“Nhìn lại một vương triều”: Dấu xưa còn vọng…

(VNBĐ – Nghiên cứu & phê bình). Để bổ sung kịch mục phục vụ khán giả tỉnh nhà trong dịp đầu xuân Giáp Thìn 2024, vừa qua Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định đã tổ chức báo cáo tổng duyệt vở tuồng Nhìn lại một vương triều (tác giả kịch bản: Văn Trọng Hùng; đạo diễn: NSND Hoài Huệ; tác giả chuyển thể: Đoàn Thanh Tâm). Vở diễn được dàn dựng công phu, tái hiện bức tranh lịch sử hơn 600 năm trước, để lại bao vọng âm với những bài học thấm thía cho người xem.

1.

Vở diễn phác họa lại nhân vật Hồ Quý Ly cùng một giai đoạn lịch sử nhiều biến động cuối đời Trần (cuối thế kỷ XIV, đầu XV). Thời bấy giờ, nhà Trần mục ruỗng, vua Trần nhu nhược, kém tài, tham quan lộng hành, nhũng nhiễu chúng dân. Nhà Trần trên đà suy yếu, cả một bộ máy hành chính đã rệu rã, thối nát từ gốc đến ngọn vì quản lý nhân sự lỏng lẻo. Đại Việt lúc bấy giờ ngoài lục đục bên trong, còn phải đối diện với các nước quanh mình đang chực quấy quá, phía Nam có Chiêm Thành, phía Bắc có nhà Minh đang dòm ngó. Trước tình cảnh đó, Hồ Quý Ly khao khát thay đổi cục diện đất nước. Ông là người có tài kinh bang tế thế và tầm nhìn xa trông rộng, tâm huyết xây dựng một dân tộc tự cường, hùng mạnh. Ông có nhiều cải cách tiến bộ như: chữ Nôm thay chữ Hán, tiền giấy thay tiền đồng, giảm điền trang, thái ấp, tổ chức hệ thống thành lũy phòng thủ đất nước… Nhưng do tâm lý nôn nóng, thiếu kế sách tuyên truyền an dân nên ông đã gây bất bình trong Nhân dân; quan đại thần và sĩ phu Đại Việt bất phục, tìm cách phá hoại, dẫn đến đất nước sớm rơi vào tay giặc Minh, nhà Hồ cũng chấm dứt nhanh chóng sau 7 năm trị vì (1400 – 1407).

Hồ Quý Ly là người khá quyết liệt, ông không chấp nhận lối “ngu trung” đã ăn sâu vào nếp nghĩ của bao thế hệ, với ông, đất nước là của muôn dân trăm họ. Ông quan niệm rõ ràng: “Trung với vua là đúng. Nhưng vua phải là bậc minh quân! Còn vua tối tăm mà vẫn trải lòng trung, là tiếp tay cho kẻ hại dân hại nước”. Bởi vậy, tự tay ông đã xé bỏ bức tranh vua ban tặng vì bức tranh mô phỏng lối trung quân mê muội, không phân định rõ phải trái, đúng sai. Một điều dễ nhận thấy từ nhân vật Hồ Quý Ly, ông là người đã dành trọn tâm huyết cho dân, cho nước, mọi chính sách, mọi sự cải cách ông đều hướng đến sự phát triển lâu bền của đất nước, hướng đến ấm no hạnh phúc của muôn dân. Ông có một ý thức dân tộc mãnh liệt, việc ông dùng chữ Nôm thay chữ Hán đã biểu hiện rõ rệt điều ấy, ông khảng khái rằng: “Chữ Hán kia là chữ của người phương Bắc. Ta không chê, nhưng không phải chữ của dân ta. Ta thay bằng chữ Nôm là biểu trưng cho độc lập của nước nhà”.

Cải cách của Hồ Quý Ly cho thấy một tầm nhìn xa. Tiếc rằng, việc ông lên ngôi được xem là không chính danh, bị đại quan và Nho sĩ nhà Trần tìm cách chống đối. Ảnh: P.N

Hồ Quý Ly bản lĩnh vạch ra những khuôn thước cứng nhắc, áp đặt của Nho giáo. Chính những quy củ hình thức, ràng buộc khắt khe đó đã thành trở ngại cho sự phát triển của đất nước, cũng gây nên bao lầm than, ai oán với phận con dân tôi đày. Hồ Quý Ly đã đối chất thẳng thắn cùng các Nho sĩ triều Trần để nêu rõ quan điểm của mình. Ông không chấp nhận kiểu “khuôn vàng thước ngọc” mang tính dạy dỗ nhưng thực chất chỉ là lời hoa mĩ phấn son để che đậy những hành vi trái quấy, những vụ lợi cá nhân bẩn chật. Ông xoáy thẳng vào hiện thực lúc bấy giờ, đanh rắn: “Nói thì đạo nghĩa thánh hiền lải nhải bên tai. Mà việc làm thì như kẻ cắp…”.

Trong lớp tuồng Hồ Quý Ly đối thoại cùng các Nho sĩ triều Trần, ông vạch rõ những điều bất ổn, không còn phù hợp trong Luận ngữ: “Tam cương không phải là quân, sư, phụ. Buộc người ta chỉ biết phục tùng! Ngươi nghe đây: Tam cương là ba giềng mối trong hệ liên trường. Không tách rời nhau được. Là quân thần cương, cốt ở cái NGHĨA. Không phải quân xử thần tử, thần bất tử bất trung! Là Phụ tử cương, cốt ở cái TÌNH. Không phải phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu! Là Phu thê cương, cốt ở cái THUẬN. Không phải phu xướng phụ tùy, chồng nói gì vợ cũng phải nghe!”.

Sự đối lập về hệ tư tưởng, cách nhìn, cùng với xuất thân vốn là người gốc Hoa, không mang dòng máu Trần tộc đã khiến cho Hồ Quý Ly vấp phải những phản ứng gay gắt từ phía quan lại, Nho sĩ triều Trần. Sự đối lập ấy không thể dung hòa, hàn gắn, nhất là sau cuộc binh biến của thượng tướng Trần Khát Chân thất bại, Hồ Quý Ly thẳng tay đàn áp đại quan nhà Trần chống đối mình, đã khiến cho dòng tộc và Nho sĩ triều Trần thêm bất phục, tìm mọi cách chống phá những canh tân đổi mới của Hồ Quý Ly. Nhà Hồ kết thúc trong thời gian ngắn, những cải cách với tầm nhìn xa, đi trước thời đại của Hồ Quý Ly cũng trở nên dang dở bởi thiếu sự chung sức, đồng lòng…

2.

Vở diễn có nhiều lớp kịch hay, như cuộc gặp trong thế giới mị mộng giữa Hồ Quý Ly và Huy Ninh công chúa. Lớp kịch này làm mềm hóa, gia tăng chất trữ tình trong vở diễn, đồng thời khéo léo thể hiện những phần khuất trong tính cách, nội tâm nhân vật. Lớp kịch Hồ Quý Ly đối thoại cùng con trai cả Hồ Nguyên Trừng cũng để lại những ấn tượng sâu sắc với người xem. Hồ Nguyên Trừng là người có tâm, có tài, có phần nổi bật hơn người em Hồ Hán Thương. Hồ Nguyên Trừng không đồng thuận với sự đanh rắn của cha mình khi dùng quyền lực trấn áp quyết liệt quan lại, kẻ sĩ triều Trần chống đối ông. Hồ Nguyên Trừng chú trọng đến lòng dân, đến việc tìm hiểu rõ ngọn ngành vấn đề để có cách giải quyết hợp lý hợp tình. Hồ Nguyên Trừng nhận rõ sức mạnh của lòng dân. Nên, ông đã không ít lần can gián cha mình, nhắc cha về cái gốc rễ để một đất nước phát triển bền chặt – không chỉ cần những quyết sách đúng đắn hợp thời mà còn cần hợp lòng muôn dân trăm họ. Một điểm đáng chú ý khác, là Hồ Nguyên Trừng thể hiện sự trân trọng những rung cảm thẩm mỹ, văn hóa nghệ thuật trong đời sống con người. Đó là thứ bồi đắp sự phong phú tâm hồn, giúp mỗi người có cái nhìn hòa ái, yêu hơn cuộc sống.

Con người không tránh khỏi những chủ quan cảm tính, ngay như Hồ Quý Ly trong quyết định truyền ngôi của mình đã sa vào “lối rãnh” ấy, ông đã nhường ngôi cho Hồ Hán Thương (con của Hồ Quý Ly và Huy Ninh công chúa), người con thứ mà cả ông và công chúa Huy Ninh đều nhận định là kém tài hơn Hồ Nguyên Trừng. Ở triều đại nào cũng vậy, vai trò của người lãnh đạo hết sức quan trọng, nó liên quan trực tiếp đến vận mệnh của một đất nước. Nếu chọn sai, người đầu lãnh không đủ tâm đủ tài, không đủ đức độ thì đất nước ấy lại thêm phen lao đao, suy vi và đứng trước bao nguy cơ sụp đổ.

Vở tuồng Nhìn lại một vương triều không đơn thuần tái hiện lại một phần lịch sử, không chỉ nằm trong phạm vi khắc họa nhân vật đặc biệt Hồ Quý Ly với những công tội trước ánh mắt người đời. Vở tuồng đã khiến người xem phải trầm tư suy ngẫm từ những được/ mất gắn chặt với cuộc đời Hồ Quý Ly. Ở đó, mỗi người trong quan sát, liên tưởng sẽ tìm thấy những bài học đắt giá, thông điệp ý nghĩa mà vở diễn mang lại. Nhìn lại một vương triều đã thêm một vở diễn hay trong pho tuồng của Nhà hát. Tin rằng, vở tuồng này khi công diễn phục vụ Nhân dân sẽ để lại những dấu ấn đậm nét, tạo nhiều cảm xúc với khán giả yêu Tuồng.

PHI NGUYỄN

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thành Bình Định: Đau đáu dấu xưa

Đã in hàng chục đầu sách, nhưng những trang viết của nhà văn Trần Duy Đức luôn nhất quán một dòng chảy về nơi “chôn nhau cắt rốn” An Nhơn…