Ngẫm nghĩ về đám đông

(VNBĐ – Thơ và lời bình). Người ta đã viết nhiều sách về đám đông, tâm lý đám đông, về những cuộc lên đồng tập thể; lớn tầm quốc gia, quốc tế các sự kiện lịch sử; nhỏ như một cuộc họp cơ quan, một cuộc họp đội sản xuất. Giờ có thêm đám đông trên tề tựu ảo, mênh mông những bất ngờ, thông minh và… mê tối.

Nhà thơ Phạm Đương còn là một nhà báo, anh đi nhiều, liên tục nạp năng lượng từ đời sống xã hội. Và đâu đó những quan sát, những chiêm nghiệm lắng lại, bề bộn và dồn nén. Dường như gặp lúc thuận lợi nào đó, thơ bật ra, tự nhiên, một mạch. Bài thơ Đám đông có lúc hẳn được viết như thế.

Người cầm bút thường rất yêu mình. Giả dụ một trang viết có tính phê phán hiện trạng con người, xã hội, họ thường đứng ở bề cao, sạch sẽ cao sang, trí tuệ. Phạm Đương khác, anh nhập vai, nhận vai, như viết về mình, đừng ai chạnh nghĩ, là thằng tôi ấy, những trượt dài toan tính, những tủn mủn vụn vặt làm thấp bé con người trong mắt cộng đồng; có khi là sự vô trách nhiệm, hoảng sợ, bầy đàn bé mọn.

Có lúc
anh giơ tay theo đám đông
mà không cần hiểu
nhất trí trăm phần trăm
sau cú giật mình

Chuyện giật mình giơ tay vì đang lơ đễnh thấy người chung quanh rùng rùng trăm phần trăm biểu quyết cái trách nhiệm của mình, cũng dễ thông cảm. Các thứ hội nghị, cuộc họp đã quá nhàm tẻ nội dung, kiểu “biết rồi khổ lắm nói mãi”, thỉnh thoảng quay ngang quay dọc trò chuyện chút, giờ thêm cái điện thoại quẹt quẹt lướt lướt, giật mình giơ tay là dễ hiểu. Vấn đề là, một đám đông đã được bảo chứng, đã được lập trình và không ai thấy áy náy gì chuyện cánh tay mình giơ lên, một sự tòng phục, a dua:

đám đông ồn ào đám đông to tiếng
đám đông lờ đờ đám đông chết lặng
lúc nào cũng được nhân danh

Tất nhiên rồi, chuyện lập trình tiếp theo luôn hoàn hảo: “ai có ý kiến gì không/ không!/ nhất trí trăm phần trăm/ cạn ly nhất trí”.

Cái đám đông lúc nào cũng đạt sự đồng thuận “trăm phần trăm” là thành công mỹ mãn mọi cuộc cần ý kiến đám đông. Cạn ly dốc luôn cái thành công vào từng người như một cách vui vẻ cụ thể. Đó là cái “trăm phần trăm” bình thường – dù trái quy luật, và cũng là vui vẻ cạn ly thật, có ai phản đối gì đâu? Nhưng đã nói quy luật thì nói luôn: mọi sự đồng thuận tuyệt đối đều bất thường. Cuộc sống vốn sẵn những riêng/ khác. Và môi trường nào đó đã nhào nặn những riêng/ khác ấy thành đồng phục. Nên cái bất thường “trăm phần trăm” đã là điều bình thường.

Cái môi trường ấy đây, cái môi trường biến những đơn lẻ độc đáo, giàu năng lượng, có thể đầy tự trọng và nhân cách nữa, thành kẻ “té nước theo mưa”:

bao năm anh lẫn vào đám đông
lúc nào cũng sợ mà không biết mình sợ điều gì
sợ cả sự lặng thinh lẫn những nơi to tiếng
rồi một ngày
anh thành đám đông lúc nào không hay

Thành đám đông, một người như muôn người, sẽ tạo nên sức mạnh vô địch, ai đó tin vậy, có vẻ cũng không tệ lắm. Bài thơ chỉ khép lại:

một cánh tay chai sần một cánh tay tê liệt
sau bao lần nhất trí
nhất trí cái gì
không biết!

Nghe tưng tửng, hài hài, như chuyện tiếu lâm: nhất trí cái gì/ không biết! Cái kết làm chúng ta giật mình dù có vẻ không mấy bất ngờ, nếu sống cùng đám đông, quan sát đám đông. Giật mình vì bị lật tẩy trong cách nhìn nhau đều đều đẹp đẹp, rằng ai cũng nghĩ mình ngoài đám đông ấy, như một tự trọng.

Bài thơ không hề có chút phê phán nào. Dư vị chua chát chỉ tự nó lan lan, đồng bệnh tương lân. Thơ Phạm Đương đầy tính thuyết phục bởi cách đặt vấn đề như tự phản tỉnh, tự bóc mẽ mình. Đọng lại ngẫm nghĩ, đã có thứ bệnh lý lây lan rộng khắp, một tạng bệnh đám đông hăm hở bầy đàn, đồng thuận vui vẻ tuyệt đối.

Và con người với những đặc trưng của nó, đã biến mất!

Đám đông có lúc

PHẠM ĐƯƠNG

Có lúc
anh giơ tay theo đám đông
mà không cần hiểu
nhất trí trăm phần trăm
sau cú giật mình
không giống một hai ba dzô trăm phần trăm

đám đông ồn ào đám đông to tiếng
đám đông lờ đờ đám đông chết lặng
lúc nào cũng được nhân danh
anh thành kẻ té nước theo mưa
anh thành người khác

ai có ý kiến gì không
không!
nhất trí trăm phần trăm
cạn ly nhất trí

bao năm anh lẫn vào đám đông
lúc nào cũng sợ mà không biết mình sợ điều gì
sợ cả sự lặng thinh lẫn những nơi to tiếng

rồi một ngày
anh thành đám đông lúc nào không hay
một cánh tay chai sần một cánh tay tê liệt
sau bao lần nhất trí

nhất trí thứ gì
không biết!

(Rút từ Giờ thứ 25, Nxb. Hội Nhà văn, 2012)

* Ảnh minh họa: internet.

LÊ HOÀI LƯƠNG

(Văn nghệ Bình Định số 98 tháng 6.2021)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Dấu xưa còn nhớ

Vân Phi là nhà thơ trẻ, thuộc thế hệ 9X với dòng thơ tự do, hiện đại. Mặc dù còn trẻ nhưng tác giả đã khẳng định được vị trí của mình trong lòng độc giả bởi một giọng thơ rất riêng…