“Nhặt” đầy túi thương…

(VNBĐ – Đọc sách).

(Đọc tập truyện thiếu nhi nhặt (NXB Kim Đồng, 2023) của Nguyễn Mỹ Nữ)

Tác phẩm mới lần này của nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ mang tên nhặt (NXB Kim Đồng, 2023), nhặt trở thành cảm hứng chủ đạo trong tập truyện. Nhà văn dành tập này cho lứa tuổi thiếu nhi hoa mộng, và cũng gọi tuổi ấu thơ về trong mỗi con người. Thông qua nhân vật cậu bé Tính, nhà văn đưa người đọc đến không gian ký ức – thực tại của một gia đình “Có thể tiền bạc, nhà chúng tôi luôn thiếu nhưng tình cảm chắc chắn là không vậy. Hẳn, rất dư giủ. Những thương yêu và quan tâm, những chăm chút mà các thành viên trong nhà luôn dành cho nhau”.

Nhặt gồm bốn phần chính: nhặt mình, nhặt những người rất thương, nhặt sang hàng xóm, nhặt cả người làng và một phần vĩ thanh: để nhớ. Kết cấu truyện theo kiểu mảnh ghép, ghép lại những bức chân dung, những cuộc đời, những số phận… Tất cả đều nhỏ bé, vặt vãnh, đời thường tạo thành một bức tranh đời sống thấm đẫm yêu thương. Kể ra, đời sống ngồn ngộn những chi tiết, có mà nhặt hoài không hết, cậu bé Tính – nhân vật “tôi” đóng vai trò người kể chuyện – nhặt rất hồn nhiên mà cũng rất chọn lọc, như lời cậu tự nhận: “Tôi vẫn hay thế. Vẫn thường cất giữ những gì nhặt nhạnh được ở khắp nơi, đủ chỗ. Cái quần lửng của tôi có đến sáu cái túi và cái nào cái nấy to đùng, nên tha hồ chứa đựng”. Điểm thú vị của tập truyện này, và cũng nét nhất quán làm nên đặc sắc trong tác phẩm của Nguyễn Mỹ Nữ là những chi tiết, cuộc đời được “nhặt” lấy đều rất thường, theo kiểu “có gì đâu”. Người đọc có thể thấy những nhân vật như bà nội, bố, anh, chị… của Tính như ở quanh đâu đây, sống cùng chúng ta mỗi ngày… Nhưng từ cái “có gì đâu” mà viết thành “có gì”, mà vương vấn, len lỏi, thấm sâu, gọi nhớ gọi thương thì lại là một năng lực, năng lực của nhà văn, của trái tim luôn mở ra đón nhận và đáp lại những ba động của cuộc sống.

Tính chất “không có gì” của nhặt bắt đầu ngay từ cậu bé Tính, một cậu bé rất bình thường, không có gì nổi bật: “chẳng ra ngô ra khoai”, “chúa vụng, đoảng”, “nhìn đâu chết đấy”, “Tôi, không có bất cứ một thứ gì đặc sắc. Học không giỏi và chơi cũng thường”. Nhưng sự bình thường vẫn làm nên cái đa màu của cuộc sống, sự phong phú ẩn vào bên trong Tính khi cậu tự họa mình: “Tôi vẽ lấy một tôi hồi này khi khác”, với đầy những bất chợt: “bất chợt thích này bất chợt thích kia”. Từ chỗ “không có gì” sáng lên cái “có” riêng biệt của cậu, cái “có” của một cậu bé giàu tình cảm, với thế giới nội tâm sâu sắc, “thu” vào bên trong những buồn vui, không để lọt khỏi đôi mắt quan sát tinh tế, tâm hồn rộng mở điều nhỏ nhặt nào của đời sống, mà nhặt lại, nhét căng đầy túi, thật ra là đầy ắp trái tim. Từ đó, qua cái nhìn của Tính, hiện lên bức tranh cũng hết sức đời thường của một gia đình, rộng ra là của làng xóm; thông qua gia đình, làng xóm mà thấy được sự đa dạng văn hóa, số phận của những con người khác nhau, trải dài trong không gian địa lý từ Bắc đến Trung, lưu giữ trong thời gian một gia đình bốn thế hệ. Như thể chuyện bao đời vẫn thế mà độc đáo, riêng biệt. Từ bà nội Tính, đến bố Tính, mẹ Tính, anh chị Tính, hàng xóm… những chân dung người được Tính “nhặt” đầy nâng niu, hiện ra với vẻ đẹp không ai giống ai.

Chẳng hạn, hình ảnh Tính “nhặt” về bà nội là một người bà tùng tiệm, siêng làm, thích đếm tiền, hay chửi, thích uống nước vối… Bà lưu giữ nét văn hóa Bắc từ cách muối dưa cho đến văn hóa ngôn ngữ. “Nắng lưng lửng”, “nhúc nhắc tí tị”, chửi như hát hay “Một ngọn đòng đòng bằng ba đấu thóc, một góc ruộng lúa bằng nuôi cả nhà mày hết năm…”. Bức chân dung bà được vẽ bằng chất liệu đời sống với sự “nhặt” tinh tế, sống động, riêng mà chung, cụ thể mà khái quát, với Tính là “Để nhìn để ngắm, để giữ lại và nghĩ ngợi”, nhất là “Để rồi… thương thêm bà, rất lắm khi”. Cũng như vậy, ấn tượng về bố “đích thị là con trai của bu”, đằng sau vẻ nghiêm lạnh là một người con hiếu thảo tự mình cắt móng tay, cắt tóc cho mẹ, một người chồng, người cha giàu trách nhiệm đầy lo toan. Theo sự “nhặt” của Tính, cậu lưu giữ được được những cảnh tượng đời thường mà hiếm có, nếu vô tâm rất dễ bỏ qua khi bố cắt tóc cho bà: “Bố vốn chẳng khéo tay một tẹo nào nên mái tóc bum bê của bà hôm tròn, hôm méo, hôm thẳng, hôm vênh. Cả cách bố cúi xuống sát bà hỏi han, pha trò. Cái cách bố méo miệng, xắp xắp lưỡi kéo ngang, dọc, xuống, lên. Rồi bà khi ngửng đầu cười giơ lợi. Khi hất tung mái tóc bạc trắng và lưa thưa”. Để lưu giữ lại những ký ức thơm hương ấy, phải yêu thương nhiều, thật nhiều. Trong nhặt, cậu bé Tính đã lưu lại ký ức về người thân và mọi người xung quanh theo cách như vậy, nên những chi tiết tưởng bình thường mà đẹp đến nao lòng rải dài trên những trang giấy. Tính “nhặt” để thêm hiểu và yêu thương, mà người đọc cũng tự mình như “nhặt” được một điều gì.

Tập truyện nhặt thể hiện được đầy đủ vẻ đẹp riêng trong văn chương Nguyễn Mỹ Nữ, từ cách lựa chọn, xử lý đề tài, đến chọn lọc chi tiết, ngôn ngữ, văn phong… Chị vẫn ưu ái cho cái đời thường – cái đời thường làm nên đời sống – thông qua một cậu bé bình thường mà triển khai rộng ra khỏi phạm vi một cá nhân, một gia đình bức chân dung thời đại và văn hóa. Vẫn là những chi tiết nhỏ mà “đắt” nói lên bản chất sự vật, sự việc, con người, cách dùng từ, đặt câu gọn, chuẩn xác, tinh tế rất riêng cùng những thông điệp giàu nhân văn. Đọc truyện Nguyễn Mỹ Nữ, người đọc ngỡ không có gì phải vội vàng, gấp gáp, nóng lòng đuổi theo tình tiết cốt truyện kiểu “muốn biết hồi sau thế nào”, vì chị không hướng người đọc về phía ấy. Đọc nhặt, cứ chậm rãi, nhấn nhá thưởng thức cái dư vị lắng đọng của từng trang văn, để thêm yêu thương cuộc sống lấm láp bình dị. Nguyễn Mỹ Nữ luôn có khả năng làm người đọc lay động bởi giọng văn cũng như cách nhìn đời, nhìn người đầy nhân hậu, giữa rất nhiều tốt xấu, chị lưu giữ, “nhặt” những điều nhân ái, nói như Tính thì: “Tôi chả dại gì để nhặt hết tất cả”, khi có những thứ “không đáng gì và chẳng thiết”.

Tác phẩm nhặt viết cho thiếu nhi những câu chuyện tưởng không có gì, từ góc nhìn của một đứa trẻ “không có gì”. Thật ra, thời chúng ta đang sống không thiếu những đứa trẻ xuất sắc, thông minh, trội bật, lại có cảm giác “thiêu thiếu” một đứa trẻ “không có gì” ngoài những yêu thương và cảm thông như Tính. Vừa hay, truyện của Nguyễn Mỹ Nữ đã góp vào bức chân dung văn học thiếu nhi chỗ còn “thiêu thiếu” ấy. Mỗi mảnh ghép của truyện đều khép lại bằng thông điệp về sự thấu hiểu, yêu thương: “hiểu thêm những lo toan của bố cho gia đình, để biết thêm tình thương bố dành cho tôi”, “Sướng thật. Khi có mẹ ở trong nhà. Và sướng thật! Khi mỗi ngày qua, nhặt nhạnh lại tất cả những lo toan, vun vén, thương yêu, chăm chút của mẹ”… Mỗi đứa trẻ có một gia đình, dù thiếu thốn hay đủ đầy, toàn vẹn hay khiếm khuyết… vẫn cần lắm những thấu hiểu, yêu thương ấy. Một số trang của nhặt mang lại cảm giác hơi “người lớn” trong cách quan sát, nhìn nhận, nhưng có lẽ cũng nuôi dưỡng tâm hồn những đứa trẻ lớn lên, trưởng thành. Ở một phương diện khác, nhặt gọi về ký ức tuổi thơ trong mỗi con người, soi vào thế giới của nhặt có lúc nhận ra mình vẫn còn là đứa trẻ. Vì vậy, đối tượng hướng đến của tác phẩm rộng mở vô cùng.

THẠCH LỰU

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thành Bình Định: Đau đáu dấu xưa

Đã in hàng chục đầu sách, nhưng những trang viết của nhà văn Trần Duy Đức luôn nhất quán một dòng chảy về nơi “chôn nhau cắt rốn” An Nhơn…