Nhà soạn Tuồng vĩ đại Nguyễn Diêu “Xoay non nước lại mà chơi với đời”

(VNBĐ – Nghiên cứu & Phê bình). Sinh thời, sau khi Nguyễn Diêu mất, Đào Tấn đã có hai bài thơ viết về người thầy vĩ đại của mình, đều rất sâu nặng nghĩa tình.

Bài thứ nhất mang tên Sơ thu vãng yết nghiệp sư Nhơn Ân Nguyễn tiên sinh sơn phần cảm thuật (Viết trong dịp đầu thu đi viếng mộ Nghiệp sư Nhơn Ân, Nguyễn tiên sinh): Thu khí bán sơn hoàn mộ cổ/ Xuân phong nhất nguyệt ức tiên sinh/ Càn khôn nộn tán qui lai vãng/ Không phụ ngô sư hối nhữ tình. Dịch nghĩa là: Khí thu lưng chừng núi tỏa xuống ngôi mộ cổ/ Nhớ thầy một vầng trăng giữa gió xuân/ Thời thế đã đảo lộn rồi mà ta thì về chậm/ Lòng rất hối hận vì đã không làm được những lời thầy dạy bảo.

Bài thứ hai là Quá phỏng Kỳ Sơn Đặng gia trang ức thiếu thời độc thư xứ ngẫu chiếm (Viết trong lần qua Kỳ Sơn thăm nhà họ Đặng nhớ thủa thiếu thời đi học ở đây): Quyên điểu tà phi phản cố lâm/ Mỗ khâu mộ thụ phí tương tầm/ Ngẫu qua bình nhật học ngữ xứ/ Vong khước cao tường thiên lý tâm. Dịch nghĩa là: Chim quyên mỏi cánh trở về rừng cũ/ Bay liệng tìm chi cho uổng công giữa các gò đống/ Tình cờ ghé qua nơi xưa từng học chữ/ Còn đâu cái mộng bay xa ngàn dặm.

Cả hai bài thơ này đều viết trong hai dịp Đào Tấn trở lại làng Kỳ Sơn, ngôi làng mang tên dãy núi Kỳ Sơn của huyện Tuy Phước, thuộc xã Phước Sơn. Ngôi làng này giáp giới với làng Nhơn Ân, xã Phước Thuận, quê hương của Nguyễn Diêu. Đây là nơi Nguyễn Diêu đến sống những năm cuối đời, ngôi mộ của Nguyễn Diêu được chôn trên một gò cao giữa làng Kỳ Sơn. Làng Kỳ Sơn cũng là nơi Nguyễn Diêu đã dạy Đào Tấn học chữ và học nghề viết tuồng.

Hai bài thơ cho thấy nghĩa tình sâu nặng của hai thầy trò. Hai câu kết của hai bài thơ (Không phụ ngô sư hối nhữ tìnhVong khước cao tường thiên lý tâm) cho thấy Đào Tấn đặc biệt kính trọng người thầy đầu tiên, cũng là người thầy lớn nhất của mình trong đời, về cái tài cái tâm và khát vọng vươn xa ngàn dặm của thầy mà dù đã trọn đời phấn đấu, Đào Tấn rất ân hận vì đã không thực hiện được tất cả những điều thầy dạy bảo và kỳ vọng. Không phải ngẫu nhiên mà người được coi là bậc Hậu tổ của nghệ thuật tuồng viết thế. Bởi thầy Nguyễn Diêu là người đã khai sáng nên một thời đại rất đáng tự hào của nghệ thuật tuồng mà Đào Tấn là người kế tục xuất sắc.

Nguyễn Diêu còn có tên hiệu là Quỳnh Phủ sinh năm 1822 và mất năm 1880. Không ai biết rõ ngày sinh của ông, chỉ biết chắc chắn rằng ngày giỗ của Nguyễn Diêu là ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch hàng năm. Nguyễn Diêu sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Phước Thuận. Không có tài liệu cho biết Nguyễn Diêu học thầy nào ở đâu nhưng nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn (Trong cuốn sách Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu – Ông đồ nghệ sĩ – NXB Sân khấu 2011) cho biết chắc chắn ngày giỗ đó và cũng cho biết chắc chắn rằng Nguyễn Diêu đỗ tú tài khoa Canh Thân năm Tự Đức thứ 13, tức năm 1860, tại Trường thi Bình Định. Theo lịch sử khoa cử Việt Nam, từ thời Gia Long đến Thiệu Trị, sĩ tử các tỉnh từ Đèo Cả trở ra thi ở Trường Thừa Thiên, từ Đèo Cả trở vào thi ở Trường Gia Định. Đến năm Canh Tuất (1850), Tự Đức thứ 3, mới bắt đầu thành lập Trường thi Bình Định để nhận thí sinh các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Về sau, Trường Bình Định còn nhận thêm thí sinh của tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận. Năm Nhâm Tý (1852), Tự Đức thứ 5, Trường Bình Định mở khoa thi đầu tiên.

Bởi Nguyễn Diêu đỗ tú tài nên người ta hay gọi ông là ông Tú Nhơn Ân theo tên làng quê và bằng cấp học hành của ông.

Khác với Đào Tấn, người đỗ đạt hơn và đã làm quan suốt 30 năm đến các ngôi vị nhất phẩm, nhị phẩm triều đình, người thầy dạy chữ và dạy nghề tuồng của ông, thầy Nguyễn Diêu, tuy nổi tiếng từ thời trẻ là hay chữ ở đất Bình Định nhưng học tài thi phận, mấy lần thi mà chỉ đỗ cao nhất tấm bằng tú tài đó rồi mang nặng trong lòng một nỗi ân hận về mối tình chốn quê hương nên trọn đời Nguyễn Diêu chỉ ở lại quê hương Tuy Phước để làm một ông giáo làng.

Ông giáo làng Nguyễn Diêu đã viết khá nhiều thơ nói về phận người lẽ đời rất chân thật và hàm súc. Bài Hàn sĩ vịnh, một bài phú tuyệt hay có thể nói là bài tự vịnh về cái nghèo của chính ông: Gạo Tử Lộ thiếu sau thiếu trước, tháng ngày thêm hô quí hô canh/ Áo Tô Tần manh rách manh lành, than phận những lỡ đinh lỡ bính. Từ thân phận mình ông ngẫm ra thói đời về sự giàu – nghèo muôn thuở: Nghèo giữa chợ không ai han hỏi/ Giàu trong rừng nhiều kẻ viếng thăm và Thấy kẻ khó buông lời châm chích, nghĩ đời này hơn thiệt mà chi/ Nghe người giàu đem dạ yêu vì, nghĩ thế sự tiền tài là quyến trọng. Tuy vậy, bài phú cùng cho thấy giàu chưa chắc không ít rủi ro và nghèo khó lam lũ nhiều khi lại may mắn: Suy cổ tích đã từng ngó thấy, cũng nhiều người lam lũ dễ không/ Sợ chi mà năn nỉ đêm đông, của phi nghĩa như ngọn đèn thổi tắt. Và tác giả đã lên tiếng cảnh báo những kẻ giàu có bất lương và khích lệ những người nghèo khó mà lương thiện: Lưới trời giăng lồng lộng trước sau, tuy thưa thớt mảnh lông không lọt/ Mắt thần ngó ngời ngời như chớp, thiệt rạng soi nhà tối không lầm.

Trong nhiều bài thơ khác, Nguyễn Diêu cũng cho thấy quan niệm sống ung dung tự tại trong nghèo khó thanh sạch của mình: Lạnh tanh đôi mắt nhắm công hầu. Từ sự khinh bạc công danh sự nghiệp ấy, ông cho thấy sự lựa chọn của mình về một lối sống: Chùa chiền vui thú là thanh tịnh/ Hà tất vinh thân vạn bộ hầu. Ông tự hào với lối sống: Cơm lạt cũng vừa no một bụng/ Áo hoa vui đặng mấy ngàn niên. Và ông bình tâm trong “Cõi tiên” của riêng mình: Nghêu ngao vui thú yên hà/ Sớm vào cõi thánh, tối ra non thần/ Trải qua mấy hội phong vân/ Tay nâng bầu cúc, chân lần đám mây. Và trong cái “cõi tiên” ấy ông được tự do: Ngửa nghiêng thanh cảnh trong vơi/ Xoay non nước lại mà chơi với người/ Thênh thang chiếu đất màn trời.

Theo tôi, cái cõi mà ông đồ Nguyễn Diêu nói trong bài thơ Cõi tiên trên, nơi ông được “Sớm vào cõi thánh, tối ra non thần” hay được “Xoay non nước lại mà chơi với đời” chính là “cõi hát bội”, “cõi tuồng”, cái cõi “Thênh thang chiếu đất màn trời” của nhà soạn tuồng Tú Nhơn Ân lừng danh.

“Xoay non nước lại mà chơi với đời” là câu thơ tuyệt hay nói về quan niệm và khát vọng sáng tạo tuồng của Nguyễn Diêu. Thật kỳ diệu khi ông đồ nghèo trọn đời sống trong hai cái làng nhỏ bên dãy núi nhỏ Kỳ Sơn ở cái huyện khuất sau hai cái thành lớn Quy Nhơn và An Nhơn, lại có khát vọng “dời non lấp biển” như thế trong văn chương nghệ thuật. Khát vọng ấy ông thừa biết mình sẽ không thực hiện được trong đời nhưng chắc chắn sẽ thực hiện trong nghệ thuật tuồng. Chính quan niệm, khát vọng hơn người ấy đã biến ông đồ nhà quê Nguyễn Diêu thành nhà soạn tuồng vĩ đại, tác giả của 3 kiệt tác tuồng và là người thầy của một Đào Tấn cũng vĩ đại không kém.

Nguyễn Diêu là tác giả tuồng có tên đầu tiên trong lịch sử nghệ thuật Tuồng. Trước ông dù tuồng có đến hàng trăm kịch bản trong đó có những vở được coi là kiệt tác của sân khấu Việt Nam như Tam nữ đồ vương, Sơn Hậu hay Nghêu Sò Ốc Hến nhưng đều khuyết danh tác giả. Riêng vở Sơn Hậu có người nói là của Đào Duy Từ nhưng chỉ là phỏng đoán. Các tài liệu chính thức về danh nhân toàn năng Đào Duy Từ đều không nói đến điều này. Vở tuồng nổi tiếng đầu tiên mang tên tuổi Nguyễn Diêu lúc đó thường được gọi là ông Tú Nhơn Ân đến với khán giả là vở tuồng ba hồi Ngũ hổ bình Liêu hay còn gọi là Ngũ hổ bình Tây. Từ khi ra đời cho đến trước năm 1954, đây là vở tuồng có sức phổ biến sâu rộng nhất ở miền Trung và Nam bộ. Sau năm 1954, bắt đầu được phổ biến ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc. Nguyễn Diêu còn là tác giả của các vở tuồng khác: Võ Tam Tư chém cáo hay Tiết Giao đoạt ngọc, Liệu đố (Chữa bệnh ghen). Cùng với Ngũ hổ bình Liêu, đây là ba vở tuồng rất xuất sắc của Nguyễn Diêu trong đó hai vở Ngũ hổ bình LiêuVõ Tam Tư chém cáo được coi là hai kiệt tác của nghệ thuật tuồng và sân khấu Việt Nam, riêng Võ Tam Tư chém cáo được đánh giá là kiệt tác ở tầm thế giới.

Nguyễn Diêu còn là tác giả của vở tuồng Bả Trạo ông đã sáng tạo trên cơ sở của một điệu hát múa bả trạo dân gian.

Hát múa bả trạo là loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian, mang tính nghi lễ của ngư dân ven biển, thường được tổ chức trong lễ hội Nghinh Ông (còn gọi là lễ hội Cầu Ngư). Tất cả các vạn chài ở Bình Định nói riêng, duyên hải Nam Trung bộ nói chung đều có bả trạo. Bả trạo nghĩa là nắm chắc tay chèo. Để góp phần cho lễ trọng cúng vị thần đem may mắn đến cho ngư dân, thần Nam Hải (Cá voi), của làng chài Nhơn Ân quê ông, Nguyễn Diêu đã soạn tuồng Bả Trạo. Đây là một vở tuồng như một hoạt cảnh hát múa đậm chất ước lệ; diễn ra trên một chiếc thuyền trong một chuyến đi biển, vượt qua bão tố, hoạn nạn để bình yên trở về. Vở tuồng có tính nghi lễ này hiện vẫn được các vạn chài ven biển miền Trung biểu diễn trên thuyền trong lễ hội Nghinh Ông.

Ngoài 4 vở tuồng trên, một số nhà nghiên cứu cho rằng Nguyễn Diêu còn là tác giả của các vở khác như Văn vệ quốc, Nhất tiễn song điêu, Tinh Trung tứ khúc, Dương Châu tuẫn quốc. Tuy vậy các tác phẩm này chưa tìm thấy kịch bản gốc và còn nhiều tồn nghi.

Nhưng chỉ cần 4 vở tuồng trên, theo nhà nghiên cứu Mịch Quang, bên cạnh việc mở đầu giai đoạn tuồng hữu danh, Nguyễn Diêu đã mở đầu một thời đại mới trong nghệ thuật Tuồng, là thời đại “tuồng thơ” thay cho thời đại “tuồng văn vần” kéo dài rất lâu trước đó. Chỗ đặc biệt của “tuồng thơ” là ở chỗ tính văn học cao hơn nhiều và nó không dừng lại ở “sự kiện đối thoại”, mà tìm tòi phát huy từ “sự kiện đối thoại”, sử dụng thơ để khám phá tâm trạng bên trong của nhân vật, sáng tạo nên những “độc thoại trữ tình”, làm say mê khán giả.

Ngoài việc mở đầu thời đại “tuồng thơ”, Nguyễn Diêu cũng là người chấm dứt thời đại tuồng đề tài “quân quốc” để bắt đầu thời đại tuồng “thế sự, tình người” với các vở tuồng đều về tình yêu, sự phản trắc, lòng ghen tuông của con người. Nguyễn Diêu cũng là người mở đầu thời đại tuồng một hồi thay cho thời đại tuồng pho nhiều hồi với hai vở tuồng một hồi Võ Tam Tư chém cáoLiệu đố. Nguyễn Diêu cũng mở đầu giai đoạn giảm tỷ lệ chữ Hán đến mức có thể, tăng cường chữ Nôm, cho phương ngữ vào Tuồng tạo nên những lớp tuồng thuần Việt và “đặc Bình Định” trong tất cả các tác phẩm của mình. Những gì mà Nguyễn Diêu mở đầu đã được học trò Đào Tấn kế tục một cách xuất sắc để cùng thầy của mình tạo nên một thời đại đỉnh cao của nghệ thuật Tuồng kéo dài từ giữa thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20.

Trước đây, trong một thời gian rất dài, gần như chúng ta chỉ biết chắc chắn Nguyễn Diêu là tác giả của vở tuồng Ngũ hồ bình Liêu, nhờ công lao sưu tầm nghiên cứu của nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn mà kết quả là công trình nghiên cứu sưu tầm Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu – ông đồ nghệ sĩ (Nhà xuất bản Sân khấu, 2011), khẳng định ông còn là tác giả của hai vở tuồng Võ Tam Tư chém cáoLiệu đố đã giúp hoàn thiện chân dung nghệ thuật của Nguyễn Diêu như một nhà soạn tuồng vào loại lớn nhất của đất nước. Công trình của Vũ Ngọc Liễn còn công bố đầy đủ văn bản 3 vở tuồng tiêu biểu của Nguyễn Diêu với phần khảo dị, hiệu đính công phu.

Ngay sau cuốn sách của Vũ Ngọc Liên được công bố, năm 2012, tại thành phố Quy Nhơn, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức một hội thảo quốc gia mang tên Nhà soạn tuồng kiệt xuất Nguyễn Diêu tập trung hàng trăm trí thức văn nghệ sĩ nhà hoạt động sân khấu hàng đầu đất nước với hơn 50 tham luận đã khẳng định tầm vóc lớn lao của “Ông đồ nghệ sĩ” Nguyễn Diêu trong nền sân khấu Việt Nam và thế giới. Tên của Nguyễn Diêu đã được đặt cho một số đường phố và trường học ở huyện Tuy Phước và thành phố Quy Nhơn.

NGUYỄN THẾ KHOA

(Văn nghệ Bình Định Xuân Tân Sửu 2021)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Xin đau thương từ nay khép lại…

Chim én bay của nhà văn Nguyễn Trí Huân xuất bản lần đầu năm 1988, gần đây, tôi mới có duyên đọc hết tác phẩm này. Gần 200 trang với một sức nén về ngôn ngữ và cảm xúc…

Động Cườm – di tích văn hóa Sa Huỳnh

Động Cườm là một cồn cát chạy dọc ven biển của thôn Tăng Long 2 thuộc phường Tam Quan Nam. Vùng này xưa kia có thể nằm trong vùng biển cổ nối liền từ mũi Sa Huỳnh đến Bắc Bình Định…

Tour La Vuông: Một sản phẩm công nghiệp văn hóa

Thị xã Hoài Nhơn đang chọn La Vuông để xây dựng, phát triển điểm du lịch sinh thái văn hóa và nghỉ dưỡng – một sản phẩm công nghiệp văn hóa. Đây là một nơi có địa hình và khí hậu lý tưởng…

Một vùng đất vừa hiện hữu vừa huyền thoại

Dừa không lá của Cao Duy Thảo là câu chuyện về chiến tranh xứ dừa, một khắc họa vô thanh kỳ ảo. Bài thơ không có cái ầm ào sôi réo đạn bom, chỉ bắt đầu bằng sự mềm mại đến thắt lòng…