Nhận diện và bảo tồn, phát huy giá trị của hệ thống di sản tư liệu Hán Nôm Bình Định

(VNBĐ – Nghiên cứu & Phê bình).

1.

Tư liệu Hán Nôm là hệ thống những văn bản gốc có liên quan đến những vấn đề xã hội, văn hóa, văn học và kể cả hành trạng các nhân vật, danh nhân lịch sử. Nó là căn cứ để khảo cứu về tư tưởng và quá trình hình thành và phát triển của một vùng miền cụ thể. Trong xu hướng bảo tồn và phát huy giá trị của hệ thống di sản, trong đó có di sản tư liệu, việc thiết lập và nghiên cứu, giải mã hồ sơ lưu trữ Hán Nôm là một việc làm cần quan tâm và có kế hoạch cụ thể, nhanh chóng. So với nhiều địa phương khác, Bình Định là vùng địa văn hóa giàu bản sắc, là địa phương có sự lưu chuyển của 03 dòng văn hóa chủ lưu: Việt – Chăm và Hoa. Hệ thống tư liệu thể hiện quá trình đó được trải rộng trên nhiều phương diện. Việc nhận diện và đưa vào quy hoạch, xây dựng dự án sưu tầm, biên dịch, công bố nội dung và phát huy giá trị văn hóa của hệ thống tư liệu này là một việc làm vô cùng cần thiết và cấp bách.

2.

Từ góc độ văn hiến học, di sản tư liệu Hán Nôm Bình Định bao gồm nhiều loại hình khác nhau: Trước hết là hệ thống văn bia, hoành phi, câu đối đại tự tại các công trình kiến trúc tôn giáo, lăng mộ hoặc các “văn bản Hán Nôm” trên các vật dụng trong nghi lễ tôn giáo, trang trí tại các cơ sở tôn giáo; Thứ đến là các văn bản chữ Hán, chữ Nôm liên quan đến các vấn đề chính trị, văn hóa, xã hội, danh nhân, danh thần, tộc họ ở Bình Định như: Sắc phong, chế phong, văn bản, gia phả, tộc phả, thần phả, thần tích,…; Tiếp theo là những tác phẩm văn học Hán Nôm của các danh gia tại Bình Định như: kịch bản Tuồng, diễn ca lịch sử, thi tập, đối liên và cuối cùng là hồ sơ nghiên cứu đánh giá về các vấn đề liên quan đến Bình Định được biên chép trong các bộ sử thư của các triều đại phong kiến Việt Nam. Những nguồn tư liệu được xác định trên là những căn cứ quan trọng để tiến hành xây dựng các hồ sơ bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa ở Bình Định như tín ngưỡng thờ danh nhân, tín ngưỡng thờ chư thần, nghệ thuật diễn xướng Tuồng (hát Bội), bả trạo,… và cũng là cơ sở khoa học để tiến hành phục dựng, bảo tồn các di sản kiến trúc như Thành Hoàng đế, Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt, các di tích liên quan đến văn hóa Chăm, văn hóa người Hoa ở Bình Định…

3.

Hiện nay, sự nỗ lực của các đơn vị chuyên môn, nhóm nghiên cứu vẫn chỉ dừng lại ở những kế hoạch mang tính thời vụ, đề tài nhỏ lẻ chưa có sự đồng bộ, kế thừa và mang tính toàn diện. Do đó, khả năng bảo tồn và phát huy chưa thực sự hiệu quả đã góp phần làm gia tăng nguy cơ mai một, xâm hại hoặc chỉ được lưu giữ trong kho và đi vào quên lãng theo thời gian. Bên cạnh đó, việc biên phiên dịch và công bố các tài liệu Hán Nôm này cũng còn khá khó khăn do chưa có môi trường khoa học, hoạt động nghiên cứu theo các chủ đề liên quan trong giới nghiên cứu tại Bình Định.

4.

Thông qua việc nhận diện trên, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị của di sản tư liệu ở Bình Định như sau:

Một là, tỉnh Bình Định cần có chủ trương và dự án tổ chức sưu tầm, kiểm đếm tư liệu Hán Nôm về/ liên quan đến Bình Định và giao cho Trung tâm lưu trữ lịch sử hoặc Bảo tàng Bình Định thực hiện nhiệm vụ trên.

Hai là, xây dựng chương trình đào tạo và ký hợp đồng chuyên môn với đội ngũ chuyên gia có trình độ/ hiểu biết về Hán Nôm để tổ chức biên phiên dịch, in ấn thành các ấn phẩm tư liệu Hán Nôm liên quan đến địa phương.

Ba là, triển khai các đề án nghiên cứu như: Tư liệu Hán Nôm Phật giáo Bình Định, Tư liệu Hán Nôm Công giáo Bình Định, Tư liệu văn hóa người Hoa, Tư liệu Hán Nôm về văn hóa Chăm, Tư liệu Hán Nôm thời Tây Sơn, Bình Định qua Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam thực lục, Châu bản triều Nguyễn và các tư liệu địa chí Hán văn khác như: Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, Đại Nam nhất thống chí, Hải ngoại kỷ sự,… Bên cạnh đó, việc xây dựng hồ sơ Hán Nôm đối với các danh nhân Bình Định cũng là nội dung đáng quan tâm thực hiện như: Hồ sơ tư liệu Hán Nôm về Đào Tấn, Nguyễn Diêu, Mai Xuân Thưởng, Đào Phan Duân, Võ Tánh – Ngô Tùng Châu, Đặng Đức Siêu, Đặng Đức Tuấn,…

Thuyết minh, hướng dẫn du khách tham quan Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền thờ Tây Sơn tam kiệt. Ảnh: H.N

Bốn là, xây dựng chính sách khen thưởng, khuyến khích hoặc liên kết với các cá nhân, nhà sưu tầm, dòng họ trong việc trao tặng, chuyển giao các tư liệu Hán Nôm và tập hợp thành các phòng tư liệu nghiên cứu lưu trữ tại các cơ quan có trách nhiệm chuyên môn. Khuyến khích các nhà nghiên cứu độc lập tham gia vào các chương trình nghiên cứu nhằm tạo sự đồng thuận trong tiếng nói khoa học và chuyên môn sâu tùy theo từng lĩnh vực cụ thể.

Năm là, chính quyền cần có phương án số hóa hệ thống tư liệu Hán Nôm Bình Định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao, công bố, phổ biến và khai thác vì mục đích cộng đồng hệ thống tư liệu này một cách hiệu quả, thiết thực trong bối cảnh chuyển đổi số và toàn cầu hóa.

5.

Câu chuyện nhận diện và bảo tồn hệ thống tư liệu Hán Nôm không chỉ là trách nhiệm chuyên môn mà còn là cả một hành trình dài, cam go, phức tạp và cần có sự đầu tư, quan tâm đúng mức. Những nỗ lực của ngày hôm nay sẽ là hoa quả ngày sau mà con cháu sẽ được thụ hưởng. Sức lan tỏa của các hoạt động nêu trên sẽ góp phần khẳng định sức hấp dẫn của vùng địa văn hóa Bình Định trong kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của Việt Nam hiện nay.

TS VÕ MINH HẢI

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Tóc có còn đau

Viết về người phụ nữ biết vượt qua số phận, Trương Công Tưởng đã chọn một tín hiệu nghệ thuật riêng biệt để thi triển tứ thơ. Chân dung “người chải tóc” cứ dần lộ diện theo chuyển động…

Xin đau thương từ nay khép lại…

Chim én bay của nhà văn Nguyễn Trí Huân xuất bản lần đầu năm 1988, gần đây, tôi mới có duyên đọc hết tác phẩm này. Gần 200 trang với một sức nén về ngôn ngữ và cảm xúc…