối Đô, nhưng mẹ ở chỗ khác. Đô có thêm hai cô em gái nữa. Đô thỉnh thoảng lại lẽo đẽo như một chú mèo bên cạnh chị Mi để hỏi những thứ lạ kỳ về những con cá voi biết viết lời bài hát.

4.
Mi chỉ là một cô bé con mảnh khảnh, có đôi mắt buồn, ít nói. Nhiều lần, tôi chỉ nhìn lướt qua mắt Mi, vì nỗi sợ hãi của chính mình. Đô giống thứ ký ức từ đâu đó xa xăm từ kiếp trước, kiếp trước nữa nấp lén trong vết dấu thời gian riêng. Tôi chỉ là một nốt nhạc vô hình đến từ thế giới khác.

Những ca từ lấp lánh và rơi xuống bên trong khối hình hài thế nhân lúc này của tôi, phút chốc xóa mờ mọi ranh giới ngờ vực mà tôi vẫn đeo mang cất giữ. Tiếng hát vút lên thánh thiện, hồn nhiên như đất trời mới khai sinh, sau đó tiếp tục lặp đi lặp lại những ca từ ấy, hệt như một giấc mơ. Tôi, một kẻ đam mê những nguồn năng lượng vô hình từ mọi cung bậc âm thanh bất giác biết ơn cơ hội xuất hiện nơi này. Vô tình hay hữu ý tôi được thanh lọc chính mình từ trong một thế giới riêng tan tác.

“Thế giới đầy những bóng trăng lừa dối”. Tiếng nói cất lên trong hình hài của kẻ lạ như có ma lực cuốn lấy mọi tâm cảm của tôi. Kẻ ấy là ai? Đừng thắc mắc sự tồn tại của những sai biệt về hình thể nhân thế. Chẳng là ai cả. Hãy chắc chắn chúng ta đang lắng nghe tiếp câu chuyện không đầu không cuối. “Đó là nhạc. Phải là âm nhạc. Âm nhạc không cần lời, không cần tiếng, không cần hình hài minh họa. Âm nhạc tồn tại như vốn dĩ từ khi có sự hiện hữu của đất và trời”. Tôi vẫn đang nghe kẻ ấy nói về tiếng về âm. Thi thoảng tôi biết, tôi được cứu rỗi bởi những giai điệu của đất và trời, không phải bởi Chúa.

“Chắc chắn bọn cá voi có thể viết bài hát, còn chim chóc sẽ sáng tác nhạc”, chàng nhạc sĩ của dân tộc Lakota đã nói như thế (không phải Zarathustra). Tôi mạnh miệng chia sẻ với một cá nhân suy nghĩ của tôi, nhưng tôi thì mãi mãi mộng mơ về cái ngày mà tôi chào đời. Giá có thể diễn bày cho tất cả những kẻ mù mờ đang ngồi im lặng, úp mặt trên hai đầu gối dưới đáy giếng hiểu về thứ âm nhạc lạ kỳ này. Nó như một giấc chiêm hồ viễn du đang lớn dần trong linh thức của một đứa trẻ sinh ra bởi sự bao bọc từ thiên nhiên hoang dã. Mẹ tôi nói, tiếng hát của chim chóc, những âm thanh của cây cối, và suối chảy trong khe, lách trong từng phiến đá đã làm nụ cười của con bừng sáng hơn cả ánh nắng mặt trời. Tôi đón nhận mọi thứ rừng núi đã cho tôi, người mẹ ấy đã cho tôi. Thời gian đi qua, tôi lớn lên trong nỗi lắng lo từng đêm mất ngủ của mẹ, trong tiếng thủ thỉ của đại ngàn khe suối. Mẹ tôi đã không còn trẻ nữa, tiếng hát ru của mẹ đã sức tàn lực kiệt, đôi mắt đã đăm đắm những ưu sầu. May mắn thay, thi thoảng tôi thấy mẹ sử dụng đôi tay để múa dưới ánh sáng của ngọn đèn nhỏ. Cái bóng của mẹ uyển chuyển như một tuyệt tác không cần đến sân khấu và người xem.

Bắt đầu từ đó, tôi đã hoàn toàn bị những điệu múa của mẹ, tiếng thủ thỉ trong đêm tối của mẹ về việc những loài sinh vật kỳ lạ chinh phục, mở ra một chân trời mới lạ. Mẹ hóa thành một bài ca hoàn mỹ nhất. Những đứa trẻ như tôi sẽ được sinh ra và nhảy nhót như những nốt nhạc trên năm dòng kẻ.

“Đứa trẻ thứ nhất được sinh ra”.

Tôi chỉ mới chạm đến vài ý nghĩ về nó, tôi chưa dám định hình, hoặc tiếp tục mường tượng thêm bất cứ điều gì khác về một đứa trẻ vừa mới chào đời. Đôi mắt trong trẻo nhỏ bé của chúng thật tuyệt, hệt như cả thế giới hoang sơ giúp tôi thanh lọc bớt những vụn vặt của đời sống người lớn. Tôi quan sát cậu bé và người mẹ mười tám tuổi. Cô ấy có gì đó rất giống với mẹ tôi. Nhất là đôi mắt. Tôi đã hỏi cô ấy về việc đặt tên cho đứa bé. Nhưng cô ấy im lặng. Và im lặng mãi. Tôi đứng bên cạnh nghe cô ấy hát ru. Trong lời ru có tiếng gọi tên thằng bé trìu mến, như nốt nhạc đầu tiên của bảy âm vực.

Tôi chưa hề để lộ về mình, sẽ chẳng ai nhận diện ra sự có mặt của tôi. Mẹ của đứa trẻ thứ nhất được sinh ra cũng thế. Và, tôi phải khẳng định rằng, tôi đang làm chủ, tôi đang điều khiển tôi, không hoàn toàn dựa vào năng lực siêu nhiên nào đó. Hoặc có khi chính sự tồn tại của tôi lúc này bên cạnh sự ra đời của Đô đã là một thứ mang tính chất siêu nhiên rồi. Dù vậy, việc tôi mong muốn, tức là tất thảy mọi ý nghĩ của tôi lúc này về những đứa trẻ mới được sinh ra, chúng đều phải được hưởng cuộc sống trọn vẹn đủ đầy nhất trong thế giới bất toàn này.

“Những đứa trẻ sinh ra từ khuông nhạc” là thứ ý nghĩ hiện diện thường xuyên trong trí não tôi. Nếu không bắt đầu từ việc tôi cũng đã từng sinh ra bởi cái khuông nhạc tưởng tượng của mẹ, chắc hẳn tôi sẽ chẳng được truyền những cảm hứng, nhận thức kỳ lạ như thế. Tôi chưa bao giờ thực sự được ra đời. Tôi chỉ là một ảo ảnh chưa kịp thành hình hài như người mẹ mười tám được mẹ tôi đặt tên là S đang hát ru cho cậu bé kia.

Cả Đô, và Mi sẽ chẳng bao giờ biết tôi là ai, hoặc nhìn thấy tôi hiện diện rõ rệt.

5.
S biết. Dù rằng, chắc chắn rằng, kẻ xa lạ xưng “tôi” ấy sau một đêm huyên thuyên trong giấc mơ của S cùng những đứa trẻ được sinh ra từ khuông nhạc sẽ không bao giờ lý giải được về sự xuất hiện và sự kết nối với S. Từng đứa trẻ xuất hiện trong cuộc đời nàng. Từ “đứa trẻ thứ nhất được sinh ra” cho đến đứa trẻ thứ hai. Và đứa trẻ cuối cùng. Khi nàng hết mười tám, ở tuổi ba mươi sáu, nàng đã theo kịp mẹ nàng với bốn đứa trẻ lần lượt. Chẳng phải từ những khuông nhạc như bọn trẻ tưởng tượng. Nàng sinh ra chúng bằng chính những cơn đau nguyên bản nhất của một người mẹ.

Nàng nhớ, đứa trẻ thứ nhất, “Nó y hệt một thiên thần”. Mẹ S nói thế, trong lúc đứng ngắm nhìn cậu bé. Giá như S có thể điều khiển được ý nghĩ của linh hồn kẻ lạ đang tồn tại trong người S và bắt nó dừng lại, không diễn tiến gì thêm. Một đứa trẻ hay nhiều đứa trẻ. Để hiểu được những đứa trẻ không hề là điều dễ dàng. S bị cuốn vào những ý nghĩ đó liên tục. Một nỗi sợ hãi vô thường xâm chiếm lấy S. Nhưng, khi trở thành người mẹ mười tám tuổi, với S giống như một sự tò mò hơn là khao khát. S hình dung đến chúng, hình dung mình là một khuông nhạc để có thể tạo hình đủ những nốt nhạc từ thấp đến cao, từ cung trầm đến bổng. Giấc mơ quái đản nhất trong những giấc mơ của nàng.

Mẹ S vẫn lặp lại lời nói đó mỗi lần đến bên cạnh đứa trẻ tiếp theo, “Nó y hệt một thiên thần”, khi bế bồng trên tay từng đứa một và hát cho chúng nghe những ca từ của loài cá voi dưới biển và trên nền nhạc điệu của những bầy chim trong rừng. Ai có thể kể được câu chuyện về những đứa trẻ được sinh ra từ khuông nhạc? S chưa thực sự hình dung mình phải bắt đầu làm mẹ như thế nào? Việc đầu tiên, nàng không thể dừng nghĩ về những đứa trẻ, các loại biểu hiện trên khuôn mặt chúng. Những đứa trẻ quen, và những đứa trẻ xa lạ. Tuổi thơ đối với nàng là thứ gì đó khá lạnh. Nàng chạm vào chỉ thấy đau. Đau mãi.

Người đàn ông có khuôn mặt chữ điền, đôi mắt lâu ngày thiếu vắng những vệt sáng bắt đầu xòe nở như nắng vàng rót mật xuống ngọn đồi, xuống lòng chảo thung lũng xanh mát. Người đàn ông lần đầu tiên bế một đứa trẻ trên tay với tất cả tình yêu thương, tưởng chừng đã bị ngủ quên vì cuộc chơi mải mê riêng mình bên ngoài cánh cửa. Đó là “người đàn ông chơi đàn rất hay” mà nàng từng mộng tưởng trong những giấc mơ của đứa con gái ngây thơ về hình mẫu bạn đời tương lai. Dù là tốt lành, sáng lấp lánh như mặt trời, hoặc ngược lại tối đen như đêm sâu không trăng sao.

S, mẹ của đứa trẻ thứ nhất, một nốt nhạc vui chỉ mới mười tám tuổi, nhìn về phía người đàn ông đó bằng ánh mắt ngơ ngác, thất thần rồi chậm chạp nhấc những ngón tay của nó lên và đếm. Một ngón tay, hai ngón tay, một nốt nhạc, hai nốt nhạc. Những nốt nhạc bé xíu hồng hào, xinh xắn. S ngắm lại đôi tay mười tám tuổi của mình. Một màu xám ngoét, xương gầy như mùa đông dài lạnh giá. S đã gọi nó bằng ký hiệu của một nốt nhạc. Đô – đơn giản chỉ là một nốt nhạc không hơn không kém. Nốt nhạc mà S mơ ước trên những cung đàn được bắt nhịp từ “người đàn ông chơi đàn rất hay” ấy.

Thật khó lý giải tại sao con người phải cất tiếng khóc vào ngày chào đời? Chắc hẳn, S cũng không thể biết được rằng thứ âm thanh phát ra kia cũng chỉ là một nốt nhạc cao bổng chưa kịp xuống trầm. Hoặc S sẽ chẳng bao giờ nghĩ đến những nốt nhạc, những cung bậc vừa đớn đau. Giai đoạn cao cung, lên bổng. Nhưng, S cũng chưa từng nghĩ về những nốt trầm, có khi lại đớn đau gấp bội. Lẽ ra, bóng tối sẽ chìm vào bóng tối đúng thời điểm khi số tuổi mười tám của S gấp đôi, và nhường chỗ cho ánh sáng mặt trời tỏa rạng.

S đã từng mê mải trốn chạy, kiếm tìm giấc mơ trong những thang âm cao, thấp bởi sự cuồng si của thế hệ trước truyền lại đủ đầy bằng cách kết hợp thành một ký tự S. Trước đó, S chẳng hiểu gì về dòng kẻ chính hay dòng kẻ phụ mỗi lần nghe “người đàn ông chơi đàn rất hay” nghêu ngao giảng giải. S thấy thằng bé càng lớn, nó càng mê “người đàn ông chơi đàn rất hay” như S khi còn bé. Những ngày đón ánh sáng đầu đời Đô, S thi thoảng lặp đi lặp lại về một câu chuyện với lời kể bắt đầu, “ông ngoại chơi đàn rất hay”. Trẻ con không thể nào hiểu hết lời người lớn. Nhưng, trong mắt chúng mọi thứ hiển thị dưới ánh sáng mặt trời đều lấp lánh sắc màu cổ tích. S nhớ khoảnh khắc đón đứa trẻ thứ nhất chào đời, hai chủ thể con người – hai tiếng khóc. Đứa trẻ hân hoan như một nốt nhạc cao. Cô gái mười tám tuổi làm mẹ, tiếng khóc chìm xuống với một tông trầm sầu muộn. Nàng bắt đầu nhận thức sự kết thúc của ước mơ.

“Người đàn ông chơi đàn rất hay” mặc định nàng là một nốt Si như những đam mê phù phiếm bên ngoài cánh cửa.

6.
Những đứa trẻ phải luôn được nuôi dưỡng bằng khuông nhạc đầy hoa hồng. Khi tiếng khóc của chúng cất lên và biến thành cung bậc chính vào ngày chào đời.
Sự tưởng tượng của tôi mới mơ mộng làm sao. Tôi lại đang trôi về một chiều không – thời gian khác. Bối cảnh sự hiện diện của tôi đang chèn lấn trong mọi góc độ mà tôi hình dung về thứ đó – “Âm thanh rơi xuống, vụn vỡ như những cơn đau trong một căn phòng kín”. Tôi chơi cuộc chơi của mình trên một khuông nhạc vô hình, của một đứa trẻ được sinh ra ở một thế giới khác, từ những nốt nhạc đầy đam mê. Cha tôi là họa sĩ. Ông ấy đã rời bỏ tôi bằng cái cách đau đớn, ám ảnh nhất. Cha tôi là một họa sĩ, cũng là một nốt nhạc không thể định danh. Mẹ tôi là một người mộng du trên phím dương cầm. Và tôi bây giờ, tự nhốt mình trong một căn phòng nào đó rất xa lạ, không rõ hình hài. Tôi không có ý mô tả diễn bày thêm về thế giới của những nốt nhạc trên một khuông nhạc kéo dài mãi mãi.

Tôi không xuống phố đêm nay để lạc vào những cung đường chất chồng giai điệu của ký ức. Tôi không đến ga tàu, hay một công viên nào khác mà ngày còn nhỏ, cha thường đưa tôi đi lang thang với giá vẽ. Tôi tự nhốt mình cùng với những thanh âm vụn vỡ, khác biệt những thanh âm chan hòa ánh sáng và hương sắc bên ngoài cánh cửa. Đó là cơn đau và sự hồi nhớ, đó là hiện thực được kết nối rất rõ rệt, hệt như mạch máu chia nhau lấn chiếm cơ thể rồi đổ về tim, không phải những váng vất trong các chiều của tâm thức chếnh choáng rời rạc.

Tôi biết rằng, âm nhạc của đêm hôm qua, giữa ánh đèn mờ ảo hoặc tắt hẳn đã kết nối với màn ảnh, những thanh âm vụn vỡ của một thời khắc lịch sử 1757 đang ám ảnh tôi trong sự mường tượng về hình hài của tiếng súng. Câu chuyện của kẻ sẵn sàng nhảy vào ngọn lửa hòng cứu lấy một tình yêu bị chối từ cũng đang ám ảnh tôi. Nó khác với sự thật ngoài đời về những đứa trẻ sinh ra từ khuông nhạc (và sẽ không bao giờ bị chối từ). Tôi mang cả những cơn đau của năm 1757 vào giấc mơ riêng, tìm kiếm nốt những vụn vỡ khác, và lặng im mở mắt chào bình minh với tiếng hát không có lời cất lên từ một người da đỏ giữa đường phố. Tôi không phải một khả thể bị chối từ, nhưng tôi biết rằng, sự đồng cảm về một cơn đau đang thực sự diễn ra đâu đó trong dòng tâm thức đầy xót xa đang hiện diện ở đây với những đứa trẻ đã bị chối từ của năm 2017 ở đây, nơi chốn mà đến cả tôi cũng chẳng thể nào nhận ra được là quen hay lạ.

Chủ nhật xanh, không hẳn là một gợi nhắc về ngày ăn chay. Tôi lắng nghe và thoải mái để lòng mình trôi cùng với thứ âm nhạc kết nối từ cơn đau đêm qua trên màn ảnh tái hiện nỗi cô độc thầm lặng tôi tự ôm mang. Tôi mặc kệ đời rộn rã bên ngoài, nhốt mình trong bóng tối, thưởng thức mọi thanh âm vụn vỡ của người da đỏ. Thời gian, là thứ mà tôi sợ nhất. Loài người đang hoài phí. Tôi nhìn thấy màu xám đang chiếm hữu dần thế giới (không phải màu hồng phấn, xanh da trời, hay là màu nắng chín). Tôi đang thử lắng nghe và tập làm quen với những cơn đau từ phía tương lai.

Tối nay, tôi sẽ không đến kể chuyện cho đứa trẻ có ký tự M về một chú cá voi biết viết lời hát, và chim chóc sẽ sáng tác nữa.

7.
Anh đóng cửa tiệm cắt tóc dăm ngày. Anh không chịu nổi cảm giác day dứt khi phải rời xa bé Mi. Đứa con gái anh chăm bẵm từ ngày nó cất tiếng khóc chào đời. Anh xuất hiện dưới hình hài của một người đàn ông mới qua tuổi bốn mươi đã mất hết những dấu hiệu của thanh xuân. Mi nhìn anh không thể hiện một chút cảm xúc nào. “Người đàn ông chơi đàn rất hay” cũng là ông của cu Đô nói nhỏ vào tai anh, “Con bé nó có kể với tao về nơi nào đó mà cá voi biết viết lời cho bài hát, và chim chóc sẽ sáng tác nhạc”. Anh mỉm cười, lòng anh rối bời, khoảng cách giữa anh và Mi, anh đã nhìn thấy rất rõ. Con bé sắp sửa mười tám. Nó chắc đủ để hiểu. Em gái anh, bắt đầu với ký tự S, dòng tộc của những kẻ mê đắm trên cung bảy nốt nhạc làm mẹ ở tuổi mười tám. Anh nhớ, ba anh nói về ông bác, người có thể chơi đến bảy loại nhạc cụ. Anh chẳng ham hố gì, nhưng anh cũng có được một số tài lẻ về hội họa và âm nhạc. Chỉ tiếc đời anh nhiều lối rẽ dọc ngang quá. “Người đàn ông chơi đàn rất hay” cũng chỉ biết chơi đàn rất hay. Anh đang lóng ngóng không biết mở lời với Mi thế nào, Đô chạy vào. Đô kể về giấc mơ của chị Mi. Đô nói, “Con cá voi ở đâu biết viết lời cho bài hát ở đâu hả bác?”. Anh nhìn Đô, nhìn Mi. Hai đứa trẻ gần bằng tuổi nhau, hai nốt nhạc buồn. S cũng từng nhắc nhở anh về sự im lặng, không chịu giao tiếp với thế giới của Mi.

Tôi tiếp tục im lặng quan sát cuộc hội ngộ của họ. Họ sẽ chẳng bao giờ nhận ra sự hiện diện của tôi lúc này. Tôi đối thoại với S trong giấc mơ. Tôi kể chuyện cho Mi và Đô nghe. Anh ta thì không? Tôi bị ám ảnh về những cơn đau của đứa trẻ bị bỏ rơi. Tôi vẽ ra khuông nhạc của biển trong giấc mơ trẻ con, để an ủi những nốt nhạc buồn giữa đời thực. Tôi là một nốt nhạc đến từ dòng thời gian khác. Tên tôi bắt đầu với ký tự F nối liền với một chữ K lạc loài.

TRẦN BĂNG KHUÊ

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Tháng Mười Hai chạm vào miền nhớ

Tháng Mười Hai dịu dàng như một bản nhạc dương cầm, từng phím đàn vang lên trong trẻo giữa tiết trời se lạnh, mang theo hơi thở của những ngày cuối đông…

Phía sau ngón tay trỏ

Năm ấy, chính ngón tay ông Mười đã khai ra nơi trốn của cả làng và có cả cha ông đang trốn. Mấy chục năm ròng, ông Mười sống trong sự trừng phạt từ những cơn tra tấn của lương tâm…

Cái cân của nhà Balek

Một trong những luật mà nhà Balek đặt ra cho dân làng là không ai được phép giữ cân trong nhà. Luật ấy xưa đến nỗi chẳng ai nghĩ đã có từ lúc nào và vì lý do gì, nhưng nó phải được tuân theo…

Mẹ con Chèo Bẻo

Mùa gặt đến, Chèo Bẻo mẹ cần mẫn nhặt từng cọng rơm vàng ở cánh đồng rất xa về để xây một ngôi nhà xinh đẹp trên ngọn cây…