Trọn tình yêu với đảo xanh

(VNBĐ – Bút ký dự thi). Trong muôn vàn sắc màu của tình yêu, có một thứ tình yêu mang tên Tổ quốc,  nó thật nồng nàn, mãnh liệt và thiết tha. Có những con người mang trong trái tim  mình tình yêu ấy, họ mộc mạc, chân chất, không biết nói lời hoa mĩ nhưng họ dám vượt lên mọi gian khổ, hiểm nguy, sẵn sàng xung kích, đi đầu, góp thanh xuân để giữ gìn vững yên thành đồng Tổ quốc trên biển. Họ lan tỏa năng lượng tích cực đến cho nhiều người dù chỉ được gặp gỡ trong vài giây phút ngắn ngủi. Và tôi nhận ra họ trong những gương mặt dạn dày nắng gió ở Đại đội Hỗn hợp đảo Cù Lao Xanh…

Tận tụy trên mặt trận thầm lặng

Tôi may mắn có chuyến đi thực tế đến Đại đội Hỗn hợp đảo Cù Lao Xanh lần thứ hai, sau gần 10 năm, cũng vào giữa mùa hè bỏng lửa. Bao cảm xúc thân quen chợt ùa về khi chiếc tàu vừa cập cầu cảng đã hiện ra màu áo xanh của các chiến sĩ trong Đại đội ra đón đoàn chúng tôi. Sau 10 năm trở lại, tôi thật sự bỡ ngỡ trước một diện mạo mới của Cù Lao Xanh tươi trẻ và tràn đầy sức sống. Doanh trại của đại đội cũng có nhiều thay đổi, không còn đơn sơ mà được xây dựng thật khang trang, sạch đẹp, nhiều công trình như nhà vòm thanh niên, vườn hoa, bảng tin, hòn non bộ… được thiết kế khá tinh tế và nghệ thuật. Tôi đang loanh quanh hoài niệm chút kí ức xưa thì bắt gặp nụ cười rắn rỏi, thân thiện của thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Văn Thương, người  được anh em trong đơn vị yêu mến tặng cho biệt danh là “thủ kho quân khí đa năng và tận tụy”.

Thiếu tá Lê Văn Thương là người con của xã đảo Nhơn Châu, anh đã có hơn 16 năm công tác và gắn bó tại Đại đội Hỗn hợp đảo Cù Lao Xanh. Sinh ra và lớn lên trên một xã đảo nghèo, khác với phần đông bạn bè hướng chí lập nghiệp đến các thành phố lớn, còn anh vẫn kiên định với ước mơ được gắn bó lâu dài với hòn đảo quê hương trong màu áo lính. Bởi vậy, sau khi tốt nghiệp THPT, anh đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Sau ba tháng huấn luyện chiến sĩ mới, anh được cử đi học thợ sửa chữa pháo phòng không do trường Quân sự Liên khu 5 tổ chức, rồi được phân công về làm thủ kho quân khí của Lữ đoàn phòng không Quân khu 5, đến tháng 9 năm 2005 anh trở thành học viên Trường Cao đẳng kỹ thuật Vinhempic Bộ Quốc phòng. Sau hai năm rưỡi hoàn thành xuất sắc chương trình khóa học, anh được phân công về công tác tại kho K6 của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Định đóng tại núi Bé, thôn Phước An, huyện Tuy Phước, đến tháng 9.2008 thì được điều động về thủ kho quân khí của Đại đội Hỗn hợp đảo Cù Lao Xanh.

Được trở về công tác nơi mình sinh ra và lớn lên, nơi đã từng ấp ủ bao ước mơ cháy bỏng, thiếu tá Lê Văn Thương luôn cố gắng nỗ lực hết mình để đảm bảo an toàn cho hai kho vũ khí lớn của đơn vị. Là dân xã đảo, anh Thương nắm bắt rất rõ đặc điểm hình tình khí hậu, thời tiết khắc nghiệt trên đảo, mưa nắng thất thường, trong không khí luôn có độ nhiễm mặn cao sẽ làm cho hệ thống nhà kho, nhà chứa pháo và các trang thiết bị kỹ thuật mau xuống cấp, gây ảnh hưởng nhất định đến việc đảm bảo thông số kỹ thuật phục vụ cho nhiệm vụ thường xuyên cũng như đột xuất của đơn vị. Hiểu được những khó khăn khách quan, đồng thời cũng nhận thức được giá trị của tất cả các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật đều là mồ hôi, nước mắt và máu xương của Nhân dân nên cần phải được bảo quản và giữ gìn cẩn thận, thiếu tá Lê Văn Thương đã chủ động làm tốt mọi công tác chuẩn bị và thường xuyên kiểm tra số lượng, chất lượng các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật theo yêu cầu nhiệm vụ công tác; hướng dẫn bộ đội bảo quản, bảo dưỡng vũ khí trang bị; tham mưu cho lãnh đạo, chỉ huy trong công tác bảo đảm kỹ thuật; thực hiện nghiêm túc công tác đăng ký, quản lý hệ thống chặt chẽ đến từng chủng loại, kích cỡ, kiểu, loại, để đảm bảo cấp phát, tiếp nhận kịp thời theo mệnh lệnh của cấp trên và của người chỉ huy.

Quán triệt phương châm: “An toàn là sự sống còn của kho quân khí”, thiếu tá Lê Văn Thương luôn tìm tòi những giải pháp bảo đảm an toàn tuyệt đối trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Vào mùa nắng nóng, anh thường xuyên đi kiểm tra các kho vũ khí, phát quang bụi rậm, cây cỏ xung quanh đề phòng việc chập điện, cháy nổ. Khi gặp thời tiết mưa gió, bão lũ thất thường, anh không nề hà nguy hiểm, cùng đơn vị chằng chống kho K1 và K2, bảo quản vũ khí trang bị kỹ thuật được an toàn, góp phần nâng cao chất lượng trong bảo dưỡng vũ khí và thiết bị kỹ thuật. Trong nhiều năm qua, từ các đợt huấn luyện và bắn đạn thật của đơn vị, thiếu tá Lê Văn Thương luôn được Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và các cơ quan chuyên ngành cấp trên đánh giá cao về công tác chuyên môn.

Thiếu tá QNCN Lê Văn Thương (người thứ 2 từ phải sang) hướng dẫn chiến sĩ bảo quản VKTB ngày kỹ thuật. Ảnh: P.L

Cùng với công tác bảo đảm kỹ thuật, thiếu tá Thương còn luôn chú trọng việc nghiên cứu, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Trong những năm qua, anh đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật được Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh công nhận, đồng thời áp dụng hiệu quả vào thực tiễn nhiệm vụ của đơn vị, tiêu biểu như sáng kiến “Thiết bị giao hội điểm nổ Pháo” (năm 2022), “Ống hiệu chỉnh súng B41” (năm 2023). Anh Thương tâm sự: “Khi quan sát huấn luyện kỹ thuật chiến đấu bộ binh, kỹ thuật bắn súng và diễn tập chiến thuật có bắn đạn thật, nhận thấy quá trình hiệu chỉnh súng chống tăng B41 phục vụ bắn đạn thật mất nhiều thời gian, độ chính xác không cao, nhất là vào ban đêm hoặc khi thời tiết xấu tầm nhìn bị hạn chế, khó kiểm tra đường ngắm làm ảnh hưởng đến chất lượng huấn luyện, tôi đã tìm tòi, nghiên cứu, sáng chế ra ống hiệu chỉnh súng B41 khắc phục được những hạn chế trên, góp phần nâng cao hiệu quả trong huấn luyện và diễn tập chiến thuật có bắn đạn thật ở đơn vị”.

Được nghe những câu chuyện về thiếu tá Lê Văn Thương, tôi thật sự mến phục anh không chỉ ở sự tận tụy, nhiệt huyết với công việc, ở bề dày thành tích đã được Bộ CHQS tỉnh và Bộ Quốc phòng tặng nhiều bằng khen, giấy khen khen, mà hơn cả là ở tinh thần trách nhiệm cao, dám xông pha gian khó ở anh. Thượng úy Phùng Đặng Hùng Long, chính trị viên của Đại đội kể lại rằng, trong một lần đơn vị tổ chức bắn đạn thật trên biển, ban đầu biển rất lặng yên, các mục tiêu bắn đã được sắp xếp đúng vị trí nhưng sau đó bất ngờ biển động dữ dội làm xê dịch hoàn toàn các mục tiêu bắn. Thấy sóng to gió lớn không ai dám bơi ra cả. Tình thế rất nguy hiểm nhưng cuộc diễn tập bắn đạn thật của đơn vị cần diễn ra đúng kế hoạch. Vì vậy từ 5 giờ rưỡi, một mình thiếu tá Thương bơi ra điều chỉnh, củng cố lại các mục tiêu, đến 7 giờ sáng thì xong xuôi mọi việc và cuộc diễn tập bắn đạn thật của đơn vị lần ấy đã diễn ra thành công hơn cả mong đợi. Hay trong lần làm cột thu lôi chống sét trên thao trường bắn của đơn vị. Cột cao gần 20m nên ai cũng choáng váng, lúc đó cũng là thiếu tá Thương trèo lên sửa chữa, xong việc mồ hôi túa ra đầm đìa cả bộ quân phục nhưng anh không hề có một lời than phiền nào. Không chỉ xông pha đảm đương công việc trong những lúc đơn vị gặp tình huống khó khăn nhất mà dường như bất kì việc gì có thể làm được cho Đại đội, cho Nhân dân trên địa bàn xã đảo, anh Thương đều rất tích cực. Những công trình xây dựng của đơn vị, nhà để xe, nhà vòm thanh niên hay sửa chữa nhà tình nghĩa, giúp đỡ ngư dân kéo ghe tàu, chằng chống nhà cửa khi có bão lũ, tạo cầu nối gắn kết tình quân dân trên địa bàn…đều có sự đóng góp công sức chủ lực của anh.

Cần mẫn bên bếp nuôi quân

Trong hai ngày ở Đại đội Hỗn hợp đảo Cù Lao Xanh, nơi mang lại cho tôi cảm giác gia đình của lính nhất có lẽ là nhà ăn của đại đội, nó luôn gọn gàng, sạch sẽ và thoáng mát. Các chiến sĩ sau những giờ luyện tập trên thao trường khi bước vào đây đều rất vui vẻ, thoải mái, bao nhiêu nắng nôi, mệt nhọc đều được trút bỏ hết khi họ ngồi vào bàn ăn với cơm dẻo, canh ngọt và nhiều món ngon hợp khẩu vị của mình. “Ở đây cơm chị Thúy nấu luôn là đỉnh nhất”, “Cơm chị Thúy nấu ngon hệt như cơm mẹ em nấu ở nhà á”, có nhiều tiếng cười đùa vui vẻ vang lên khi chị nuôi quân đến từng bàn ân cần hỏi thăm chiến sĩ về các món ăn hôm nay có vừa miệng không. Và chị nuôi quân ấy chính là Đại úy QNCN Nguyễn Thị Thúy, người phụ nữ duy nhất của Đại đội Hỗn hợp đảo Cù Lao Xanh.

Giống như Thiếu tá Lê Văn Thương, Đại úy Nguyễn Thị Thúy cũng là một người con sinh ra và lớn lên trên đảo Cù Lao Xanh này. Ngay từ nhỏ chị đã yêu thiết tha màu xanh áo lính và rồi cơ duyên để chị khoác lên mình màu xanh ấy cũng thật tình cờ. Đó là vào năm 2004, khi đang làm Bí thư xã đoàn thì nghe tin Đại đội tuyển vị trí nuôi quân, chị Thúy đã viết đơn tuyển dụng và rồi may mắn đã mỉm cười với chị. Được hòa nhập vào ngôi nhà lớn của Đại đội, làm công việc nuôi quân mình yêu thích, chị luôn tự nhủ phải dốc hết lòng vì nhiệm vụ, vì sức khỏe của cán bộ và chiến sĩ trong đơn vị. Công việc mỗi ngày của chị Thúy bắt đầu từ 5 giờ sáng, sau khi thức dậy, chị vội vã đến bến chợ chọn mua các loại cá tươi ngon và thực phẩm tươi sống, đảm bảo hợp vệ sinh an toàn thực phẩm đem về đơn vị, rồi tất bật nhóm bếp, chế biến, nấu nướng, chuẩn bị khẩu phần ăn cho cán bộ, chiến sĩ, xong đâu đó lại dọn dẹp bếp ăn gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ. Yêu nghề nuôi quân nên chị chẳng nề hà việc làm dâu trăm họ, biết các chiến sĩ trẻ đến từ nhiều nơi khác nhau, mỗi người có sở thích, khẩu vị riêng, lại lần đầu tiên xa nhà còn nhiều bỡ ngỡ, chưa quen với thực đơn, khẩu phần trong quân đội nên chị Thúy luôn gần gũi tâm sự, lắng nghe ý kiến đóng góp và luôn tìm cách chế biến, cải thiện món ăn phong phú trong ngày sao cho đẹp trên, vừa dưới để bộ đội ngon miệng và ăn hết khẩu phần của mình. Chị tâm sự:“Nghề nuôi quân rất vất vả, suốt ngày quanh quẩn trong khói bếp, mắt mũi cay xè, mồ hôi nhễ nhại. Nhưng mỗi lần nhìn cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị ăn hết khẩu phần, sức khỏe bảo đảm là mình cảm thấy rất vui và quên hết mọi vất vả, mệt nhọc”. Ngoài việc chăm lo cơm nước hằng ngày cho Đại đội, chị Thúy còn lo chủ động dự trữ nguồn thực phẩm thiết yếu cho bếp ăn khi cần. Lớn lên trên xã đảo, chị hiểu rõ sự khắc nghiệt khi mùa mưa bão đến: không một loại cây rau nào có thể sống được dưới cái lạnh của gió và sương muối, ghe thuyền có khi cả tuần liền cũng không thể vào Quy Nhơn mua hàng hóa được. Vì vậy, vào mùa hè khi người dân trên đảo đánh bắt được nhiều cá mực tươi ngon, chị Thúy đã chọn mua về phơi khô và muối mắm, bảo quản trong kho để dành sử dụng khi cần thiết, chị cũng mua đậu xanh về để dành làm giá, chế biến các món ăn thay thế rau xanh, nhờ vậy mà bữa cơm của bộ đội trong ngày đông tháng giá vẫn thơm ngon và đầy đủ dưỡng chất.

Đại úy QNCN Nguyễn Thị Thúy chuẩn bị khẩu phần ăn cho cán bộ, chiến sĩ. Ảnh: P.L

Cần mẫn bên bếp nuôi quân, tình yêu màu xanh áo lính, yêu hòn đảo nhỏ trong chị Thúy cứ lớn dần lên. Năm 2010, sau 6 năm làm nhân viên hợp đồng, chị chính thức được chuyển sang QNCN. Giây phút cầm trên tay bộ đồ quân nhân hằng mong ước, niềm vui đã vỡ òa thành nước mắt. Nhìn sắc phục màu áo, quân hiệu của lực lượng Quân đội Nhân dân được trao, chị Thúy hiểu đó là vinh dự, là niềm tự hào đồng thời cũng là trách nhiệm lớn lao của mình đối với công việc, với dân, với nước. Hai mươi năm bên bếp nuôi quân, Đại úy Nguyễn Thị Thúy luôn đặt trách nhiệm với công việc lên trên hết. Mặc dù hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, chồng đi công tác xa, ở nhà còn có mẹ già và con nhỏ nhưng chị luôn cố gắng thu xếp việc gia đình để lo chu toàn cho những bữa ăn của bộ đội tại đơn vị cũng như lúc hành quân diễn tập, luôn có cơm dẻo, canh ngọt và đầy đủ chất. Có đôi lúc gặp tình huống cấp bách thì việc nhà cũng phải gác lại sau nhiệm vụ của đơn vị. Chị Thúy kể, vào năm 2015, một cơn bão lớn đổ vào đảo Cù Lao Xanh. Lúc đó cán bộ và chiến sĩ của Đại đội được huy động toàn lực ra giúp dân di chuyển vào doanh trại để trú bão. Trong khi đang cùng anh em làm nhiệm vụ, chị Thúy hay tin nhà mình cũng đã bị tốc hết mái, trong nhà còn có mẹ già, ruột gan chị như lửa đốt nhưng vẫn phải cùng anh em trong đơn vị lo giúp dân di chuyển đến nơi trú bão an toàn. Đến gần 10 giờ đêm chị mới về tới nhà mình. Nhìn cảnh mẹ già co ro trong khu nhà vệ sinh, nơi duy nhất của ngôi nhà còn an toàn, chị Thúy chỉ biết nghẹn ngào giấu nước mắt vào trong. Cơn bão lần ấy nhà bếp của Đại đội cũng bị tốc hết mái, chị Thúy lại cùng với các chiến sĩ phải đội mũ bảo hiểm, rọi đèn pin nấu nước chế mì tôm cho dân ăn tạm. Sáng sớm chị lại dậy sớm nấu cơm dưới trời mưa. Bữa cơm chạy bão chỉ có tạm cơm trắng với muối đậu nhưng bà con ai cũng tấm tắc khen ngon. Trải qua hoạn nạn, tình cảm quân dân ngày càng gắn bó bền chặt hơn. Chị Thúy tâm sự, mỗi lần thấy các chiến sĩ đi hành quân, canh gác, hay ra nhà dân xin nước cơm về Đại đội để chăn nuôi, được bà con cho khi thì nải chuối, khi thì gói xôi, gói bánh mang về, chị thấy thật ấm lòng và càng yêu hơn người dân trên đảo nhỏ của mình, yêu hơn công việc nuôi quân.

Vững tay súng sá gì mưa nắng

Đến Cù Lao Xanh, quên đi cái khó chịu của nắng gió khắc nghiệt thì chắc hẳn ai cũng sẽ thấy rất thú vị với biển trời bao la, xanh biếc và bình yên. Nhưng có lẽ không nhiều người biết được rằng giữa nơi ấy có những người lính ngày đêm không ngủ, luôn vững chắc tay súng để canh giữ vùng biển bình yên mặc cho nắng cháy, mưa sa. Và mười năm trước, tôi cũng có cảm xúc như vậy để rồi bùi ngùi, lặng người khi đứng trước những chiếc giường con, những tấm chiếu cũ sờn nằm mong manh dưới mái che trống trải, không một bóng cây trong cái nóng hầm hập của trưa hè như thiêu đốt. Đây là “đại bản doanh” của Khẩu đội súng máy phòng không 12,7mm. Lần ấy chúng tôi không được gặp gỡ, chuyện trò cùng các chiến sĩ trong khẩu đội nên ai cũng cảm thấy luyến tiếc và dường như chuyến đi của mình chưa được trọn vẹn. Lần này trở lại Cù Lao Xanh tôi đã có cơ hội khám phá và lý giải những băn khoăn còn bỏ ngỏ từ nhiều năm trước về người lính đảo trong thời bình.

Sắp vào độ trưa, bóng chưa tròn chân nhưng ánh mặt trời chói chang đã rang nóng con đường dốc dẫn lên trận địa súng máy phòng không. Đi trước tôi là một chiến sĩ trẻ, trên tay xách lỉnh kỉnh những túi cơm canh và nước uống, tấm lưng đã ướt đẫm mồ hôi nhưng vẫn nhoẻn miệng cười tươi rói khi tôi bắt chuyện. Thì ra anh là một chiến sĩ trong khẩu đội SMPK 12,7mm xuống đơn vị nhận cơm mang lên cho anh em. Mỗi ngày ba bận, mỗi bận cả đi lẫn về hơn 3km, đều đặn, thường nhật như vậy bất kể mùa hè nắng cháy hay mùa đông gió táp mưa sa. Nhìn con đường dốc dựng và hành trình đưa cơm mỗi ngày lên trận địa của các chiến sĩ trong khẩu đội SMPK, tôi bất giác liên tưởng đến những cậu ấm cô chiêu, những thanh niên “không chịu lớn” suốt ngày ôm điện thoại và đợi cơm canh bố mẹ dọn sẵn, giữa họ với những người lính ở đây ai mới thật sự đang sống? Ai mới thật sự cảm nhận được hạnh phúc của trải nghiệm và trưởng thành?

Trận địa SMPK 12,7mm của Đại đội Hỗn hợp đảo Cù Lao Xanh nằm độc lập trên một ngọn đồi, cách xa vị trí chỉ huy của đơn vị gần 2km. Tuy là một trận địa nhỏ nhưng vô cùng quan trọng của đảo Cù Lao Xanh. Ở đây, các chiến sĩ trong khẩu đội SMPK luôn trong tình trạng chủ động đối phó với các tình huống về phòng không, kiên quyết không để tình huống bất ngờ trên không, trên biển. Họ vừa luyện tập thao trường, vừa bảo vệ kho vũ khí của đơn vị, đồng thời canh gác phòng không, giữ gìn sự bình yên cho vùng trời, vùng biển, cửa ngõ tiền tiêu của Bình Định.

Các chiến sĩ trong Khẩu đội SMPH 12,7mm đang diễn tập huấn luyện. Ảnh: P.L

Cuộc sống của các chiến sĩ ở đây trải qua muôn vàn khó khăn, thử thách: từ thử thách của thời tiết vô cùng khắc nghiệt “nắng bỏng da, mưa rát mặt”; thử thách của con đường dốc nắng và những bước chân đã mệt lả sau giờ huấn luyện vẫn phải lội bộ xuống đơn vị nhận cơm mang lên khẩu đội; đến thử thách trong những giọt nước khan hiếm sinh hoạt mỗi ngày phải dùng sao cho thật tiết kiệm: mỗi giọt nước vắt khăn, rửa mặt đều phải được dùng đúng vị trí các gốc cây, mỗi xô nước tắm gội, giặt giũ, cũng phải được hứng lại để tưới tiêu, tạo màu xanh cho cảnh quan môi trường. Khó khăn chồng chất vậy, thế nhưng hiện hữu ở nơi trọng yếu của hòn đảo tiền tiêu đầy nắng gió này, hiện hữu quanh nơi ở của khẩu đội SMPK 12,7mm, cây lá vẫn lên xanh và những hàng hoa trấu vẫn bung tỏa sắc tím dịu dàng. Còn các chiến sĩ sau những giờ tập luyện nắng nôi trên thao trường vẫn cười đùa vui vẻ, vẫn trêu ghẹo nhau về những bí mật bị phát hiện trong bức thư chưa kịp gửi, vẫn chia sẻ cùng nhau những dự định sau khi hoàn thành xong nghĩa vụ quân sự. Họ thật trẻ trung và lạc quan, họ cảm nhận về giá trị của cuộc sống thật sâu sắc. Tôi đã thật sự xúc động và được lan tỏa nhiều điều tích cực khi nghe tâm sự của Võ Tuấn Kiệt, khẩu đội trưởng khẩu đội SMPK, Kiệt nói: “Quê em ở Tuy Phước. Em ra đảo đã được tám tháng, ban đầu mới ra đây cũng lạ lẫm lắm, chưa quen với cái nắng gió khắc nghiệt của thời tiết. Có nhiều đêm đứng canh ở vọng gác, giữa bốn bề lặng im, em có thoáng chút nghĩ ngợi… Nhưng rồi khi phóng tầm mắt lên khoảng không gian bầu trời đầy sao và xa xa kia lấp lánh ánh đèn của thuyền bè ngư dân đi đánh cá em lại thấy có động lực. Tinh thần của tuổi trẻ có thể vượt qua tất cả. Được đứng nơi đây canh giữ sự bình yên cho vùng trời, vùng biển quê hương là một niềm vinh dự và tự hào. Tuổi trẻ được cống hiến cho đảo quê hương đáng giá bằng cả cuộc đời”. Kiệt còn cho hay, cuộc sống trong quân ngũ là khoảng thời gian được trải nghiệm nhiều điều mới lạ, có thử thách nhưng được tôi rèn, có gian nan nhưng đầy niềm vui và ý nghĩa. Những bài học và những kinh nghiệm khi làm nhiệm vụ trên hòn đảo này sẽ là hành trang quý giá theo Kiệt suốt cuộc đời.

Gần 48 giờ được đến gặp và thấu hiểu những quân nhân, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên đảo Cù Lao Xanh như Thiếu tá Lê Văn Thương, Đại úy Nguyễn Thị Thúy hay khẩu đội trưởng Võ Tuấn Kiệt và còn nhiều người khác nữa, tôi thấm thía một điều thiêng liêng: khi trong cuộc sống và trong trái tim của người lính có tình yêu thì không một khó khăn, thử thách nào có thể cản trở được họ tận hiến hết mình cho biển đảo quê hương. Và phải chăng sự tận hiến đó đã góp phần làm đổi thay diện mạo mới của một Cù Lao Xanh hôm nay.

Bình minh lên. Cù Lao Xanh tắm mình rực rỡ trong màu nắng mới. Con thuyền gỗ rời bến cầu cảng mang theo những ấn tượng đẹp về người lính đảo trở về đất liền. Cù Lao Xanh dần dần mờ xa. Nhưng trong tâm trí tôi còn hằn in rất rõ hình ảnh những nụ cười rắn rỏi đầy lạc quan của những lính đảo. Và bất chợt cái câu nói: “Tuổi trẻ được cống hiến cho đảo quê hương đáng giá bằng cả cuộc đời” một lần nữa vang lên giữa muôn trùng sóng biếc.

VÕ HẠNH

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Soi trong mắt trẻ…

Bằng tình yêu thương, sự quan tâm chân thành, những người lính đã làm cha, làm mẹ “đỡ đầu”, tạo thêm điểm tựa tinh thần để các trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn vững tin đi về phía trước…

Trở lại Trung đoàn 739

Tôi có dịp trở lại với Trung đoàn bộ binh 739 vào những ngày nắng tháng Tám… Thấm thoắt đã 10 năm trôi. Đường vào không phải băng qua con đường đất bụi mù…