Người hùng

(VNBĐ – Truyện ngắn). Tôi từng gặp người đàn ông đó vài lần trước đây, hồi mẹ còn sống. Thật đau xót làm sao khi giờ đây khi nghĩ tới mẹ, tôi chỉ đành phải gắn liền với hai từ “còn sống”. Sự sống đã chia cắt mẹ con tôi thành hai nửa, đang sống và đã từng còn sống. Tất cả những gì về mẹ giờ đây bị đẩy lùi về cái quá khứ “còn sống” xa lơ xa lắc, còn tôi như một kẻ ngốc điên cuồng lục lọi trong đống ký ức đã phủ mờ bụi thời gian để tìm lại mẹ. Tôi bị lạc mẹ trong những ký ức ngổn ngang và cơn lốc xoáy đầy bụi mù của dòng thời gian từ bao giờ. Thế nhưng giờ đây, hình ảnh người đàn ông đó lại hiện về trong tâm trí tôi rõ rệt hơn bao giờ hết, trước sự ngỡ ngàng của chính tôi. Tôi không còn nhớ chính xác anh mặc bộ đồ gì lần đầu tiên gặp mặt, nhưng nụ cười và cái đầu trọc bóng lưỡng của anh thì không lẫn đi đâu được. Đã gần hai mươi mấy năm trời, nhưng hình ảnh ấy không hề bị phai nhạt. Khi đó, mẹ để tôi ngồi vào lòng mẹ, còn mình thì vừa lục trong túi xách hành lý tìm kiếm bàn chải và kem đánh răng, vừa nói chuyện tán gẫu với anh ngồi đối diện. Những cánh đồng lúa xanh mượt trải dài đến tận chân trời vào một sớm tinh mơ như đang chạy ngược về phía sau qua khung cửa sổ toa tàu. Tôi vẫn ngái ngủ, nhưng đoàn tàu cứ lắc lư liên tục, đôi lúc lại giật nảy lên một đợt rõ mạnh khiến tôi không tài nào chìm hẳn vào giấc ngủ. Tôi biết mẹ lại bắt đầu lôi chuyện đó ra kể với anh. Mẹ lúc nào cũng đem câu chuyện cũ rích và nhàm tai ấy ra kể với bất cứ ai mẹ muốn làm quen. Anh cũng không phải là ngoại lệ…

– Em còn nhớ anh không? Chúng ta đã từng ăn cùng một ổ bánh mì trước sân chơi của công viên đúng không nhỉ?

Anh đưa mắt nhìn về hướng chiếc giường, vẻ lúng túng bắt đầu hiện lên gương mặt. Nơi chúng tôi vừa trải qua một cuộc làm tình thác loạn. Sự im lặng ngượng ngập từ từ bao trùm lên căn phòng. Tôi cũng bắt đầu lảng tránh ánh nhìn của anh và đảo mắt quanh phòng dáo dác tìm thứ gì đó khả dĩ cứu vãn mình khỏi tình thế cực kỳ khó xử này. Nhưng làm gì có gì như thế chứ? Chiếc giường với tấm drag nhàu nhĩ như chứng tích hùng hồn cho cuộc mây mưa điên cuồng chỉ vừa mấy phút trước. Vỉ bao cao su Durex lăn lóc trên bàn đầu giường dưới ánh đèn ngủ. Chai dầu bôi trơn và lọ xịt kích dục vẫn còn chưa đậy nắp giờ đang nằm trên giường giữa những nếp nhăn. Tôi vội vàng nhặt chúng lên đóng nắp lại cẩn thận rồi cho vào túi đồ để cạnh cửa phòng. Tôi làm thật chậm rãi, thật từ tốn và thận trọng như thể đó là thứ gì đó đắt tiền, chỉ cần rơi rớt một giọt thôi cũng đủ khiến tôi tiếc đứt ruột. Nhưng dù tôi đã trì hoãn hết mức có thể mỗi một cử động, thì con đường từ giường đến cửa phòng không thể dài hơn được nữa, cũng như thời gian chúng tôi ở đây với nhau còn đến cả vài tiếng nữa, trước khi trả phòng.

Tôi buột miệng chửi thề khe khẽ trong cổ họng. Sau khi kéo khóa túi và đặt nó xuống sàn nhà, tôi không còn cách nào khác ngoài ngẩng mặt lên nhìn anh, giờ đã khoác lên mình áo tắm của khách sạn và ngồi vắt chân trên giường. Chiếc quần short màu đen để lộ ra cặp đùi và bắp chân tôi đã giày vò bằng tất cả kỹ năng học được trong suốt mấy năm qua, với lưỡi, môi và nhiều thứ khác. Mắt tôi vô tình chạm vào chúng ngay trước khi tôi kịp nhận ra đã quá muộn. Mặt tôi bừng bừng hơi nóng. Đầu óc tôi giờ chỉ còn một ý nghĩ duy nhất, làm sao chuồn nhanh khỏi đây càng sớm càng tốt.

***

Đó là một người đàn ông khá tử tế. Anh đợi tôi ở ngoài tiền sảnh khách sạn – không giống như hầu hết những vị khách khác, chỉ lạnh lùng nhắn tin số phòng và khi tôi lên đó, họ hoặc đang tắm rửa trong phòng tắm, hoặc đang bận làm gì đó với chiếc điện thoại, ngẩng đầu liếc tôi lấy một cái rồi ra hiệu cho tôi cứ tự nhiên làm việc của mình, họ sẽ xong ngay thôi. Chỉ riêng việc anh đứng chờ tôi ở quầy tiếp tân rồi dẫn tôi lên phòng đã khiến tôi vô cùng cảm động và có thiện cảm. Tôi không nhớ anh là ai. Cái đầu trọc, nước da ngăm ngăm cùng ánh mắt hiền hậu, khuôn miệng mỏng luôn lấp ló một nụ cười chưa thành hình. Tôi nghĩ hôm nay sẽ là một ngày may mắn của mình.

Những người đàn ông đến với tôi ít khi quan tâm đến cảm xúc của bạn tình. Ở một chừng mực nào đó, đây là một điều bình thường và không có gì phải phàn nàn. Chúng tôi chỉ gặp gỡ tại đây theo tiếng gọi riết róng của bản năng hay nói đúng hơn là nhu cầu của nhau. Cảm xúc, nếu không cần thiết cho một cuộc tình một đêm thêm nồng nàn, thú vị và kết thúc trong thỏa mãn thì chỉ là một thứ thừa thãi, thậm chí phiền phức. Họ hiểu những gì chúng tôi làm đều chỉ diễn ra và ở lại sau cánh cửa phòng khách sạn. Hết đêm, trả phòng, chúng tôi như những người xa lạ bước qua nhau. Ít nhất thì đó là những gì tôi nghĩ, những thứ tôi được dạy và những bài học tôi rút ra được sau ngần ấy năm đi tiếp khách.

Minh họa: Lê Duy Khanh

Bản thân tôi sợ cảm xúc và những thứ liên quan đến nó. Tôi không nói đến những thứ như sự thông cảm, những quan tâm tối thiểu mà chúng tôi có thể dành cho nhau trên giường. Tôi muốn những cái ôm thật chặt. Tôi muốn những nụ hôn sâu đến nghẹt thở. Tôi muốn anh ấy nhìn sâu vào mắt tôi khi chúng tôi hòa vào nhau làm một. Tôi muốn anh vỗ về tôi, và tôi được an ủi anh, xoa dịu anh bằng những đụng chạm, thủ thỉ vào tai anh những gì tôi không được phép thốt ra nếu ở ngoài kia. Nhưng nếu phải ngồi lại nói chuyện với khách, trả lời khách những câu đại loại như em ở đâu, sống ra sao, cần anh giúp gì không, thì xin lỗi, tôi buộc phải từ chối thẳng thừng ngay và luôn. Nếu phải đi xa hơn thành một mối quan hệ, dù chẳng là gì hơn những thứ chúng tôi đã làm trong căn phòng này, cũng là điều tối kỵ. Kinh nghiệm của các bậc đàn chị trong nghề đã chỉ cho tôi thấy những tai họa khôn lường từ những thứ như thế. Họ định nghĩa đó là cảm xúc, là mầm mống khiến em sớm muộn phải kết thúc sự nghiệp, thậm chí không còn đường quay trở lại. Tôi đủ khôn ngoan để hiểu họ đang cảnh báo tôi điều gì, nhưng lý do không nằm ở sự đề phòng tôi lẽ ra cần có.

Tôi từng nằm dài trên sàn phòng khách sạn, không một mảnh vải che thân. Cả căn phòng tối om, tĩnh lặng đến đáng sợ, chỉ còn một mình tôi mở to mắt ngước nhìn chằm chằm lên trần phòng. Chỉ vài phút sau đó, ngoài kia sẽ không ngớt liên tục vang lên tiếng gõ cửa của nhân viên dọn phòng, tiếp theo sau đó là giọng nói của người quản lý. Những tiếng gõ cửa ngày một gấp gáp, dồn dập, mang theo tâm trạng tức tối của nhân viên khách sạn. Từ bên này của cánh cửa, tôi có thể nhìn ra phần nào những gì đang chờ đợi tôi ngoài đó. Sự căm ghét, khinh miệt, chán ghét, ghê tởm,… chỉ cần tôi chạm tay vào nắm đấm cửa thì chúng sẽ ngay lập tức trút xuống tới tấp, không thương tiếc. Tôi biết điều gì đang xảy ra, và tôi không thể làm gì hơn ngoài tận hưởng những giây phút bình yên cuối cùng trước khi mọi thứ bắt đầu náo loạn.

Vị khách mà tôi nghĩ là nếu như chúng tôi gặp nhau trong một tình huống khác, nếu như anh chưa từng tìm đến quán bar ngày hôm đó để săn mồi, nếu như tôi không nhận lời làm thay ca giúp cho một người đồng nghiệp bận việc gia đình, thì biết đâu chuyện giữa chúng tôi lại chẳng là một mối nhân duyên tốt đẹp. Tôi đã từng gặp gỡ bao nhiêu người đàn ông từng khiến tôi nghĩ như thế nhỉ? Đôi khi, tôi nghi ngờ rằng phải chăng những việc mình đang làm mới thật sự là lý do khiến cho tôi không thể gặp được tình yêu mình khao khát. Mới đầu, tôi lựa chọn công việc này như một lối thoát cuối cùng trong tuyệt vọng. Dĩ nhiên, chẳng có ai mong đợi hay kỳ vọng gì hơn ở một thứ được gọi là lối thoát. Một chiếc phao cứu sinh, một mảnh gỗ trôi nổi giữa lòng đại dương mênh mông là những gì tôi nhận được khi ấy. Nhưng rồi tôi phát hiện ra phao cứu sinh không thể nào đưa tôi vào bờ theo cách tôi muốn. Phao cứu sinh không thể nào so sánh với một chiếc du thuyền. Để khỏa lấp đi thứ đang thiêu đốt và bào mòn con người mình, tôi nhắm mắt phó mặc tất cả cho tia hy vọng mỏng manh duy nhất mình có, mặc cho nó dẫn tôi tới đâu. Khi ánh sáng ở cuối đường hầm chỉ là ảo ảnh, và ôm giữ hy vọng chẳng khác gì sự cố chấp của một con nghiện chỉ còn biết sống với việc đâm đầu vào một canh bạc nắm chắc phần thua, cái giá phải trả quá đắt không ngừng bào mòn chút niềm tin còn sót lại của tôi. Giờ thì tôi chỉ còn nước nhìn bản thân mình bị những hy vọng ngu ngốc và ngang bướng cuốn đi vô phương hướng.

Phải, dù gì thì tôi cũng hết thuốc chữa rồi. Điều gì sẽ tới với tôi cũng không còn mấy quan trọng nữa. Tôi không mấy bận tâm, hay ít nhất, cũng muốn nghĩ như thế.

Tôi há hốc mồm trước tấm gương trong nhà vệ sinh. Xả nước trong vòi cho khắp căn phòng nhỏ ốp gạch men sáng trưng và sạch sẽ của khách sạn giờ chỉ còn vang lên thứ âm thanh đều đều của nước chảy xuống bồn rửa. Cố điều chỉnh cho nước chảy phát ra ồn ào nhất có thể, tôi đứng nhìn trân trối mình trong gương. Ánh mắt sững sờ và bối rối tột độ đang mở to hết cỡ nhìn lại tôi. Phải khó khăn lắm tôi mới kìm được ham muốn được hét lên để vơi bớt nỗi ngượng ngập và khó chịu đang bỏng rát từ lồng ngực rồi lan ra đến mọi ngóc ngách trong cơ thể. Tại sao lại là anh? Ý tôi là xác suất gặp một người đàn ông từng biết mình từ hồi còn nhỏ và lên giường với anh là bao nhiêu chứ? Nhất là trong cuộc đời chỉ toàn xui xẻo và xui xẻo của tôi? Nhưng chưa hết, lại phải là người đàn ông khiến tôi nhớ về mẹ. Người đàn ông gắn liền với ký ức ít ỏi, hiếm hoi còn sót lại trong tôi về mẹ. Tôi không hiểu bằng cách nào đầu óc tôi lại vô cùng nhanh nhạy và có thể lưu giữ một cách hiệu quả đến vậy. Giá như điều đó xảy ra trong kỳ thi viên chức gần đây nhất của tôi hay mấy cuộc phỏng vấn xin việc tôi từng tham gia thì hay biết mấy. Đầu óc tôi như quay cuồng với hoảng loạn, xấu hổ và hoài niệm cùng một lúc. Một phần trong tôi muốn quay lại với anh ngoài kia như thể chẳng có cái quái gì cần bận tâm và tiếp tục công việc còn dang dở. Anh là một người tình khá hấp dẫn và chu đáo, và ý tưởng được trở về đứa con nít ngày đó với những rung động trẻ con cũng không tồi chút nào. Nhưng tôi là loại thác loạn đến thế sao? Tôi không chắc tình dục là câu trả lời đúng đắn cho tình huống này, cho dù điều đó đã đưa tôi đến đây. Tôi không chắc mình còn đặt nổi một ngón tay lên da của anh, chạm vào bất cứ thứ gì của anh không nữa. Thậm chí ý nghĩ đối diện mặt đối mặt với anh thôi đã làm tôi tê liệt mọi suy nghĩ mất rồi.

– Chúng ta không cần phải nói chuyện ngay bây giờ, nhưng đã đến lúc em ra khỏi đó rồi đấy!

Tiếng nước xối xả vang vọng từ những bức tường đẩy những suy nghĩ của tôi tuôn trào thành những tiếng lắp bắp khe khẽ:

– Cho em chút thời gian với! Em xin anh!

Tôi căng tai lắng nghe động tĩnh từ bên kia cánh cửa, quay đầu trở lại tấm gương lúc này đã mờ đục vì những tia nước và hơi thở của mình. Hình như có tiếng thở dài. Một khoảng lặng ngắn ngủi trước khi những tiếng gõ gấp gáp vang lên. Tôi nên làm gì bây giờ? Hay tôi bỏ trốn khỏi đây qua cửa sổ? Mắt đảo liên hồi quanh phòng, tôi cay đắng phát hiện ra mình đang ở tầng mười ba của khách sạn và chẳng có cái cửa sổ nào trong đây cả. Đó là lúc tôi nhớ lại mình từng bị ăn mắng té tát vì sử dụng phòng vệ sinh quá lâu. Những người đàn ông vội vã. Những người đàn ông muốn được sử dụng phòng tắm trước và như ý mình muốn, vì họ mới là người trả tiền thuê phòng. Những câu gắt um lên chỉ cho tôi biết rằng thế giới là một nơi khắc nghiệt như thế nào.

– Này, anh biết giờ không phải lúc, nhưng em có thể ra khỏi phòng vệ sinh cho anh nhờ được không?

Tôi biết ngay mà, dù cho đó là người đàn ông tỏa ánh hào quang dưới hiên nhà, người hùng từng xốc tôi lên lưng chỉ bằng một cái hích nhẹ nhàng, người hùng từng đưa cái bánh mì cuối cùng của mình cho tôi, kiên nhẫn ngồi nhìn tôi ăn ngon lành trong khi bụng anh réo sôi lên có thể nghe thấy rõ ràng, rồi cười hiền lành trước lời trêu chọc của tôi, khoan dung, yêu thương,… Chẳng có ai như thế đang tồn tại lúc này nữa. Ký ức chỉ là những ký ức, không hơn. Trước khi tự tay mình chôn vùi và hủy hoại nó, tôi cần phải tìm cách bảo vệ nó bằng mọi giá.
Anh gần như sượt qua tôi ngay tức thời khi tôi đẩy chốt và mở cánh cửa một cách dè dặt. Cả thân hình của anh lách vào khoảng trống chỉ vừa đủ cho một cánh tay, dưới sức mạnh của người đàn ông vừa trải qua một cuộc mây mưa điên cuồng thì cả cánh cửa bị đẩy ra chỉ trong một tích tắc không kịp để tôi phản ứng gì. Anh cứ thế đẩy tôi ra ngoài ngay trên ngưỡng cửa. Tôi cười thầm, tâm trí lại căng lên chuẩn bị đón nhận những tiếng phàn nàn cằn nhằn không còn gì xa lạ với bản thân.

– Xin lỗi em, nhưng anh không thể nhịn hơn được nữa. Anh xin lỗi.

Anh kéo khóa quần xuống rồi quay lưng về phía tôi. Tiếng nước chảy ton tỏn vào bồn tiểu cùng tiếng nước từ lavabo hòa thành một giai điệu kỳ cục thường thấy của nhà vệ sinh.

***

– Đến năm em học cấp ba, em mới tiểu tiện như cách anh đang làm đấy! Trước đó, em luôn bị lũ cùng lớp bắt nạt không ngừng vì cái tội tiểu ngồi. Em bị một thằng con trai bắt gặp đang sử dụng bồn cầu để tiểu trong phòng vệ sinh, thay vì đứng ở ngoài bồn tiểu như mấy đứa tụi nó. Nó suýt nữa thì lấy điện thoại ra chụp hình em ngay lúc đó nếu như không quá mắc tiểu. Nhưng khi nó đi tiểu xong, nó lôi đầu em vào bồn tiểu và tụt quần em xuống trước con mắt của cả đám bọn nó.

– Sao em không bỏ chạy ngay lúc nó đi tiểu hả?

– Vì em cũng mắc như nó chứ sao!

Anh phì cười từ góc phòng vệ sinh. Nụ cười hiền lành toe toét đến tận mang tai làm hai mắt díp lại thành hai chiếc cầu mảnh trên gương mặt. Tôi vẫn đang đứng dựa lưng vào cánh cửa để mở, ngắm nhìn bóng lưng của anh. Nỗi thèm khát khi thấy anh từ phía sau như thế này lại cồn cào trong tôi. Tôi muốn được chạm vào bờ vai của anh khi ký ức về nó đã được đánh thức. Cảm giác đó sẽ như thế nào? Liệu đó là một sự đắm chìm trong hoài niệm đầy ngọt ngào hay một khoái cảm thống khổ nào đó đầy mới mẻ và mê hoặc?

Tôi không biết mình dùng tư cách gì để đối mặt với anh, người tình thác loạn, hiện thân của sa ngã và hư hỏng, hay một mảnh mơ hồ của ký ức tình cờ được tái hiện lại theo cách thức nghiệt ngã nhất. Chẳng dám mơ về hạnh phúc hay tình yêu, nhưng anh là người đầu tiên không đẩy tôi ra ngoài bất cứ cánh cửa nào khi tôi chưa muốn, cho dù chẳng có bất cứ thứ gì thuộc về tôi. Tôi chỉ khao khát được nấn ná lại cạnh anh một chút nữa. Một chút ký ức nối liền với ký ức, thành một thứ gì đó có thể ở lại với tôi lâu hơn. Nụ cười của anh là thứ tôi sẽ luôn ghi nhớ. Tôi sẽ ghi nhớ cả sự ngọt ngào này.

-Tại sao em không bắt chước với những người khác để không bị tẩy chay? Chẳng lẽ không có ai ở đó lúc em còn nhỏ để dạy em những thứ cơ bản như cách một người đàn ông đi tiểu sao?

Người đàn ông nào ở đó? Tôi khẽ tựa vào vai anh, đầu lướt qua cằm anh lởm chởm râu và cứng cáp. Muốn kể anh nghe về thời đại học, tôi từng sôi máu khi nghe một giảng viên bình luận rằng thật không đúng đắn khi để một đứa trẻ chỉ sống với duy nhất mẹ hay bố. Nếu một đứa con trai còn nhỏ chỉ lớn lên với sự chăm sóc của mẹ, điều tất yếu là nó sẽ mang xu hướng tính dục bất ổn. Có thể nó sẽ nữ tính hơn, cũng không loại trừ trường hợp tệ nhất là trở thành gay. Tôi khi đó chỉ muốn đứng lên nói thẳng vào mặt người giảng viên bất công đó rằng cô chẳng biết cái quái gì cả. Tôi được lựa chọn ở với ai hay sao? Tôi chỉ sống với mẹ mình vỏn vẹn mười một năm trời và chẳng bao giờ có đủ thời gian để cảm nhận cho bằng hết tình yêu thương mẹ dành cho tôi, nhưng việc một người mẹ dành cho con những gì tốt nhất có thể và bảo vệ con khỏi một gã khốn là phi đạo lý và không phù hợp với khoa học? Chẳng lẽ thà lớn lên với một người phụ nữ trong mình còn hơn một âm bản của người đàn ông độc tài, khốn kiếp là tội lỗi tày đình? Nhưng tôi sẽ không kể với anh điều đó. Trầm mặc một lúc lâu để hít cùng anh bầu không khí, để hơi ấm của anh bao bọc lấy mình, tôi khẽ khàng tìm lời gì đó để cho qua câu chuyện:

– Em chỉ muốn giống với mẹ. Không phải là em không biết cách, nhưng tại sao em không thể làm những gì như em muốn, trở thành người mà em muốn trở thành?

– Em chỉ nói như thế vì muốn đổi chủ đề thôi chứ gì?

Có những ranh giới tôi vô cùng sợ hãi. Nếu như tôi lại quá gần thì một nỗi thèm muốn được bước qua nó sẽ thôi thúc trong tôi đầy mạnh mẽ. Nếu tôi nghe theo thôi thúc đó, nếu thèm muốn đủ lớn, tôi phải đánh liều được ăn cả, ngã về không. Cả đời mình, tôi đã đặt cược hàng nghìn lần như thế và thua đau gấp tỷ lần. Như một cơn khát cháy bỏng sau khi uống nước biển, niềm hy vọng mù quáng lại dẫn dắt tôi đi hết từ đau đớn này đến khổ sở khác. Nhưng cho đến khi để nó kéo tôi thêm một lần nữa, tôi chỉ biết giữ mình tránh xa khỏi nỗi khao khát được bước qua những lằn ranh. Luôn tâm niệm trong đầu như niệm thần chú rằng chẳng có bất cứ hạnh phúc nào nằm ở bên kia đâu, dù những lời lẽ đó vô nghĩa hơn cả sự ngu ngốc của tôi. Tôi nào được chọn?

Thực sự có phải anh là một thằng khốn không, tôi nào biết được? Nhưng trước cả khi tự đâm đầu vào một ván bài mới, tôi đã có ngay câu trả lời cho mình rồi. Lần nào cũng thế, tôi nghĩ sẽ không tài nào sống nổi nếu như thua keo này. Nhưng rồi tôi vẫn ở đây, lì lợm, thảm hại. Tôi nghĩ mình càng không thể sống nổi nếu như không có bất cứ tia hy vọng nào được tìm thấy và cố chấp bấu víu vào bất cứ thứ gì, tự huyễn hoặc mình nó là một tia hy vọng trá hình đang thử thách tính kiên nhẫn của tôi. Thế rồi sao? Tôi đã được gì sau gần một phần ba cuộc đời theo đuổi và dấn thân? Trong đầu tôi lúc này, anh chỉ là anh, một hiện thân của hy vọng ngoan cố dù muốn hay không tôi vẫn phải thừa nhận rằng mình cần nó hơn bao giờ hết. Chỉ thế thôi được không?

– Sáng nay đi ăn bánh mì với anh đi. Anh rất muốn biết em còn thích bánh mì nhân chả cá nữa không?
Anh với tay lấy chiếc Macbook từ bàn cạnh giường, nhắn tin gì đó. Những tiếng ting ting vang lên đều đều trong khuya thanh vắng. Thành phố chìm vào giấc ngủ trong vô số ánh đèn như cả một bầu trời đầy sao đặt dưới chân họ, còn bầu trời đêm đích thực lại là một đại dương tối thẫm, mượt mà như một tấm mền. Anh đặt báo thức, rồi quay lưng về phía tôi đắm chìm trong cuộc đời thực của anh, cuộc đời đằng sau cánh cửa ngoài kia, nơi tôi không phải là đứa trẻ trong lòng mẹ, kiêu hãnh trong hạnh phúc được chở che và yêu thương, còn anh là người hùng đến từ một câu chuyện ngôn tình nào đó mà chúng tôi là hai nhân vật chính. Nhưng sao không thể chỉ là anh và tôi sau cánh cửa này, cũng đáng mà! Tôi muốn nói gì đó với anh, để mình không phải là một kẻ thảm hại cầu xin ở anh một sự xót thương trong cô đơn vẫy vùng. Tôi muốn sau cánh cửa này, anh là quốc vương còn tôi là cô công chúa. Những tiếng ting ting từ màn hình Macbook cứ không ngớt vang lên từ sau lưng anh. Khuất mặt trong màn hình, khoảng cách xa ngái như nỗi vô vọng đang bào mòn tôi. Tôi chỉ còn biết nhắm mắt lại, khẽ cầu nguyện mẹ ở trong tim. Nếu như mẹ có ở đó, mẹ có biết con đang yêu?

***

Thằng Duy lấy từ trong cặp nó cái mũ lưỡi trai. Đang định đội lên đầu, như thể sực nghĩ ra ý tưởng gì đó, nó khựng lại, dõi mắt nhìn xuống tôi đang cặm cụi viết cho xong kết bài bài tập làm văn nộp cho giáo viên. Ánh mắt độc ác của nó giãn ra thành một nét cười trên khuôn mặt điển trai nhất lớp. Chiếc mũ lưỡi trai với cái khóa cài bằng thiếc ở sau gáy quất tới tấp vào đỉnh đầu tôi, không thương xót. Đám bạn dừng lại nhìn tôi thất thần đang cố thản nhiên viết nốt những dòng cuối cho kịp giờ, rồi lại làm những gì họ đang dang dở. Những cú quất đau nhói, tôi không biết đó có phải là địa ngục A Tỳ như trong kinh Phật mô tả hay không. Thằng Duy hất tay tôi, những dòng chữ nguệch ngoạc bị cú xô đẩy làm lệch ra khỏi lề, cứ thế chơi vơi, không thành câu nổi.

– Bê đê, giỏi thử đánh lại tao xem nào?

Thằng Duy giật bút tôi khi tôi đang dồn tất cả những nỗ lực còn lại trong mình để viết. Chỉ còn một dấu chấm câu nữa thôi. Những cái quật với chiếc móc cứng ngắc để lại đau đớn hay chính bản thân sự tàn nhẫn và hiểm ác đã quá sức chịu đựng đến nỗi chiếc móc kia chẳng thấm tháp gì? Những người đàn ông vừa tàn nhẫn đến đáng sợ vừa hấp dẫn không tài nào cưỡng nổi. Sự hấp dẫn lôi cuốn ta vào một hình phạt đầy mê đắm hay đây chỉ đơn thuần là cái giá không thể đắt hơn cần phải trả? Nước mắt tôi chực trào, rồi tôi ngẩng lên nhìn nó với cái lườm đong đầy mọi oán hận nhất tôi có thể biểu lộ ra. Những dòng nước mắt đã rửa trôi được ở tôi cái hy vọng về một hạnh phúc toàn hảo, nhưng lại đọng lại trong trái tim tôi uẩn ức khôn xiết. Như một thứ gì đó mãi bị tắc nghẽn. Nghĩ không thông.

Tôi tỉnh dậy từ cơn ác mộng, vẫn còn thổn thức và nghẹn ngào trong cơn dư chấn sau những cú quật của ký ức. Căn phòng không có lấy một cái cửa sổ. Chỉ có tấm kính chạy từ trần nhà xuống đến sàn giờ được những tấm rèm che kín. Ánh mặt trời cố gắng len lỏi vào từ những kẽ hở để soi tỏ nửa bên giường trống hoác và những nếp nhăn của tấm drag trải. Chiếc Macbook biến mất, thay vào chỗ nó là tấm giấy nhớ dán trên mặt bàn màu vàng với vài dòng chữ được viết gấp gáp bằng bút bi. Tôi không muốn đọc chúng, chẳng phải vì thoáng nhìn qua đã ngán ngẩm những nét uốn lượn bất khả thấu tri. Có lẽ phong bì tiền cùng chìa khóa trả phòng nằm ở đâu đó, cũng có thể không, nhưng tôi chưa thể nghĩ đến điều đó vội. Trái tim bình thản tự nhủ đã không còn gì phải ngỡ ngàng hay ngạc nhiên nữa vì quá quen đến thuộc lòng.

Ở ngoài kia cánh cửa, người hùng đã trút bỏ vầng hào quang của câu chuyện ngôn tình hay chưa? Hay anh còn nấn ná để chờ tôi như lúc tối? Có lẽ anh chỉ đang đứng trước ở một xe bánh mì nào đó, với chiếc Macbook đầy ắp tin tức buổi sáng và những tin nhắn công việc, có thể là đang nghe một cuộc gọi nào đó từ vợ của anh. Nhắc anh mang đồ bẩn về nhà sau khi làm ca đêm, không được bỏ bữa sáng. Có lẽ anh đang hít hà mùi chả cá rán giòn và mong đợi được thấy vẻ mặt của tôi khi ngoạm đầy một miệng bánh mì nhân chả cá, háo hức quan sát phản ứng của tôi rồi phì cười. Tôi nhớ ánh mắt của anh. Ngoài nụ cười, ngoài khuôn miệng và cơ bắp, và làn da, và hơi thở, và cả sự ấm áp về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Hy vọng lần này sẽ không thua, hay có thua cũng sẽ không thua đau, không mất tất cả, không chết đuối trong thảm sầu.

YUKIKO TENGO

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Về nhà sớm mai

Chị ngẩng mặt lên. Lần đầu chị dùng mắt để đối diện với bà Bá. Chị nói câu từ chối bằng mắt, và cũng dùng mắt để van lơn. Đôi mắt của chị đục và mờ dần như chực chờ…

Con thuyền xuôi dòng

Một dòng sông và người con gái đang trôi. Anh cố gắng chạy theo nhưng không được. Anh muốn cô biết có người đang chạy theo mình…

Thơ dự thi của Phạm Thanh Phương

Chúng ta như những toa tàu
Kéo lê ngày tháng
Tới điểm cuối cùng mà chưa được sống
Đúng nghĩa: Một con người
Biết cho đi những gì quý giá nhất của mình…

Nhà thơ Trần Kim Hoa

Kể từ tập thơ đầu tiên “Nơi em về” đến nay, nhà thơ Trần Kim Hoa đã có hơn 30 năm nặng nợ với thơ. Thơ chị neo vào lòng người đọc bởi những chiêm nghiệm, trăn trở đầy xúc cảm…