Nhịp điệu ở Bok Tới

(VNBĐ – Ghi chép). Tôi quyết định trở lại Bok Tới sau chuyến giao lưu nhiều ấn tượng giữa bà con trong làng với anh chị em văn nghệ sĩ, nhà báo tỉnh nhà. Ở đêm giao lưu, sau mấy ngằn rượu cần dậy men thơm, tôi nhận ra trong nhịp điệu cồng chiêng, động tác từ vũ điệu xoang là một phần cách điệu từ nhịp điệu sống của người vùng cao… Và nét xoang ở đây giờ đã rộn ràng, tươi vui như nhịp sống từng ngày đổi thay của đồng bào.

Nhịp xoang tươi vui
Theo các già làng ở xã Bok Tới, xoang là vũ điệu tập thể mang tính cộng đồng của người Bana xưa và nay. Nhạc xoang là âm thanh cồng chiêng được phối theo nhiều cung bậc cảm xúc, phù hợp với nội dung từng bài. Đội cồng chiêng có một người đánh trống Chơ Gút đeo trước bụng đi đầu, dẫn đội hình vừa đánh vừa nhịp hỗ trợ cho đội xoang. Xoang có hai phạm vi động tác: tại chỗ và di chuyển bước nhỏ. Xoang kết hợp thành thục các động tác giữa tay, chân và toàn thân. Với tay, xoang thường có: cầm, hái, tuốt, phóng, lượm, gõ, đốn, đẽo, khiêng, vác. Với đôi chân trần, xoang: nhún, co, giậm, duỗi, tung… và toàn thân rung, lắc, đung đưa nhịp nhàng. Vũ điệu xoang có nhiều kiểu nhịp. Nhịp trầm, động tác thường chậm đi kèm là ánh mắt, khuôn mặt đượm buồn, vô hồn. Nhịp hùng, động tác chắc, khỏe, dứt khoát, gương mặt biểu lộ yêu thương và niềm tin. Nhịp hào hứng, động tác tay, chân và toàn thân theo tiếng cồng chiêng trổi thanh sôi động, khuôn mặt và hình thể biểu lộ cảm xúc phấn khởi, tự hào.

Đội Xoang làng T6 tập luyện, chuẩn bị giao lưu với Hội Nhà báo và Hội VHNT tỉnh. Ảnh: B.T.P

Xoang có hai vũ điệu chính là nghi thức và tự do. Xoang nghi thức, vũ điệu luôn trang trọng, phù hợp với nghi lễ: Cầu mưa, Mừng lúa mới… Xoang tự do, nhịp phóng khoáng, lả lướt. Đội hình xoang thường mở đầu bằng một hàng chéo, sau chuyển thành hai hàng ngang, đến nhập lại một hàng ngang rồi di chuyển bước ngắn thành một vòng tròn ngược chiều kim đồng hồ. Vòng tròn khép kín đống lửa hoặc cây nêu, mời gọi mọi người cùng hòa nhịp. Các bài múa xoang hiện nay ở Bok Tới thường có sự kết hợp giữa các nhịp nghi thức với nhịp tự do. Nhịp nghi thức biểu diễn trước rồi đến nhịp tự do để mọi người cùng múa, cùng vui lễ hội.

Theo già làng Đinh Sinh – 87 tuổi, ở làng T2 – thì trước đây khi còn các lễ: Chia tài sản cho người chết và Bỏ mả thì điệu A Tâu của xoang rất thịnh hành. Điệu này khi tấu – múa lên nghe bi ai, sầu thương đến rơi nước mắt. Nay nhịp sống đổi thay theo hướng hiện đại, các lễ hội của làng, như: Mừng nhà rông, Đâm trâu… không còn nữa, theo đó phạm vi hoạt động của xoang chỉ còn lại các điệu Samok cải biên và Tơ Nơl sôi động, đủ để duy trì bản sắc văn hóa vùng cao và đủ để bà con hào hứng.

Trong các lễ hội: Mừng Đảng mừng xuân, Kỷ niệm ngày thành lập Đảng, Giải phóng huyện Hoài Ân…, ở Bok Tới, vũ điệu xoang luôn là hoạt động mở đầu, thu hút người tham gia. Họ quan niệm rằng: bài múa có nhiều động tác cách điệu từ nhịp sống đời thường đi kèm với sắc thái biểu cảm phù hợp, múa nhịp nhàng, uyển chuyển và đội hình đẹp là thành công cho lễ hội, kết nối được gần – xa, mang lại sự may mắn cho cộng đồng. Vũ điệu xoang chính là chiếc gương treo ở đầu làng, phản chiếu nhịp sống của đồng bào xã Bok Tới.

Nhịp xoang và nhịp sống
Tôi mang âm hưởng của những nhịp xoang đi tìm sự tươi vui của đời sống bà con. Quả nhiên nhận ra cái nhịp xoang hào hứng kia đều có căn, có lý.

Giờ đây, người dân Bok Tới đã bỏ hẳn cây lúa rẫy và thói quen trồng trỉa phó mặc cho trời. Họ mạnh dạn cải tạo những vùng đất hoang hóa ven suối, mở rộng những cánh đồng lúa nước hai vụ lên đến 130 ha. Họ chung tay đắp nhiều đập bổi, xây 11 đập dâng và hệ thống mương máng dẫn nước suối vào ruộng. Họ trồng lúa nước như người miền xuôi. Họ đã biết chọn những giống lúa lai cho năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng. Họ biết làm đất bằng máy cày càng; sau sạ 3 ngày thì phun thuốc diệt cỏ. Họ biết bón phân theo thời điểm: lúa đẻ nhánh, làm đòng, trổ bông và thường xuyên theo dõi sâu bệnh để phòng trừ. Họ biết gặt lúa bằng máy cắt cầm tay, tuốt lúa bằng máy ngốn và bán rơm cho người miền xuôi khi dư thừa.

Anh Đinh Giang Sang – Phó chủ tịch UBND xã phấn khích: “Nhờ mạnh dạn chuyển đổi giống lúa, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên vụ Đông xuân này cả xã có 127 ha lúa lai, năng suất ước đạt 62 tạ/ha. Cả năm ước đạt 1300 tấn lúa, đảm bảo an ninh lương thực”. Dân Bok Tới bám rừng quanh năm. Rừng trồng ở đây đã phủ kín đồi trọc. Cây keo nguyên liệu đã trở thành cây giảm nghèo số một. Hơn 90% hộ dân ở xã có đất trồng keo và thu nhập từ keo. Toàn xã hiện có 1.211,07 ha rừng trồng, hàng năm khai thác và trồng lại khoảng 220 ha keo lai. Việc trồng, phát chồi và khai thác keo nguyên liệu đã tạo ra việc làm thường xuyên cho hàng trăm hộ dân. Nhà có hai công lao động vào rừng, ngày kiếm khoảng 700 nghìn đồng. Việc nhà, việc đồng, họ tranh thủ làm ban đêm. Nhờ có việc làm từ cây keo mà đời sống đồng bào thêm no ấm, tỉ lệ hộ nghèo theo đó cũng giảm xuống còn 34,81%!

Người Bok Tới hôm nay không còn chăn nuôi theo kiểu đóng gông thả rông. Họ biết làm chuồng, biết lai tạo giống mới bằng phối tinh; biết theo dõi dịch bệnh. Toàn xã hiện có 1.196 con trâu bò, trong đó bò lai chiếm đa số. Xã xuất hiện ngày càng nhiều gia trại heo đen, mở ra một hướng đi mới. Anh Đinh Văn Nhang – chủ một trại heo đen ở làng T2 – chia sẻ: “Giá thịt heo đen cao gấp đôi heo thường do nuôi lâu lớn. Thị trường lại rất chuộng nên bà con ở đây vừa mở rộng đàn vừa nhân giống để bán cho người nuôi trong và ngoài xã”.

Lễ hội của đồng bào giờ cũng rất khác. Người chết thường không để quá hai ngày, việc ma chay đơn giản. Nghi lễ, tiệc tùng cưới hỏi cũng giản dị hơn nhiều. Họ không mổ bò, giết trâu như trước mà đặt cho dịch vụ mang lên phục vụ. Đời sống tâm linh của người Bok Tới phong phú nhưng họ không còn tin vào thư, ếm, trù ẻo.

Y tế, giáo dục ở Bok Tới cũng đổi thay nhiều. Đau bệnh, sinh đẻ, bà con không cúng con ma mà đến trạm xá xã hoặc bệnh viện. Trạm xá có đủ y, bác sĩ và điều dưỡng, kết hợp chữa bệnh cả Đông – Tây y. Quy mô trường lớp học trên địa bàn xã được quan tâm đầu tư mở rộng, đáp ứng tốt nhu cầu dạy và học. Con em trong độ tuổi đều được đến trường. Trình độ dân trí ngày càng được nâng cao.

Bok Tới ngày vui
Tết Nguyên Đán là dịp vui nhất trong năm của bà con Bok Tới. Dịp này các đội xoang và cồng chiêng các làng hoạt động liên tục. Theo lời anh Đinh Bá Biên – Thôn trưởng thôn T5 – thì đêm 30 Tết, các gia đình trong làng tự mang một ché rượu cần, một miếng thịt heo hoặc bánh trái đến nhà rông. Tại đây, sau khi già làng khấn cáo thần linh về tình hình và kết quả sau một năm làm ăn của người làng, nguyện cầu tứ thời tám tiết mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu thì đội cồng chiêng các làng tấu nhạc. Đội xoang rập ràng nhịp điệu nghi thức đón mừng năm mới, rồi chuyển sang vũ điệu tự do mời gọi mọi người cùng vui múa. Người làng ngồi quây quần bên nhau, vít cong cần rượu. Họ vui say cho đến khi con gà rừng bên suối cất tiếng thì chia tay, nhà ai nấy về.

Bok Tới là một trong ba xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Hoài Ân. Xã có 520 hộ dân, 1.849 nhân khẩu, sống theo 5 cụm dân cư thuộc 5 thôn: T1, T2, T4, T5, T6. Với 99,8 % dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó Bana chiếm đại đa số.

Mùng hai Tết, đại diện chi ủy chi bộ hoặc ban thôn các làng dẫn đầu một đội hóa trang, theo sau có đội xoang và đội cồng chiêng, đến các nhà trong làng để chúc Tết. Họ hóa trang thành những con vật quen thuộc của núi rừng như: Khỉ, gấu, báo, nai, thỏ… đến thăm con người vào dịp đầu năm với mong ước muôn loài bình đẳng, gần gũi để tạo ra nhiều giá trị cho cuộc sống. Trong không gian lắng đọng, trưởng đoàn cầu chúc may mắn, phúc đức đến với từng gia đình. Chủ nhà nói lời cảm ơn và không quên gửi tặng đoàn một khúc thịt heo luộc hoặc một đòn bánh tét hay một ché rượu ngô.

Cứ vài, ba Tết Nguyên đán, xã tổ chức giao lưu văn hóa cồng chiêng và thi múa xoang một lần. Đây là dịp để các đội làng học hỏi lẫn nhau, vừa giữ được bản sắc văn hóa vùng cao vừa phát huy tính sáng tạo trong vũ điệu. Nhờ tổ chức tốt hoạt động này mà đội xoang của các làng đã luôn đổi mới, thể hiện ngày càng hay.

Năm 2022, đội xoang của xã Bok Tới đại diện cho huyện Hoài Ân tham gia lễ hội các dân tộc miền núi tỉnh Bình Định lần thứ XVI tại huyện Vĩnh Thạnh được BTC đánh giá là đội có phong cách biểu diễn ấn tượng…

CÁT KHÁNH

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Trở lại Trung đoàn 739

Tôi có dịp trở lại với Trung đoàn bộ binh 739 vào những ngày nắng tháng Tám… Thấm thoắt đã 10 năm trôi. Đường vào không phải băng qua con đường đất bụi mù…

Trọn tình yêu với đảo xanh

Tôi may mắn có chuyến đi thực tế đến Đại đội Hỗn hợp đảo Cù Lao Xanh lần thứ hai, sau gần 10 năm. Bao cảm xúc thân quen chợt ùa về khi chiếc tàu vừa cập cầu cảng…

Lính đảo

Dường như, tôi có duyên nợ với Đại đội hỗn hợp đảo Cù Lao Xanh đóng quân ở xã Nhơn Châu, nên ngay sau lễ phát động Cuộc thi viết về đề tài LLVT, tôi chọn lính đảo…

Sức trẻ ở đảo tiền tiêu

Sự bất ngờ thú vị nhất của tôi trong chuyến đi này là được “ba cùng” với những người lính Cụ Hồ: cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt…