Ngày xuân xem Hội cờ người

(VNBĐ – Bình Định mến yêu). Theo các bậc cao niên thì Hội cờ người ở An Nhơn có từ thời phong kiến xa xưa và có nguồn gốc từ làng Phú Đa (Tân Dân – Nhơn An). Nơi này nổi tiếng từng có nhiều người đánh cờ tướng giỏi, môn thể thao giải trí tao nhã, đấu trí so tài cao thấp, tiêu khiển thời gian của giới mày râu, phần lớn là những người trung lưu khá giả, có phẩm hàm chức sắc.

Cờ người được biến thể từ môn cờ tướng, với 32 con cờ bằng gỗ, nâng lên thành 32 quân cờ bằng người thật và trở thành Hội đánh cờ người truyền thống. Đây là di sản văn hóa phi vật thể đã bị mai một, quên lãng một thời gian dài, đến năm 2006 mới bắt đầu khôi phục ở xã Nhơn Hưng, An Nhơn.

Người có tâm huyết và công sức sưu tầm, nghiên cứu, khôi phục trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa trên quê hương An Nhơn là võ sư Lê Xuân Cảnh – Chủ nhiệm Câu lạc bộ võ thuật mang tên Lý Xuân Cảnh. Ông vốn là môn đệ của trường phái võ Lý Xuân Tạo, gốc người Hoa, tức đại võ sư Biện Quyền ở Đập Đá. Võ đường Lý Xuân Cảnh nằm ẩn mình dưới hàng tre bên bờ Nam đập dâng nước Thạch Đề, dòng Thạch Yển, nhánh Bắc phái sông Côn, thuộc thôn Cẩm Văn, xã Nhơn Hưng (nay là khu vực Cẩm Văn, phường Nhơn Hưng). Theo võ sư Cảnh thì, ngày trước ở Phú Đa, quân cờ trong đội hình cờ người chủ yếu là nam thanh niên, con cháu một số họ tộc trong làng, còn kỳ thủ thì mời một số người giỏi cờ tướng quanh vùng đến thi thố tài năng cao thấp.

Sau ngày thống nhất đất nước, nhất là từ khi có Nghị quyết 05 TW (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, xã Nhơn An nhiều lần dự định khôi phục Hội đánh cờ người, nhưng vẫn chưa tổ chức được. Sau một thời gian tìm hiểu, học hỏi cách tổ chức Hội cờ người từ một số cụ lớn tuổi am tường ở Nhơn An, võ sư Lê Xuân Cảnh mạnh dạn đứng ra lập đội quân cờ người từ Câu lạc bộ Võ thuật của mình. Được chính quyền và ngành văn hóa thể thao, cùng một số mạnh thường quân ủng hộ, động viên, Câu lạc bộ Võ thuật tiến hành mua sắm quần áo, binh khí, nhạc cụ… và xúc tiến luyện tập. Đội quân cờ người gồm 32 quân, 4 – 5 em đánh trống, thanh la và 4 quân khiêng, được chọn trong số nam, nữ võ sinh của Câu lạc bộ thường xuyên luyện tập ngoài giờ học phổ thông của học sinh từ lớp 6 đến lớp 10.

Khi mới khôi phục trò chơi dân gian này, ngoài đội hình chính thức của đội quân cờ thuộc Câu lạc bộ võ sinh, võ sư Cảnh còn lập một Câu lạc bộ dưỡng sinh lớn tuổi trên dưới 30 người, phần lớn là cán bộ hưu trí. Ngoài luyện tập dưỡng sinh hằng ngày, đội hình Câu lạc bộ lão tướng làm nhiệm vụ biểu diễn hơn 10 động tác võ thuật dưỡng sinh chào mừng khán giả trước khi khai diễn Hội đánh cờ người.

Với đội hình cờ người do Câu lạc bộ võ thuật Lý Xuân Cảnh, xã Nhơn Hưng xây dựng thành công, từ mùa xuân năm 2006, Ủy ban nhân dân xã Nhơn Hưng và Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện thống nhất chọn hai đêm mùng 6, mùng 7 Tết để mở Hội đánh cờ người, phục vụ nhân dân vui xuân đón Tết hàng năm.

Và từ đó đến nay, đã thành thông lệ, hai ngày mùng 6 và mùng 7 tháng Giêng được xác định là ngày mở Hội cờ người hàng năm của địa phương. Đến hẹn lại lên, Hội cờ người đã gắn với hội xuân, thu hút khách tứ phương, nhất là những người hâm mộ môn cờ tướng, những “kỳ phùng địch thủ” trong làng chơi cờ tướng ở các địa phương trong thị xã An Nhơn và các huyện Phù Cát, Tuy Phước, Tây Sơn, TP. Quy Nhơn và cả An Khê (Gia Lai)…

Bàn cờ vuông vức giữa sân, chiếm khoảng hai phần ba sân vận động. Ngoài vạch biên của hai bên song song đối diện nhau là hai chòi (kỳ đài) cao khoảng bốn mét, dành cho kỳ thủ (chỉ huy) của hai đội. Khi người dẫn chương trình hướng dẫn ổn định tổ chức, chuẩn bị khai hội, thì hai đội quân cờ đã đứng sẵn ngoài vạch biên trước hai kỳ đài. Một bên đồng phục màu xanh, một bên đồng phục màu đỏ, áo có hai thắt lưng, đầu đội nón sơn màu đỏ (giống nón của quân Tây Sơn tại lễ hội Đống Đa ở Bảo tàng Quang Trung), từng tên quân cờ được in trên nón, sau lưng và trước ngực, chân mang hia như phục trang Hát bội. Mỗi loại quân cờ sử dụng một loại binh khí khác nhau trông rất oai nghiêm, đẹp mắt. Chẳng hạn quân Chốt thì tay phải cầm kiếm, tay trái cầm lăn khiên, quân Pháo cầm song chùy, quân Xe cầm thương… Riêng Tướng cầm cây siêu theo tư thế đứng thẳng, nhìn tới, nghiêm nghị như Quan Công.

Sau khi đội lão tướng biểu diễn một số tiết mục mở màn chào mừng khán giả, đại diện Ban tổ chức đọc diễn văn và đánh trống khai hội, thì hai đội quân cờ từ vị trí xuất phát chạy đều theo nhịp trống, thanh la, kèn… tiến vào vị trí từng quân cờ trên bàn cờ. Toàn bộ đội hình quân cờ hai bên nhanh chóng ổn định… Hàng đầu là 5 quân Chốt: Chốt 1, Chốt 3, Chốt 5, Chốt 7 và Chốt 9. Sau 5 quân Chốt là 2 quân Pháo gồm: Pháo 2 và Pháo 7. Từ bên phải tính sang là Xe 1, Mã 2, Bồ 3, Sĩ 4, Tượng 5, Sĩ 6, Bồ 7, Mã 8, Xe 9. Võ sinh nhỏ tuổi được xếp hàng trước; học sinh lớn tuổi hơn xếp ở sau.

Tiếng trống thúc, tiếng thanh la, tiếng kèn giục và cả tiếng hò reo của khán giả là những cổ động viên có “máu nghiệp cờ và võ thuật” không chỉ làm cho các “kỳ phùng địch thủ”, cùng những chiến sĩ quân cờ của họ hồi hộp, rộn rã mà những người hâm mộ môn thể thao đấu trí này, từng luận giải những nước cờ cao thấp cũng đứng ngồi không yên. Cứ mỗi lần nghe tiếng hô của kỳ thủ xướng lên từ trên kỳ đài phát ra loa giải thế một nước cờ, thì có một quân cờ đối phương bị quân cờ bên này quật ngã bằng một động tác võ thuật, lập tức cả khu vực Hội đánh cờ người như vỡ òa tiếng reo hò tán thưởng, không kém gì không khí cổ động ở sân bóng đá, càng làm cho khí thế quyết đấu của cả hai đội sôi động hẳn lên. Hội cờ người kéo dài đến hơn 10 giờ đêm giữa tiết trời tháng Giêng se lạnh, mà khán giả không thấy buồn ngủ, nhất là các bậc cao cơ trong giới chơi cờ thế.

Võ sư Lê Xuân Cảnh đã khéo léo vận dụng võ thuật đưa vào nghệ thuật đánh cờ người để tăng thêm tính hấp dẫn, lôi cuốn cả giới mê môn cờ tướng và cả những người am tường võ thuật. Mỗi khi quân cờ bên này bị đối phương tấn công quật ngã bằng những thế võ theo động tác đánh binh khí, ngay lập tức có 2 quân dự bị từ bên ngoài vào sân khiêng (động tác cán thương) đưa ra sân, nhìn giống như đánh trận. Theo võ sư Cảnh thì, đây là tình tiết khác với Hội đánh cờ người ngày trước, thời ấy khi quân đối phương chạy đến tấn công theo cờ lệnh, thì quân bên này giả vờ nghiêng người (thua) rồi chạy ra ngoài sân.

Các võ sinh trẻ tuổi được thầy Cảnh luyện tập công phu những thế võ để đánh hạ đối phương trông rất đẹp mắt. Ví dụ: quân Pháo hạ sát quân Mã thì dùng thế “Thâu sơn hoành phá kiếm”, con Mã muốn sát bất cứ con quân nào khác của đối phương thì dùng thế “Hầu tiểu kiêm kê”… Khi quân của một trong hai bên bị quật ngã thì trống đánh theo nhịp trống sát, rộn rã, thúc giục. Mỗi hiệp kéo dài đến hơn hai tiếng đồng hồ, đêm thứ hai kết thúc sau khi đã qua vòng loại, rồi tranh ba tư và chung kết nhất nhì. Các đội thắng thua theo thứ tự được trao giải Nhất, Nhì, Ba và Khuyến khích. Giá trị của giải thưởng không lớn nhưng có ý nghĩa động viên tinh thần thể thao lành mạnh của các kỳ thủ và quân cờ hai bên, cùng khán giả hâm mộ.

Cứ vào khoảng giữa đầu tháng Chạp âm lịch là võ sư Lê Xuân Cảnh bắt đầu xốc lại đội hình quân cờ. Vào những chiều tan trường, võ sinh lần lượt tề tựu đến võ đường luyện tập, chuẩn bị bước vào lễ hội. Không những tiếp tục mở hội ở địa phương, có năm ông còn đưa đội quân cờ người vượt đèo An Khê đi phục vụ bà con vùng Tây Sơn Thượng đạo vào dịp lễ hội Đống Đa.

Ngày xuân đi xem Hội cờ người trên quê hương An Nhơn – Bình Định, lòng ai mà không rộn rã, phấn chấn, vì một trong những nét đẹp văn hóa đã và đang được khôi phục trên vùng đất vốn có bề dày văn hóa và chiều sâu lịch sử, trọng văn, thượng võ.

TRẦN DUY ĐỨC

(Văn nghệ Bình Định số Xuân Nhâm Dần 2022)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Vẻ đẹp quê hương Hoài Nhơn

Thị xã Hoài Nhơn nằm ở phía Bắc tỉnh Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn 87km, là cửa ngõ giao lưu kinh tế quan trọng ở phía Bắc tỉnh…

Những chỉ dấu lịch sử, văn hóa xứ Hoài

Hoài Nhơn là vùng đất giàu trầm tích văn hóa, là nơi ghi dấu ấn đấu tranh cách mạng mạnh mẽ của Bình Định. Năm tháng đi qua, thế hệ tiếp nối mãi ghi tạc công ơn của cha anh…

Làng bún, làng hoa

Làng chuyên sản xuất bánh tráng, bún số 8 Tăng Long 1 thuộc phường Tam Quan Nam (TX Hoài Nhơn), được UBND tỉnh Bình Định công nhận làng nghề truyền thống vào tháng 8.2020…

Làng chiếu Chương Hòa

Ở thị xã Hoài Nhơn, làng chiếu cói Chương Hòa thuộc xã Hoài Châu Bắc có từ lâu đời, đến nay vẫn tấp nập, tạo nên bức tranh quê đẹp, thơ mộng, nghĩa tình…