Một ngày làm người lớn

(VNBĐ – Văn học thiếu nhi). “Xem nào”, ông Ba chậm rãi ngồi xuống trước mặt Mi. “Có chuyện gì đấy nhóc, lại bị mẹ mắng à?”.

Mi gật gật. Có người an ủi, nước mắt Mi không hiểu sao lại tràn ra.

“Mi lại làm hư gì à?”.

”Không có ạ. Mẹ mắng oan cháu”. Mi tấm tức nói.

Oan thật mà. Mẹ đi làm về, thấy đống truyện tranh của Mi bày bừa ra, lại còn có mấy trang truyện bị đứt rời ra khỏi gáy, thế là mắng Mi. Nhưng đống sách đấy là do em Bi vứt ra mà? Chưa kể mấy quyển sách ấy, Mi cũng không biết vì sao nó lìa ra nữa, rõ ràng là Mi không xé, nhưng chỉ giở là nó bung ra. Mẹ mắng mà không cho Mi cơ hội nói lời nào. Ngay cả ba nữa, ba về nhà nghe mẹ mắng Mi cũng chẳng nói đỡ cho Mi một câu, lẳng lặng mở tivi rồi nằm soài ra đấy, trông có vẻ rất mệt mỏi, rồi bảo: “Con dọn phòng lẹ đi”. Người lớn chỉ biết bắt nạt trẻ con thôi, không ai thương Mi cả. Những lúc đấy Mi chỉ biết qua nhà ông Ba hàng xóm và khóc với ông.

“Cháu không làm gì sai cả mà mẹ cứ mắng cháu, còn không cho cháu giải thích. Người lớn lúc nào cũng bắt nạt trẻ con”.

“Cháu hiểu lầm thôi, Mi à”.

“Thật đấy. Người lớn không như bác đâu. Bác rất tốt”.

“Bác cũng là người lớn mà?”. Ông Ba cười.

“Ý cháu là…”. Mi bặm môi, cô bé bối rối không biết giải thích thế nào. “Ý cháu là… bác không như những người lớn khác… không như ba mẹ cháu. Bác không bắt nạt cháu bao giờ”.

“Thật vậy sao?”. Ông Ba lại cười. Nhưng nét cười của ông lại phảng phất buồn. Mi thấy nét mặt ông bỗng như chùng lại. Ông trầm ngâm một lúc lâu.

Mọi người bảo ông Ba kỳ bí lắm. Ông ở có một mình, biệt lập trong một ngôi nhà nhỏ giữa khu vườn rộng mênh mông. Có người nói, người nhà của ông bỏ đi, ông cứ chăm chút khu vườn chờ người trở về. Bao nhiêu năm trôi qua, khu vườn ngày càng rợp bóng, trái chín lúc lỉu, chim chóc tụ tập về ở đầy quanh vườn. Có người kể, có lần thấy ông Ba nói chuyện được với cả chim. Mi thì không thấy ông kỳ bí chút nào hết, cô bé rất thích khu vườn của ông, nó rộng mênh mông lại còn đủ các loại trái cây thơm ngọt. Mỗi lần Mi qua chơi ông đều cho Mi quả xoài chín vàng ruộm, quả ổi ruột đỏ giòn giòn, không thì quả mận chín tím đậm ngọt ơi là ngọt… Lần này cũng thế, Mi ngước lên nhìn thì thấy trái ổi thơm nức trước mặt mình. Nhưng Mi đang buồn nên cũng không đỡ lấy quả ổi từ tay ông và cám ơn như mọi bận. Mi kéo vạt áo lên lau nước mắt.

Ông Ba nhìn gương mặt cau có của cô nhóc, lại hạ giọng hỏi dịu dàng:

“Thế giờ cháu muốn gì nào? Nói đi, xem thử bác có thể giúp cháu không”.

“Cháu muốn lớn thật mau”. Mi đáp. “Chỉ khi làm người lớn, cháu mới không bị bắt nạt nữa”.

“Bác không chắc đâu. Thế giới của người lớn rất vất vả, và… có khi còn rất buồn”.

“Nhưng làm người lớn thì sẽ không bị bắt nạt nữa”. Mi vẫn lắc đầu nguầy nguậy.

Ông Ba nhìn vẻ mặt nghiêm túc của Mi, cười nói:

“Thôi được, cháu cứ ăn quả ổi này cái đã. Lúc nãy có một chú chào mào đậu xuống mổ vào quả, bác mới biết nó chín rồi. Loài chim rất thông minh, luôn biết quả nào chín trước nhất, ngọt nhất. Bác hái xuống rửa sạch rồi đấy, cháu ăn đi. Tối ngủ một giấc, mai cháu sẽ trở thành người lớn”.

Mùi thơm của quả ổi làm Mi xiêu lòng. Quả thật, nuốt miếng ổi thơm ngọt vào đến đâu là nỗi buồn bay biến đi đến đấy. Ăn xong quả ổi thì nỗi buồn của Mi đã bé lại chỉ còn xíu xiu thôi. Tiếng chim lao xao trên vườn ông Ba. Bọn chúng về tổ đấy. Mi cũng phải về nhà rồi. Mi chào ông ra về, nhưng lòng vẫn băn khoăn lắm. Làm sao sau một đêm mà trở thành người lớn được?

Ánh sáng bên ngoài rọi vào phòng khiến Mi tỉnh giấc. Mặt trời rọi những tia nắng lấp lánh qua cửa kính vào tới tận giường Mi. Mi nhảy bật dậy. Thôi chết rồi, sao hôm nay mẹ lại không đánh thức Mi dậy đi học chứ?

Căn nhà im lặng khác thường. Mọi ngày vào giờ này đã nghe mùi thức ăn mẹ nấu thơm lừng, ba cũng chuẩn bị đi làm. Nhưng sao lại im lặng thế này?

– Ba ơi! Mẹ ơi!

Ba mở cửa phòng, hé cái đầu bù xù ra, cười nói:

– Mi dậy rồi à? Ba mẹ ngủ quên mất. Đêm qua làm việc hơi khuya. Con xuống bếp nấu mì ăn sáng rồi đi học. Nhớ khóa cổng lại nhé.

Mi nhìn vào phòng thì thấy mẹ còn đang ôm em Bi ngủ ngon lành. Ba ngáp một cái, vươn vai, rồi lên giường nằm tiếp.

Chuyện gì xảy ra thế này ? Mi có chút bực bội, nhưng không có thời gian đôi co với ba nữa. Sắp trễ giờ học rồi. Mi bật bếp nấu nước, chuẩn bị mì và trứng. Mi lóng ngóng làm gia vị cũng bị bung đổ một ít. Vị mì Mi nấu sao mà nó nhạt nhẽo thế, không như mẹ nấu, dù mẹ đã bày cho Mi cách làm. Bình thường tô mì mẹ mang lên cho Mi nó mới thơm ngon làm sao.

Ăn xong Mi dắt xe đạp ra. Lại phải hí hoáy một lát mới khóa được cổng. Mi sắp khóc mất, trễ rồi, phải đạp xe thật nhanh thôi.

Bước vào lớp, Mi thở phào vì thầy vẫn chưa đến. Mi ngồi vào chỗ, giở sách ra đọc. Phải xem trước bài đã.

Thầy giáo đến rồi. Ơ, thầy đi mà như nhảy chân sáo, hình như còn hát khe khẽ nữa, có vẻ rất vui thì phải? Không đúng, bình thường thầy thắt cà vạt, nhìn rất nghiêm túc mà. Hôm nay thầy vẫn thắt cà vạt, nhưng nhìn thế nào cũng không ra vẻ nghiêm túc như mọi lần.

Thầy ra đề cho cả lớp làm, xong bảo Mi lên trình bày, chỗ nào các bạn không hiểu thì giải thích. Cả buổi thầy chống cằm ngồi mơ màng nhìn ra cửa sổ, y như thỉnh thoảng Mi vẫn làm. Mặc dù Mi học giỏi và được phân công làm lớp phó học tập, nhưng không phải Mi làm hết mọi việc, còn thầy ngồi mơ màng như thế chứ? Chưa kể Mi trình bày một hồi mà bạn Minh cứ ngồi nói chuyện, quay qua quay lại, xong bảo Mi nói mình không hiểu lắm, làm Mi phải nói lại từ đầu. Ôi tức chết mất. Thiếu chút nữa là Mi đã muốn cốc cho cậu bạn một cái, nhưng Mi ráng kiềm chế. Trong khi đó thì thầy giáo vẫn vui vẻ dõi theo một chú chim sẻ lích chích trên cành cây.

Cuối cùng cũng tan buổi học. Mi vừa mệt vừa đói. Giờ chỉ ước gì được ăn cơm nóng của mẹ, rồi mở chương trình tivi Mi thích ra ngồi xem mà thôi.

Cổng vẫn im ỉm khóa. Mi mở cổng vào nhà. Cảnh tượng thật không thể tin được. Ba bấm game ngồi chơi say sưa không để ý Mi về nhà, mẹ thì đem tủ quần áo ra ướm ướm xoay xoay rồi vứt bừa ra khắp các ghế. Trong khi đó thì khỏi phải nói, em Bi tung hết sách truyện của Mi ra sàn nhà. Khi Mi lên tiếng: “Chào ba mẹ con đi học về” thì cả nhà mới chững lại một chút. Mẹ dừng tay soạn đồ, nói giọng áy náy:

– Con về rồi à? Mẹ chưa kịp nấu ăn. Thôi con xuống cắm cơm rồi rán đỡ ít trứng cho cả nhà ăn nhé. Mẹ bận xíu nữa đã.

Thế là Mi lại phải tự làm mọi chuyện. Mi vừa làm vừa ức muốn khóc. Thế giới hôm nay có chuyện gì vậy chứ? Sao ba mẹ, và cả thầy Mi nữa, biến thành trẻ con hết rồi? Mi nấu cơm xong mời ba mẹ xuống ăn, xong lại dọn bát đĩa cho vào chậu. Cô bé mệt lử, về phòng đóng cửa lại ngủ không biết trời đất gì nữa. Mi chỉ ước gì ngủ dậy một giấc mọi chuyện sẽ khác đi.

Minh họa: Nguyễn Chơn Hiền

Nhưng khi Mi ngủ dậy, mọi chuyện có vẻ vẫn không có gì thay đổi. Nhà cửa vẫn ngổn ngang, còn ba mẹ thì ôm em Bi ngủ tít mất rồi.

Mi tức tốc chạy qua nhà ông Ba:

“Ông Ba ơi, ông Ba ơi!”.

“Ông đây, ông đây”. Tiếng ông Ba vui vẻ đáp. Ông chui ra từ một vòm cây trong vườn đi về phía Mi. Một con sáo đậu trên tay ông, nó hấp háy mắt nghiêng nghiêng đầu, rồi hót: “Mi Mi, Mi Mi” xem chừng vui vẻ vô tư lự hết nấc.

– Ông Ba ơi, ông có cách nào khiến ba mẹ, và cả thầy giáo cháu trở lại bình thường không?

– Sao thế, bình tĩnh ngồi xuống và kể ông nghe nào.

Mi ngồi xuống chiếc ghế gỗ giữa vườn, và trút một hơi nỗi ấm ức mà Mi đã phải chịu từ sáng giờ. Ông Ba chăm chú lắng nghe.

“Thế… không phải cháu muốn làm người lớn sao?”. Ông Ba nói sau khi Mi đã kết thúc câu chuyện. “Những việc cháu làm sáng giờ là những việc ba mẹ và thầy cô cháu phải làm mỗi ngày đấy”.

“Cháu… cháu không nghĩ làm người lớn lại vất vả thế”. Mi nói, giọng ỉu xìu.

“Điều cháu làm thật ra chỉ là một phần rất nhỏ trong những việc người lớn phải làm mỗi ngày. Và cháu biết đấy, nếu cháu ước mình trở thành người lớn thì người lớn cũng có lúc ước mình được trở về làm trẻ con. Bác nghĩ cháu nên thông cảm với ba mẹ, Mi à!”.

Giọng ông Ba bỗng chùng xuống. Ông vuốt ve con sáo và nói:

“Có những chuyện trong thế giới người lớn cháu không hiểu hết được. Ngay cả bác nữa. Nếu có thể, bác cũng muốn thời gian quay trở lại. Nhưng tất cả đã không thể nào… Vì vậy chúng ta đều phải trân trọng thực tại của mình”.

“Thực tại là gì ạ?”. Mi nghe ông nói mà mơ hồ. Mi có cảm giác ông không phải đang nói với Mi, mà nói với con sáo, không thì nói với một người nào khác, hay nói với chính ông vậy.

– Thực tại là cái hiện giờ cháu đang có. Thực lại của cháu là trẻ con. Cháu có còn muốn làm người lớn không?

– Cháu không muốn như thế nữa… Cháu muốn được trở lại làm trẻ con. Có cách nào không hả ông?

Ông Ba cười cười. Ông không trả lời Mi, mà với tay ngắt một quả ổi trên cành:

– Ôi, lại một quả ổi chín nữa này! Lũ chim này khôn thật.

Ông hái xuống, xoa xoa vào vạt áo và đưa cho Mi:

– Nào, cháu ăn đi, ngon lắm đấy.

Mi nhìn lom lom vào quả ổi. Có phải là quả ổi thần kỳ, có thể thay đổi được cả thế giới không nhỉ? Trông cũng chỉ là một quả ổi bình thường, nhưng chín ửng và thơm quá.

Lát sau Mi về nhà. Vừa mở cổng vào đã nghe tiếng mẹ lanh lảnh:

– Con lại chạy đi chơi đâu đấy ? Ba con đi làm rồi, mau vào trông em cho mẹ rửa bát nào.

“Vâng ạ!”. Mi vui vẻ đáp. Mừng quá, mẹ lại trở về là mẹ rồi. Nhưng Mi không thấy buồn vì bị mẹ mắng nữa. Dù gì thì làm trẻ con vẫn thích hơn. Không hiểu sao Mi thấy thương mẹ nhiều hơn. Cô bé chạy tới xòe tay cho mẹ:

– Mẹ ơi, ổi nè mẹ. Ngon lắm. Mẹ ăn đi.

– Ôi ngon thật. Con hái bên nhà ông Ba à?

– Ông Ba cho con, nhưng con không ăn, con để dành cho mẹ.

– Con của mẹ ngoan quá. Con lớn rồi này.

Mẹ cười, xoa đầu Mi. Có vẻ mẹ rất vui.

Mi nghĩ thầm: Ông Ba nói thế giới đã trở lại bình thường rồi mà, sao mẹ lại bảo là Mi lớn? Nhưng Mi cũng không không băn khoăn lắm, phải vào trông em cho mẹ đã. Không hiểu sao có một niềm vui nào đó rạo rực trong lòng Mi, cứ như quả ổi chín đang tỏa hương thơm lừng.

MỘC AN

(Văn nghệ Bình Định số 113 tháng 9.2022)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thơ dự thi của Khét

Thóc, vì sao chọn vàng
– tôi làm nên no ấm
cỏ, vì sao chọn xanh
– không đành nhìn đất bạc

Hương dừa

Đêm, trăng thượng tuần nấp sau gốc dừa. Những tàu dừa lòa xòa đung đưa làm ánh trăng vỡ vụn nhưng cũng đủ sáng trên con đường. Ngày mai tôi sẽ xa Y Muôn, xa mảnh đất này…