Ngọa long

(VNBĐ – Truyện ngắn). 

1.
Nắng sớm trải nhẹ màu mật ong xuống núi Ngọa Long xanh rờn. Ngọn gió Nam phóng túng của những ngày áp Tết gợi nỗi nhớ cồn cào cho những người tha hương cầu thực chọn chân núi Ngọa Long kiếm kế sinh nhai. Những con dê trắng, vàng, đen nhún nhảy nhốn nháo trên đường lên núi. Chúng kêu lên “be!, be!” như chào mừng ngày mới, trong khi đàn bò lại thong thả qua ngã rẽ đến thảo nguyên mênh mông tha hồ gặm cỏ non tơ, tự tình động cỡn. Vài cậu bé mục đồng quần đùi, áo mỏng, đầu trần, chân đất với những cái mũ lác được chúng quay hết ra sau lưng để rộng tay, rộng chân cầm roi chạy nhảy, reo hò, rượt đuổi nhau làm vỡ tan bầu không khí ban mai trong lành và tĩnh lặng đến vô cùng.

Nhìn từ xa, Ngọa Long Sơn mang dáng dấp con rồng nằm đầu hướng về phía Đông, đuôi cong cong theo hướng Bắc. Những dãy núi hình vòm xanh rì nhấp nhô, uốn khúc như thân rồng, chốc chốc mây lãng đãng trên đỉnh núi tạo nên sự huyền hoặc. Tương truyền ngày xưa vào những ngày mưa gió dữ dội người ta nhìn thấy rồng bay lên nhào lộn tỏa ánh hào quang rực rỡ chứ không chỉ nằm yên một chỗ như bây giờ. Núi con rồng huyền ảo linh thiêng. Làng Ngọa Sơn hình thành với dân du cư từ phía Bắc. Lão Đắc già làng kể, trên núi Ngọa Long có nhiều thảo dược quý, trong đó cây “nước mắt rồng” chữa được bách bệnh. Dân hái lá cây nước mắt rồng bao giờ cũng đem đặt trong miễu thờ Long Vương khấn vái xin long thần gia hộ rồi mới đem về nấu uống. Vậy nên miễu Long Vương trên núi Ngọa Long bốn mùa hương khói ấm áp từ lòng thành của những người đi tìm dược liệu và các chàng tiều phu.

Lão Đắc một thuở là dân buôn ngựa võ nghệ cao cường ngang tàng gặp thị Nụ buôn muối. Một hôm, chàng mời nàng vào quán cóc ven đường nói không cần nhìn mặt: “Em nó có muối, tôi có ngựa. Muối bỏ lên lưng ngựa thồ cùng đưa lên vùng cao sinh lợi lâu dài, việc gì phải gánh gồng cho mòn vai, chai gót?”. Nụ bạo miệng: “Vậy thì mình dính thành một đôi anh hỉ?”. Đắc chớp lấy thời cơ, lì lợm sấn lại cầm tay: “Vậy nghen Nụ! Tụi mình đâu còn mười tám đôi mươi mà dùng ngôn tình văn vẻ!”. Cô gái trúng kế giang hồ tứ chiếng liền rút tay về: “Em còn đi giao muối cho người ta kẻo đường dài trời tối!”.

Hôm sau Đắc một mình một ngựa lên Ngọa Sơn. Dọc đường gặp Nụ bị đám con trai đón đường giở trò đồi bại. Một cú nhảy điêu luyện từ lưng ngựa xuống quặp cổ ngay một tên khiến hắn lộn nhào. Đắc bồi thêm một cú thôi sơn, gã lưu manh hộc máu miệng. Hai gã còn lại thấy Đắc uy lực như thiên tướng thì vùng chạy trối chết. Hai bao muối Đắc dồn lại thành một cột chặt vắt ngang lưng ngựa. Quang gánh Đắc xếp gọn gàng, cắp nàng Nụ phi lên lưng ngựa phóng ào ào. Từ bữa “anh hùng cứu mỹ nhân” đó, Nụ trở thành người của Đắc. Nụ chưa từng biết mùi đời, nay nâng khăn sửa túi cho Đắc, tuy chàng có hơi lỗ mãng nhưng cơ bắp cuồn cuộn và hết lòng yêu chiều vợ. Vượt cạn lần đầu, Nụ sinh đôi một trai, một gái. Đắc thức suốt đêm để tìm cái tên cho con. Trời gần sáng, Đắc cười khà khà: “Mình là Đắc thì các con mình là Nhân, Tâm. Đắc nhân tâm là nghệ thuật thu phục lòng người, làm cho mọi người yêu mến mình”. Nụ nghe chồng nói vậy thì thích chí: “Đúng rồi! Tánh mình hay nóng nảy dễ làm mếch lòng người ta. Nay con mình tên Nhân, Tâm thì mình phải biết tu tâm, dưỡng tánh!”. Hồi mới đưa Nụ về nhà, mẹ Đắc ứng khẩu: “Con Nụ vú nở, mông to mắn đẻ phải biết!”. Sau Nhân, Tâm, cứ hai năm Nụ cho ra đời một cặp đôi. Nào là Quanh, Co, Quẹo, Quọ. Những cái tên nghe muốn bật cười nghiêng ngả nhưng các bé gái đều xinh đẹp, ngoan hiền. Ngũ long công chúa theo cha luyện võ và cưỡi ngựa lên núi hái thảo dược bỏ mối cho các hiệu thuốc Nam. Chỉ có Nhân là phụ với mẹ giữ nghề buôn muối. Có ai hỏi Đắc vì sao đặt tên các con ngoắt ngoéo như đường lên núi vòng vèo vậy. Đắc nhe răng cười: “Cuộc đời phải trải qua nhiều khúc khuỷu như vậy mới thành nhân”.

2.
Chiều buông xuống thứ ánh sáng kỳ ảo nhuộm Ngọa Long Sơn thành màu tím thẫm. Những áng mây trắng phau như túi bông mang hình những con bạch long hiện ra lạ lẫm, thú vị. Lưng chừng núi làn khói lam bảng lảng. Tiếng hú của loài vượn dội vào vách đá gợi buồn. Sơn Long tiên sinh chỉ tay về hướng Đông nói với khách: “Thế đất thanh long nằm ở đó! Chú em chọn địa điểm mở du lịch sinh thái ở Ngọa Sơn là thượng sách!”. Khách hăm hở: “Thầy ở trên núi có bao giờ nhìn thấy rồng chưa?”. Sơn Long tiên sinh: “Trong tâm tưởng mình nghĩ có thì có, thế thôi!”. Khách lại hỏi: “Vì sao thầy đặt tên là Sơn Long?”. Sơn Long tiên sinh: “Có lẽ người dân ngụ cư ở chân núi Ngọa Long thấy tôi sống một mình quạnh quẽ lâu năm trên non cao chuyên tìm dược liệu chế biến thuốc cứu người nên họ đặt như vậy thôi! Chuyện buồn cười lắm chú em! Một sáng, tôi thức dậy thấy trên phiến đá dựng chềnh ềnh gần lối đi trước thạch động, ai đó viết bằng sơn trắng bốn chữ “SƠN LONG TIÊN SINH” to tướng. Tôi mặc kệ luôn đến giờ!”. Khách tỏ vẻ thích thú: “Ở khắp vùng này đâu có ai ẩn dật lại giỏi phong thủy như thầy. Mọi người tôn vinh thầy là Sơn Long tiên sinh cũng xứng đáng lắm chứ ạ!”. Đó là khách chỉ nhận xét riêng về nội hàm dẫn đến bốn chữ Sơn Long tiên sinh, còn trông dáng vẻ bề ngoài, ông mặc áo dài rộng xúng xính, râu ba chòm, tóc búi quả cam, gương mặt sáng như trăng rằm, dáng dấp nho nhã khiến cho ai nhìn đến cũng người phải kính nể.

Minh họa: Nguyễn Chơn Hiền

Ngọa Long Sơn bốn mùa khí hậu trong lành, mát mẻ khiến cho con người ta sảng khoái tinh thần. Người nào lạc bước đến đây sẽ chán ngấy những nơi xô bồ, ồn ã. Lão Đắc và ngũ long công chúa diện kiến Sơn Long tiên sinh dưới tảng đá có bốn chữ viết bằng sơn trắng vào một ngày đẹp trời. Đắc chỉ bỗ bã với những người sống dưới chân núi Ngọa Long, còn đối với Sơn Long tiên sinh thì lão hết lòng kính trọng, ngưỡng mộ (sau khi lấy dược liệu xong, Đắc thường tạt vào thạch động đàm đạo với Sơn Long tiên sinh): “Tiên sinh chỉ giùm tôi cách bào chế cây nước mắt rồng thành viên nén được không? Thú thật hôm nay tôi đưa các cháu đến đây học nghề bào chế thuốc của tiên sinh đó! Chẳng lẽ cha con tôi suốt đời mải miết tìm dược liệu bán cho người ta chế biến thuốc thành viên, thành thương hiệu tiền lời vô kể?”. Sơn Long tiên sinh vuốt râu, cười khà: “Không dám! Không dám! Tôi có cách này giúp lão võ sư ăn nên làm ra dài lâu mà không cần lao tâm khổ tứ!”. Lão Đắc cả mừng: “Dạ! Tiên sinh cứ dạy! Tôi xin nghe theo!”. Sơn Long tiên sinh giọng chậm rãi, từ tốn: “Năm nay giám đốc Sang (khách) sẽ xây dựng điểm du lịch sinh thái trên núi Ngọa Long này. Lão võ sư và năm nữ võ sĩ hình thành đội vệ sĩ bảo vệ khu du lịch thì còn gì bằng!”. Đắc được lời Sơn Long tiên sinh như cởi tấm lòng: “Ôi! Nếu nói vậy thì tiên sinh đã có ý định từ trước rồi! Cảm ơn! Cảm ơn tiên sinh lắm lắm!”.

3.
Những ngày áp Tết Giáp Thìn, đường lên Ngọa Long Sơn được tráng nhựa phẳng phiu. Các pa nô quảng cáo điểm du lịch sinh thái Ngọa Long Sơn được treo dọc đường gây ấn tượng mạnh đối với du khách. Dân làng dưới chân núi Ngọa Long được Công ty Du lịch Thuận An cho vay vốn và hướng dẫn mở các quán giải khát dọc đường. Họ còn tuyển nam nữ thanh niên là người của địa phương tập huấn kỹ năng làm du lịch. Núi con Rồng như chuyển mình làm thay đổi diện mạo miền sơn cước. Nhân học thêm tiếng Anh. Cậu bỏ hẳn nghề buôn muối, thay cha điều hành đội bảo vệ mang tên “Ngũ Long Công Chúa”. Các vệ sĩ: Quanh, Co, Quẹo, Quọ giờ có những cái tên mới (theo giấy khai sinh): Ngọc, Lan, Kiều, Diễm. Họ còn đào tạo các lớp vệ sĩ kế thừa đảm bảo sự an toàn cho khu du lịch. Du khách trong và ngoài nước vô cùng thú vị khi nhìn thấy đội vệ sĩ “Ngũ Long Công Chúa” xinh đẹp mặc đồng phục màu thiên thanh, đầu đội mũ nỉ trắng rộng vành, nai nịt chỉnh tề với công cụ hỗ trợ giắt ở thắt lưng ngồi chễm chệ trên lưng tuấn mã dẫn đường cho những đoàn du khách nước ngoài đang đầu tư vốn làm ăn ở Việt Nam.

Lão Đắc cùng với Sơn Long tiên sinh ngồi uống trà trước hiệu thuốc “Long Châu Hoàn”, giọng lão Đắc chợt xa vắng: “Thầy không vợ con, cháu chắt chi hết sau này biết nương tựa vào đâu? Hay là về ở với tôi cho có bạn?”. Sơn Long tiên sinh lộ vẻ cảm động: “Cảm ơn tấm chân tình của ông! Để tôi suy nghĩ lại rồi trả lời cho ông nhé!”. Lão Đắc làm sao quên công ơn của người đàn ông nhân hậu. Trước đây người dân làng Ngọa Long này cuộc sống bấp bênh, giờ biết mở rộng kinh doanh dịch vụ ăn uống là nhờ ai? Dọc đường lên núi Ngọa Sơn có hàng loạt quán “Long Châu Hoàn” ra đời chỉ khác nhau cái tên chủ tiệm từ đâu mà có? Lão võ sư một mình từng hạ gục cả chục tên lục lâm thảo khấu. Con người ông tưởng chừng như khô khan về tình cảm, vậy mà mắt ngấn lệ long lanh: “Thầy ơi! Tiên sinh ơi! Đừng từ chối lòng thành của gia đình tôi thầy nhé!”.

TRẦN QUỐC CƯỠNG

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Màu đen huyền bí

Cậu chủ một lần nữa bước ra ngoài, để lại bức tranh và những cây bút màu ở lại. Bọn bút màu lại nhảy hết ra khỏi hộp, tò mò nhìn ngắm bức tranh…

Tiếng nhạc mưa

Đêm nay mưa chơi nhạc
Gõ nhịp lên mái nhà
Gọi tất cả lá hoa
Cùng reo cười nhảy múa

Ông Thần Nông gặt lúa

Muôn vì sao lấp lánh
Như những hạt thóc vàng
Cánh đồng trời thênh thang
Đang bắt đầu chín rộ

Duyên nợ trùng sinh

Lê Văn Hưng lại nhớ Ngọc Bích. Bao nhiêu năm tháng trôi qua nhưng bóng dáng người xưa vẫn da diết không thôi. Ánh mắt tuyệt vọng sầu thảm của nàng phút biệt ly luôn vò xé tâm can…