Người lái đò bến Gáo

(VNBĐ – Truyện ngắn). Thả lưới xong, lão Ngũ khoát tay bơi vòng nữa rồi trườn vào bờ, nhẹ nhàng gối đầu lên vạt cỏ. Một khóm lục bình lừ lừ trôi đến, những cái rễ ram ráp, âm ấm cọ vào cổ, vào ngực. Lão chợt thấy có gì chộn rộn. Một cảm giác vừa gần gũi vừa xa xăm ùa về xâm chiếm tâm hồn lão…

Hồi còn ở đơn vị đặc công nước, bao nhiêu lần dầm sông, đội lục bình đi trinh sát, lão không thể nhớ hết. Những khóm lục bình trở nên thân thiết với lão trong những đêm lẻ loi nơi sông lạnh. Chắc chẳng bao giờ lão có thể quên được cái cảm giác nhồn nhột, ngưa ngứa và sau đó là âm ấm, ran ran thật dễ chịu của rễ lục bình cà vào cổ, vào mặt… Đời lão có lẽ sẽ gắn bó suốt đời với sông nước như là định mệnh!

Vậy là thấm thoắt, lão đã làm nghề chèo đò ở bến Gáo này gần hai mươi năm. Đang lang thang, thất nghiệp, không nhà, không cửa, được người bạn từ hồi còn ở đơn vị cũ, hiện có anh họ làm chủ tịch xã giới thiệu, lão nhanh chóng trở thành ông lái đò bến Gáo. Có người nhà bảo lãnh, mọi thủ tục diễn ra chóng vánh. Khi bắt tay ra về, chủ tịch còn dặn với theo: “Nhớ an toàn giao thông phải đặt lên hàng đầu đấy!”. Lão mỉm cười thay câu trả lời. Sông nước là nghề của lão mà. Hồi ở đơn vị, lão chả mang biệt danh “rái cá” là gì. Nghĩ vậy, song lão vẫn tự nhủ, tính mạng con người là quan trọng nhất. Lão không thể phụ lòng tin của mọi người được!

Thả khóm lục bình mắc ở vai cho xuôi theo dòng nước, lão từ từ bước lên bờ. Trăng mười sáu vành vạnh, trong văn vắt. Những hạt nước trên tóc, trên vai, trên thân hình săn chắc của lão bắt ánh trăng loang loáng. Không gian như một tấm lụa màu mỡ gà sóng sánh. Gió chỉ hơi hây hẩy. Trời và nước như nhòa làm một. Thỉnh thoảng tiếng cá đớp mồi làm mảnh gương nước chợt vỡ ra lóng lánh, rồi tất cả lại im lặng đến mong manh. Người ta cũng thật lạ. Lão lẩm bẩm. Lúc trời nước yên ả thế này, cấm có ma nào sang bến. Lại cứ nhè lúc mưa to gió lớn mà réo đò! Rút chiếc khăn ở đầu hè, lão vừa lau tóc, vừa bước vào căn nhà lá bé nhỏ – tổ ấm của lão. Đêm nay chắc lão được đi ngủ sớm.

Công nhận từ dạo lão Ngũ về, bến Gáo cũng ấm áp lên nhiều các bà nhỉ! Chị hàng cá có khuôn mặt tròn như cái đĩa, đôi mắt nhỏ ẩn dưới hàng lông mày được tỉa tót cẩn thận, nhận xét. Sáng ngày ra đã phải chờ đò, lạnh bỏ mẹ chứ ấm ấm cái nỗi gì. Chị hàng chuối gầy như con chão chàng vừa loay hoay chống lại chiếc xe, thồ hai sọt chuối to tướng vừa làu bàu. Chứ không à – “Hàng cá” cong môi mỏng – Ngày trước mụ Thuyên còn chở đò ở đây á. Bảnh mắt mụ vẫn chưa thèm dậy. Bao nhiêu lần chị em mình chả muộn chợ là gì. Cả bọn học sinh nữa, suốt ngày bị muộn học – Bà Béo cắp cái thúng nhẹ hều, nãy giờ bỏm bẻm nhai trầu, góp lời – Mà này, từ dạo có lão đò mới, cô có vẻ năng đi chợ hơn trước thì phải. Bà vừa nói vừa hích nhẹ vào “hàng chuối” tìm sự đồng tình. Đây thì chợ nào mà chả có mặt – “Hàng cá” lại cong môi mỏng – Chợ phiên một tháng chín lần, ai mà chả đi như ai. Đi thì trả tiền. Chả ai cho không ai cái gì cả. Tưởng thấy lão Ngũ đơn chiếc, cô động lòng rồi. “Hàng chuối” chêm vào. Mà lão chỉ đen đen thôi chứ khỏe chán, cũng có già gì cho cam mà ai cũng gọi lão Ngũ, lão đò là cớ làm sao nhỉ? Chị đi mà hỏi lão ấy! “Hàng cá” vẫn chan chát. Đây không thèm! Trông khỏe mạnh vậy mà có vấn đề. Ai đời thấy đàn bà mà cứ dửng dưng như không, mắt thì lạnh tanh, vô cảm. Cô đi đò nhiều thế. Thử tìm cách sưởi cho đôi mắt ấy ấm lên được không? Lần nào qua sông, cô chả liếc lão đến lệch cả đò còn gì! Bị mọi người xúm vào trêu chọc, “hàng cá” đang định nổi xung thì “hàng chuối” đã huých vào tay. Thôi. Thôi các mợ. Đò sang đến rồi kìa. Mọi người lục tục đứng dậy, ai nấy đều chuẩn bị sẵn tiền lẻ trên tay. Con đò ghé mũi vào mép nước. Lão Ngũ nhảy lên bờ, quàng chiếc chão vào cây cọc ghim. Con đò không còn trọng lượng khẽ chòng chành, chòng chành…

Nhìn lão vuốt vuốt mấy tờ bạc lẻ nhăn nhúm cho phẳng phiu rồi cẩn thận nhét vào chiếc ví đã cũ rích. “Hàng cá” liếc xéo một cái sắc như cật nứa, lẩm bẩm “Đúng là cái đồ… Nom mặt cứ tưởng hiền lành, vậy mà…”. Chẳng biết có nghe được hay không, chỉ thấy lão bình thản nhét cái ví vào túi quần, đến mép nước, khẽ đưa chân vừa hẩy nhẹ đuôi thuyền vừa bước xuống êm như mèo. Mái chèo khua nhẹ, làm chẻ ra hai bên mạn thuyền những làn nước xiết sâu xuống lòng sông. Con thuyền quay mũi, hướng sang phía bờ tả.

“Hàng cá” chắc “cay” lão Ngũ từ cái lần đầu tiên lão chở đò ở bến Gáo. Quen bắt nạt cô Thuyên hiền lành, nhiều lần đi đò nợ tiền, rồi lâu ngày lờ đi. Biết thừa lão Ngũ đề tấm biển to tướng ở đầu bến “Đề nghị khách cho xin tiền trước”, vờ như không biết. Lát về chợ trả một thể. Vừa mới sáng ngày ra… Không được! Lão Ngũ vẫn từ tốn. Tôi đã quy định rồi. Ai cũng phải thực hiện, nếu muốn sang sông.

Biết có năn nỉ cũng vô ích, hơn nữa bị mọi người thúc vì làm chậm đò, “hàng cá” bực bội lần tay vào cạp quần, lôi ra cái túi rút màu cháo lòng. Đập mấy nghìn vào bàn tay to bè, thô ráp của lão Ngũ, bâng quơ: “Mấy ông Nhà nước mải làm gì không biết. Có con sông cỏn con mà không bắc nổi cái cầu. Thế này thì bằng giết dân à!”.

Chẳng cứ “hàng cá”, mấy tay lái lợn cũng “cú” lão Ngũ lắm. Bắt được con lợn, dùng mọi thủ thuật, vật nài lên xuống, trả giá mới vớ được vài chục nghìn. Vậy mà qua sông, nhoằng một cái, lão “chém” gấp đôi, gấp ba lúc đi một mình. Thôi thì muốn được việc, cứ là phải “nôn” ra. Lão đã nói một là một, cấm nài nỉ, lay chuyển được. Nhiều tay máu mặt cũng có ý gầm ghè, song cứ nhìn cánh tay cơ bắp như chão bện, khuôn ngực vồng lên sau làn áo đông xuân và nhất là thân hình như tượng đồng của lão mà hậm hực.
Tức thì tức vậy, song ai cũng phải thừa nhận việc lão Ngũ có mặt ở bến Gáo này là cần thiết. Trước đây, thời cô Thuyên còn chở đò, cứ sâm sẩm tối, khách có van lạy cách mấy cô cũng nhất quyết không chở. Lão Ngũ thì ngược lại. Đêm hôm, mưa gió, bất kể lúc nào khách có nhu cầu qua sông, lão đều đáp ứng. Chỉ có điều giá cả cũng phải tăng lên gấp hai, ba lúc bình thường. Công bằng mà nói, lão làm nghề có trách nhiệm, tay chèo thì thôi rồi. Nhớ cái lần lão chở đám học sinh vào đúng ngày nước to, gió lớn mà ai ai cũng phải bái phục. Hôm ấy trời hình như sắp có bão. Gió Bấc thổi mạnh, nước sông đục ngầu dềnh lên cuồn cuộn. Những khóm lục bình cứ trồi lên, thụt xuống, theo từng con sóng. Hàng chuối, hàng tre hai bên bờ dúi vào nhau, nghiêng ngửa. Sau khi phát cho mỗi cháu một chiếc áo phao, lão Ngũ sắp xếp chỗ ngồi và căn dặn bọn trẻ cẩn thận, rồi nhổ sào, đẩy thuyền ngược bến. Con đò vừa rướn một nhịp. Rất nhanh, lão gác sào, nắm lấy bai chèo kịp thời ghìm đò trước khi đợt sóng khá to ào tới. Tay nghề của lão quả là điêu luyện. Lão chèo chống, luồn lách, nhích con đò từng tí, từng tí như một nghệ sĩ xiếc đang biểu diễn trên cái sân khấu tròng trành, chao đảo. Lợi dụng khoảng thời gian ngừng gió ít ỏi, lão rướn mạnh tay chèo để con đò trườn tới và cũng rất nhanh dùng bai chèo ghìm cho đò không bị đẩy trở lại. Lúc thì lão thả đò tự trôi theo dòng nước, rồi tìm cách lái theo đường chéo từng con sóng để đò vẫn sang được mà không phải bỏ quá xa bến. Vừa chèo chống, vừa liên tục trấn an, nhắc nhở các cháu. Có lẽ kinh nghiệm sông nước từ thời bộ đội, cùng với sức khỏe, sự dẻo dai, khéo léo đã giúp lão đưa các cháu học sinh qua sông an toàn…

Bến Gáo chỉ cách làng non ba cây số mà cứ như vùng sâu vùng xa vậy, mới sâm sẩm tối đã vắng hoe, vắng hoét. Trăng mười hai như quả bưởi gầy lấp ló sau làn mây mỏng. Cơm nước xong, lão Ngũ mang chiếc võng dù ra mắc vào hai thân tre ở đầu bến nằm hóng gió. Hơi nước từ mặt sông thổi lên rười rượi. Mây dần tan, ánh trăng lại như vãi bạc xuống mặt sông óng ánh. Chẳng hiểu sao, cứ những đêm trăng sáng thì hầu như lại không có khách đi đò. Lão nằm ngắm trăng và chợt nhận ra đâu phải chỉ riêng mình lão lẻ loi giữa trời đất! Đúng rồi. Lão bật dậy. Trăng sáng thế này mà ngồi không cũng phí! Mình phải tranh thủ làm ít cỏ lúa mới được. Những rẻo đất đầu thừa đuôi thẹo, những thùng vũng, làn lém gần bến Gáo bỏ hoang lâu nay. Tranh thủ những đêm trăng sáng lão hì hục san lấp, cào cuốc thành những mảnh ruộng nho nhỏ. Phân hóa học không có, lão chỉ dùng toàn phân xanh được ủ từ lá chuối, lục bình bón cho lúa. Vậy mà lạ thay, những mảnh ruộng con con của lão cứ tốt bời bời, nhìn mát cả mắt! Thiên hạ bảo lão khác người! Cứ cho là như thế đi. Song lão cảm thấy làm cỏ lúa ban đêm cũng có cái thú riêng của nó. Những cây lúa về đêm như cũng muốn làm duyên với ánh trăng sóng sánh, bỗng trở nên mềm mại hơn thì phải! Từng lá lúa đẫm sương như mái tóc con gái vừa gội xong mát lạnh xõa vào má (Ấy là lão tưởng tượng thế. Chả biết có đúng không? Nhưng cái cảm giác đó làm lão rất thích thú). Rồi cái mùi nồng nồng, ngai ngái rất đặc trưng của bùn ruộng xộc vào mũi, nhưng không gây khó chịu mà trái lại nó làm lão cảm giác bao nhiêu tinh túy, bao nhiêu đằm ngọt của đồng quê đang thấm vào từng tế bào, làm con người lão vô cùng sảng khoái. Tiếng côn trùng ri rỉ, tiếng ếch nhái ì ộp gọi bạn tình. Thỉnh thoảng một con vạc giật mình bay vút lên “vạc vạc” hoảng hốt… Ai bảo đêm khuya tĩnh mịch? Đêm với lão thật sống động và trong trẻo. Có lần vừa cào cỏ lão vừa ư ử hát làm mấy tay choai choai đi chơi về khuya tưởng ma trêu chạy văng cả dép. Thực ra làm cỏ lúa ban đêm ngoài cái thú trên, lão còn có một lý do nữa: Canh chừng bọn trộm chuối. Dọc bờ sông gần bến Gáo, lão trồng toàn chuối “sài goòng”. Cứ hai mét một cây. Khi cây thành khóm, lão chỉ để lại đúng ba cây đẹp nhất, còn chặt bỏ. Mỗi khóm tạo thành thế chân kiềng. Ba thân cây to tròn, nhẵn bóng, vươn cao. Dại nắng, dại gió, chuối của lão lớn nhanh như thổi. Lão thường xuyên “làm cỏ” cho cây, chặt bỏ tàu già, tàu úa, vun bùn tươi vào từng gốc. Những cây chuối đều đặn, mập mạp, không bị sâu bệnh, nên ra buồng nào là được buồng đó. Những buồng chuối to, dài, quả đẫy đà, béo mập Chị hàng chuối là khách thường xuyên của lão. Phải nói giá chuối của lão cũng hơi “chát”. Song bù lại mã rất đẹp, nên bán chạy lắm. Nhất là ngày Rằm, Mồng một, nếu cất chuối của lão đi bán thì cứ gọi là đắt còn hơn tôm tươi! Mấy tay chuyên đi trộm chuối kháo nhau: Lão Ngũ cứ như ma vậy. Rõ ràng lão đang lúi húi ở ruộng lúa. Vậy mà thuyền của bọn chúng vừa sà gần vào bờ chuối, đã thấy lão bơi thùm thùm dưới bến. Thế là khôn hồn thì chuồn cho sớm. Lão mà vớ được, cứ gọi là uống no nước!

Nhớ cái lần thằng bé con nhà Tuấn thợ thịt đi học qua đò bị đau bụng. Lão cõng nó chạy bộ gần chục cây số đến bệnh viện huyện. Bác sĩ nói chỉ chậm nửa giờ nữa thì hết cứu. Ngày thằng bé ra viện, vợ chồng nhà Tuấn dắt con đến tạ ơn lão và muốn xin cho nó nhận lão làm bố nuôi. Lão Ngũ nhất định không chịu, lão bảo không thích có sự ràng buộc nào. Riêng hai đôi vịt bầu béo múp, lão nhận ngay. Hai đôi vịt ấy lão thả sông nuôi, vậy là thoải mái trứng ăn, lại còn được bán nữa! Làm cỏ chán, lão lại xuống sông thả lưới. Nhiều hôm nước ròng lão cũng bắt được vô khối cá. Để một ít ăn, còn lại sáng hôm sau lão bán cất cho “hàng cá”, kiếm thêm ít tiền.

Minh họa: Lê Duy Khanh

Thiên hạ xì xèo. Lão Ngũ nhiều tiền lắm. Gần hai chục năm chèo đò chẳng chi tiêu gì, ăn uống đơn giản, vợ con, gia đình lại không có. Tiền để đâu cho hết. Thi thoảng cũng có thấy lão đạp xe đi đâu đó một hai tiếng rồi lại về ngay. Lão có ai thân thích đâu nhỉ? Mà cái khoản kia thì chắc lại càng không!

Mọi người còn như vậy thì Vòng – một đối tượng chuyên trộm cắp, làm sao lại bỏ qua được! Sau một thời gian “trinh sát”, hôm ấy, đợi lão Ngũ đạp xe khuất sau rặng tre đầu làng, Vòng và một tên đệ tử mò vào lục lọi. Căn nhà hầu như không có gì. Chúng lật tung cả giát chiếc giường rẻ quạt cũ kỹ, cả chạn bát, cái ba lô vá cất trong chiếc hòm tôn dưới gầm giường. Vách lá, hồi nhà cũng được săm soi cẩn thận. Tuyệt nhiên chẳng có lấy một đồng bạc lẻ. Hai thằng còn đang cay cú đứng thần người giữa nhà thì lão Ngũ, cứ như từ dưới đất chui lên lù lù sau lưng. Không để hai đứa kịp run, lão hét lên một tiếng vừa bay người, tung hai cú đá như trời giáng. Sau những tiếng “ối” hai tên trộm ôm đầu gối lăn lộn dưới đất. Lão Ngũ sấn lại, túm cổ áo hai đứa, gằn giọng: “Chúng bay biết điều thì cút! Đây không có chỗ cho chúng mày kiếm ăn đâu!”. Vòng và tên đệ tử, mặt xanh như đít nhái, van xin rối rít. Lẳng cả hai ra cửa, lão phủi tay, quay vào nhà. Hai tên chạy bán sống bán chết…

Này. Lâu nay bà có thấy lão Ngũ khang khác không? “Hàng cá” vừa rảo chân vừa hỏi bà Béo. Khác là khác thế nào? Bà Béo đang lạch bạch bước, hỏi lại. Thì đấy. Giọng “hàng cá” như chùng xuống. Lão chèo đò mà cứ như người mất hồn ấy. Có lúc chân loạng choạng, tay thì tí nữa trượt khỏi bai chèo… Hay lão ấy ốm nhỉ? Ôi giời. Bà Béo nhổ toẹt bã trầu. Ốm ốm cái nỗi gì. Ốm tiền thì có. Còn không, lão đã chẳng nghỉ đò. Lão ấy mà chê tiền có là chuyện lạ! “Hàng cá” im lặng, nhưng những suy nghĩ không hiểu sao cứ vẩn vơ trong đầu… Đúng là lão có chuyện rồi!… Ánh mắt lúc thì đờ đẫn, khi lại buồn xa xăm, như thể lão đang nuối tiếc điều gì đó? Nước da bánh mật nom sạm lại làm lão trông già hẳn đi…

Bến Gáo hiện ra trong làn sương sớm mỏng mảnh. Con đò nằm im lìm nom mới cô đơn làm sao. Chẳng thấy bóng dáng lão Ngũ đâu. Chờ một lúc, sốt ruột, “hàng cá” mới đập cửa mà réo. Không có ai trả lời, sinh nghi “hàng cá” đẩy cửa, đã thấy lão Ngũ sóng soài trên nền nhà. Nghe tiếng “ối giời ơi”, bà Béo lạch bạch chạy vào. Vừa lúc “hàng cá” xô ra, vừa chạy vừa la “làng nước ơi, có người chết, lão Ngũ chết”…

Đội pháp y sau khi khám nghiệm tử thi kết luận lão bị một cơn đột quỵ chắc khá lâu, người đã lạnh cứng. Vì có vài điểm còn nghi vấn, họ lấy mẫu tế bào đi xét nghiệm. Hôm sau có tin lão Ngũ bị phơi nhiễm chất độc da cam. Và có thể đó là nguyên nhân dẫn đến cái chết bất ngờ của lão. Người ta rỉ tai nhau: Cái chỗ kiêu hãnh nhất của người đàn ông ở lão Ngũ, chỉ là một vết sẹo chằng chịt, nhăn nhúm… Có người chép miệng: “Rõ khổ. Vợ con đã không có lại còn da cam với chả da quýt”. Cũng có kẻ bạc mồm: “Ai bảo lão tham cho lắm vào. Làm ngày làm đêm. Ngu thì cho chết!”…

Đám ma lão Ngũ khá đông. Cả cái làng Gáo này, ai mà chả hơn một lần được lão đưa sang bến. Thôi thì nghĩa tử là nghĩa tận. Vả lại thời gian này mùa màng cũng chưa tới. Hàng cờ tang ủ rũ, hai chiếc vòng hoa của xã và thôn héo hắt dưới cái nắng đầu mùa oi ả. Không một vành khăn trắng. Bởi vậy, đám tang như chẳng có vẻ gì ai oán. Chỉ cái không khí oi nồng, ngột ngạt như báo hiệu điều gì đó không bình thường…

Gần đến giờ chuyển cữu, trai đinh trong làng đã rục rịch sắp xếp đòn khiêng, chợt ngoài đường có tiếng xe phanh gấp. Một chiếc xe con đỗ xịch trước nhà đám. Cửa xe bật mở, người phụ nữ cùng hai người đàn ông trung tuổi bước xuống. Người đàn ông dong dỏng, dáng nhanh nhẹn bước ra sau xe mở cốp. Người phụ nữ tiến lại giúp anh ta nhắc chiếc vòng hoa có dòng chữ “Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giang Hưng – Kính viếng”. Cả ba tiến nhanh về phía bàn tang lễ. “Chà. Lão Ngũ gớm thật. Chắc phải gửi nhiều tiền lắm, ngân hàng huyện mới lặn lội về tận nơi phúng viếng như thế”. Có tiếng xì xào vẻ ghen tỵ. “Chứ lại không à. Gần hai chục năm chở đò, không có tiền mới là chuyện lạ”. Một giọng khác nghe ráo hoảnh: “Dưng mà tiền đó giờ ai hưởng?”. Người đàn ông thấp đậm, gương mặt cương nghị đặt lễ lên bàn thờ rồi quay ra đưa cho hai người đi cùng mấy thẻ hương đã châm sẵn. Cả ba thắp hương, thành kính cúi đầu. Mọi người chăm chú dõi theo từng cử chỉ, hành động của ba vị khách mới đến. Người “thấp đậm” ánh mắt đượm buồn, cúi đầu thay cho lời chào, đón lấy micro, cất giọng từ tốn: “Kính thưa hương hồn ông Phạm Văn Ngũ! Thưa toàn thể bà con! Chúng tôi vô cùng bất ngờ khi nhận được tin ông Ngũ từ trần. Thật đúng là sinh có hạn, tử bất kỳ. Trong giờ phút đau buồn này, chúng tôi thay mặt toàn thể cán bộ, nhân viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện có vòng hoa tươi, nén hương thơm tưởng nhớ vong linh người quá cố…“. “Lão Ngũ thế mà tốt số, được các sếp mãi trên huyện về thắp hương cơ đấy”. “Chuyện. Bao nhiêu tiền của lão, giờ chắc sung công quỹ tất. Phen này ối anh vớ bẫm!”. Tiếng xì xào lại nổi lên. “Kính thưa toàn thể bà con! – Ông “thấp đậm” lại cất tiếng. “Trước vong linh người đã khuất, tôi xin được đọc bản di chúc ông Ngũ đã tin tưởng giao cho ngân hàng chúng tôi…”. Ồ. Thật là chuyện lạ chưa từng có ở cái làng Gáo này. Lần đầu tiên có người viết di chúc để lại. Mà không hiểu lão Ngũ viết gì trong đó! Đám ma im phăng phắc. Không gian như quánh lại, ngột ngạt. Mùi hương trầm quyện với hơi người, với cái nóng đã bắt đầu hừng hực, làm ai nấy đều cảm thấy bứt rứt, khó chịu. Vẻ nôn nóng, sốt ruột, hiện rõ trên từng ánh mắt… “Tôi là Phạm Văn Ngũ. Làm nghề chèo đò ở bến Gáo – Giọng ông “thấp đậm” nghẹn nghào – Tôi đã coi làng Gáo như quê hương thứ hai của mình. Từ lâu, tôi đã ao ước bến Gáo có được một cây cầu thì hay biết mấy. Gần đây thấy sức khỏe không được tốt. Có lẽ vết thương cũ đã đến lúc giở chứng. Chắc tôi không thể thực hiện được mơ ước của mình. Tôi viết di chúc này, xin trao lại số tiền gom góp được trong thời gian qua để Ủy ban xã làm chiếc cầu nhỏ cho bà con đi tạm trước khi Nhà nước xây cầu kiên cố ở bến Gáo. Được như vậy tôi vô cùng mãn nguyện…”.

Người đàn ông thấp đậm giơ cao tờ di chúc, vái ba vái rồi đặt lên trước bàn thờ. Có tiếng sụt sịt, rồi những tiếng nấc như bị kìm nén đã lâu, bật ra… Đoàn nhạc tang nổi hồi trống lệnh chuẩn bị cất đám. Bỗng bát hương trên bàn thờ bùng cháy. Khuôn mặt lão Ngũ trong di ảnh chợt lung linh, lung linh, làm khóe miệng lão như đang mỉm cười hiền từ… Không gian oi bức chợt dịu đi. Một làn gió từ mặt sông òa tới. Những chiếc cờ tang ủ rũ như bừng tỉnh, bay phần phật.

Dòng người đưa đám cứ dài mãi, dài mãi dọc triền sông.

ĐẶNG TOÁN

(Văn nghệ Bình Định số 113 tháng 9.2022)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thơ dự thi của Khét

Thóc, vì sao chọn vàng
– tôi làm nên no ấm
cỏ, vì sao chọn xanh
– không đành nhìn đất bạc

Hương dừa

Đêm, trăng thượng tuần nấp sau gốc dừa. Những tàu dừa lòa xòa đung đưa làm ánh trăng vỡ vụn nhưng cũng đủ sáng trên con đường. Ngày mai tôi sẽ xa Y Muôn, xa mảnh đất này…