Nghệ thuật múa với giá trị Chân – Thiện – Mỹ vì mục tiêu xây dựng con người Việt Nam hiện đại

(VNBĐ – Nghiên cứu phê bình). L.T.S: Chiều 12.7.2023, Hội VHNT Bình Định đã chủ trì, tổ chức thành công buổi tọa đàm “Tính thẩm mỹ trong ngôn ngữ múa” với sự tham gia của TS. NSND Phạm Anh Phương – Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam cùng nhiều nghệ sĩ múa, nhà nghiên cứu lý luận trong tỉnh, trong nước. VNBĐ xin giới thiệu 02 tham luận từ tọa đàm này.

Ngày nay, khi xã hội ngày càng phát triển dẫn đến nhu cầu hướng tới cái đẹp của con người càng tăng. Vẻ đẹp được thể hiện trên nhiều phương diện của đời sống tinh thần và vật chất, từ cái cảm, cái nghĩ, cách ăn mặc cho tới hành động…, như đại văn hào Nga (Tsêkhôp) có viết: “…cả khuôn mặt, cả quần áo và cả tư tưởng… “. Theo đó, con người cảm nhận, thẩm thấu vẻ đẹp bồi đắp thêm những giá trị thẩm mỹ mới với nhiều hình thức khác nhau. Từ đời sống thực tiễn cho thấy, con người Việt Nam hôm nay có sự thay đổi rõ nét, họ năng động, cởi mở, tích cực phát huy tính bản thể cá nhân trên mọi phương diện, lĩnh vực trong cuộc sống, về lối sống, nhân cách, lời ăn tiếng nói đến ý thức, tư tưởng, tâm lý, tình cảm và hành động… Sự nhận diện vẻ đẹp ngày càng được nâng cao trong tư duy và hành động của mỗi con người. Do vậy, việc tạo nên hệ giá trị thẩm mỹ cho cuộc sống con người luôn là mối liên quan và sự tác động trực tiếp đến vai trò phát triển văn học nghệ thuật nói chung và nghệ thuật múa nói riêng, bởi đó cũng chính là chức năng của văn hóa và nghệ thuật phải đảm trách.

Làm thế nào để nghệ thuật và cuộc sống luôn đồng hành trong mối quan hệ gắn kết mà nghệ thuật là sự phản ánh, mang tính dự báo, định hướng xã hội và con người. Theo đó, nhiệm vụ của văn học nghệ thuật luôn phải tự đổi mới, cập nhật phương thức biểu hiện mới ẩn chứa những giá trị dân tộc truyền thống và hơi thở thời đại, tôn vinh vẻ đẹp, phê phán cái xấu và mang đậm tinh thần nhân văn sâu sắc trong từng sản phẩm nghệ thuật để không ngừng vươn lên xứng tầm với sự phát triển của dân tộc và đất nước.

Đứng trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước đã dành cho sự nghiệp văn học nghệ thuật sự quan tâm mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Bằng việc ra đời những Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 16.6.2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới; Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 09.6.2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững đất nước; chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng… đã thổi một luồng sinh khí mới vào đời sống dân tộc và khơi dậy nguồn cảm hứng sáng tạo cho đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức.

Đồng hành cùng dân tộc và trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nghệ thuật múa Việt Nam đã khẳng định được vị thế và chỗ đứng trong lòng khán giả, múa đã xuất hiện với tần suất thường xuyên hơn. Đặc biệt, múa không thể thiếu trong tất cả những sự kiện văn hóa, kinh tế, chính trị quan trọng của đất nước. Từ những sự kiện mừng Đảng, mừng Xuân, các lễ hội có tầm vóc quốc gia như: Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội; kỷ niệm Ngày thống nhất đất nước; sự kiện Seagame; Ngày Văn hóa Việt Nam ở nước ngoài; các lễ hội diễn ra trên nhiều địa phương trong cả nước, cũng như các đêm biểu diễn nghệ thuật phục vụ đời sống Nhân dân. Giờ đây múa là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của Nhân dân và trở thành nhân tố kết nối xã hội cộng đồng.

Trong suốt hành trình hơn 30 năm xây dựng và trưởng thành, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam luôn đặt mục tiêu bồi đắp, phát triển văn hóa nghệ thuật nói chung và phát triển nghệ thuật múa nói riêng nhằm phục vụ đời sống tinh thần của con người – hướng con người đến vẻ đẹp Chân – Thiện – Mỹ, bởi con người vừa là đối tượng, vừa là chủ thể thưởng thức nghệ thuật. Mục đích cuối cùng của nghệ thuật múa là để góp phần nâng cao đời sống con người, giúp con người Việt Nam hiện đại có tri thức, văn minh, có tâm hồn văn hóa và được thẩm thấu các giá trị thẩm mỹ cao đẹp từ các tác phẩm nghệ thuật, lấy đó làm “vũ khí” cần thiết để vững vàng bước vào thời đại mới.

Mỗi công trình, chương trình và tác phẩm nghệ thuật múa là thành quả của một tập thể tạo thành như biên đạo, diễn viên, âm nhạc, ánh sáng… Bản thân nghệ thuật múa hội tụ trong mình tính đoàn kết tập thể, sự đồng hành trong sáng tạo và biểu diễn cũng như sự kết nối tác phẩm và công chúng. Mỗi tác phẩm múa ra đời là sự thể hiện nhu cầu thiết yếu của đời sống tinh thần, thể hiện khát vọng hướng tới giá trị chân, thiện, mỹ của con người, nó có tác dụng đặc biệt trong việc bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm, nhân cách đạo đức cho các thế hệ và sự kết nối lực lượng toàn dân. Thông qua sức cuốn hút của luật động ngôn ngữ cơ thể, vẻ đẹp thẩm mỹ của tạo hình múa để biểu đạt nội dung tư tưởng, giàu tính nhân văn nhằm kiến tạo nên bức tranh nghệ thuật, mà trong nó cái đẹp được hiện ra đầy đặn, rực rỡ, có sức lôi cuốn, cổ vũ, cảm hóa con người góp phần không nhỏ trong việc xây dựng và phát triển văn hóa và con người Việt Nam hôm nay.

Chúng ta biết rằng, trong mỗi tác phẩm múa thông qua nội dung và hình thức biểu đạt đều ẩn chứa những giá trị thẩm mỹ, giá trị chân – thiện – mỹ. Sự gắn kết chặt chẽ giữa nội dung và hình thức tạo nên giá trị hiệu quả chung cho vẻ đẹp của múa. Lấy minh chứng từ tác phẩm múa “Cánh chim và ánh sáng mặt trời”, biên đạo – NSND Thái Ly, nội dung đã khắc họa mô phỏng những tia nắng ánh sáng mặt trời tựa như là ánh sáng của Đảng soi chiếu con đường cho dân tộc với khát vọng bay cao, bay xa, con người và dân tộc được ước lệ hóa như đôi cánh chim bay trong nắng mặt trời. Như vậy, ý tưởng và nội dung hình thành tác phẩm mang tính ước lệ cao có giá trị giáo dục tư tưởng không khiên cưỡng mà thông qua vẻ đẹp đong đầy tính nghệ thuật và tính nhân văn sâu sắc. Từ góc độ ngôn ngữ múa, tác giả đã vận dụng kết hợp múa cổ điển châu Âu và múa dân tộc Khơ-me tạo nên những luật động múa, tạo hình múa mang đầy tính thẩm mỹ, tính khoa học trong kết cấu tác phẩm, độ tinh xảo của tính kỹ thuật và sự tinh tế trong vận dụng ngôn ngữ múa dân tộc để biểu hiện hình tượng đôi cánh chim bay. Vẻ đẹp của luật động cùng những tạo hình múa đạt hiệu quả nghệ thuật xuất sắc vừa đậm nét dân tộc, vừa mang tính tiên tiến và hơi thở của cuộc sống. Qua đó, thông điệp và biểu tượng nghệ thuật của tác phẩm ẩn chứa giá trị nội dung sâu sắc, cao đẹp, một vẻ đẹp mang tính triết lý, tinh thần lạc quan cách mạng, sự khát vọng vươn lên cho nhiều thế hệ con người Việt Nam.

Nghệ thuật là sự phản chiếu mọi hiện tượng, sự kiện và những biến động của xã hội. Trong giai đoạn đất nước còn chiến tranh, trải qua những biến thiên của xã hội, nhiều tác phẩm múa kịp thời ra mắt công chúng đáp ứng tốt nhiệm vụ và yêu cầu của xã hội mang lại nhiều cảm xúc thúc đẩy tinh thần yêu nước và ý chí cách mạng đã hun đúc nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách, khí phách của biết bao thế hệ người Việt Nam. Những tác phẩm vượt thời gian thấm nhuần giá trị tư tưởng văn hóa, văn nghệ của Đảng, trở thành mốc son lịch sử của ngành Múa Việt Nam thời kì ấy, có thể kể đến như: Kịch múa Ngọn lửa Nghệ Tĩnh, Kịch múa Tấm Cám, Bà má miền Nam, Người mẹ cầm súng, Gặp gỡ trên mâm pháo, Vợ chồng dân quân, Lựu đạn gỗ, Tay chài vai súng… Những tác phẩm múa của thời hoa lửa đã góp phần to lớn cổ vũ tinh thần đồng bào và chiến sĩ anh dũng vượt qua những gian khó, khốc liệt của chiến tranh, nhân lên ý chí và sức mạnh để làm nên chiến thắng lịch sử vĩ đại của dân tộc.

Bước vào giai đoạn phát triển mới, cùng với sự chuyển mình của đất nước, đồng thời làm tốt vai trò giáo dục, định hướng thẩm mỹ cho công chúng, nghệ thuật múa nước nhà cũng đã có nhiều đổi thay để phản ánh đúng tinh thần của thời đại. Hàng loạt kịch múa và các tác phẩm được ra đời đánh dấu sự trưởng thành của thế hệ nghệ sĩ kế tiếp như: Kịch múa Huyền thoại Mẹ, Ngọn lửa Hà Thành (NSND Công Nhạc); Đất nước, Bông lau trắng, Khúc biến tấu từ pho tượng cổ (NSND Ứng Duy Thịnh); Nguồn sáng (NSND Phạm Anh Phương – NSND Hồng Phong); Ngọc trai đỏ (NSND Việt Cường – NSND Kim Quy); Khoảnh khắc bất tử (NSND Anh Phương, NSND Hồng Phong, Tuyết Minh); Mặt trời trong tim (NSND Tô Nguyệt Nga); Hương quê, Mùa xuân trên bản H’mông (NSND Chu Thúy Quỳnh); Bến lụy, Lời ru của rừng (NSND Phạm Anh Phương); Nguyệt cô hóa cáo (NSND Văn Quang); Mẹ mặt trời (NSND Xuân Thanh); Ballet Kiều (Tuyết Minh, Phúc Hùng); Tổ khúc múa Ánh sáng tâm hồn (biên đạo Tuyết Minh)… Qua đó, chúng ta thấy những gương mặt mới, những tác phẩm mới dần lộ diện với nhiệt huyết và sức trẻ, luôn bám sát hiện thực cuộc sống. Đề tài đã được mở rộng, phong phú về nội dung và phương thức biểu hiện, nhiều tác phẩm đã bắt đầu miêu tả thế giới nội tâm – một vẻ đẹp thầm kín riêng tư với những góc khuất của con người trong cuộc sống đương đại. Như vậy, nghệ thuật múa không chỉ hiện diện trên sân khấu biểu diễn phục vụ khán giả mà nó còn “len lỏi” vào đời sống dân sinh như một nhu cầu tất yếu.

Có thể thấy, hành trình phát triển tràn đầy hứng khởi của nghệ thuật múa đã hòa với nhịp đập trái tim toàn dân tộc, lăn lộn với thực tiễn phong phú, sôi động của cuộc sống nhân dân để thai nghén và cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của công chúng, góp phần không nhỏ nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam, đồng thời cũng tạo ra môi trường và điều kiện để phát triển con người Việt Nam toàn diện hướng tới giá trị Chân – Thiện – Mỹ. Một con người toàn diện cần phát triển hài hòa, hội tụ đủ những giá trị Chân – Thiện – Mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, dân chủ và nhân văn.

Do vậy, việc xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện cũng là mục đích cốt lõi của các nhiệm vụ chuyên môn căn bản, lâu dài mà nền nghệ thuật múa Việt Nam cần tập phát huy vai trò cho nhiệm vụ đề ra nhằm thực hiện tinh thần của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng có nêu rõ: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”. Rõ ràng vấn đề “phát triển con người toàn diện” vẫn luôn được Đảng ta xác định là một trong những nhiệm vụ tổng quát, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và phát triển đất nước.

Đây vừa là nhiệm vụ và cũng là trách nhiệm của mỗi chúng ta đối với vị thế phát triển của đất nước. Có thể nói, nghệ thuật múa đã đồng hành cùng dân tộc và trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử. Hiện nay với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nghệ thuật múa đã khẳng định được vị thế và chỗ đứng trong lòng khán giả, là món ăn tinh thần vô giá đối với nhiều tầng lớp dân chúng và trở thành nhân tố không thể thiếu trong nhiều sự kiện văn hóa, kinh tế, chính trị quan trọng của đất nước đóng vai trò quan trọng góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, hướng tới giá trị Chân – Thiện – Mỹ vì mục tiêu xây dựng con người Việt Nam hiện đại ngày hôm nay.

TS. NSND PHẠM ANH PHƯƠNG
(Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thành Bình Định: Đau đáu dấu xưa

Đã in hàng chục đầu sách, nhưng những trang viết của nhà văn Trần Duy Đức luôn nhất quán một dòng chảy về nơi “chôn nhau cắt rốn” An Nhơn…