Ngồi lại với quán sông

(VNBĐ – Thơ và lời bình). Thì cũng như bao cái quán khác bên bờ sông ở một miền quê nào đó, những cái quán tồn tại trải qua bao đời người, những cái quán có mặt và tồn tại theo quy luật cung cầu xửa xưa giờ. Bến đò cũng vậy. Cả hai nương tựa nhau, thời đò giang cách trở. Một cái sạp, che mấy tấm tranh, cô chủ bày hàng ra là có quán, bán cho vài khách làng, vài kẻ chờ đò, quán nghèo là dễ hình dung:

Quán nghèo lật bật bờ sông
bán trưa bán gió bán không có gì

Vấn đề không phải hình ảnh “lật bật bờ sông” rất gợi để diễn tả quán nghèo, mà là cách nói “bán trưa, bán gió, bán không có gì”. Đấy, một chút ngồi đỡ chân, một chút gió bờ sông. Cách khái quát này là đủ ấn tượng để dễ hình dung mọi “hoạt động” quán diễn ra:

trẻ con thì có viên bi
gái thì kẹp tóc trai thì cạo râu
bà già thì có miếng trầu
ông già li rượu lâu lâu lại mời

Mấy cấm kỵ diễn đạt kiểu rằng thì mà là của văn chương không có tác dụng ở đây: bốn câu lục bát, nhà thơ đã dùng đến bốn thì, xem ra thú vị và độc đáo cách liệt kê dân dã, nói đúng hồn làng. Trẻ con, gái, trai, bà già, ông già có cả. Nhu cầu, sở thích từng lứa tuổi đúng cả. Rồi tít xa phong tục, tình cảm. Tất cả đều rất tự nhiên, như cái cách “ông già li rượu lâu lâu lại mời”. Người quê, quen biết nhau, tình làng nghĩa xóm thơm thảo, cả cách thơm thảo kiểu những người uống rượu nữa. Từ cái góc quán nhỏ, Hương Đình đã chấm phá thành công nét sinh hoạt làng.

Quá đủ những liệt kê vận dụng màu sắc đồng dao, khổ thơ tiếp theo biến hóa, ỡm ờ:

Đò sang ở bến kia rồi
và cô chủ quán lại ngồi quạt than
đò đầy đò phải sang ngang
có chàng trai trẻ ngồi than đò đầy
rồi đò về lại bến này
bao nhiêu là gió hây hây má hồng

Một diễn biến bình thường: đò sang bến kia, rảnh rỗi (đã vơi khách), cô chủ quán ngồi quạt than, để chuẩn bị cho đợt khách khác. Cũng bình thường chuyện đò đầy thì đò sang ngang. Nhưng chàng trai trẻ “ngồi than đò đầy” là một lấp lửng thú vị. Chưa nói cách điệp từ khác nghĩa “than” cô chủ quán và “than” chàng trai trẻ cũng ngân nga tung tẩy. Có thật vì đò đầy chàng trai không đi được chuyến đó hay viện cớ đò đầy để ngồi thêm với quán, quán nghèo tất nhiên, và có cô chủ quán hẳn trẻ trung, chắc là bắt mắt nữa?
Đò sang bến kia rồi đò lại về bến này. Nhịp sống tuần tự trôi, dòng sông và con đò thời gian đã trôi qua bao đời người, bao biến thiên dâu bể. Chắc rằng chở theo nó, dòng sông và con đò mọi thời luôn luôn có những nối tiếp, sinh sôi, không thể khác. Trong cái cụ thể đò và ngui ngút thời gian, hẳn luôn chở theo “bao nhiêu là gió hây hây má hồng”! Mọi thứ đã sâu, đã xa hun hút.

Đó là cái khoảnh khắc chạm đến vời vợi hồn làng, đến những tiếp biến sự sống từ làng sinh ra, lớn lên, thành vợ thành chồng rồi sẽ lưu giữ, nuôi dưỡng làng.

Và rồi sau tất cả, nhà thơ xuất hiện:

Tôi về ngồi lại quán sông
một trưa hiu hắt mênh mông cát vàng

Mọi thứ ở cái quán sông được tường trình, quan sát vừa rất thực vừa như nhòa cùng ký ức làng truyền bao đời. Cũng như không thể tách rời khỏi quy luật vật đổi sao dời. Cái hồn làng yên bình hẳn đã ngàn năm, đẹp đấy, hồn hậu đáng yêu đấy, liệu rồi sẽ được lưu giữ hay mất đi? Và làm sao lưu giữ?

Giả dụ có mất đi hoặc chuyển động như sông kia luôn chảy lở bồi, như đò kia đều đặn sang sông thì sẽ tạo ra hồn làng khác, cũng là lẽ tự nhiên.

Một chút cảm hoài thôi. Một chút hiu hắt lòng thôi trước mênh mông dời đổi. Như bãi cát kia mỗi năm đã một khác. Như một ngày nào đó con người sẽ bắc cầu sang sông, sẽ không còn cái quán sông, con đò. Rồi những chàng trai trẻ, những cô gái làng lớn lên sẽ cứ gặp nhau, mọi thứ vẫn tiếp diễn, sông sẽ khác, sẽ dựng nên một hồn làng khác.

Đúng, mọi thứ rồi sẽ khác. Chỉ còn lại nhà thơ với cái quán sông ngưng đọng trong biền biệt thời gian.

Quán sông

HƯƠNG ĐÌNH

Quán nghèo lật bật bờ sông
bán trưa bán gió bán không có gì
trẻ con thì có viên bi
gái thì kẹp tóc trai thì cạo râu
bà già thì có miếng trầu
ông già li rượu lâu lâu lại mời

Đò sang ở bến kia rồi
và cô chủ quán lại ngồi quạt than
đò đầy đò phải sang ngang
có chàng trai trẻ ngồi than đò đầy
rồi đò về lại bến này
bao nhiêu là gió hây hây má hồng

Tôi về ngồi lại quán sông
một trưa hiu hắt mênh mông cát vàng.
(Rút từ Quán sông, Nxb. Thuận Hóa, 2014)

LÊ HOÀI LƯƠNG

(Văn nghệ Bình Định số 110+111 tháng 6+7.2022)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Tóc có còn đau

Viết về người phụ nữ biết vượt qua số phận, Trương Công Tưởng đã chọn một tín hiệu nghệ thuật riêng biệt để thi triển tứ thơ. Chân dung “người chải tóc” cứ dần lộ diện theo chuyển động…

Xin đau thương từ nay khép lại…

Chim én bay của nhà văn Nguyễn Trí Huân xuất bản lần đầu năm 1988, gần đây, tôi mới có duyên đọc hết tác phẩm này. Gần 200 trang với một sức nén về ngôn ngữ và cảm xúc…