Ngày về

(VNBĐ – Truyện ngắn).

1.

Vừa thấy My, chị Lan đang chơi bên sân nhà hàng xóm, mắt sáng rỡ, phóng qua hàng rào hoa dành dành chạy về. Khi ấy chị mặc quần nọ áo kia, cái áo cũ nhàu nhĩ từ vải thun dính sát vào người, để lộ cả bầu ngực chảy nhão của người phụ nữ tuổi ngoài 40 mà nếu muốn nhìn, người ta vừa có thể nhìn trực tiếp xuyên qua lớp vải mỏng, vừa nhìn từ cổ áo hình tim hay từ kiểu tay sát nách mà vòng nách may hơi rộng so với chị. Có lần My nói vậy với chị Hai, chị gạt đi, người như bả, ai thèm nhìn mà em lo xa. Với lại xóm này sống thân thiện lắm, không như trên thành phố đâu mà phải cảnh giác những chuyện đó.

Chị Hai nghe tiếng xe máy, từ dưới nhà đi lên, nhìn chị Lan đang chân thấp chân cao vì chỉ mới kịp xỏ dép một bên: “Từ từ thôi, té bây giờ!”. Chị Lan rất nhanh, chạy tới bám vào xe My, nhẻo miệng cười, đập đập tay vào yên xe sau của My, ý xin đi. Chị Hai lắc đầu: “Đang bệnh đó, vào nhà đi cho bả vào kẻo nắng”. My dựng chống xe, ngửi ngửi mái tóc xõa dài, rối, khét nắng của chị Lan, nhăn mũi: “Đi gội đầu được rồi nghen, cái mùi chua lét”. Chị Lan gật gật đầu, miệng cười toe toét. “Mỗi lần nói được bả đi gội đầu khó như gì, vậy mà chỉ cần em khều cái đi liền, coi có tức không chớ!”. My cũng cười, đưa túi xách cho chị Hai rồi nắm tay chị Lan ra sau giếng gội đầu.

Xong, My ra lấy máy sấy tóc để trong cốp xe, mang từ thành phố về, cắm ổ điện ở phòng khách sấy tóc cho chị Lan, mùa này trời trở lạnh nên sợ chị bị cảm lạnh. Chị Lan lần đầu tiên nhìn thấy máy sấy tóc, như một đứa trẻ con, chị đưa tay đón gió, thích thú nhìn ngó, mân mê, rồi lạ lẫm vì mái tóc mới ướt đã thành khô của mình, vài sợi còn bay bay trong gió. My cũng thấy vui lây từ niềm vui của chị. Hóa ra, chỉ với người trưởng thành niềm vui mới còm cõi và ngày càng khan hiếm như vậy.

Minh họa: Nguyễn Văn Cần

Mỗi cuối tuần My lại về đây, chỉ để được chăm sóc chị, được làm những việc cho chị vui. Điều đó dễ hơn rất nhiều so với những bản kế hoạch cần đầu tư ý tưởng, công sức, rồi những đêm thức trắng cho kịp hoàn thành công việc, cả những lần “thắng lớn” nhận được không ít lời khen ngợi đi kèm với những con số chuyển khoản vào tài khoản My, sao My vẫn không thấy được cảm giác vui, nhẹ nhàng như khi làm những điều này với chị: tắm, gội, nấu món ngon cho chị ăn, cắt móng tay cho chị, chở chị đi ăn kem, dạo phố… Chỉ đơn giản vậy thôi mà My thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn rất nhiều.

My đã không làm được điều gì to tát cho mẹ. Khi mẹ mất, My vẫn chật vật với công việc của đứa sinh viên vừa mới ra trường, lại học sai nghề nên cứ loanh quanh những dấu chấm hỏi, không xác định được mình thích gì và phải làm gì. Vì vậy mà cảm giác mình có thể bao bọc được cho người khác khiến My thấy mình có ích hơn rất nhiều. My lớn lên đã thấy chị Lan như vậy. Nghe đâu lúc đầu chỉ là không nói được, tính tình hơi bất thường, sau càng nặng dần, đến khi mẹ mất thì chị thành ra như hôm nay.

2.
Khi mới mua được nhà ở thành phố, My đã muốn đón chị Lan lên ở với mình, chị Lan cũng rất thích điều đó. Ở nhà, tuy không ai ghét bỏ chị, nhưng chị không vui như khi ở với My. Hơn nữa, chị Hai My còn chồng con, chỉ có My là chẳng vướng bận gì, kinh tế lại ổn định nên việc đón chị lên ở cùng không khó khăn gì. Nhưng bàn đi bàn lại, những ngày My đi công tác, hay công việc làm thêm không thể về thì chị sẽ ra sao? Đồ ăn thì My có thể chuẩn bị sẵn cho chị, nhưng những sự cố xảy ra, chưa kể những lúc ốm đau, rồi những tệ nạn rình rập nơi Sài thành… Cuối cùng, ở nhà chị Hai là chọn lựa phù hợp và an toàn nhất với tất cả. Mỗi cuối tuần, My chạy xe hoặc đón xe đò vượt hơn 50km về thăm chị.

Lần nào My đi cũng mang theo ánh nhìn buồn bã của chị. Suốt quãng đường về lại thành phố, My ứa nước mắt vì ánh nhìn đó. Nhiều lần My muốn ở lại luôn, rồi chắc chắn My sẽ tìm được công việc gì đó ở quê nhà, My là người có kiến thức và chuyên môn, sợ gì thất nghiệp. Nhưng My chỉ yếu đuối trong lúc đó, sau lại thôi. Suy cho cùng, công việc của My ở thành phố đang rất tốt. My mới được đề bạt lên trưởng phòng và sắp tới có cơ hội qua làm việc thời gian ngắn tại Pháp – nơi mà bất cứ ai ở vị trí của My cũng đều ao ước – nhất là My. My thích Pháp từ những tiểu thuyết mà cô mê mẩn thời sinh viên, chỉ ao ước một lần được đặt chân đến nơi lãng mạn đó.

Thế nhưng khi có quyết định chính thức, My phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều. Một năm không phải là quá dài, nhưng với chị Lan, chỉ hai tuần My không về nhà đã thấy chị buồn hẳn, người gầy sọp đi. Chị Hai kể cứ đến cuối tuần, thấy tờ lịch màu đỏ là ngồi chờ My ở đầu ngõ. Có hôm đến bữa chị Hai kêu mãi không vào, phải nói cu Bin mang tô cơm ra cho ngồi ăn. Mà chị nhai nhệu nhạo lắm, rớt cơm, rớt muỗng hoài vì cứ nghe tiếng xe lại rướn người ngó ra. Có tuần My không về, đã cố ý gọi video để chị Lan thấy mặt, mà chẳng ăn thua. My thấy chị vừa nhìn vào màn hình, tay vừa mân mê máy sấy tóc, thỉnh thoảng ngó ra đường với ánh mắt chờ đợi, như thể giữa My và cái người đang gọi điện thoại kia không có sự liên quan nhau. Chị Hai nói với My: “Dù thương dì ấy nhưng dì Út cũng phải lo cho tương lai, sống cho mình. Dì cứ đi đi, chị còn ở đây, chị sẽ chăm sóc cho dì thật tốt. Chỉ một năm thôi mà, nhanh lắm!”.

My về nhà hẳn một tuần để chăm sóc chị Lan trước khi đi. Mỗi buổi sáng, My đưa chị Lan và mấy đứa cháu ra quán cơm tấm trước hẻm ăn. Ở miền quê này, mọi người vẫn chưa quen với việc ăn sáng ngoài hàng nên chị Lan và đám cháu hí hửng ra mặt. Chiều đến, chị Lan tự gội đầu rồi chìa máy sấy ra cho My. My biết chị gội đầu chỉ vì thích được sấy tóc. Trong lúc sấy, My còn thực hiện vài động tác massage học được trên thành phố làm cho chị, chị thích lắm. Vì vậy mà cứ mặt trời nằm ngang bụi tre là chủ động đi gội đầu. Có lần gội xong tóc bết lại hơn vì chị chỉ xối nước cho ướt đầu, My lại dẫn chị ra gội với dầu gội lại. Mỗi đêm, My nằm cạnh chị, đọc sách cho chị nghe đến lúc đi ngủ. Cứ như thế, một tuần trôi qua cái vèo. Ngày My đi, chị Hai biết ý chở chị Lan ra khỏi nhà để cả hai đỡ vương vấn. Chị Lan khác trẻ con ở chỗ, trẻ con nhanh quên, dễ hòa đồng với hiện tại, còn chị thì không. Đó là điều mà My thấy đau lòng nhất khi rời xa chị.

3.
Paris ngoài vẻ phồn hoa và cái lạnh thấu tim gan, còn lại không như những gì My tưởng tượng. Cũng phải thôi, vì rất khó để người ta hình dung hết những gì chưa trải qua với mình, như cái cảm giác cô đơn giữa thành phố này.

My không có quá nhiều bỡ ngỡ như người mới chuyển đến một nơi xa lạ vì đã có Khánh – cũng là nhân viên công ty cô nhưng đã qua đây trước. Khánh cũng được cử lo chỗ ở và hướng dẫn chuyện đi lại cho My. My nghe ai đó từng nói rằng, thật khó sống ở một nơi mà nhìn đâu cũng thấy cặp tình nhân như đường phố Paris, khi ta chỉ có một mình. Có phải vì vậy không mà tình cảm giữa My và Khánh tiến triển rất nhanh, không ì ạch như ở Việt Nam. Ở quê nhà, My với Khánh ngồi cà phê “mòn mông” tại một quán quen ven sông vào nhiều tối trong tuần. Cả hai như những kẻ nhàn nhã nhìn từng giọt cà phê rơi từ phin pha của Khánh. My không uống được cà phê, nhưng cực kỳ thích mùi cà phê, thêm cái màu đen huyền bí sóng sánh trong ly thủy tinh luôn có sức mê hoặc My. Hồi mới quen nhau, biết My không uống được thứ nước đắng nghét đó, Khánh đọc cho My nghe đoạn thơ chẳng biết của ai: “Hãy tập ăn cay đi/ Để rồi quen với đắng/ Cuộc đời đâu phẳng lặng/ Mà cứ chén ngọt ngào”. Những lúc đó, My chẳng nghĩ gì, mắt không rời khoảng không đen ngòm trước mặt, phía lòng sông. Ở đó, từng cụm lục bình hờ hững chậm chạp trôi qua, nhìn nhẹ tênh như chẳng vướng bận gì.

Bên này thời tiết ẩm ương, có khi mưa cả ngày. Những ngày trời nắng ráo, My vẫn thấy trong lòng đầy những ẩm ương, ngay cả khi đi bên Khánh, trên con đường phủ đầy tuyết y hệt như trong phim, hay lạc vào nơi có thứ ánh sáng rực rỡ hắt ra từ những cửa hiệu sang trọng, My vẫn không thôi nghĩ về chị Lan, nhất là vào những ngày cuối tuần. Buổi tối ở đây là buổi trưa bên chị. My ngồi nghỉ chân nơi công viên có hàng cây rất lạ, lá tua tủa, xanh mơn man, bừng lên giữa những tán cây trơ trụi do rụng lá mùa đông, My gọi về cho chị Hai để gặp chị Lan. Khi đó My mặc cái áo ấm màu cỏ úa dài tới gót, có nón trùm đầu, cuốn thêm lớp khăn thật dày để làm ấm cổ, có lẽ vì vậy mà chị Lan không thể nhận ra My. Chị chỉ nhìn vô máy một lát rồi bỏ đi. Chị Hai vỗ về My, bảo không sao đâu, cứ yên tâm đi, ở nhà ổn hết.

4.
My đã đi qua biết bao con đường, ở những thành phố, đất nước khác nhau, nhưng đây mới chính là con đường đẹp nhất: đường về nhà! My hoàn thành công việc nhanh hơn dự định và trở về trước hai tháng. May, vì My rất sợ phải ăn Tết trên xứ người. Còn một may mắn khác nữa: My được nghỉ ngơi trong một tháng như một phần thưởng vì đã hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trở về Việt Nam, My chỉ ghé công ty một ngày để hoàn thành công việc báo cáo, sau đó là thời gian tự do của My.

My vừa chạy xe vừa hít hà cái mùi không khí quen thuộc nơi quê nhà, mùi hương đồng gió nội. Những cánh đồng lúa mơn man đổ sóng theo từng cơn gió như đang vẫy chào My. Đi qua cánh đồng này, thêm vài lần quẹo nữa là đến nhà. Bây giờ đã là năm giờ chiều, đúng với thời gian mà chị Lan thường đi gội đầu theo lời chị Hai kể. Chiều nào chị cũng đi gội đầu, xong lấy chai nước hoa hiệu của Pháp mà có lần My gửi về xức lên người, xong cầm máy sấy tóc đứng ngoài cổng chờ My. Đứng mỏi chân thì ngồi. Có đêm chó hàng xóm cứ sủa vang vì cái bóng lù lù của chị ngồi đó. Chị Hai phải lớn tiếng quát mắng chị ấy mới chịu vào ngủ. Cho đến bây giờ My không diễn tả được tại sao tất cả những gì liên quan đến chị lại khiến My cảm xúc như vậy? My đang nghĩ nếu lát nữa đây bắt gặp hình ảnh ấy, mình sẽ làm gì? Hình như My cũng chưa bao giờ nói bất cứ lời yêu thương, nhớ nhung gì với chị, điều đó chỉ được thể hiện qua những lần tắm, gội, ăn, uống… Có lẽ bây giờ cũng vậy, nếu chị tắm gội rồi, My sẽ chở chị đi ăn món chị thích, đó là quán bà Tám bán bánh đa dừa nướng, cả món chè chuối có rắc đậu phộng rang nhà dì Hai ở ngã ba mà chị rất thích.

Bánh xe đã dừng lại nơi My mong đợi nhiều nhất: nhà! Trời đã về chiều, từng vệt mây ửng hồng lơ lửng phía đọt cau trên mái nhà. Làn khói ở đâu đó phảng phất giữa những đốm nắng yếu ớt trong một không gian yên ắng đến lạ kỳ. “Dì Út về mẹ ơi!” – tiếng cu Bin reo vang. Khi chị Hai chạy lên, cũng là lúc My khụy xuống bên bậc thềm nhà, khi chạm mắt phải di ảnh chị Lan trên bàn thờ.

5.
Chị Lan mất vì tai nạn giao thông trong một buổi chiều cuối tuần, khi chị một mình đi bộ ra đầu hẻm đón My. “Chị biết em buồn chị vì không báo cho em biết, nhưng người đi thì đã đi, có báo cũng chỉ làm em thêm đau lòng. Chị ít học nên chỉ nghĩ được như vậy. Giờ em có trách chị cũng chịu”. “Lan ra đi cũng nhẹ nhàng lắm, không đau đớn gì đâu. Bây giờ đã đoàn tụ với bố mẹ mình rồi nên em cũng đừng buồn nhiều”. Chị Hai còn nói nhiều lắm, nói cả đêm khi hai chị em nằm ngủ trong căn phòng chị Lan.

My vẫn chẳng nói gì, kể cả khóc. Phải chi My có thể khóc hay gào thét gì đó, biết đâu hai chị em sẽ dễ chịu hơn.

LA THỊ ÁNH HƯỜNG

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Trăng trong sương

A Lếnh đi. Đêm bị gió bẻ nham nhở, hòn đá kê một chân kiềng gãy, mỏi tê dại, mắt Mẩy đỏ khé. Sương trắng như đàn bà đốt củi ướt hong váy ngày mưa…

Thơ dự thi của Khét

Thóc, vì sao chọn vàng
– tôi làm nên no ấm
cỏ, vì sao chọn xanh
– không đành nhìn đất bạc

Hương dừa

Đêm, trăng thượng tuần nấp sau gốc dừa. Những tàu dừa lòa xòa đung đưa làm ánh trăng vỡ vụn nhưng cũng đủ sáng trên con đường. Ngày mai tôi sẽ xa Y Muôn, xa mảnh đất này…