Ngọn sóng của thi ca bất diệt

(VNBĐ – Thơ và lời bình). Có một mảng thơ rất hay viết về đề tài chiến tranh đó là những cuộc chia tay của người lính ra trận. Nhà thơ nguyễn Đình Thi có Chia tay trong đêm Hà Nội, Nguyễn Mỹ có Cuộc chia ly màu đỏ và Trần Đăng Khoa với Thơ tình người lính biển là cuộc chia tay xúc động nhưng rất lãng mạn. Chính tâm hồn của người lính đã neo đậu anh rất chắc với tình yêu hậu phương, là bệ phóng để anh ra khơi đến với đảo xa bảo vệ Tổ quốc.

Tôi rất ấn tượng với nhịp thơ – nhịp sóng trong Thơ tình người lính biển. Chính cái nhịp khoan thai dìu dặt này như những con sóng lắc lư mạn thuyền đã giữ lại phút tĩnh tâm cân bằng động trong tâm thế của người lính trước phút chia tay “Anh dạo trên bến cảng”. Nhịp ấy là “Biển một bên và em một bên…”. Sự đối trọng này đã tạo ra độ ngân vang khi “Anh như con tàu lắng sóng từ hai phía’’ với những dư chấn tâm trạng vừa thảng thốt vừa mộng mơ trước một không gian trữ tĩnh “Mây treo ngang trời những cánh buồm trắng” chỉ có những tâm hồn đa cảm mới tinh tế nhận ra sắc màu trong trẻo và tinh khiết ấy. Không gian được trải dài vô tận với “chòm sao xa lắc” và “thăm thẳm nước trời” những định lượng được cảm nhận trực giác: Sự đơn độc là có thật, nhưng anh không cô độc khi “Anh đứng gác. Trời khuya. Đảo vắng”. Câu thơ ngắt nhịp như sự dồn nén. Người lính hóa thân thành cột mốc kiên định cắm chắc vào lòng đất bởi: “Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên”. Ta chú ý đến “Những cánh buồm trắng” khi chia tay với người yêu trên bến cảng đến với một nhận thức khác trong sâu thẳm “Gió thổi chưa ngưng trong những vành tang trắng”. Có lẽ ám ảnh bắt đầu từ cát trắng trên đảo, những – ngọn – gió – cát bay lên trời và thổi vào tâm tưởng. Chính cái màu trắng này cũng bắt đầu cuộn lên từ những con sóng trắng. Nhà thơ nhiều lần nhắc đến vòm trời bởi chính đó là vòm nhà của mình và đồng đội. Ngước lên nhìn trời chính là tìm đến hi vọng. Trong bài thơ có nhiều giả định. Chính câu hỏi giả định này có thể bắt đầu tạo ra từ những ngọn sóng vỗ bờ thao thiết, day dứt không yên. Giả định để khẳng định khi “Không biển nữa. Chỉ mình anh với cỏ/ Cho dù thế thì anh vẫn nhớ”. Hi vọng là trữ lượng sức mạnh lớn của tinh thần.

Thơ tình người lính biển là một tứ thơ hay viết về gặp gỡ và chia ly, chiến tranh và hòa bình, ngày và đêm, đất liền và biển. Tất cả đều được hòa điệu trong cái âm hưởng “Biển một bên và em một bên…” để nâng lên thành tình yêu và Tổ quốc. Mỗi khi cất lên lời ca được nhạc sĩ chắp cánh Thơ tình người lính biển đã thành một điệp khúc như những đợt sóng da diết mà hào hùng và kiêu hãnh của tuổi trẻ. Đó là ngọn sóng của thi ca bất diệt sống mãi với thời gian…

Thơ tình người lính biển

TRẦN ĐĂNG KHOA

Anh ra khơi
Mây treo ngang trời những cánh buồm trắng
Phút chia tay anh dạo trên bến cảng
Biển một bên và em một bên…

Biển ồn ào. Em lại dịu êm
Em vừa nói câu chi rồi mỉm cười lặng lẽ
Anh như con tàu lắng sóng từ hai phía
Biển một bên và em một bên…

Ngày mai, ngày mai khi thành phố lên đèn
Tàu anh buông neo dưới chòm sao xa lắc
Thăm thẳm nước trời nhưng anh không cô độc
Biển một bên và em một bên…

Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên
Gió thổi chưa ngưng trong những vành tang trắng
Anh đứng gác. Trời khuya. Đảo vắng
Biển một bên và em một bên…

Vòm trời kia có thể sẽ không em
Không biển nữa. Chỉ mình anh với cỏ
Cho dù thế thì anh vẫn nhớ
Biển một bên và em một bên…
1982

NGUYỄN NGỌC PHÚ

(Văn nghệ Bình Định số 104 tháng 12.2021)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thơ, hãy bắt đầu từ nơi ấy mà đi   

Tập thơ “Tiếng của thiên lương” của Mai Thìn lôi cuốn người đọc bởi một lối viết coi ý tứ là trọng, coi tổng thể nặng hơn chi tiết và rất nặng lòng trước thế thái nhân tình…

Phê bình văn học trong “Dạo gót vườn văn”

“Dạo gót vườn văn” với 83 bài viết, bàn về nhiều thể loại thuộc lý luận – phê bình, chân dung nhà văn, chuyện làng văn nghệ, phê bình sách, bình thơ, bình luận về văn xuôi, ngôn ngữ…

Đời cần lắm, những vần thơ

Sang đến thế kỷ hai mươi, Yến Lan, chỉ mới mười sáu, mười bảy tuổi thôi, đã hóa mình thành ông lái đò với bao niềm tâm sự trong bài thơ mang mang phong vị cổ, Bến My Lăng.