Người phụ nữ trong thơ Quang Dũng

(VNBĐ – Nghiên cứu – Phê bình). Nói đến Quang Dũng, một gương mặt tiêu biểu của thơ ca hiện đại Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp, các nhà nghiên cứu thường luận bàn đến nội dung tư tưởng và nghệ thuật làm nên phong cách thơ độc đáo của Quang Dũng qua các bài thơ nổi tiếng với giọng sử thi đầy chất bi tráng đã trở thành những tượng đài thi ca trong tâm thức người đọc như Tây Tiến, Mắt người Sơn Tây, Quán nước, Đôi bờ… Ít nhà nghiên cứu quan tâm đến việc giải mã tâm thức văn hóa Việt, một phẩm tính làm nên hồn thơ Quang Dũng, trong đó việc khắc họa hình ảnh người phụ nữ là một trong những thành công của thơ ông.

Đọc thơ Quang Dũng, biểu tượng văn hóa Việt hiện hữu trong thơ ông không chỉ thể hiện qua không gian văn hóa của một làng quê mang sắc màu của nền văn minh nông nghiệp với dòng sông, giếng nước, ao bèo, hoa trái, làn điệu dân ca mà còn hiện hữu qua hình ảnh con người kết tinh những mỹ cảm văn hóa đã đi vào văn chương như những tinh tú trên bầu trời văn hóa Việt. Đó là hình ảnh “Cô hàng xén” hiện lên trong thơ Quang Dũng khá tinh tế như một biểu tượng cho vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam:

Những gánh hàng xén bồ căng
Má hồng thôn nữ
Thoảng mùi thơm quê mùa
Hơi thở ấm trầu răng đen rưng rức
Mẹ già nón nhẹ bay tua
Tu hú tu hú
Mùa vải ven bờ
Nơi quê hương trời xưa ấu thơ
Mái tóc em vừa vương hương bưởi
Chân nhẹ nhàng còn dính phấn hoa
Thôn nào cô mới đi qua
Gà vừa gáy sáng
Thắt lưng đào bên sông im lặng
Kĩu kịt đôi bờ.
(Những cô hàng xén).

Vẻ đẹp văn hóa của người phụ nữ qua hình ảnh cô hàng xén hiện lên trong thơ Quang Dũng, không chỉ có vẻ đẹp ngoại hình trang nhã lịch thiệp, vốn là phẩm tính của người phụ nữ Việt mà còn có vẻ đẹp tâm hồn được nuôi dưỡng bằng những giá trị của văn hóa dân tộc qua những truyện nôm mang sắc màu liêu trai như: Nhị Độ Mai, Phạm Công Cúc Hoa, Truyện Kiều và những chuyện huyền thoại trong vườn cổ tích với: Thạch Sanh, Trê Cóc. Và đây cũng là biểu hiện của dấu ấn tâm thức văn hóa Việt trong thơ Quang Dũng:

Các cô hàng xén ngày xưa
Gương tròn bỏ túi
Tóc giắt hoa nhài
Hay ngậm ngùi xem Nhị Độ Mai
Gấp trang sách lại thương đời Cúc Hoa
(…)
Đôi cuốn Thạch Sanh
Một chồng Trê Cóc
Khi gió mùa xuân
Xanh cành tươi lộc
Bói trang Kiều xem chuyện nhân duyên.
(Những cô hàng xén)

Có thể nói, trong thơ Quang Dũng vẻ đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc luôn gắn với tài hoa và nhan sắc của người phụ nữ. Thế nên, bên cạnh hình ảnh cô hàng xén đã “gồng gánh trên vai” mình những dấu ấn văn hóa Việt thì hình ảnh người ca nữ ngày xưa cũng hiện lên trong tâm thức của thi nhân với một vẻ đẹp ở sự tài hoa độc đáo của văn hóa Việt:

Em là con hát ở bên sông
Đàn phách là đôi bạn khốn cùng
Khách ghé phương nào thây kiếp khách
Hoài đâu nước mắt khóc tình chung.
(Đêm Việt Trì)

Đây cũng là bình diện cho thấy tính nhân văn trong thơ Quang Dũng. Song, hình ảnh Người phụ nữ – biểu tượng văn hóa Việt trong thơ Quang Dũng không chỉ có Cô hàng xén, cô kỹ nữ mà ẩn sâu trong tâm thức văn hóa của nhà thơ là hình ảnh Người mẹ Việt Nam, một biểu tượng cao đẹp của văn hóa Việt, gắn với quê hương, qua tiếng ru hời, lắng sâu trên dòng sông, bến nước, tan hòa trong khúc ca dao, trong câu chuyện cổ, trôi trong tâm cảm thi nhân như hiện thân của linh hồn văn hóa Việt: “Chiều xuống hồn người/ Bến rộng sông dài/ Nước đỏ mênh mông/ (…) Mẹ là Việt Nam hiền hậu vô cùng/ Đã hát ru con những lời cổ tích” (Nhớ về mẹ). Vì vậy, trong tâm thức thi nhân, nhớ về Mẹ là nhớ về những ký ức văn hóa, mà ở đó hình ảnh quê hương hiện lên từ những hoài niệm hằn sâu tâm thức văn hóa Việt:

Mẹ sống những ngày đất khách
Nhớ mẹ ngày xưa thuộc hết truyện Kiều
(…)
Đi về một miền quê ngoại ngày xưa
Có khói thui bò
Có trống làng tế lễ
Và có những tiếng cười con trẻ
Cầm nắm xôi phần
Có hơi rượu cụ già
Ấm trong hơi mùa xuân.
(Nhớ về mẹ)

Hình ảnh Người Mẹ Việt Nam trong thơ Quang Dũng đã hóa thân thành đất nước, quê hương hiện hữu như một biểu tượng cao đẹp của tâm hồn Việt, văn hóa Việt chảy mãi trong thơ ông và tồn sinh cùng dân tộc…

Từ điểm nhìn Dân tộc; Nhân bản và Khai phóng, văn hóa không chỉ là chìa khóa mở cánh cửa tri thức để con người khám phá và sáng tạo những giá trị văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần mà còn là chìa khóa mở cánh cửa tâm hồn để xua tan bóng tối, vốn là nơi ẩn náu của cái ác, cái xấu, giúp con người vươn đến ánh sáng của những giá trị nhân văn, để hình thành nhân cách cao đẹp gắn với bản sắc văn hóa dân tộc. Đọc và tìm hiểu tâm thức văn hóa Việt trong thơ Quang Dũng, một mặt giúp chúng ta giải mã những vẻ đẹp của “giòng sinh mệnh” văn hóa dân tộc kết tinh trong thơ ông, làm nên hệ giá trị riêng của thơ Quang Dũng. Mặt khác, giúp chúng ta hiểu hơn về những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của nền văn minh sông nước, làm nên phong hóa dân tộc mà nhà thơ Quang Dũng đã phản ảnh trong thơ. Từ điểm nhìn này, ta thấy thơ Quang Dũng không chỉ là một tượng đài thi ca mà còn là một tượng đài văn hóa trong tâm thức người đọc cần được gìn giữ và phát triển, nhất là hiện nay, khi nền văn hóa dân tộc đang đứng trước những thách thức của xu hướng toàn cầu hóa, nếu không có ý thức và bản lĩnh giữ gìn văn hóa dân tộc thì việc bị tha hóa và lưu vong về văn hóa ngay trên đất nước mình là một tất yếu khó tránh khỏi.

Thơ Quang Dũng nhìn từ tâm thức văn hóa Việt, vì vậy, là một hệ giá trị làm nên phẩm tính dân tộc trong thơ ông, góp phần lưu giữ, trao truyền văn hóa truyền thống dân tộc trước những cơn bão của văn hóa phương Tây, trong xu hướng hội nhập và phát triển.

Xóm Đình An Nhơn, Gò Vấp, 16.8.2021

TRẦN HOÀI ANH

(Văn nghệ Bình Định số 102 tháng 10.2021)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Truyện cổ viết lại cho thiếu nhi

Viết lại truyện cổ như một cảm hứng đối với các nhà văn viết cho thiếu nhi. Gọi là cổ, nhưng trong đời sống, xét đến cùng, những gì mang tính phổ quát, không bao giờ cổ…

Từ bước chân Dế Mèn…

Với những ai quan tâm đến tình hình nghiên cứu văn học thiếu nhi trong nước những năm qua, Tiến sĩ Lê Nhật Ký đã không còn là cái tên xa lạ…

Làm mới một câu chuyện cổ

Nếu trong truyện “Tấm Cám”, người dì ghẻ bị căm ghét bao nhiêu, thì ở “Cổ tích viết lại” của Phạm Hồng Oanh, nhân vật này lại chiếm được cảm tình của độc giả bởi tấm lòng thương thảo…