Ngón mưa

(VNBĐ – Truyện ngắn). 

1.

Nàng gặp Phai ở nơi không có nắng mưa. Chỉ có lối cỏ bên bờ thiêm thiếp.

Phai bảo, nơi ấy là xứ nắng.

Nàng bảo, nơi ấy là xứ mưa.

Hai người ở hai đầu mưa nắng.

Nàng nhớ về những ngày tháng cũ. Như rong rêu ở đầm nước không có nắng mưa. Nàng khỏa tay vào những rong rêu mùa xưa. Từng đôi chim bay về đầm thảng thốt. Phai nhìn bàn tay nàng, những ngón dài, trong xanh như nước.

Lần đầu tiên gặp Phai, nàng đã mỉm cười. Nàng đã đi biết bao lâu để thoát khỏi những cơn mưa dai dẳng như làm mục nát cả tâm can, còn Phai nói, đã đi biết bao lâu để tránh cái nắng cháy bỏng và khô khát. Đó là nơi nào nhỉ? Là một chấm nhỏ xíu trên bản đồ hay là một nơi chẳng có tên? Hai người đã vô tình gặp nhau trong cơn trốn chạy những khắc nghiệt của đời sống.

Nàng vẫn nhớ những thảm hoa vàng rực rỡ dẫn lối vào thung lũng. Loài hoa không biết tên. Dâng lên đầy ắp chiều. Nàng rẽ lối thảm hoa bước vào màu xanh hồn nhiên của thung lũng. Những loài chim trắng bay liệng như huyền thoại. Nàng đến bên đầm nước, nhìn bóng mình và bóng chim. Nàng cười. Rồi ngỡ ngàng khi thấy mình đang cười với một khuôn mặt khác.

Đó là khoảnh khắc gặp gỡ trong veo và tĩnh lặng. Những loài chim trắng thôi không đập cánh. Những rong rêu vờ ngủ yên. Bàn tay nàng hòa vào nước, trong suốt đến tận đường gân, trôi dài mộng mị.

2.

Xứ ấy có còn mưa?

Phai hay hỏi nàng câu đó. Phai chưa từng biết đến những cơn mưa ở xứ này. Những cơn mưa chưa bao giờ dứt. Như những sợi tơ cứ dệt mãi từ khung trời vô tận. Rút đến bao giờ rỗng rễnh, kiệt cùng. Nàng không biết đến bao giờ thì khung trời trống rỗng những sợi mưa. Như con nhện già cô độc bao giờ rút hết sợi lòng mình. Mưa thấm ướt áo nàng, hằn in những vệt dài miên man trên thịt da. Vồng ngực nàng nảy nở dưới mưa, từ mưa ấm Giêng hai, mưa mát lành mùa hạ, đến mưa tàn phai, rệu rã mùa thu và lê thê gió Bấc mưa phùn khi đông sang. Nàng hồn nhiên dưới mưa rồi oằn mình ngây dại đau đớn, cũng dưới mưa. Đôi tay nàng như những sợi mưa trong suốt đến vô cùng, bám víu rồi tan ra trong lênh loang nước. Nàng ngụp lặn trong mưa. Mưa ngọt hơn nước mắt. Nàng uống những giọt mưa như uống tận cùng nỗi đau.

Cha nàng lái đò trên sông. Đó là người đàn ông có một vết sẹo lớn trên khuôn mặt, vết sẹo quẫy đạp như một con thủy quái khổng lồ. Nàng không dám nhìn thẳng mặt cha mà chỉ dám nhìn từ khuôn mặt phía bên kia, nơi không có cơn ác mộng hiện hữu. Cha nàng có đôi mắt buồn. Những ẩn ức sâu kín đọng lại trong đáy mắt thành một màu u trầm. Ông thường hay thổi sáo và lơ đễnh, để những u trầm được thoát thai, bay lên cùng những giai điệu sầu muộn

Người ta gọi cha nàng là Trương Chi.

Nàng không thích tên gọi đó. Nó là một bi kịch.

Năm nàng sáu tuổi, cha chở đò đưa mẹ sang sông. Mẹ cùng với mấy người bạn gồng gánh hàng hóa đi buôn chuyến. Ai cũng nặng trĩu cả quang gánh. Các mẹ, các cô hớn hở, nói chuyến này về sẽ mua đồ nọ thứ kia. Nàng không biết những người đàn bà gánh những gì. Hàng hóa đều được bọc kín ni lông. Mưa giăng khắp mặt sông, cứ loang ra, chập chờn, khắc khoải. Nàng ngồi vào lòng mẹ, đòi đi sang sông cùng. Mẹ dỗ dành, bảo, ngoan, ở nhà với cha rồi mẹ về sẽ mua cho một con búp bê thật đẹp. Gió ùa tới, táp nước mưa vào mặt mẹ. Nàng nhớ những sợi tóc dính bết trên khuôn mặt mẹ, ròng ròng nước.

Rồi mẹ lên bờ với gánh hàng nặng trĩu. Mẹ hòa vào đám đông.

Đám đông hòa vào cơn mưa.

Triền miên. Dai dẳng.

Chờ cả ngày hôm đó, vẫn không thấy mẹ về.

Cha con nàng ngẩn ngơ kiếm tìm. Nước mắt bay trắng cả bờ sông. Có phải từ bấy đến giờ, xứ này là xứ mưa không?

Mưa qua những tháng năm cha nàng cắm sào đứng đợi.

Có lần cha sang bờ bên kia tìm mẹ. Một mình nàng trong con đò cô độc chòng chành giữa màn mưa. Nàng mường tượng về con búp bê chưa được thấy bao giờ. Bỗng giật mình khi vết sẹo trên khuôn mặt cha hằn in trên má con búp bê xinh đẹp. Tỉnh giấc, ngỡ ngàng thấy cha đã trở về. Cha ngồi thổi sáo ở mũi đò, quay lưng về phía nàng. Mưa đã ngớt, chỉ còn là những hạt bụi bay như sương. Nhưng tiếng sáo của cha lại như tuôn ra thành từng sợi, trong suốt, nặng trĩu. Nàng hoang mang run rẩy ngập trong thanh âm của những sợi mưa tuôn.

Mẹ đã hòa vào đám đông.

Đám đông hòa vào cơn mưa.

Nhưng chưa bao giờ nàng thấy cha nàng khóc.

Một đêm, cơn lũ đột ngột về. Cha nàng vẫn cắm sào ở bờ sông. Lũ tan, chỉ còn lại một bờ sông lở. Con thuyền dập nát. Cha nàng được người làng bên vớt xác mang về.

Chắc nước mắt cha đã tan thành cơn mưa?

3.

Phai ngập trong cát nóng bỏng và khô khát. Trên đầu Phai, mặt trời hừng hực cháy. Muôn ngàn con mắt lửa không chớp phóng xuống thiêu đốt thân hình Phai. Phai chạy đua cùng mặt trời. Nhưng đôi chân mệt nhoài, ngập lún trong cát. Phai gục xuống giữa cái nắng đổ lửa của chính ngọ. Mặt trời hả hê trên đầu. Rồi dần nhòa đi trong mắt Phai. Cả người Phai như bị tan ra thành những dòng mồ hôi mặn đắng và chua chát, trôi về biển cả. Phai vẫy vùng trong cơn khát mát lành của biển. Phai đã tan ra thành bọt biển. Dập dềnh trên những rong rêu.

Phai bảo xứ ấy là xứ nắng. Nắng cháy từ suốt tuổi thơ cho đến bây giờ. Nắng chiếu cháy đỏ mái tóc đen dày của mẹ, nhuộm Phai thành da sắt mình đồng. Phai cười, bảo cả người như một khối thép rồi, sẽ chẳng có cái gì làm bị thương cho được. Những lúc đó, nàng rờ bàn tay trong suốt của mình lên bộ ngực vạm vỡ cháy nắng của Phai, có cả những đốm nâu nhỏ li ti như những hạt cát đọng lại mà không thể xóa sạch, rồi lắc đầu, ấn nhẹ vào nơi trái tim Phai. Chỉ có vậy, nàng lặng yên không nói. Nhưng Phai đã cảm nhận được nỗi đau từ đâu dội lại. Có lẽ, Phai đã cố cất giấu những nỗi đau trong lớp vỏ như con bọ cánh cứng kia, nhưng mà nàng đã phát hiện ra đâu là nơi tử địa. Phai vòng tay ôm nàng thật chặt như để được đắm mình trong cái tươi mát của xứ mưa. Phai không hiểu mình đã khao khát những cơn mưa tự bao giờ? Có phải từ ngày biển động?

Minh họa Lê Duy Khanh

Khi Phai lớn lên đã thấy mẹ đứng chôn chân vào bãi cát mà nhìn ra trùng khơi. Thấp thoáng phía chân trời xa xa là những chấm nhỏ của những đoàn thuyền đánh cá. Chạy đua cùng bình minh và hoàng hôn, từng con thuyền nối giữa mặt biển và bầu trời, cánh buồm giương lên hồ hởi. Nhưng mẹ cứ đứng đó, qua suốt những tháng năm, mà con thuyền của cha chẳng vào bờ. Có phải từ ngày cha đi, xứ này hóa thành xứ nắng? Mẹ khát những cơn mưa làm dịu lại cõi lòng cháy bỏng. Mẹ như hóa thành hạt cát, lăn lóc trong sự ma sát dưới đế giày của một kẻ lãng du.

Phai không biết mặt cha. Phai nhìn ra khuôn mặt cha nhập nhằng trên cát dưới mặt trời lúc chính ngọ. Khi Phai ngập trong cát bỏng, rồi tan chảy, ròng ròng, Phai thoáng thấy bóng hình cha trong cái mặn mòi của mồ hôi và của biển. Cha đã tan vào trong lòng biển, đem theo cả những cơn khát của mẹ suốt tuổi thanh xuân. Phai thấy gương mặt cha chính là gương mặt mình, khao khát, kìm nén, liều lĩnh và sợ hãi. Gương mặt này, là cha hay là Phai? Hay mặt trời giàn giụa lửa?

4.

Phai đi rồi. Nàng không nhớ đã bao lâu. Thỉnh thoảng Phai vẫn nhắn tin hỏi, xứ ấy có còn mưa? Lúc đó, nàng lại chạy ra mở cánh cửa sổ bé xíu, để xem gió mưa có ùa vào nữa hay không. Nàng đã không còn ở quê. Bến sông xưa giờ đây đã được xây cầu. Không ai còn nhắc đến Trương Chi. Chỉ mình nàng tha thẩn bãi sông vào ngày giỗ cha. Vẫn mưa, cơn mưa thê thiết như từ hồi mẹ nàng không về. Ngôi mộ cha trắng xóa trong mưa, bạc phếch những nỗi niềm. Nàng nghe từng sợi mưa như tiếng sáo cha, giằng giữ những mơ hồ. Bây giờ thì không phải ở bến sông, nhưng những cơn mưa ở xứ nàng vẫn chưa bao giờ dứt. Có lúc, nó thốc vào lòng, ràn rạt, nhức buốt như con dao cùn mà đem cứa đi cứa lại vào vết thương, lúc lại nhẹ nhàng trùm phủ, giăng mắc như tơ, vỗ về âm ỉ. Nếu biết những cơn mưa ở xứ này, chắc rằng Phai sẽ không hỏi, xứ ấy có còn mưa? Và nàng cũng chẳng ngớ ngẩn đến nỗi, những lúc đó, lại chìa bàn tay của mình ra hứng những sợi tơ trời nhả xuống. Những ngón tay dài trong suốt như tan ra dưới màn mưa. Thành từng giọt lạnh buốt lan thấm đến từng chân tóc. Nàng thu tay về, đóng cửa sổ lại. Đôi bàn tay sũng nước, nhăn nheo. Những đường chỉ tay nhằng nhịt nổi lên như những biển báo xô lệch của số phận. Đó là những đại lộ buồn hay những ngóc ngách thẳm sâu?

Nàng không kể cho Phai nghe về con búp bê. Hay đúng hơn là chưa kể. Nàng muốn chờ ngày Phai trở lại để nghe câu chuyện về con búp bê mà nàng đã chờ đợi suốt hai chục năm qua. Nàng lượm được nó ở mộ cha, trong ngày giỗ. Con búp bê có đôi mắt biếc, ướt nhòe trong mưa. Nàng bật cười chua chát. Nàng đã ao ước con búp bê như thế này trong suốt cả tuổi thơ. Nhưng giờ, nàng không cần nó nữa. Nàng mang con búp bê và thả nó trôi sông. Có những điều chỉ thật sự ý nghĩa khi xuất hiện vào đúng thời điểm, còn nếu không nó sẽ chẳng là gì. Nàng nhìn thấy những dấu chân hằn in từ mộ cha ra tới bến sông. Nàng nhớ về những dấu chân của mẹ hòa vào đám đông. Mưa đã bôi xóa tự bao giờ.

Cha đã giấu nàng những lần sang sông tìm mẹ. Lần nào, cha trở về, nàng cũng không giáp mặt cha. Chỉ có thể nhìn thấy tấm lưng của cha, rộng lớn và vạm vỡ như một chiếc thuyền, đủ để cho nàng chắn bão dông. Cha cứ ngỡ nàng vẫn chỉ là một đứa con nít nhưng nàng nhạy cảm hơn cha tưởng. Nàng biết mẹ sẽ không về. Nàng đã nghe thấy nhiều người nói mẹ sang sông và đi theo người khác. Nhưng nàng cố gạt đi. Nàng cố huyễn hoặc mình rằng mẹ bận việc chưa về. Để rồi, nàng phải chờ đợi đến tan rữa cả tuổi thơ trong những cơn mưa day dứt của xứ này.

Đã bao lâu rồi, nàng không gặp Phai, kể từ khi Phai bảo phải ra đi để tìm một nguồn sống mới. Phải chăng, đó là miền đất hứa của Phai? Phai kiếm tìm hay trốn chạy? Những lúc một mình, nàng hết nghĩ về con búp bê trôi theo dòng nước trong chiều hôm ấy, rồi lại nghĩ về Phai với câu hỏi muôn thuở như một sự lập trình. Mấy tuần rồi, nàng không thấy Phai nhắn “xứ ấy có còn mưa?”. Gọi cho Phai cũng chỉ thấy đáp lại là những tiếng tút tút khô khốc. Nhưng nàng vẫn mở cửa sổ, vẫn chìa bàn tay ra để hứng những giọt mưa như một thói quen. Mưa không thành giọt. Mưa phủ mờ như sương, giăng kín mịt mùng. Đôi tay nàng như hóa thành hư vô. Đó là mưa của những ngày tháng Giêng hai, khiến nàng bứt rứt, bồn chồn. Mưa như phủ lên nàng mùi mốc mác, cô quạnh và lãng quên. Giá mà nàng có thể lãng quên?

Từng ngày, nàng vẫn đợi chờ một câu hỏi. Như đợi chờ đến cái ngày nàng gặp Phai ở nơi chẳng có nắng mưa.
Nàng cũng không hề biết rằng, có người đàn bà vẫn lặng thầm đợi chờ nàng dưới cơn mưa suốt những tháng năm lầm lỗi.

5.

Lần đầu tiên gặp Phai, đó là khi nàng rũ mình khỏi những cơn mưa của quá khứ. Hôm ấy, nàng cứ đi và đi, đi mãi. Sau những chuyến xe nối tiếp nhau, nàng bước tới con đường lạ lẫm. Lối cỏ hai bờ thiêm thiếp ngủ giữa những sương mai. Bước chân nàng đi theo đám hoa vàng. Đến thung lũng và mở ra đầm nước. Nàng ngỡ mình đang đi trong một giấc mơ. Giấc mơ không bị ướt bởi cơn mưa.

Và những lần sau đó, như định mệnh, nàng trốn chạy đời sống để tìm về giấc mơ của mình. Phai ở đó, giữa những rong rêu vờ ngủ yên.
Suốt những ngày ấy, cả nàng và Phai đều không dùng đến điện thoại. Sóng không phủ được giấc mơ. Giấc mơ của nàng đứng bên ngoài thế giới của công nghệ. Chẳng có gì ràng buộc và níu giữ. Chỉ có trong veo và bình yên.

Phai bảo, nơi ấy là xứ nắng.

Nàng bảo, nơi ấy là xứ mưa.

Phai thấy mưa ngấm vào nàng, từ da thịt đến tận xương tủy. Nàng trong suốt và mềm như nước. Nàng tươi mát và giá băng. Nàng bơi trong đầm nước mà Phai ngỡ nàng đang tan ra, hòa vào những rong rêu. Nàng cười, tiếng cười trong vắt như mưa. Phai ngồi đó, trên con thuyền nơi đầm nước mà như một mặt trời vừa tắt. Mặt trời ném mình vào ngực biển để lại những cơn khát cháy xèo xèo. Nàng đứng lặng nhìn Phai, như rong rêu chôn chân vào đáy bùn từ muôn thuở. Ánh tà dương đọng lại trên thân thể Phai ấm nóng và dịu dàng. Đôi mắt Phai hòa vào cuối chiều mà vẫn như có muôn ngàn tia lửa. Nàng kéo Phai xuống nước. Chiếc thuyền bị sóng đánh chòng chành. Những chim trắng dáo dác đập cánh rồi bay vút, trả lại một vùng trời thênh thang.

Đó là những tháng ngày nàng cùng Phai rong ruổi khắp thung lũng này. Những thảm hoa vàng in dấu từng bước chân hai người. Những dấu chân không có cơn mưa nào bôi xóa. Nàng đếm những dấu chân mình chạy dài ra đầm nước. Có giống những dấu chân xưa, của mẹ nàng, đi từ mộ cha ra tới bến sông?

Lúc đó, Phai đã bảo nàng đừng nhớ mãi về xứ mưa, cũng như Phai, đừng mãi ám ảnh về xứ nắng. Nàng mang cái mát lành bất tận đổ vào cơn khô khát cháy bỏng nơi cuống họng Phai, nơi thịt da Phai. Đôi bàn tay trong như những sợi mưa khẽ neo đậu trên làn da cháy nắng. Từng ngón mưa tuôn dài trôi trên khuôn ngực Phai, chầm chậm, mơn man và ve vuốt rồi âm thầm vỡ ra thành từng giọt trong veo, lan thấm vào mạch máu. Có lúc, cơn mưa xứ nàng dâng lên bạo liệt trong vũ khúc cuồng quay, những ngón mưa cắm ngập khuôn ngực Phai, miên dại giằng giữ và níu kéo. Lớp da nâu rớm máu, từng giọt máu nóng hổi mặn mòi vị biển. Nàng mê man liếm những giọt máu lẫn mồ hôi mặn chát. Lẫn cả mưa, cả sương, cả nước mắt. Tóc nàng phủ kín bờ vai Phai, đổ bóng tối bời bời.

6.

Nàng không nhận được tin của Phai. Hay Phai biết xứ ấy vẫn còn mưa nên không cần hỏi nữa? Nhưng nàng không thể ngồi mãi ở xứ này, để ngày ngày vẫn mở cửa sổ ra ngóng những giọt mưa và chờ đợi một câu hỏi. Mưa làm nàng bồn chồn, ruột gan nhức nhối. Để rồi, đến một ngày, nàng chợt nhận ra, có phải những ngọn lửa nơi Phai đã cháy ở trong nàng? Nàng là ngọn lửa âm ỉ bị vùi giữa đêm mưa. Nàng đã theo những dấu chân xưa, về lại giấc mơ nơi thung lũng vắng. Nhưng chỉ còn những xác hoa úa tàn. Rong rêu đã chết, phơi xác trên đầm nước thẳm sâu. Con thuyền vỡ, mái chèo đã gãy. Bạt ngàn cánh chim kết lại thành một màu tang trắng trôi đến vô cùng. Bỗng vang lên những tiếng súng bắn tỉa. Những cánh chim rớt xuống. Từng cọng lông tan tác. Và máu. Lếnh loáng đỏ. Từng dòng chầm chậm trôi xuống đầm nước. Nàng ngập trong máu. Là những giọt máu mặn mòi vị biển. Nàng cười trong nước mắt, thấy cả mưa, cả sương ùa vào thung lũng của giấc mơ.

Nàng lại về xứ nắng để tìm Phai. Biết đâu, Phai đã trở về xứ ấy. Nàng không biết mình đã đi hết bao lâu. Phải qua hết cái xứ mưa dài dằng dặc não nề, đi mãi, đi mãi, những dấu chân của nàng mới đặt lên xứ nắng. Tấm thân nàng nhợt nhạt và trong suốt dưới những tia nắng đầu tiên. Rồi nâu dần, nâu sậm dưới cái nắng như lửa táp. Nàng đi qua loang lổ những đền đài hoang phế, ủ mục những phong rêu. Bóng tháp nghiêng ngả trong cơn say rền rĩ nắng. Đôi chân nàng phồng rộp trong cát. Cát miên man, rát bỏng rợn người. Cổ họng nàng khô khát, nàng muốn uống cạn một cơn mưa. Đôi mắt nàng hoa lên, những sóng cát dập dềnh trắng xóa như những sóng nước trên sông. Những con sóng táp vào mặt nàng cháy bỏng. Cát lạo xạo trong miệng nàng. Nàng thấy vị biển, thấy vị của Phai trong những hạt cát. Đúng rồi, trước mặt là biển, là Phai.

Nàng chạy qua những trảng cát nhấp nhô. Đôi chân càng lún sâu trong cát. Tóc nàng xổ ra, bê bết mồ hôi chua chát. Nắng đốt tóc nàng thành rơm khô khốc. Từng sợi, từng lọn, đứt gãy, vụn vỡ. Nàng trút bỏ mái tóc mình để lăn về phía biển. Chợt thấy một người đàn bà. Đứng chôn chân vào cát. Đôi mắt không chớp hướng ra trùng khơi. Nàng gọi người đàn bà, người ấy vẫn đứng yên bất động. Đó có phải là mẹ Phai? Nàng lặng nhìn bà với mái tóc đỏ như lửa cháy. Nhưng ngoài kia là biển. Nàng phải bỏ lại người đàn bà để đi tìm Phai. Nàng nghe trong gió tiếng những con hải âu ríu rít trên sóng. Như những cánh chim trắng ở thung lũng giấc mơ. Nàng lăn mãi mà không ra tới biển. Chỉ thấy sóng ầm ào đánh vào bờ. Mặt trời chiếu thẳng trên đầu nàng, trút xuống những cơn rát bỏng. Nàng chợt thấy khuôn mặt Phai nhập nhằng trên cát rồi trôi xuống muôn triệu kẽ nhỏ li ti. Nàng hoảng hốt vội vàng lấy đôi bàn tay, vẫn trong suốt như mưa, đào sâu xuống cát để tìm Phai. Nàng gọi tên Phai trong cái đau đớn rụng rời. Cứ đào bới mãi cho đến khi đôi bàn tay rớm máu. Giọt máu nàng mặn mòi vị biển, vị Phai. Nàng run run nhìn đôi bàn tay. Là máu nàng hay máu Phai? Những giọt máu rớt rơi từ khuôn ngực của người đàn ông xứ nắng? Đến khi kiệt sức, nàng gục xuống thiếp đi giữa bốn bề cát trắng. Thấy mình tan ra thành giọt mưa rơi vào khô khát, rồi từ những kẽ nứt phai tàn, nảy lên một mầm xanh.

NGUYỆT CHU

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Nơi yên nghỉ cuối cùng

Màn đêm dần buông xuống, hai bên vệ đường không còn một bóng người. Khải cứ đi lang thang trong vô định, tìm kiếm một cái gì đó mà mình đã đánh mất rất lâu…

Giọt lệ nàng An Nhiên

An Nhiên là tiểu thư trong một hào môn dưới triều Chúa Nguyễn Phúc Thuần. Nàng giỏi cầm, kì, thi, họa, nhan sắc hoa nhường nguyệt thẹn…

Làng dừa bên bờ sóng

Làng tôi nhìn về hướng biển Đông xanh thẳm. Làng như con thuyền bập bềnh bên triền sóng, là lá chắn cho dãy phố sầm uất của thôn Tân Thành, Tam Quan, Hoài Nhơn xưa…