Một thanh âm của hạnh phúc ngoài mặt trận

(VNBĐ – Thơ & lời bình). Nhà thơ Chính Hữu là một người lính tham gia trực tiếp cầm súng trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông là người chứng kiến sự khốc liệt của chiến trường, sự hy sinh của đồng đội và đã viết nên bài thơ Giá từng thước đất như một điệu thức trưởng trong không gian bi tráng của khói lửa chiến tranh. Và bài thơ Thư nhà này như một gam điệu thứ làm lắng dịu bao cung bậc tâm trạng. Thư nhà là một chứng kiến, một phát hiện khá tinh tế đằm thắm sâu sắc tình cảm vợ chồng của người vợ dân công hỏa tuyến gửi đến người chồng đang ở mặt trận Điện Biên Phủ. Đó cũng là nét riêng của chiến dịch Điện Biên Phủ: cả nước cùng ra trận, hậu phương tiếp viện cho chiến trường bằng tất cả các phương tiện như xe đạp thồ, gồng gánh chi viện sức người sức của để làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Bài thơ như một âm bản không trực tiếp miêu tả cuộc chiến mà bằng thủ pháp liên tưởng so sánh để nêu bật được ý chí và không khí sục sôi những ngày ra trận mà cũng rất lãng mạn.

Mở đầu bài thơ là lời giới thiệu rất bình dị thân thiết, gần gũi yêu thương:

Một lá thư nhà hôm nay ta đọc
Trong chiến hào chuẩn bị tiến công

Ở đây nhà thơ dùng đại từ danh xưng “ta” như muốn nói rằng đây không chỉ là lá thư của một người mà là tình cảm của hậu phương lớn đến với tiền tuyến lớn vừa nâng niu trân trọng vừa chia sẽ cảm thông. Từ một lá thư nhà, tâm trạng của người lính được nâng lên. Từ cụ thế đến khái quát với một tầm nhìn, tầm nhận thức mới: “Ta mới hiểu thêm từng chữ, từng dòng”. “Chữ” và “dòng” đã không còn là tình cảm riêng tư nữa mà hòa với khí thế chung, tình cảm lớn chứa chan gửi gắm với những chiều kích mới không chỉ của tâm trạng con người mà còn nới rộng biên độ địa lý:

Chiều cao ngọn núi, chiều rộng con sông,
Hai tiếng quê hương bỗng sao thắm thiết

Tất cả những hình ảnh đan xen đó đã tạo nên tấm phông lớn để ống kính tâm hồn cận cảnh được:

Thư người hậu phương gánh gạo đưa chồng
Hai vai khó nhọc
Viết gửi cho ta ngổn ngang từng nét
Như gồng như gánh dân công

Vào thời điểm này, phần đông Nhân dân ta vừa thoát nạn mù chữ bằng những lớp bình dân học vụ, vì thế nét chữ của người vợ mới tập viết chưa được nắn nót mà còn xiêu vẹo. Nhưng cái hay của thi ảnh là nhà thơ liên tưởng với “gồng gánh dân công” viết trong đêm “Ánh mực lập lòe đường xa lửa đuốc”. Tứ thơ khắc nét giàu tính hội họa, vẽ nên những chập chùng gian khó của con đường tiếp viện lên mặt trận. Những câu hỏi: “Đêm nay ở đâu? Lưng đèo? cuối dốc?” như những bậc thang dốc của khí thế: “Dốc Pha Đin chị gánh, anh thồ/ Đèo Lũng Lô anh hò, chị hát” (Tố Hữu) đã hòa âm thành một bản giao hưởng đồng lòng, đồng sức, tất cả cho mặt trận.

Thơ Chính Hữu thường kiệm lời, nhiều ý tưởng đan xen, tạo ra sức lan tỏa, sự hào sảng. Ngôn ngữ thơ giàu tính tượng hình và nhạc điệu thơ có sức cuốn hút tạo ra một trường thơ độc đáo. Sự vận động cảm xúc luôn bất ngờ, đặc biệt là kết cấu của bài thơ ở khổ cuối:

Một lá thư nhà
Chia đôi nhiệm vụ
Hai người đoàn tụ
Hai đầu chiến công

Dư âm của bài ca tình nghĩa, của bài ca ra trận, của bài ca chiến thắng đã thành một thanh âm của hạnh phúc, của tình yêu từ hai đến một, từ riêng đến chung. Đó chính là sức mạnh tổng hợp của tình yêu, của tình quân dân, làm nên khúc khải hoàn ca Điện Biên Phủ, âm vang và bất diệt.

Thư nhà

CHÍNH HỮU

Một lá thư nhà
          hôm nay ta đọc
Trong chiến hào chuẩn bị tiến công,
Ta mới hiểu thêm
          từng chữ, từng dòng
Chưa bao giờ hiểu hết,
Ta mới biết
Chiều cao ngọn núi, chiều rộng con sông,

Hai tiếng quê hương bỗng sao thắm thiết.

Thư người hậu phương gánh gạo đưa chồng,
Hai vai khó nhọc,
Viết gửi cho ta ngổn ngang từng nét
Như gồng như gánh dân công,
Ánh mực lập lòe đường xa lửa đuốc.
Lặn lội đi theo cả nước
Lên đây đánh giặc cùng ta
Đêm nay ở đâu?
          lưng đèo?
                  cuối dốc?
Một lá thư nhà
Chia đôi nhiệm vụ
Hai người đoàn tụ
Hai đầu chiến công.
(1954-1961)

Hà Tĩnh, cuối tháng 3 năm 2024

* Ảnh minh họa: Tiếng hát mùa chiến dịch – Họa sĩ Mai Văn Hiến (Triển lãm tranh “Đường lên Điện Biên”)

NGUYỄN NGỌC PHÚ

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Xin đau thương từ nay khép lại…

Chim én bay của nhà văn Nguyễn Trí Huân xuất bản lần đầu năm 1988, gần đây, tôi mới có duyên đọc hết tác phẩm này. Gần 200 trang với một sức nén về ngôn ngữ và cảm xúc…

Động Cườm – di tích văn hóa Sa Huỳnh

Động Cườm là một cồn cát chạy dọc ven biển của thôn Tăng Long 2 thuộc phường Tam Quan Nam. Vùng này xưa kia có thể nằm trong vùng biển cổ nối liền từ mũi Sa Huỳnh đến Bắc Bình Định…

Tour La Vuông: Một sản phẩm công nghiệp văn hóa

Thị xã Hoài Nhơn đang chọn La Vuông để xây dựng, phát triển điểm du lịch sinh thái văn hóa và nghỉ dưỡng – một sản phẩm công nghiệp văn hóa. Đây là một nơi có địa hình và khí hậu lý tưởng…

Một vùng đất vừa hiện hữu vừa huyền thoại

Dừa không lá của Cao Duy Thảo là câu chuyện về chiến tranh xứ dừa, một khắc họa vô thanh kỳ ảo. Bài thơ không có cái ầm ào sôi réo đạn bom, chỉ bắt đầu bằng sự mềm mại đến thắt lòng…