Nghe từ tâm phía quê nhà…

(VNBĐ – Đọc sách). Vũng Nồm, tên một làng chài ở xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn, nơi mang vẻ đẹp yên bình của vùng biển vắng, những áng mây vẫn soi mình thăm thẳm trong bao giấc chiêm bao đất trời. Và nơi đây, bao thế hệ con người neo mình bên mép sóng, kể lại câu chuyện của gió, của biển, của được/ mất muôn vị nhân sinh. Người lớn lên với bao chọn lựa. Ở lại hay ra đi thì vẫn mãi giữ một khoảng trời xanh thắm quê hương, để thấy lòng mình ấm lên mỗi khi nhớ về.

Cách mà nhà thơ Bạch Xuân Lộc lấy tên Vũng Nồm đặt tên cho thi tập của anh cũng là một khẳng định tình yêu với quê nhà. Vũng Nồm, đã chất đầy nơi anh bao kỷ niệm. Đó là một tọa độ không gì có thể thay thế, luôn hiện hữu trong anh bao cảm xúc ngọt lành yêu mến. Những ngày cư trú ở Melbourne nước Úc, lòng anh khôn nguôi hướng về nơi chôn nhau cắt rún, nơi có dáng hình mẹ cha, những người bạn thân thuộc thuở cắp sách đến trường, những hàng cây tuổi thơ, con đường năm cũ…, chỉ cần vô tình chạm đến một điểm vô hình nào đó trong ký ức nơi thân thuộc quê nhà cũng khiến anh bâng khuâng xúc động.

Thơ đã chuyên chở những xúc cảm chân thành ấy của Bạch Xuân Lộc. Ba mươi năm, hay nhiều hơn thế, hành lí mang theo của người con xa quê là trĩu đầy hình dáng quê nhà. Những xa cách về địa lý càng làm cho nỗi nhớ quê thêm tha thiết:

Sẹo, Cỏ, Cân những hòn khơi,
Tuy xa nhưng mãi nhớ trời quê hương…
Người đi một nhớ hai thương,
Ba mươi năm lẻ giấc thường gọi nhau.

(Nhớ Eo Gió quê mình)

Có khi, hành lí mang theo với Bạch Xuân Lộc ngày xa quê thật giản dị, có lúc chỉ là hình ảnh hạt đậu phụng lấm láp quê nhà. Hạt đậu lưu dấu thuở tảo tần thân cha lặn ngụp khơi xa một đời biển giã, là bóng mẹ với tình yêu, sự chăm chút cho gia đình: “Cha lúc trẻ nhớ những ngày đi biển/ Chỉ có cơm và đậu phụng muối rang/ Mẹ gói sẵn cả tấm lòng năm tháng/ Thuyền cha về đầy khoang mực cá tôm…” (Bơ đậu phụng). Và nói sao cho vừa, khi đứa con hiểu rõ sự khắc nghiệt của thời gian, ngậm ngùi trước những báo hiệu mà đau đến thắt lòng. Phép nhân hóa được sử dụng hiệu quả, khiến cho câu thơ trong bài Bơ đậu phụng của Bạch Xuân Lộc thêm xúc động: “Lần về thăm… bơ đậu phụng cũng đau…/ Cha yếu lắm… có thể nào ăn ngon được/ Em tôi nhắc, thắt tim mình nặng bước/ Những ngậm ngùi… ôi, hành lí có hay!”.

Quê hương trong thơ Bạch Xuân Lộc còn là những gần gụi thuở thiếu thời, nơi mà những rung động đầu đời hé mở. Kỷ niệm tuổi học trò sẽ mãi là những tháng năm thơ mộng, ăm ắp trong anh bao điều dễ thương về tình bạn, tình thầy trò. Và tình yêu, cũng chớm say khi người ta biết nhớ… Thời gian mãi trôi, nhưng lòng người có lúc như “đóng băng” trong quyến luyến hoài niệm, mặc cho những sao dời vật đổi, cho những cấp tập xuôi ngược dòng đời. Có khi, anh lại rưng rưng trước một cảnh cũ xa xưa, con đường kỷ niệm, hay một chùm phượng vỹ đỏ những đợi chờ: “Phượng của tôi, của em và của cát/ Vo tròn nhau say nồng giấc yêu thương/ Vẫn còn kia Quy Nhơn những con đường/ Còn cành phượng muộn màng màu chưa nhạt” (Phượng tháng Chín).

Bạch Xuân Lộc xa quê, lâu lâu lại một chuyến trở về để thấy lòng được ấm lại. Đất và người Vũng Nồm hay nơi đâu trên xứ Nẫu cũng đều khiến anh chắt chiu trân trọng. Từng lời nói đặc sệt phong vị địa phương, từng nét văn hóa bản địa, những nồng đượm bằng hữu đối đãi khiến anh thêm nặng lòng với nơi mình được sinh ra. Khi đọc bài thơ Có phải tôi của anh, tôi đã xúc động và dành nhiều cảm mến cho thi phẩm này. Nét thơ tự sự đầy những trăn trở, đau đáu về hai chữ quê hương. Là tự vấn, đối thoại với chính mình nhưng cũng là một bộc bạch khẳng định của anh. Những giản dị, chân chất như tiếng nói người quê, thứ mắm chưng ủ từ làng biển, lời hát từ thuở cha ông đã quyện vào máu thịt, đã hun đúc nên hồn cốt con người, mãi vọng âm trong anh nguồn cội, yêu quê đến thắt lòng: “Có phải tôi người Úc?/ Sao tóc tôi đen sì/ Sao da tôi vàng cháy/ Chịu phân biệt thị phi!// Có phải tôi người Việt?/ Sao nói tiếng Việt Nam/ Sao trăn trở ngày đêm/ Yêu quê hương muôn nỗi// Bao lần rồi bối rối/ Về thăm lại làng xưa/ Lời sao nói cho vừa/ Xôn xao và khao khát…// Có phải tôi người Việt?/ Sao thích mắm ruốc kho/ Sao thích chén lắc “dzô”/ Còn mê xem hát Bộ”.

Ngoái vọng về chốn quê, có lúc tiếng thơ anh xộc thẳng vào hiện thực mà đau nỗi đau chung trước bao đổi thay giá trị, trước lòng tham và những suy tính ích kỷ của con người. Ở đó, thơ anh bật lên đầy xa xót: “Qua rồi một cuộc rưng rưng/ Qua rồi bom đạn, vui chung một nhà/ Nhưng tâm người vẫn chưa hòa/ Bất công, tham nhũng chính là nghèo dân” (Nhớ ngoại).

Bạch Xuân Lộc trung thành với lối thơ truyền thống, anh có nhiều bài lục bát gieo vần kết điệu nhịp nhàng, đong đầy cái tình. Có lúc, thơ anh hiện lên những chiêm nghiệm của người đã lắm trải gập ghềnh nhân thế, đã thấm những buồn vui chia biệt, đã đau những mất mát đến quặn lòng và ôm nỗi trống vắng tha thủi như một tha nhân.

Nhưng cũng con người ấy, ta thấy một nỗi tha thiết với người với đời. Ở đó, Bạch Xuân Lộc có nhiều bài thơ trữ tình nồng thắm. Có lúc, là nỗi ngậm ngùi cho những tháng năm đi qua, khi “xuân son” đã nằm về phía cũ: “Ta cứ mãi phân vân tình lỡ/ Mãi ngậm ngùi một thuở xuân son/ Đá xưa trên bãi rong mòn/ Biển nay chôn giữa vết son dấu đời” (Hóa thạch). Khi là niềm luyến tiếc, muốn gọi về, tìm lại trong bao mong đợi: “Đất khô để lại cõi cằn/ Cây khô còn lại mảnh sân xám màu/ Rồi ngày sau… có tìm nhau!/ Xanh tươi hỏi nắng… niềm đau cũng tàn” (Khô). Hoặc khi trải lòng với tình yêu, nhà thơ dành một chiêm đắm, tận hiến, luôn thấy mình chưa đủ đầy cho người, như trong bài Nợ em, câu thơ “Từ ta ngày tháng hư hao/ Nợ em bao cuộc chiêm bao thẹn thùng” vừa phóng khoáng trữ tình vừa như ấm lại những ân cần, tạo nhiều cảm xúc cho người đọc.

Những tháng ngày cuối năm, đọc thơ anh, lòng như muốn hồi hướng quê nhà, nghe từ tâm mình những bỏng rạc thức gọi phía cánh đồng, phía bữa cơm gia đình và lời ru ấm áp của mẹ, những vòng tay dang ấm đầy chở che và đức hy sinh của cha… Thơ đã bắt những nhịp cầu đồng điệu. Bạch Xuân Lộc đã trọn lòng với thơ. Anh viết mộc mạc, còn đó những thô ráp, có khi chưa thật chỉn chu câu chữ hay những kiếm tìm sáng tạo thi ảnh, nhưng ta thấy rõ cái tình với người với quê với mẹ cha ăm ắp, khiến người đọc như muốn chạm lên vẻ thô ráp kia để sẻ chia, lắng lại bao nỗi niềm, để thấy thơ – tiếng lòng anh chan chứa:

Thơ như là tiếng lòng tôi,
Buông cương đời ngựa mãi hoài đích trông.
Tỏ bày bao nỗi chờ mong,

Vó cau muôn dặm vẫn không chân chùng.

NGÔ PHONG

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Ký hiệu đời tôi là một chấm xanh, xanh ngắt

Người làm thơ chỉ mượn ngôn ngữ thơ để giải bày những “rắc rối” trong tâm trạng của mình. Có lẽ vì vậy, thơ Phùng Khắc Bắc đạt đến sự giản dị mà không tầm thường của một ngòi bút…

Nói với con hay tự nói với mình

Bài thơ “Sớm mai con vào lớp ba” Y Phương viết cho con gái đang ở lứa tuổi bậc tiểu học chưa có nhiều trải nghiệm sống mà còn trong trẻo thuần khiết…