KỶ NIỆM 74 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SĨ (27.7.1947-27.7.2021)
(VNBĐ – Bình Định mến yêu). Vợ chồng cụ ông Đặng Luân và cụ bà Trần Thị Trợ, thường gọi là bà Giàu, ở xóm An Xuân, thôn Bắc Nhạn Tháp (Nhơn Hậu) từng tham gia kháng chiến chống Pháp, kháng Nhật từ khi tổ chức Việt Minh mới ra đời ở địa phương, cùng với nhân dân trong làng, tổng và cả nước đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền mùa thu năm 1945. Sau Cách mạng tháng Tám, ông bà tiếp tục tham gia chính quyền và hội đoàn thể cứu quốc ở cơ sở, cùng quân dân trong xã hăng hái xây dựng và bảo vệ vùng tự do, hậu phương kháng chiến của Liên khu 5, chống thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta lần nữa.
Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, hiệp định Genèvơ được ký kết, cụ ông Đặng Luân là đảng viên trong chín năm chống Pháp, nhưng vì sức khỏe yếu không đi tập kết ra miền Bắc, được tổ chức bố trí ở lại miền Nam hoạt động hợp pháp. Với âm mưu chia cắt lâu dài nước ta, nên ngay khi mới tiếp quản miền Nam, chính quyền Ngô Đình Diệm đã trắng trợn xóa bỏ hiệp định đình chiến, thẳng tay đàn áp, khủng bố đẫm máu những người kháng chiến cũ, những người yêu nước đòi hiệp thương tổng tuyển cử, trong đó có vợ chồng cụ Đặng Luân và Trần Thị Trợ.
Mặc dù hoạt động bí mật giữa vòng vây của bộ máy kìm kẹp cực kỳ gian ác của chế độ Sài Gòn, nhưng lòng căm thù giặc sâu sắc và luôn giữ vững niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng, vợ chồng cụ Đặng Luân và Trần Thị Trợ đã vững vàng vượt qua mọi gian khổ, đối mặt với bao hiểm nguy, có những lúc rất ngặt nghèo.
Nhiệm vụ cực kỳ quan trọng đối với mạng lưới cơ sở trong giai đoạn này là bảo vệ các đồng chí lãnh đạo được Đảng bố trí ở lại miền Nam, ta thường gọi là cán bộ quần kết, bí mật ở lại miền Nam để lãnh đạo phong trào cách mạng quần chúng trong thời kỳ đen tối nhất. Trong bài viết “Một gia đình có sáu liệt sĩ” (sách Ký sự thời kháng chiến) của tác giả Đinh Bá Lộc – nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chính trị viên Tỉnh đội Bình Định có nhắc đến gia đình má Trợ: “Tháng 3.1975, đồng chí Võ Văn Đinh – Phó Bí thư Tỉnh ủy về nhà ông Đặng Luân một đảng viên cơ sở. Ông Luân và vợ là Trần Thị Trợ được tổ chức giao nhiệm vụ chăm sóc bảo vệ đồng chí Đinh. Một hôm thấy anh Đinh băn khoăn suy nghĩ, bà Trợ đoán biết anh đang lo việc tạo thế hợp pháp để đi lại làm việc với các huyện. Bà hỏi: “Chú gánh nặng được bao nhiêu cân?”. Đồng chí Đinh chưa hiểu ý bà hỏi để làm gì, nhưng vẫn nói với bà: “Tôi gánh được hai vuông lúa (40kg)”. Bà nói ngay: “Cải trang đi bán đồ gốm được không?”. Rồi bà mua đồ gốm chất thành gánh để anh đi bán dạo khắp nơi. Năm bảy ngày anh mới về. Trước khi vào nhà, anh ở ngoài dò la tình hình, không có gì nghi vấn anh mới vào. Cứ thế ngót bốn tháng trời. Từ ngày 20.7.1957 anh đi luôn không thấy về. Sau được biết địch đã bắt anh tại huyện Phù Cát. Vì người Nhơn Hậu thường đi bán đồ gốm nên chúng đưa anh về giam ở Nhơn Hậu. Tối hôm đó, cơ sở đã đưa anh ra khỏi nơi giam giữ và trở về căn cứ. Trong bốn tháng chung sống, gia đình cụ Đặng Luân được đồng chí Võ Văn Đinh tuyên truyền giáo dục truyền thống cách mạng. Cả gia đình đều tham gia kháng chiến chống Mỹ cho đến ngày giải phóng năm 1975”.
Sau ngày thống nhất đất nước, thời kỳ đồng chí Võ Văn Đinh (tức Võ Hoàn) làm Bí thư Tỉnh ủy có về lại xóm An Xuân thăm mẹ Trần Thị Trợ. Lúc ấy mẹ đang nuôi đứa cháu nội mồ côi mới hơn mười tuổi, cha mẹ đều là liệt sĩ, một bà một cháu nương tựa nhau. Ôn lại cuộc đời đầy bi tráng, mẹ Trợ nhớ như in từng sự kiện, từng giai đoạn, gia đình mẹ đã liên tiếp nuôi giấu, bảo vệ nhiều đồng chí lãnh đạo huyện, tỉnh bám trụ chỉ đạo phong trào. Năm 1961, khi tổ chức Đảng ở Nhơn Hậu vừa phục hồi, đội công tác xã mới thành lập, chồng mẹ đã giữ trọng trách đội trưởng, tham gia đánh trụ sở ngụy quyền xã Nhơn Hậu tháng 10.1964, diệt tên xã trưởng quân quản, mở ra phong trào đồng khởi trong toàn huyện, giải phóng hầu hết địa bàn nông thôn, bao vây quận lỵ, thị trấn. Cụ Đặng Luân cùng quân dân trong xã ra sức xây dựng thế trận chiến tranh du kích, chống địch càn quét, quyết giữ vững vùng giải phóng. Ông vinh dự được dự đại hội chiến sĩ thi đua của huyện, tổ chức tại vùng giải phóng Nhơn Hạnh, trên đường về không may bị vướng mìn của địch, hy sinh vào ngày 26.8.1965.
Người con trai cả của mẹ là Đặng Thành Công, vừa giúp mẹ công việc ruộng vườn, vừa cùng với mẹ nuôi giấu cán bộ, bộ đội, tham gia du kích mật rồi vào bộ đội huyện. Từ một chiến sĩ đánh giặc rất dũng cảm, anh Công lần lượt trải qua các chức vụ chỉ huy trung đội, đại đội rồi được đề bạt làm huyện đội phó huyện đội An Nhơn. Anh có mặt hầu hết các địa bàn trong huyện, nhưng thường xuyên là chiến trường khu Đông ác liệt, từng chỉ huy đơn vị đánh tiêu diệt cả trung đội lính đánh thuê Nam Triều Tiên. Ngày 01.4.1968, tại Nhơn Hạnh, trong trận chống càn diễn ra ác liệt, anh trực tiếp chỉ huy đơn vị chặn đánh bọn lính Nam Tiên Triên, không may trúng mảnh pháo của địch, hy sinh khi mới bước qua tuổi 23.
Mẹ Trợ thẫn thờ bỏ ăn, bỏ ngủ nhiều ngày liền, lúc tỉnh lúc mê như người mất hồn. Hai người em gái của anh Công là Đặng Thị Hương và Đặng Thị Thủy, chị là chiến sĩ quân y của huyện đội, em là y tá của đội du kích, vừa làm nhiệm vụ chăm sóc thương binh, vừa cầm súng chiến đấu. Trong một trận đánh địch càn quét vùng giải phóng Bắc Nhạn Tháp, hai chị em cùng lo sơ cứu vết thương cho thương binh và kịp thời đưa anh em xuống hầm bí mật trước. Hai chị em xuống hầm sau, vì quá gấp nên ngụy trang không kỹ, địch phát hiện vị trí, chúng ném lựu đạn xuống hầm, cả hai chị em đều hy sinh cùng ngày 12.02.1969.
Người con dâu của mẹ là Nguyễn Thị Lan, vợ liệt sĩ Đặng Thành Công vừa sinh được cháu trai đầu lòng đặt tên là Đặng Văn Hải, thì anh Công hy sinh. Chị quyết chí trả thù cho người thân, tích cực tham gia chiến đấu cùng đội du kích xã. Ngày 13.7.1969, địch càn vào làng, chị vừa xuống hầm bí mật, không may chúng xăm trúng hầm và kêu gọi đầu hàng. Chị Lan mưu trí, giơ tay trái tỳ miệng hầm vọt lên, bọn lính ập đến bắt chị, chúng đâu ngờ tay phải chị che chéo áo, cầm quả lựu đạn đã rút chốt sẵn ném ngay vào đội hình địch. Hai tên bảo an ngã lăn ra chết, chị thoát thân chạy ra đồng, nhưng cánh đồng trống, chúng bắn đạn như vãi cát, chị bị thương nặng và hy sinh.
Kẻ thù coi mẹ Trợ là cái gai, nên tìm mọi cách khủng bố. Mẹ đã phải vào tù ra tội không biết bao nhiêu lần. Mỗi khi bị địch bắt, đứa cháu nội đích tôn Đặng Văn Hải còn tấm bé, nhưng đối phương cũng cố hãm hại, may mắn nhờ người tốt bụng cứu cháu khỏi bàn tay độc ác của kẻ thù. Năm 1972, mẹ Trợ lại bị địch bắt lần nữa. Chúng tra tấn mẹ chết đi sống lại, từ nhà lao An Nhơn đến nhà lao Quy Nhơn, đến sau khi hiệp định Paris được ký kết mẹ mới được ra khỏi nhà tù, về nhà lại tiếp tục hoạt động cách mạng. Thời gian mẹ ở tù, cháu Hải được người cô ruột là Đặng Thị Nhung, có chồng hy sinh trong chiến dịch Xuân Mậu Thân, nuôi dưỡng, bảo bọc khôn lớn.
Mẹ Trần Thị Trợ có chồng, con trai, con dâu, hai người con gái và một con rể hy sinh. Là một trong những gia đình có công lớn với cách mạng ở quê hương Nhơn Hậu – An Nhơn, đặc biệt trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cực kỳ gian khó. Bản thân mẹ là thương binh loại 2/4, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Hai và vinh dự được phong tặng danh hiệu cao quý: Bà mẹ Việt Nam anh hùng đợt đầu tiên.
Đất nước thanh bình, nhà nhà đoàn tụ, nhưng gia đình mẹ Trần Thị Trợ chỉ còn hai bà cháu. Những năm tháng cuối đời mẹ ở với người cháu nội duy nhất là Đặng Văn Hải, cho đến khi mẹ có chắt nội gọi bằng cố, thì sức khỏe mẹ yếu dần do tuổi tác và hậu quả của những đòn roi tra tấn của kẻ thù nên mẹ đã trút hơi thở cuối cùng, tìm về cõi vĩnh hằng, về với chồng với con, hưởng thọ 85 tuổi.
Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Trợ không còn nữa nhưng hình ảnh người mẹ hiền hậu mà gan góc, chịu quá nhiều hy sinh mất mát, luôn đọng mãi trong ký ức của những người tham gia kháng chiến, của bà con làng gốm Bắc Nhạn Tháp – Nhơn Hậu. Và, họ mãi gọi mẹ Trợ bằng cái tên thân thương: Mẹ Giàu! Má Giàu!
TRẦN DUY ĐỨC
(Văn nghệ Bình Định số 99 tháng 7.2021)