(VNBĐ – Thơ và lời bình). Bài thơ ghi lại một trạng thái của chủ thể/ con người không làm chủ bản thân mình, tức trạng thái không có ngôn ngữ để nhận thức, không có công cụ để tư duy mà tác giả gọi là “một cơn vắng ý thức”. Bài thơ được triển khai một cách đặc biệt, hấp dẫn có liên quan đến các trạng thái của chủ thể và khách thể thông qua điểm tựa là trạng thái “một cơn vắng ý thức” của con người để nghĩ suy về những trạng thái nhân thế khác.
Mở đầu bài thơ được tác giả nêu vấn đề trực tiếp rằng mình vẫn nói năng, đi đứng, vẫn như bình thường… mà sao như chưa từng được hiện hữu trong ngôi nhà của chính mình, chỉ vì lý do ý thức không tồn tại đồng hành trong thân xác – một trạng thái quá ư bất bình thường, khiến chủ thể không thể không tự nghi vấn, nhưng chưa thể trả lời vì sao như thế: Ý thức đi đâu mà vắng nhà/ Quay lại nhìn, ta không thấy ta/ Thì vẫn nói năng, đi lại. Vẫn…/ Vẫn… vẫn… mà như chưa sống qua.
Tác giả tiếp tục trình bày trạng thái hiện hữu đặc biệt của chủ thể ta, cũng chính là tác giả – nhân vật trữ tình của bài thơ đang mất nhận thức về phương hướng và địa điểm. Không nhận biết mình ở đâu, chỉ biết rằng nước trong sông đang chảy qua cầu là có thật mà ta đang sở kiến. Một trạng thái khác hiện hữu như là cơ chế tâm lý tự vệ lưỡng phân. Đó là nhân vật ta đồng nhất mình với dòng nước đang “chảy mà không chảy”, “không nước, không dòng, không nông sâu”. Một hình tượng thơ rất hay: tĩnh mà động, động mà tĩnh, tạo nên cái nhìn thị giác đặc biệt, tưởng như ta đang đứng trước một bức tranh phong cảnh. Nghệ thuật “thi trung hữu họa”, “thi trung hữu cảnh” của bài thơ đã gián tiếp cho biết trạng thái vô thức của chủ thể: Không biết bấy giờ ta ở đâu/ Nước trong sông, nước chảy qua cầu/ Ta như nước chảy mà không chảy/ Không nước, không dòng, không nông sâu.
Khổ thơ trên cũng có thể mượn Phân tâm học để giải thích. Phân tâm học cho rằng trong ngôi nhà tâm hồn của mỗi con người luôn tồn tại tâm thần bộ (psychisme), trong đó, bao gồm 3 topiques (3 khu trú). Đó là ý thức (conscience), vô thức (inconscience) và tiềm thức (subconscience). Ba topiques này theo Phân tâm học của S. Freud là có quan hệ mật thiết và tác động lẫn nhau để tạo ra những trạng thái tình cảm, tâm lý khác nhau của mỗi chủ thể người, nhưng Freud quan tâm sâu đến mối quan hệ giữa ý thức và vô thức. Hai bộ phận này (ý thức và vô thức) luôn song song tồn tại với nhau, tác động lẫn nhau để tạo ra 3 hệ quả. Hệ quả 1: Nếu ý thức thắng vô thức thì mọi hoạt động diễn ra bình thường, con người làm chủ bản thân trong mọi tình huống; Hệ quả 2: Nếu vô thức thắng ý thức thì nhu cầu tình dục diễn ra mạnh mẽ và con người muốn được thỏa mãn tình dục tức thời theo nguyên tắc khoái lạc. Nếu không thực hiện được thì có thể dẫn đến tình trạng suy đồi tính dục; Hệ quả 3: Nếu ý thức và vô thức có sự cọ xát, kèn cựa nhau, không bên nào thắng bên nào, thì sẽ tạo ra sự rối loạn, có thể dẫn đến triệu chứng của bệnh tâm thần, bệnh ẩn ức (refoulement) tính dục.
Ý thức năng động và có phạm vi hoạt động rất rộng lớn. Nó có thể hướng ra ngoài để hiểu biết thế giới, lại có thể hướng vào trong để hiểu nội tâm và khám phá vô thức. Vì vậy mà người ta cho rằng con người là một con vật biết tư duy. Tư duy là kết quả hoạt động của ý thức. Còn vô thức được xem là phần tâm linh hoạt động ở bên ngoài ý thức. Và có nhiều vùng vô thức mà ý thức không thể nhận biết. Nhưng nó lại luôn bị sự tác động của vô thức, làm cho con người không nhận thức được sự hiện hữu của chính mình một cách khách quan và thường nghiệm. Khổ thơ sau là một trạng thái như thế: Ta sống mà ra ngoài cõi sống/ Không trong năm tháng, không trong đời/ Tim đập, máu dồn, lồng ngực thở/ Chỉ ta không biết có ta thôi.
Vậy là, dù “chỉ ta không biết có ta thôi” thì mọi quan hệ tự nhiên bên trong con người vẫn hoạt động: “Tim đập, máu dồn, lồng ngực thở”. Tâm lý, sinh lý con người vẫn diễn ra theo cơ chế vốn có của chúng. Nên khổ thơ tiếp theo lại là một logic khác của cơ chế tâm lý người mà Vũ Quần Phương biểu hiện bằng thơ rất hay: Chứ ở mắt người, ta vẫn có/ Có mà không nhớ cũng thành không/ Mỗi người là một cơn đang nhớ/ Cơn nhớ chen nhau ngoài phố đông.
Nhưng trong trạng thái tâm thần vô thức, con người vẫn thấy mình đang có, đó là một thực tế. Chỉ có điều, bấy giờ, họ không biết rõ ràng mình là ai, nên trong cơn vắng ý thức, ở họ lại hiện lên cơn đang nhớ. Cơn nhớ xôn xao, chập chờn, không định hình, định hướng, định vị, chỉ mơ hồ nhận ra: “Cơn nhớ chen nhau ngoài phố đông”. Câu thơ rất hay để chỉ trạng thái lang thang của chủ thể vô thức.
Đến đây, nhà thơ đã đẩy sự sống đến tột đỉnh của sự hiện sinh bằng sự giả định rằng chủ thể của cơn nhớ đã đến lúc không tồn tại trên trần thế nữa; có nghĩa là sự sống của con người sẽ kết thúc và họ sẽ đi về xứ không màu. Khi ấy thân xác con người sẽ trở nên bơ vơ, lạc lõng. Họ sẽ làm người tiền trạm vào thế giới u u minh minh, không biết nơi đâu là bến bờ trong cõi mô tê vô định: Cơn nhớ tắt dòng mình cũng tắt/ Thịt xương thân xác hóa bơ vơ/ Một phen tiền trạm vào u ẩn/ Sang cõi mô tê chẳng bến bờ.
Như chúng ta biết triết lý hiện sinh cũng rất đề cao thân xác con người. Các nhà hiện sinh cho rằng “Hiện hữu là hiện hữu gắn liền với một thân xác”. Đó là sự hiện hữu bản chất nhất của mỗi nhận vị ở cõi thế. Nếu ý thức ra khỏi thân xác thì con người cũng trở nên vô nghĩa, ý thức cũng không còn chức năng nhận thức.
Khổ thơ cuối của bài thơ mang cảm thức hư vô về phận người, nhưng nhờ cái nhìn giảm trừ hiện tượng luận của tác giả mà người đọc như được hóa giải và yên bình tâm thế phần nào nhờ vào trạng thái “một cơn vắng ý thức” của chủ thể. Cũng có nghĩa là khi ý thức về lại trong thân xác thì con người nhận thức lại sự hiện hữu của chính mình. Khi ấy ta hoàn toàn làm chủ bản thân và làm chủ mọi lựa chọn hành vi đạo đức của chính mình.
***
Khép lại bài thơ Một cơn vắng ý thức, chúng ta bất giác hiểu rằng trong cuộc sống hằng ngày, có những lúc chúng ta để ý thức của mình đi vắng, nhưng rồi cũng chính sự quẫy đạp và nỗ lực của ý thức để chiến thắng vô thức, nó đã khôi phục lại sự hiểu biết cho mỗi chủ thể. Khi ấy, ý thức sẽ ngự trị trong ngôi nhà tâm hồn và ta nhìn thấy được mọi quan hệ cuộc sống quanh ta diễn ra như nó vốn có, giúp ta nhận biết từng kinh nghiệm sống qua (expérience vécue) của chính mình để làm chủ cuộc sống và làm chủ bản thân. Ngoài cõi sống mà ta vẫn sống. Ngoài ý thức mà con người vẫn ý thức. Cái hay là vậy mà!
Một cơn vắng ý thức
VŨ QUẦN PHƯƠNG Ý thức đi đâu mà vắng nhà Không biết bấy giờ ta ở đâu Ta sống mà ra ngoài cõi sống Chứ ở mắt người, ta vẫn có Cơn nhớ tắt dòng mình cũng tắt |
PGS.TS HỒ THẾ HÀ
(Văn nghệ Bình Định số 97 tháng 5.2021)