Người anh hùng xóm Gò Nhãn

(VNBĐ – Truyện ngắn dự thi).

Bà tôi đặt cái hầm trú ẩn bên góc trái hiên nhà, cạnh cửa ra vào. Vật liệu xây dựng là những thân cây dừa đan chéo nhau hình tam giác, có hai cửa thoát hiểm hình chữ chi. Kiểu hầm này người ta gọi là hầm kèo, trông nó chắc chắn nhưng không bằng hầm rọ được nhái theo cái rọ bắt heo của những tay “bảy đáp”.

Hầm rọ được đan kết bằng cật tre già, bên ngoài trét bởi lớp bùn nhão trộn với rơm khô như vách đất căn nhà thuở xưa. Căn hầm trông đơn giản, ọp ẹp.

Buổi sáng, năm 1968. Một ngày như mọi ngày, ông mặt trời uể oải, mệt nhọc leo qua ngọn tre già, gió hiu hiu thổi từ biển Đông, không gian nhẹ tênh màu nắng nhạt. Tiếng âm âm u u từ biển Đông vọng về phá tan không gian yên ắng, những khoảnh khắc thanh bình hiếm hoi ở xóm Gò Nhãn, vùng giáp ranh Tam Quan Nam, Tam Quan Bắc ngày nay. Đó là tiếng động cơ của chiếc mô ranh tuần tiễu. Đối với tôi, thằng bé mười tuổi, con chim sắt chao liệng trên bầu trời kia là hung thần hiểm ác, là bóng ma luôn gieo rắc nhiều tai họa, vì mỗi lần nó xuất hiện thì ắt hẳn có chuyện gì sẽ xảy ra. Chiếc mô ranh bay ngang không phận xóm Gò Nhãn, quần đảo nhiều vòng trên bầu trời, mỗi lần vòng xoáy dần hẹp lại, rồi bất chợt nó hạ thấp độ cao.

“Rắt, đùng… đùng”.

Tiếng pháo lệnh chỉ điểm mục tiêu ném bom. Không lâu sau, bầu trời bị xé nát bởi tiếng gầm rú của những con chim sắt F105, loại máy bay siêu thanh phản lực bay từ biển Đông vào, vần vũ trên nền trời từng hai chiếc một. Rồi một chiếc tách rời ra, lao xuống kèm theo tiếng rít ghê rợn, tiếp theo đó là tiếng nổ như trời long đất lở. Tôi lao xuống hầm kèo ở góc nhà, ở đó đã có bà, má, chú Út Mười, em gái tôi cùng theo sau. Thêm một tiếng rít nữa và căn hầm rung chuyển mạnh, bụi đất từ trên nóc rơi vãi lung tung. Trái bom napan dội trúng góc trái căn nhà, ngọn lửa bốc cháy ở góc gần căn hầm. Ánh sáng của ngọn lửa, khói bụi dọi bập bùng vô căn hầm khiến nó chật chội, thiếu sinh khí cho cả năm người. Vài ba con chuột chạy lúc nhúc trên nóc hầm, cả loài gián nữa, chúng chạy loạn xạ tìm nơi ẩn nấp. Tôi ngồi gần bên bà, chú Út lấy cái mền che chắn ở cửa hầm nhằm giảm bớt khí nóng. Khói mỗi lúc một nhiều, căn hầm chừng như không an toàn. Mọi người ngầm như dò ý nhau, bà tôi bò lên miệng hầm chờ chút yên tĩnh thoát thân. Bất ngờ, một tràng rốc két xối xuống rền rả, bà tụt xuống, người co rúm lại. Mọi người chịu đựng một hồi lâu, chú Út ôm bụng ho sặc sụa, nước dãi cứ tuôn ra lã chã. Với tình thế đó buộc chú phải bò lên miệng hầm để tìm chút sinh khí.

– Chạy lên, mẹ!

Chú phóng chạy trước, bà vội kéo tôi và các chị em bò lên sau. Ra khỏi miệng hầm, trái tim tôi chừng như nở phồng ra, hít lấy hít để không khí đầy vẩn đục của khói bom, tiếng nổ lách tách của tre nứa, khí nóng phả vào mặt tôi bỏng rát, mọi người vội lao xuống dây thông hào nông choẹt ở ven đường. Cùng lúc đó, một chiếc phản lực lao xuống sát ngọn dừa, một đốm sáng lóe lên, tai tôi điếc đặc, người đầy đất, cả năm người chừng như bị chôn kín dưới dây thông hào đó. Dứt đợt dội bom, tôi ngoi ngóp bò khỏi lớp đất và dò tìm mọi người, may là không ai hề hấn gì rồi cùng dìu nhau chạy về hướng Gò Nhãn, nơi có cái hầm rọ của người hàng xóm.

Cái hầm rọ rộng chừng hơn ba mét vuông, đã có mười người ngồi như nêm kín trong đó. Chúng tôi chen vào khoảng trống họ đã nhường cho. Không khí nóng hầm hập như nướng chín mọi người, ai nấy đều ngủ gà ngủ gật, khói của bom, của những căn nhà cháy nham nhở làm chúng tôi say.

Bóng chiều dần xuống thấp, ông mặt trời đỏ như hòn máu phủ xuống bãi bờ xóm Gò Nhãn một màu tang thương. Suốt một ngày bầm dập, xóm đã hứng chịu ba đợt dội bom, khoảng cách của những phi vụ cũng khác nhau, chúng bay từng tốp hai chiếc, khi chiếc này cắt bom thì chiếc kia đảo một vòng khá rộng, thường thì mỗi chiếc mang từ hai đến bốn trái. Trước khi đánh bài chuồn, mỗi chiếc tặng cho xóm một tràng rốc két như lời chào tạm biệt.

Trời vừa chạng vạng, xóm bãi yên tĩnh, lúc này mọi người mới nhớ đến đói khát. Từng người ngoi lên miệng hầm để tìm chút sinh khí, mò về ngôi nhà vừa bị cháy, lục lạo trong đống tro may ra tìm cái gì đó còn sót lại để bỏ bụng. Chú Út mang đến bị gạo bị cháy xém, bình nước lạnh, một vài người cũng mang theo ngần ấy thứ để chia nhau một ít qua cơn đói khát.

Bầu trời nhấp nháy những vì sao, vài cơn gió Nồm rơi rớt, mát se se khiến tôi lim dim đôi mắt, cơn buồn ngủ trĩu nặng không tài nào cưỡng nổi, bật bựa vào cây dứa dại cạnh hầm làm một giấc. Tiếng gầm rú của chiếc máy bay phản lực cánh dơi thả pháo sáng khiến tôi bừng tỉnh ngủ, mở to đôi mắt đau đáu nhìn lên bầu trời sáng rực, từng chùm ánh sáng theo cánh dù đong đưa trải ra rất rộng. Bà giục tôi xuống hầm nhưng tôi còn ngần ngừ. Những chùm pháo sáng kia như cụm bông trắng mê hoặc tôi, thứ ánh sáng vàng vọt, ảm đạm thê lương, sáng lung linh chao lượn cùng cảnh vật chung quanh tạo nên  nhiều hình thù ma quái, dị dạng. Nó làm tê cứng tâm hồn nhạy cảm thằng bé.

– Thằng Cu kia, xuống hầm mau, bộ mày muốn chết hả?

Tiếng réo gọi của chú Út từ dưới hầm. Nhưng thằng bé quá lì lợm, nó thà cho những mảnh đạn kia tùng xẻo thân thể mảnh mai còn hơn để không khí nóng hầm hập dưới hầm kia đốt cháy tâm hồn trẻ thơ nó. Thằng bé vẫn ngồi lì trên nền đất, dõi theo từng cánh dù rơi, cánh dù như từng bông trắng sáng đong đưa trên nền trời. Nó đếm từng bông trắng rơi, một bông rồi lại hai bông treo lắt lẻo trên ngọn dừa bị vạt ngọn, trơ cái thân cháy đen đui đủi chĩa lên bầu trời. Có một cánh dù rơi cách hầm một đoạn ngắn, nó dợm bước nhưng tiếng gầm rú của động cơ phản lực ngăn ý định đó. Anh du kích từ góc công sự ở đâu đó phóng lẹ đến và ném nó xuống hầm.

– Đồ thằng lì lợm khó biểu!

Chú Út lầm bầm trong miệng. Mọi người nhìn nó, không ai buồn nói năng chi, sự mệt mỏi chán chường khiến mọi người lười nhác. Pháo biển bắt đầu hoạt động. Vài tiếng nổ xa xa vọng lại, lại vài tiếng nổ nữa nhưng chừng còn ở bên kia sông.

– Chúng chỉnh tầm bắn, không biết chúng muốn gì mà bắn lắm thế, rồi nó sẽ vãi đạn như cát!

Câu nói của ai vừa dứt thì liền sau đó một loạt pháo nổ ở đầu xóm làm đinh tai nhức óc mọi người. Một quầng sáng lóe lên, một trái rơi trúng góc trái căn hầm, tiếng nổ như chọc thủng màng nhĩ mọi người, chúng tôi ôm chầm lấy nhau, co rúm lại. Căn hầm nghiêng hẳn về một bên nhưng vẫn đủ che chắn cho những linh hồn khốn khổ. Xong một loạt đạn, mọi người giãn ra để thở nhưng khi nghe tiếng rít ở trên đầu lại ôm chầm lấy nhau tạo thành một số phận! Sức chịu đựng của cái hầm rọ thật đáng nể. Có cái bình thường, đơn giản lại hóa phi thường, nó đã tạo ra nhiều chiến công hiển hách, vượt quá khả năng chịu đựng. Căn hầm đã rung chuyển nhiều đợt, lúc nghiêng bên này lúc ngả bên kia như con lật đật nhưng khó bề sập, như con vi trùng lờn thuốc kháng sinh nên dù đưa vào cơ thể bao nhiêu liều lượng nó vẫn trơ trơ, không thể bốc những linh hồn khốn khổ rời khỏi trái đất này.

Minh họa: Nguyễn Văn Cần

Tờ mờ sáng, có tiếng máy bay trực thăng phành phạch trên đầu, nó vần vũ quanh Gò Nhãn. Có chiếc hạ xuống đất, cánh quạt quay tít cuốn bụi cát xuống tận hầm trú ẩn. Lại nhiều tiếng xí xô xí xào ở trên nóc hầm, mọi người tá hỏa tam tinh khi thấy một họng súng đen ngòm chĩa xuống.

– Vi ci… vi ci!

– No vi ci… no… no!

Bà tôi vừa nói vừa chồm dậy hất họng súng qua một bên, cùng ngay lúc đó là tiếng nổ chát chúa. Bà tôi chỉ một hành động, một câu nói như có thần, như câu thơ bất chợt nảy sinh của thiên tài trong một đêm.

Nghe tiếng trẻ con, đàn bà ở dưới, tên thông ngôn quát lên, giọng the thé:

– Tất cả mọi người lên đây!

Từng người một bò lên miệng hầm, ai nấy héo khô như tàu lá chuối. Nhìn quanh chỉ thấy nhiều đàn bà con nít, duy chỉ có chú Út Mười là con trai mới lớn, tên thông ngôn nhìn chằm chằm vào chú.

– Thằng này đứng xê qua một bên!

Sau đó hắn rờ rẫm chú từ đầu đến chân theo thói quen nghề nghiệp.

– Thẻ căn cước mày đâu?

– Dạ em chưa có căn cước, chỉ có giấy khai sinh.

– Mày mà khai sinh… khai sinh. Sinh năm 19… Đ.m, to con lớn xác thế này mà mới 16 tuổi?

Hắn đưa giấy khai sinh cho thằng Mỹ đứng gần đó, tên Mỹ nhìn con dấu đỏ chói ở cuối tờ giấy, săm soi. Chắc hắn không hiểu cóc khô gì tiếng Việt nên trao lại cho tên thông ngôn rồi lững thững đến căn hầm trú ẩn, nhíu trán, đăm chiêu nhìn cái vũng ở góc trái căn hầm, kết quả của trái pháo hồi đêm. Trái đạn đã không chu toàn trách nhiệm của những lần thí nghiệm khoa học, cái nhíu trán kia chứng tỏ rằng trí thông minh ở góc trời bên kia Thái Bình Dương vẫn thua xa con người chân đất ở xóm Gò Nhãn nhỏ xíu này. Hắn giận dữ rút chốt lựu đạn ném xuống đó, căn hầm rền rỉ một tiếng “ùm” rồi đổ sập.

Mọi người bị lùa về xóm Đình, ở đó đã có nhiều người cùng cảnh ngộ một đêm không ngủ. Tất cả đều phờ phạc, rã rời, niềm u uất dâng trào trong tâm hồn mỗi người trước cảnh nhà tan cửa nát.

Gần trưa, viên trung úy, xã trưởng lọ mọ đến. Trông gã chảnh chọe với bộ quân phục dã chiến, đội mũ ca lô gắn hai bông mai vàng rực, đôi giày đinh bóng lộn nện xuống cát nghe thình thịch, hai tay chắp sau lưng đi đi lại lại với vẻ mặt đăm chiêu, biểu lộ tình cảm vô bờ trước cảnh khốn khổ của bà con mình.

– Chiến tranh là nỗi khổ, vạn bất đắc dĩ quân đội đồng minh mới mạnh tay với bà con mình. Nay mai họ đến đây, trên mảnh đất này lập khu đồn trú, giúp ta giữ vững nền an ninh quốc gia.

Tiếng giày đinh của gã đua nhau gõ bồm bộp trên sân bãi, gã thỉnh thoảng dòm người này ngó người kia ra chiều thân mật, quan tâm đến mọi người.

– Ê, bà già – gã nhướng mắt hướng về bà tôi – Bà lâu nay mạnh giỏi chớ?

– Dà dà, nhờ phước đức của ông, tui vẫn bình thường.

– Mấy ảnh vẫn về thăm bà luôn chớ?

Tiếng “mấy ảnh” của tên xã trưởng thốt ra làm tôi giật thót người như sắp bị đe dọa, bật khóc thút thít.

– Ê, thằng nhỏ! Ai tra khảo gì mày khóc? Mày định lung lạc tinh thần bọn tao đấy hả, thằng Việt Cộng con nằm vùng! Còn thằng này đứng dậy, cả lão già kia nữa. Ê thượng sĩ, dẫn bọn này đi.

Gã thượng sĩ theo lệnh của tên trung úy chỉ từng người một, cái báng súng nện nhẹ vào lưng chú Út. Bà tôi bật dậy, miệng rối rít.

– Xin trung úy vị nể tình làng xóm, nó còn nhỏ có biết gì đâu.

Lúc này tôi càng khóc to hơn, tiếng nấc nghẹn ngào từng hơi một, vừa khóc vừa tru tréo: “Chú Út ơi… ơi”. Mọi người chung quanh sân bãi nhao nhao, kẻ tiếng này người tiếng khác cùng hùa theo bà tôi. Gã trung úy hơi chùn bước.

Cùng một trận dội bom ngày hôm đó thì xóm bên đã có một trận càn. Trung đội lính khu đồn trú ở thị trấn bất ngờ tràn xuống xóm dưới theo sự chỉ huy của tên trung úy. Dù gã là người địa phương nhưng không thể thấu tường tận mọi ngóc ngách, từng mô đất, từng ổ công sự của du kích ém nhẹm. Hẳn có người chỉ điểm, có kẻ làm gián điệp, người cùng làng nhưng có kẻ này người nọ, kẻ hùa theo xô đẩy nhau vào tận cùng cái ác, cũng có người do dự. Nhưng dù sao thì dòng lịch sử vẫn chảy, cuốn tất cả những gì vào dòng thác đó.

Trung đội lính bao vây hầm bí mật theo sự chỉ huy của gã trung úy, gã chắc mẩm sẽ tóm được mẻ cá lớn nên đã bố trí trận đánh thật bài bản, theo kinh điển mà gã đã học ở phương Tây. Theo mật báo, hầm bí mật có năm người, cán bộ cấp huyện hoặc cao hơn. Gã trung úy dùng loa, hô lớn:

– Hỡi cán binh cộng sản, các bạn hãy quay về với chính nghĩa quốc gia, chính phủ sẽ khoan hồng những sai đường lạc lối của các bạn. Về với chính nghĩa quốc gia, các bạn sẽ có dịp đi thăm đất nước Huê Kỳ hùng mạnh.

Thời gian cứ trôi, âm thanh cuồng nộ cứ sâm sả nhưng tình hình vẫn chưa chuyển hướng tích cực, hầm bí mật vẫn im lìm, bí mật trùm lên bí mật. Nôn nóng, gã hét to trong loa:

– Đ.m, bắt sống bọn chó đó, đừng để tên nào chạy thoát. Chống cự, bắn!

Cả trung đội tiến sát gần miệng hầm, có tên nằm dí sát mặt đất, bò như con lươn. Chúng phát hiện ra lỗ thông hơi và ném lựu đạn xuống đó. Nắp hầm bật tung, một bóng người phóng ra, thấp thoáng.

–  Lựu đạn, anh em ơi, lựu đạn!

Một tiếng bịch khô khốc nhưng đó không phải là tiếng nổ. Trái lựu đạn bị tịt ngòi, nó ẩm mốc hoặc do quýnh quáng nên anh du kích quên rút khóa an toàn. Một loạt đạn quét ngang cái bóng đó, cái bóng ngã quỵ nhưng cố lết về phía có bụi gai xương rồng. Căn hầm bí mật đã bật mí, nó trống huơ trống hoác, từ trên nhìn xuống một màu tối om, nhưng cả trung đội chưa có tên nào mò tới. Con hổ bị què nhưng vẫn là con hổ, cái nanh vuốt trong trí tưởng tượng mới đáng sợ làm sao!

Sóng đã yên, biển đã lặng nhưng tàn tích vẫn còn vương vãi. Thật rủi cho anh du kích, cái rủi có trong truyền thuyết Trọng Thủy – Mỵ Châu. Cái lông ngỗng của nàng Mỵ Châu gieo rắc theo đoạn đường đi của nàng mới tai ác, nó là điểm kết thúc câu chuyện tình lãng mạn. Vết máu của anh, anh không muốn tí nào nhưng nó vẫn cứ vương vãi, là điểm báo dừng cho cuộc đời anh trên cõi đời này!

Chúng lôi anh ra khỏi bụi xương rồng, mình bê bết máu, trói gô bên gốc cây nhãn, trước mặt mọi người trong xóm. Anh kiêu hãnh nhìn mọi người, nhìn trời đất, nhìn mây trôi và gió phất phơ tà áo. Ôi! Trên Trái đất này gió mới thật sự hào phóng làm sao, gió mơn man da thịt, gió thổi vào tâm hồn anh nhịp đời phơi phới tuổi xuân. Anh hai mươi tuổi đời, đã trôi qua bao mùa bão tố, bao nhiêu trận gió nồm Nam thổi ngược, mà đôi lúc anh hờ hững với nó biết bao nhiêu. Khi người ta đói, hạt cơm là hạt ngọc, anh từ dưới đất bốc lên, gió là vật quý của đời riêng tặng cho anh. Anh mải mê tận hưởng gió, hít căng vào lồng ngực mà quên trên đời này còn có gã trung úy quét ánh mắt dao cạo nhìn anh, gã mặc nhiên che chắn gió khiến anh khó chịu quá chừng.

– Năm đồng chí cỡ bự của mày ở đâu?

– Không biết.

– Mày là du kích hay bộ đội chủ lực?

– Liên lạc viên.

– Mày mấy tuổi đảng.

– Chưa vào đảng.

– Quê mày ở đâu?

– Gò Nhãn.

– Đ.m! Xóm Gò Nhãn ai mà tao không biết. Mày hãy liệu thần hồn.

Suốt buổi sáng, cả trung đội sục sạo hết hang cùng ngõ hẻm để tìm năm đồng chí cỡ bự nhưng bí mật vẫn hoàn bí mật, có hoặc không thì chỉ có trời biết, đất biết và anh du kích kia biết, trời thì xa nhưng anh du kích ngang tầm tay gã. Những chiêu bài tâm lý được nghiền ngẫm chưa linh nghiệm, gã lại dùng nhiều thủ đoạn. Anh du kích vẫn câm như hến.

Một thời điểm quyết định, khoảnh khắc mà con người đạt đến điểm hưng phấn nhất. Anh du kích dõng dạc hô to:

– Đả đảo đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai bán nước!

Khẩu hiệu được anh hô đến ba lần. Tiếng hô vừa dứt thì một loạt đạn cũng vang lên, thân anh cũng vừa ngã xuống, vết máu loang vùng bụng, ngực và còn đọng thành vũng trên bãi cát xóm Đình.

Anh du kích hy sinh ở xóm Đình đã ám ảnh tôi suốt một thời. Nó ám ảnh không phải vì cái chết đau đớn, cách đối xử vô nhân đạo của bọn lính đối với kẻ thù khi chỉ là một cái xác. Nó ám ảnh tôi vì sự cao cả, tinh thần bất khuất kiên trung, sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng độc lập tự do. Nó không riêng lẻ, cô độc mà là ngọn lửa báo hiệu cho những đám cháy khác, thiêu đốt sạch bóng kẻ thù nơi mảnh đất này.

NGUYỄN THANH SƠN

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Bên dòng sông Potomac

Năm mươi tám năm sau
Ngày anh tự biến mình thành lửa
Tôi và vợ con tôi mới đến được nơi này.

Mùa mận chín

Cầm lên trái mận tím
Nhớ ngày hoa tinh khôi
Rừng có bao nhiêu nắng
Gom cả lên đỉnh trời.

Tự nhủ

Hãy tốt khi mình có thể
trong sáng như là trẻ thơ