Người Bana Kriêm đón khách trong ngày Tết

(VNBĐ – Bình Định mến yêu). Khi những cành mai rừng bắt đầu bung nở những cánh hoa đầu tiên, là lúc mùa xuân rực rỡ, ấm áp, tràn về núi rừng Vĩnh Thạnh, Bình Định. Khắp các thôn, làng của người Bana Kriêm ngập tràn không khí nhộn nhịp, vui tươi, người người, nhà nhà cùng nhau chuẩn bị đón Tết. Những chàng trai với cánh tay rám nắng, những cô gái với đôi má ửng hồng, hồi hộp mong chờ khoảnh khắc bước sang năm mới. Cụ già ngồi bên hiên, gương mặt lấp lánh niềm vui, bâng khuâng nhớ về thời trẻ. Dưới cầu thang nhà sàn, tiếng trẻ nô đùa, cười giòn giã, thơ ngây…

Người Bana Kriêm đã có mặt trên mảnh đất Vĩnh Thạnh từ hàng trăm năm trước, họ ăn Tết theo từng dịp mang ý nghĩa tâm linh hoặc theo vòng thời gian, có các lễ hội chính như: Lễ hội ăn cốm lúa mới, lễ hội mừng sức khỏe, lễ hội đâm trâu… Nhưng những năm gần đây, Tết Nguyên đán (người Bana Kriêm gọi là năr Chruh-kâl) đã trở thành lễ hội quan trọng, có ý nghĩa không chỉ với từng cá nhân mà còn với cả thôn, làng, cộng đồng. Người Bana Kriêm chuẩn bị Tết khá cầu kỳ, trước cả tháng đồng bào bắt đầu rục rịch làm rượu cần, rượu cần là loại thức uống không thể thiếu trong bất kì dịp lễ hội nào. Rượu cần là nhịp cầu nối những bờ vui, khiến cho người xa lạ hóa gần gũi, trò chuyện cởi mở xóa nhòa ranh giới chủ và khách, làm cho nam nữ trở nên thân quen. Mỗi nhà nấu ít nhất năm đến sáu ghè rượu cần làm bằng nếp, gạo tẻ, bo bo hoặc mì… rất thơm, ngọt, đậm đà, uống mãi không chán. Sở dĩ nấu nhiều ngoài để cúng tết của gia đình một ghè và để uống tại nhà rông một ghè, còn lại chủ yếu là để tiếp khách anh em, bạn bè gần xa (ghè thứ nhất dùng để cúng đầu năm, ghè thứ hai dùng để uống chung vui cùng bà con tại nhà rông của thôn, làng. Có thôn, làng hiện nay tổ chức xuống nhà rông 2-3 lần để tăng thêm không khí vui tươi, ghè thứ 3, 4, 5 hoặc 6 dành đón khách, anh em, họ hàng từ nơi xa đến chơi nhà trong ngày Tết.

Tùy từng điều kiện của mỗi nhà, mà sẽ nấu rượu cần bằng mì, gạo, kê hay bằng bắp…, mỗi loại lại cho mùi vị và nồng độ rượu khác nhau. Trước đây, bà con thường nấu bằng mì là chính vì gạo không đủ để ăn huống hồ gì việc nấu rượu cần, lúc bấy giờ gạo là một thứ xa xỉ, chỉ nhà có điều kiện mới dùng để nấu rượu. Bí quyết tạo nên hương vị nồng say của rượu ghè lại nằm ở loại men đặc biệt làm từ lá cây rừng với kỹ thuật làm men của gia đình được giữ kín. Khi thấy cơm rượu đã lên men vừa đủ, có mùi thơm thì đổ vào ghè, phủ lá chuối bên trên rồi đem cất vào chỗ thoáng mát, sau khoảng hai tuần trở đi là dùng được.

Đổ rượu ghè đón năm mới tại nhà rông. Ảnh: Y.H

Tiếp theo là việc chuẩn bị các món ăn đãi khách, đó là những món ngon, vật lạ không dễ gì có được trong bữa cơm ngày thường. Người Bana Kriêm sống tập trung ở vùng sâu, vùng thung lũng, ven sông, suối do vậy nguyên liệu trong ẩm thực cũng là sản vật của sông suối như: cá suối, tôm, cua, ếch nhái… phối hợp với các loại gia vị có mùi hắc (sả, ớt, tiêu rừng), rau rừng. Điều này rất phù hợp với quy luật ẩm thực, vì sản vật sông suối thường mang tính hàn, cần có gia vị nóng để cân bằng, và cũng để giảm bớt vị tanh, thêm ngon lành. Có thể kể đến món cá niên nướng cộng rau dớn chấm muối ớt, măng le luộc chấm với trái trám rừng, món gà đồi chấm muối tiêu rừng, gỏi cây chuối với kiến vàng, ốc đá nấu lá giang và các món thịt rừng nướng xiên, nướng ống lồ ô, đây là cách chế biến đơn giản nhưng lưu giữ trọn vẹn vị ngọt tự nhiên của thịt dúi, thịt chuột, thịt hươu, mang, heo rừng… Thịt bẫy về được đem thui qua trên bếp lửa rồi mới cạo lông, xẻ thịt, chặt từng khúc nhỏ. Sau đó là tách riêng xương ra, chọn lấy miếng thịt ngon để trộn gia vị muối, ớt, bột ngọt, rau thơm rừng, cho vào ống lồ ô, nút kín bằng lá chuối rồi để lên bếp lửa, hoặc xiên thịt nướng nguyên chất, không tẩm gia vị. Xương thì nấu với rau, củ, quả rừng. Quan niệm trong nấu ăn của người Người BaNa Kriêm là càng ít gia vị càng tốt, để được hưởng hương vị riêng, độc đáo của từng món ăn, chứa đựng cả tấm lòng của người Bana Kriêm.

Ngày đầu năm mới, những người trong nhà dậy sớm để cùng nhau sửa soạn mâm cỗ cúng Thần – Yang, cúng ông bà tổ tiên. Mâm cỗ cúng khá đơn giản, thường chỉ có con gà trống luộc, trầu, cau, thuốc lá và ghè rượu cần. Nhà có điều kiện thì mổ heo cúng, người cao tuổi trong nhà trang trọng thắp nến sáp ong dán vào cần rượu ghè đã đổ trước đó và đồ cúng đã bày lên đặt nơi giữa ghè rượu với cây cột cúng, rồi mời mọi người cầm phép cần rượu cúng, sau đó người cúng đọc lời khấn: tạ ơn Thần Yang, ông bà tổ tiên trong năm qua đã phù hộ cho gia đình một năm yên bình, làm ăn khấm khá và cầu mong năm mới tiếp tục phù hộ nhiều may mắn hơn. Sau đó, tập trung cả gia đình lại, cùng ăn bữa cơm, uống rượu cần đầu năm rồi lần lượt đi thăm từng gia đình trong làng. Cũng như người Kinh, Tết Nguyên đán của người Bana Kriêm Bình Định là thời gian để lũ trẻ vui chơi thỏa thích, người già thăm hỏi nhau, còn các chàng trai cô gái thì có thời gian tìm hiểu, bộc lộ tình cảm với nhau.

Việc đón khách vào trong nhà, được tiến hành theo thứ tự các bước: (1) mời khách ăn trầu cau, hút thuốc, (2) mời khách uống phép rượu cần cúng (sau lời cúng của gia đình), (3) sau đó gia đình mời cơm thân mật, (4) cuối cùng là phần uống rượu cần vui chơi, ca, múa, hát…

Khi có khách quý đến thăm Tết, đích thân người chủ nhà xuống tận chân cầu thang đón tiếp, mời khách lên nhà trong niềm vui hân hoan của mọi người. Công việc đầu tiên là chủ nhà mời khách ăn miếng trầu, hút thuốc, trong khi người già vừa ăn trầu, hút thuốc thì gia đình đã phân công nhau: đàn ông mổ thịt con gà, con heo, đổ ghè rượu, chị em phụ nữ lấy nước, nấu cơm, nấu rau cho bữa ăn tiếp khách đầu năm. Người Bana Kriêm rất hiếu khách, trọng nghĩa tình, một khi họ đã yêu quý bạn thì nhất định sẽ dành mọi quan tâm. Quan niệm người Bana Kriêm Mỗi khi có khách đến nhà vào dịp Tết, dù là trong họ hàng, người làng mình, hay người xa xôi chưa từng quen biết khi đến nhà thì cũng quý mến lắm, tiếp đón niềm nở. Nếu khách lớn tuổi thì được mời ngồi mâm trên trước, theo thứ tự nhỏ dần nhưng thường đàn bà hay ngồi ở mâm riêng, vì thoải mái, dễ trò chuyện, khách trẻ cũng vậy thường ngồi ở mâm riêng, nơi rộng rãi để cùng trò chuyện cho thoải mái. Trước khi dọn cơm đãi khách, đại diện gia đình bưng một ghè rượu cột chặt vào cây cột cúng (Bana Kriêm gọi là ‘long chmrững) sau đó mở miệng ghè, đổ nước lã tràn đến miệng ghè, cắm cần hút vào (đếm số lượng khách và đại diện chủ nhà để đưa cần vào ghè), để sau 20 – 30 phút khi men rượu hòa quyện ngấm vào nước rồi mới có thể uống. Khi khách ăn trầu hút thuốc xong, gia đình mời khách cùng mọi người đến cầm cần để chủ nhà cúng phép, ai uống được thì cầm cần ai uống không được hoặc trẻ con thì chạm phép cần rượu xem như mình đã cầm và uống rượu, lời khấn của người cúng được bắt đầu: hôm nay vợ chồng bá A, mí A và con cái từ làng A, xã A đến nhà thăm Tết, nhà có đổ ghè rượu uống vui mừng cho gia đình bá, mí A và con cái. Mong, ông bà tổ tiên và các loại ma khác phù hộ cho họ được mạnh khỏe, hạnh phúc, đi đến nơi về đến chốn và năm mới làm ăn tốt hơn năm cũ.

Cúng xong mời họ thử rượu phép, khách phải đón nhận cần bằng tay phải hoặc hai tay, vì với đồng bào Bana Kriêm, cầm tay trái là dành cho người đã khuất. Khi cầm cần, uống hớp đầu tiên nhổ đi, điều này bắt nguồn từ tục lệ xa xưa, để đảm bảo ống hút rượu cần khi hút ra hay không ra để còn chỉnh sửa vì người hút ra thì không nói, còn người hút không ra thì việc này xem như không tôn trọng Thần Yang, ông bà tổ tiên cũng như không thật lòng với chủ nhà, điều rất cấm kỵ. Khi thử rượu xong, chủ nhà hỏi phép các cần rượu của mọi người hút có ra không, họ đồng thanh nói có, sau đó mới uống thật sự, chén chum đầu tiên (chén đồng ngày xưa) uống cho Thần – Yang. Uống xong, đến chén chum thứ 02 là uống cho ma ông bà tổ tiên cũng như các loại ma khác. Khi uống hết chum thứ hai thì gia đình mời khách ăn cơm, họ dọn ra những món ngon nhất mà gia đình có được trong nhà ngày Tết, rồi mời khách ăn cơm trước đã, sau đó mới tới phần uống. Người chủ nhà mời khách ăn cơm nhiệt tình, khách cũng ăn thực bụng, nếu như khách sáo, e ngại mà ăn chút ít lấy lệ sẽ bị chủ nhà trách móc, cho rằng món ăn họ nấu không ngon hoặc khách không có tình cảm, không thật lòng, thật dạ.

Khách đã đến nhà, dù già dù trẻ, dù đàn ông hay đàn bà thì khi ăn xong nhất định phải ngồi bên ghè rượu cần chung vui với gia đình. Chủ nhà mời từng người uống một chén, khách uống xong mời ngược lại chủ nhà, không được lén nhổ đi, như thế là không thật lòng, không quý mến chủ nhà. Gia đình cùng khách quý quây quần bên ghè rượu cần, cùng nhau ăn, uống, hát hò, kể về những kỉ niệm xa xưa, trai gái dần trở nên mạnh dạn, gần gũi nhau, chia sẻ tâm tình. Càng về đêm, men say núi rừng càng thấm vào mỗi người, cả chủ và khách đều không còn khoảng cách, trò chuyện rôm rả liên tục.

Mặc dù, đã có nhiều đổi thay nhưng người Bana Kriêm vẫn lưu giữ những nét truyền thống của dân tộc mình trong dịp Tết Nguyên đán: vẫn là hương vị nồng say của rượu cần, vẫn là vị ngọt của thịt rừng, vị đậm đà của những món ngon dân dã của núi rừng, cũng như sông suối, và vẫn tiếng cồng chiêng vang vọng thôn làng, báo hiệu một năm mới tràn đầy niềm vui và hạnh phúc cho từng nhà từng cộng đồng dân tộc trên khắp đất nước Việt Nam nói chung và đồng bào Bana Kriêm nói riêng.

Cùng với những chuyển biến theo nhịp sống mới, việc nấu và uống rượu cần truyền thống đang bị mai một dần. Thay thế cho rượu truyền thống, do chính bàn tay người phụ nữ Bana làm nên, là những loại rượu, loại bia đã chế biến sẵn để tiếp khách, đầy rẫy ngoài thị trường. Lớp trẻ người Bana Kriêm hiện nay, khi xuống riêng, nếu nhà có việc thậm chí lấy rượu, bia để cúng thay cho rượu cần truyền thống của dân tộc mình. Đây là những lí do, khiến cho rượu cần ngày càng ít được sử dụng trong đời sống, trong lễ hội của người Bana Kriêm hôm nay. Thiết nghĩ, uống rượu cần là sinh hoạt, nét đẹp truyền thống từ bao đời nay của người Bana Kriêm, nên cần phải được giữ gìn và bảo tồn giá trị tốt đẹp trong sinh hoạt văn hóa của mỗi dân tộc, trong đó có cộng đồng người Bana Kriêm Bình Định.

YANG HUÂN

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Sáng tác ở Quy Nhơn

Dạo đó, tôi với Thụy Kha và Trọng Tạo cũng nhờ những chuyến đi thực tế với Văn Cao nên đã viết được cả thơ và nhạc. Thậm chí, chúng tôi còn làm cả một “đề án” xây dựng “Quy Nhơn thành phố thơ ca”…

Đào Tấn với Xuân Quang biệt lũy

Làm quan mà được dân yêu, vua quý trọng là điều hiếm có. Năm Tự Đức thứ 36 (1883), Đào Tấn được Tự Đức ban tặng bài thơ kể Phủ Doãn Đào Tấn hộ vệ thuyền vua…

Quy Nhơn: Nghe, thấy và nghĩ

Nếu tính tuổi, Quy Nhơn thực chất là một thành phố trẻ, đang tràn đầy sức sống. Người xa thành phố vài chục năm về sẽ ngỡ ngàng bởi những đổi thay…

Lỵ sở phủ Quy Nhơn đầu thế kỷ XVII

Phủ Quy Nhơn là tỉnh Bình Định của ngày xưa. Vua Lê Thánh Tông chinh Nam chiếm thành Đồ Bàn của người Chiêm vào năm 1471, đã lấy vùng đất này lập ra phủ Hoài Nhơn…