Như vở kịch đời

(VNBĐ – Đọc sách).

(Đọc “Sự đô như hý”, NXB Hội Nhà văn 2022 của Lê Hoài Lương)

Nối tiếp những câu chuyện của ngày trước

Sự đô như hý – Tên tập truyện gây chú ý với nhiều độc giả. Đó là tên một cuốn sách mới của Lê Hoài Lương do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2022. Tên truyện được trích từ hai câu đối của Đào Tấn: “Thiên bất dự nhàn, thả hướng mang trung tầm tiểu hạ/ Sự đô như hý, hà tu giả xứ tiếu phi chân”. Dịch nghĩa: “Trời không cho nhàn rỗi, vào chốn bận rộn tìm chút rảnh/ Việc đời như kịch, há trong cái giả không có cái thật”. Truyện viết về/ đề cập đến Đào Tấn, một danh nhân nổi tiếng đất Bình Định, nhà soạn tuồng danh tiếng một thời. Câu chuyện được “kể” kéo dài hơn trăm năm. Từ “Vinh Thạnh một tám tám lăm” (các tiêu mục trong truyện ngắn Sự đô như hý) gắn với cuộc đời thăng trầm của Đào công (Đào Tấn), rồi qua “Bảy mươi năm sau rằm tháng Bảy” “kể” về một hội thảo về Nhà soạn Tuồng, những “câu chuyện” về danh nhân, về nhà nghiên cứu “đời sau” đã cất công sưu tầm, nhận định về Đào Tấn, của nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn. Không hiếm những câu chuyện dở khóc dở cười xoay quanh việc nghiên cứu, tổ chức hội thảo. Rồi “Vinh Thạnh một chín lẻ bảy” vẫn chuyện Đào công và những người cùng thời. Vẫn câu chuyện dài được kể “Một trăm năm sau rằm tháng Bảy”, – một hội thảo nhân trăm năm ngày mất của danh nhân và những câu chuyện chưa có hồi kết. Nhưng đã kịp có những người trẻ “Họ đốt hương, dâng rượu, khấn ông bằng chính câu mai hoa tác mộng hồn (hoa mai hóa mộng hồn) một đời ông ao ước, rồi rắc những hạt mai xuống rìa cây quanh mộ, hy vọng nhiều năm sau mai sẽ mọc lên” (Sự đô như hý). Như thế, đã đủ? Một câu chuyện khác tưởng đã rất cũ nhưng lại có cái nhìn mới trong tập truyện. Vốn bị cái nhìn ác cảm từ xa xưa, với nhân vật Giu – đa trong Kinh thánh, bây giờ, liệu có thể nhìn nhận nhân vật vốn bị người đời kết tội bán Chúa này với cái nhìn khác? (Sách cháy). Hay câu chuyện trong Sóng khác, tưởng đã xa xôi về chàng trai ở một làng chài ven biển, một ngày bỗng “lạc” vào cuộc sống đầy khác lạ của những con người hiện đại khi ở đó có một thứ :sóng khác” thay thế (Sóng khác)…

Mang đẫm hơi thở cuộc sống đương đại
Với Sự đô như hý, Lê Hoài Hương có cách viết truyện ngắn khá lạ (ít ra là với nhiều truyện khác của anh). Những câu chuyện đôi khi cứ như được “bê nguyên xi” từ cuộc sống vào truyện với kiểu “kể” nhẩn nha, tưng tửng. Nhà văn Dạ Ngân thì nhận xét “dày dặn, đậm thế sự, không ít trang trong từng truyện như bút ký chính luận”. Như Nghề buôn với những nhân vật gồm: cô siêu sao, cô thôn làng, với siêu sư Thích Đồng Trụ. Có vẻ như mọi thứ đều có thể buôn bán được, kể cả buôn thần bán thánh, rất tốt là đàng khác! (Nghề buôn). Hoặc xuất phát từ một cái tin từng ầm ĩ trên mạng: “Báo đưa tin ông chủ tịch một tỉnh biên giới phía Bắc dính scandal mua bán dâm” đến chuyện “cô kia đã ly dị chồng, từ nhân viên văn phòng nhanh chóng leo lên làm phó một phòng quan trọng khu công nghiệp tỉnh, mới xây nhà tiền tỉ. Cô này hôm đó xông vào ủy ban nhân dân tỉnh đầu buổi tối đòi gặp “anh” chủ tịch” (trang 40, Chuyện chẳng liên quan gì nhau). Và, nhiều câu chuyện khác… chẳng liên quan gì nhau nhưng đã góp phần làm hiện lên một hiện thực dở khóc dở cười của cuộc sống hiện tại. (Chuyện chẳng liên quan gì nhau)… Một câu chuyện có vẻ “lan man” từ chuyện riêng tư của một người thợ chuyên sửa khóa dẫn đến bao sự tréo ngoe trong đời. Hóa ra không ít người từng bị “mắc kẹt” trong một câu chuyện/ tình cảnh nào đó. Vấn đề là đã thoát ra như thế nào, vậy thôi? Kiểu như “Tôi chỉ là thợ sửa khóa giỏi. Tất tần tật các loại khóa, từ xưa cũ đến hiện đại trục trặc, khô dầu, lờn bi, mắc kẹt kiểu gì tôi đều sửa được …”(Mắc kẹt). Chuyện khác, kể về một gã bán vé số xuất hiện trên vỉa hè đoạn đường quốc lộ chạy qua thành phố. Gã có mặt mỗi ngày như một sinh linh vật vờ, tham gia chứng kiến bao nhiêu câu chuyện khác (và cũng có thể các câu chuyện chẳng ảnh hưởng gì đến gã). Rồi đột nhiên gã biến mất. Mọi chuyện rồi vẫn cứ tiếp diễn như một lẽ “tồn sinh”, không sao cả. Bỗng, đột nhiên gã bán vé số lại xuất hiện, không sao, cuộc sống vẫn cứ phải tiếp diễn… (Tồn sinh). Nghề vớt xác là một truyện ngắn thấm đẫm nhân văn nhưng cũng không kém phần chua chát. Gã, tất nhiên sinh sống trên sông, chuyên nghề “vớt xác”, “không có cha, năm lên mười má gửi tôi người chú họ để theo người đàn ông khác”. Một người vợ, một đứa con. “Con bé nhỏ giờ cứ gọi gái gái, anh cán bộ tư pháp có chữ gợi ý đặt tên lên Giang cho nó, Giang là sông, mẹ con nó được vớt từ sông lên”. Và, gã đã theo cha đi vớt xác từ năm mười ba mười bốn tuổi. Có thể chỉ bởi thấy “Sống có nhà thác cái mồ con à. Người chết còn cứ lênh đênh không siêu thoát được. Cứu giúp người trong khả năng của mình là tích cái đức…” (Nghề vớt xác). Những cái xác được vớt gắn với mọi kiểu chết, những cái chết lại gắn bó với những người đang còn sống lừng lững trong cái xã hội nhốn nháo bao chuyện thiện ác, đúng sai, tốt xấu… của chốn trần ai. Có những cái xác sống còn thối gấp trăm lần những cái xác trôi sông. Vẫn còn đó sợi dây liên hệ, dễ dàng nhận biết qua “cái mùi”. “Cái mùi và vài xác sống trước mắt vẫn hiển hiện trong mỗi cử động của họ/ Gã buồn nôn: chưa bao giờ những xác trôi trương phềnh khiến gã buồn nôn như sáng nay. Gã bụm miệng chạy vội ra chỗ đất trống nôn thốc nôn tháo”. Cuối cùng, sự bình yên đã đến với họ, những người tốt bụng. Nhưng, “gã mất hoàn toàn khả năng thính nhạy về những cái xác trôi sông. Không ai gọi điện cho gã nữa” (Nghề vớt xác)…

Truyện ngắn Lê Hoài Lương có vẻ như là cuộc sống, vẫn đang tiếp diễn…

Mười ba truyện ngắn, đa phần bám sát đời sống đương đại góp thêm dấu ấn mới vào tài sản của một nhà văn từng đoạt giải Ba năm 1996 – 1997 và giải Nhì năm 2005 – 2006 cuộc thi truyện ngắn của tạp chí Văn nghệ quân đội; giải Ba cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ 2006 – 2007, giải Nhì cuộc thi truyện ngắn của tạp chí Nhà văn & Tác phẩm 2018 – 2020 cùng nhiều giải thưởng khác.

LÊ TRÂM

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Xin đau thương từ nay khép lại…

Chim én bay của nhà văn Nguyễn Trí Huân xuất bản lần đầu năm 1988, gần đây, tôi mới có duyên đọc hết tác phẩm này. Gần 200 trang với một sức nén về ngôn ngữ và cảm xúc…

Động Cườm – di tích văn hóa Sa Huỳnh

Động Cườm là một cồn cát chạy dọc ven biển của thôn Tăng Long 2 thuộc phường Tam Quan Nam. Vùng này xưa kia có thể nằm trong vùng biển cổ nối liền từ mũi Sa Huỳnh đến Bắc Bình Định…

Tour La Vuông: Một sản phẩm công nghiệp văn hóa

Thị xã Hoài Nhơn đang chọn La Vuông để xây dựng, phát triển điểm du lịch sinh thái văn hóa và nghỉ dưỡng – một sản phẩm công nghiệp văn hóa. Đây là một nơi có địa hình và khí hậu lý tưởng…

Một vùng đất vừa hiện hữu vừa huyền thoại

Dừa không lá của Cao Duy Thảo là câu chuyện về chiến tranh xứ dừa, một khắc họa vô thanh kỳ ảo. Bài thơ không có cái ầm ào sôi réo đạn bom, chỉ bắt đầu bằng sự mềm mại đến thắt lòng…