(VNBĐ – Thơ và lời bình). Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn là một trong những nghĩa trang lớn nhất ở Việt Nam được xây dựng tại vùng đồi Bến Tắt thuộc xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Nơi đây trở thành địa chỉ quy tập thiêng liêng, làm nơi an nghỉ vĩnh hằng của hơn 10.236 liệt sĩ của mọi miền đất nước đã anh dũng chiến đấu và hy sinh trên khắp dặm dài dọc con đường Trường Sơn huyền thoại trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Nghĩa trang được kiến trúc khá độc đáo và trở thành địa linh với sơn thủy uy nghiêm, kỳ bí. Những hàng bia mộ màu trắng được an vị song song, lớp lớp liên hoàn giữa hoa lá bốn mùa, từ xa nhìn giống như một đám mây trắng khổng lồ phủ trùm, lay động giữa không gian chập chùng, rộng lớn, nhất là lúc hoa phượng mùa hè rực đỏ, càng làm cho không khí và quang cảnh thêm phần cao cả, linh thiêng.
Hằng năm, người dân và các cơ quan trong nước đều về đây viếng các anh hùng, liệt sĩ để tưởng nhớ công lao và sự hy sinh to lớn của các anh với tấm lòng thành kính. Nhà thơ Mai Thìn, người con của quê hương Bình Định cùng với cô bạn gái đã đến viếng nghĩa trang Trường Sơn vào dịp tháng Tư rực trời hoa phượng nở, dưới cái nắng chang chang của mùa hè Quảng Trị đầy gió Lào, cát trắng. Trong khung cảnh linh thiêng, ngậm ngùi trang trọng, tác giả bắt gặp cái sắc đỏ của hoa phượng tháng tư tươi màu vĩnh cửu, rưng rưng những giọt nhớ trong nắng trưa cùng tác giả:
Mỗi độ tháng Tư về
hàng phượng ở Nghĩa trang Trường Sơn
rưng rưng
đỏ
Đỏ rưng rưng là từ tượng hình và tượng thanh rất đắt, tạo cái nhìn thị giác bất ngờ mà nhà thơ trực quan tại nơi tụ hội những anh hùng bất tử. Dù cái nắng mùa hè nghĩa trang Trường Sơn không chiều lòng người, nhưng lòng người như hòa vào cảnh vật, cảm nhận được sự ấm cúng và chan chứa nghĩa tình trước mỗi bia mộ của từng liệt sĩ mọi miền đất nước; có người tuổi đời còn rất trẻ, có người là liệt sĩ vô danh. Tên tuổi họ đã hóa thân vào đất đai, sông núi để phục sinh sự sống muôn đời cho non nước mai sau. Hình ảnh cô bạn gái nhà thơ lặng im thắp hương cho liệt sĩ đồng hương Bình Định đã nói hộ bao người sự tiếc thương vô hạn về sự ra đi vĩnh viễn của bao liệt sĩ khi tuổi đời còn rất trẻ. Vâng, các anh ra đi khi còn rất trẻ, nhưng các anh đã sống trọn một cuộc đời rộng dài vì Tổ quốc, Nhân dân:
nhiệt độ lên tới bốn mươi
cô bạn tôi đi thắp nhang cho đồng hương Bình Định
cô cứ đứng mãi
đứng mãi
chiếc ô nán che
“gương mặt” còn trẻ quá
sau hàng chữ, năm sinh.
Các anh mãi nằm đây ngắm trời xanh, trăng sao và mây trắng. Mọi người luôn nhớ về các anh, luôn nghĩ về những gì đồng nghĩa với sự sống tươi xanh và sự phục sinh lặng lẽ. Lòng đất mẹ luôn ôm ấp các anh, những ngôi mộ trắng luôn che chở các anh. Các anh yên nghỉ thanh thản, mênh mông và tự do biếc xanh, ngời sáng. Trong mắt nhìn của con người hiện tại và tương lai khi đứng trước những ngôi mộ các anh trong hương khói nghi ngút, họ luôn nhòe giọt nước mắt yêu thương, tự hào và ân nghĩa. Thời gian với những vì tinh tú trên bầu trời đã minh chứng cho sự tồn tại vĩnh cửu của các anh:
các anh nằm đây đã bốn mươi năm
dõi lên trời
đếm từng ngôi sao xa xưa
tháng Tư thắp lửa
những bóng mắt người thân
đỏ
nhòe
cành lá.
***
Thể hiện theo nhịp hiện thực của tình cảm và tâm trạng, bằng thể thơ tự do, Hoa phượng ở nghĩa trang Trường Sơn là một trong những bài thơ hay và xúc động của Mai Thìn viết về sự hy sinh, mất mát. Khép lại bài thơ, tưởng còn thấy đâu đây “những bóng mắt người thân/ đỏ/ nhòe/ cành lá”. Những hàng mộ trắng là ngôi nhà tâm hồn sáng trong như ngọc của các anh mãi song song như những nốt dương cầm trắng bên hàng hoa phượng nhói lòng tháng Tư thắp lửa. Những ngôi mộ trắng của các anh luôn ánh lên sắc trời và hương thơm bốn mùa cùng những âm thanh vang vọng: Gió chạm vào là ngân! Nước mắt chạm là ngân! Sợi khói chạm là ngân! Tự do chạm là ngân! Im lặng chạm là ngân!
Hoa phượng ở nghĩa trang Trường Sơn
MAI THÌN Mỗi độ tháng Tư về nhiệt độ lên tới bốn mươi các anh nằm đây đã bốn mươi năm |
PGS. TS HỒ THẾ HÀ