Một đêm trên núi

(VNBĐ – Truyện ngắn dự thi). Kiểm tra lại những bức ảnh mình đã chụp lần nữa, gã cẩn thận bỏ máy ảnh vào ba lô. Vậy là hết một ngày gã quần thảo nơi đây để có thể chụp những bức ảnh chân thực nhất về tình trạng đang diễn ra trên ngọn núi. Để hoàn thành loạt bài phóng sự này, mấy tấm ảnh thôi thì chưa đủ, gã còn nhiều việc phải làm.

Nhưng việc cần làm của gã lúc này là tìm chỗ trú ngụ qua đêm. Từ đây ra tới đường lộ khá xa, với cơ thể rã rời, gã không thể nào cuốc bộ dăm cây số xuống núi rồi tìm ai đó đưa mình ra phố. Chính sự chểnh mảng đã làm hại gã. Đáng lẽ ra lúc sáng, gã phải xin số điện thoại của người dẫn đường đưa mình lên núi rồi mới phải. Cách tốt nhất bây giờ là tìm một chỗ nào đó trên núi này trú tạm. Ở đây hẳn có chùa, những ngôi chùa nhỏ của một vị chân tu nào đó muốn lánh xa chốn ồn ào mà tìm đến, hoặc chí ít cũng là lán trại của những người thợ đi rừng bỏ lại. Nhưng làm sao để biết phương hướng? Trong cái khó ló cái khôn, gã bất chợt nghĩ đến hai từ “ánh sáng”. Nơi nào có ánh sáng hắt lên chắc chắn có người. Gã cứ việc tìm tới đó là xong.

Thực tế không bao giờ dễ dàng như suy nghĩ. Gã đi đã khá lâu vẫn chưa thấy một nơi nào có ánh sáng. Có lẽ sớm quá để người ta thắp đèn. Gã tự trấn an mình. Thấm mệt. Gã ngồi nghỉ dưới một gốc cây rồi thiếp đi…

***

Trời không phụ lòng người, cuối cùng gã cũng nhìn thấy ánh sáng hắt lên từ lưng chừng núi. Ước chừng từ đây đến đó tầm nửa tiếng, gã xốc lại ba lô trên vai tìm kỹ lối mòn bị cỏ che lấp tiếp tục bước đi…

Một ngôi nhà. À không! Chính xác hơn là một căn chòi hiện ra trước mắt. Nhưng với gã lúc này, nhà to hay nhỏ, chiếc giường với chăn êm nệm ấm hay tấm bạt trải trên nền đất không còn quan trọng. Thứ gã cần là một chỗ có thể nằm, duỗi thẳng chân và chợp mắt.

“Cho hỏi có ai trong nhà không?”. Không có tiếng trả lời làm gã sốt ruột khi đàn muỗi đói vô tư cắm những chiếc vòi vào tay chân hút máu.

Gọi thêm vài lần nữa vẫn không có tiếng trả lời. Đến lúc này, gã không còn nghĩ gì đến phép lịch sự hay chuyện xâm phạm gia cư bất hợp pháp nữa. Gã đưa tay đẩy mạnh cánh cửa. Cánh cửa mở tung. Đập vào mắt gã là bàn thờ Phật, bên cạnh là một vị sư già đang ngồi thiền. Bên trong căn chòi khá đơn giản hầu như không có vật dụng gì đáng giá, ngoại trừ bộ ấm trà đặt trên khối đá được tận dụng làm chiếc bàn và hai cái bóng đèn tù mù, một cái đặt trên bàn thờ Phật, cái nữa treo chính giữa căn chòi.

Thấy mình không phải lẽ, gã im lặng, đứng chờ.

Phải mất một khoảng thời gian khá lâu, vị sư già mới xả thiền, quay lại nhìn gã với ánh mắt ngạc nhiên. Có lẽ lâu lắm rồi ông không thấy ai tìm đến nơi này đêm hôm như vậy. Không đợi vị sư già hỏi, gã lên tiếng trước:

– Dạ làm phiền thầy. Con có việc trên núi nhưng không kịp giờ xuống núi. Mong thầy cho con tá túc qua đêm.

Vị sư già gật đầu, mời gã ngồi xuống ghế đá bên cạnh. Gã đưa mắt nhìn khắp lượt căn chòi một lần nữa, rồi lên tiếng hỏi:

– Sao thầy không chọn một ngôi chùa lớn nào để tu mà lại chọn một mình chốn thâm sơn cùng cốc này?

– Ở đây yên tĩnh, lại có sinh khí dồi dào, thích hợp cho con đường tu tập.

– Ý của thầy là chỉ nơi yên tĩnh mới tu được? – Gã hỏi lại.

– Cũng tùy duyên thôi. Tôi thích nơi yên tĩnh chứ có người tu được giữa phố phường đông đúc. Tâm mình tĩnh ở đâu thì mình tu ở đó. Ở đây tuy có hơi bất tiện nhưng bù lại mát mẻ và mình cũng có thể giữ cây giữ rừng như giải bớt một phần cái nghiệp ngày xưa.

Thấy gã có vẻ tò mò, vị sư già nhấp ngụm trà, nở nụ cười hiền như cây cỏ và bắt đầu kể. Ngoài kia, núi rừng cũng chìm vào trong khoảng tối mênh mông.

***

Trời lại mưa. Đó là ngày thứ năm mưa liên tục và cũng là ngày thứ hai mươi cả nhóm đã ở trong rừng. Căn lều dường như không đủ sức để chống chọi trước những cơn gió đi hoang, cứ rung lên bần bật. Nước mưa cũng theo những chỗ thủng chảy xuống lênh láng. Lạnh, đói, củi ướt không thể nấu ăn được nên cả nhóm đành phải ăn mì tôm sống lót dạ. Nhưng đó cũng là nhưng gói mì cuối cùng còn sót lại. Đến thuốc lá, chè khô cũng cạn. Về nhà hay tiếp tục? Cả nhóm nhìn nhau, không ai dám mở lời.

Một lát sau, dường như không thể chịu đựng hơn được nữa bầu không khí trầm mặc này, Thái – trưởng nhóm lên tiếng: “Đã mất công chuyến này không lẽ về tay không. Thôi thì anh em cố gắng. Nếu vài ngày nữa mà không thấy trầm thì ta về”. “Ừ. Vậy thì đi tiếp”. Giọng Quang cất lên, không giống với bình thường. Quang là thành viên nhỏ tuổi nhất nhưng cũng là “cây hài” trong nhóm. Mỗi chuyến đi rừng luôn được tiếp thêm năng lượng từ nhưng câu chuyện Quang kể. Đôi khi chỉ là những câu chuyện bình thường nhưng qua cái giọng của Quang lại khiến người nghe cười nghiêng ngả. Nhưng lúc này, nó không pha trò nổi. Đi tìm trầm đã lâu, ai cũng thừa hiểu, ở giữa những cánh rừng già này, tỷ lệ cây dó là rất nhỏ và cây dó có trầm còn nhỏ hơn nhiều nữa. Chuyến đi này gần như công cốc, giờ chỉ còn trông vào chút may rủi cuối cùng dành cho những con thiêu thân đang khát lộc rừng.

Sáng hôm sau, mưa ngớt, cả nhóm sau một hồi bàn luận, quyết định sẽ đi về hướng Tây. Nếu không tìm thấy trầm thì biết đâu cũng bẫy được con gấu ngựa hay tê giác, vớt vát lại chút đỉnh làm lộ phí cho chuyến đi sau.

Đang vào giữa mùa mưa, cỏ cây xanh tốt cao quá đầu người, dây leo chằng chịt che bít cả lối. Thái đi trước mở đường. Ở đây nhiều vắt, chỉ cần chậm lại vài giây thôi thì đám vắt đã nhảy lên bám vào người hút máu. Bởi vậy, không ai bảo ai, cả nhóm đều cố gắng tiến nhanh về phía trước.

Không biết do đường quá khó đi hay thời gian trôi nhanh mà chẳng mấy chốc ai cũng thấy đói và mệt lả. Thái quyết định cho cả nhóm dừng lại nghỉ ngơi trên bãi đất trống gần con suối nhỏ. Thái sẽ nấu cơm, Khải đi kiếm nấm, rau rừng. Còn Quang và tôi sẽ xuống suối bắt thêm ít cá cải thiện bữa ăn.

Chúng tôi xuống suối chưa được bao lâu thì nghe ám hiệu từ Khải. Phu trầm cũng giống như biệt kích luôn phải giữ bí mật tránh đánh động tới các nhóm tìm trầm khác hay toán cướp nào đó đang ẩn nấp. Cách tốt nhất là tạo ra ám hiệu riêng của nhóm mình, để mỗi khi có “phát hiện mới” hay cần hỗ trợ thì có thể thông báo. Vểnh tai lên nghe một lần nữa để xác định phương hướng, cả hai nhanh chóng tìm tới chỗ Khải.

Trước mặt, một cây dó tuổi đời chắc đã trăm năm, bị rỗng phần gốc đang đổ kềnh ra, gác lên vài thân cây khác. Bằng kinh nghiệm đi tìm trầm bấy lâu, cả nhóm đều xác định cây dó này có trầm, không chỉ trầm mà còn có cả kỳ nam. Cả nhóm thảo luận, lên kế hoạch, rồi bắt tay vào khai thác.

Đến chiều, việc khai thác cũng xong, trầm được chia thành những túi nhỏ, không quên chừa lại một ít “sái” cho người đến sau. Tất cả nhanh chóng trở về lều thu dọn hành lý rời khỏi nơi đây để đề phòng bất trắc. Nhưng…

Đoàng… Đoàng… Tiếng súng vang lên giữa rừng bị dội ngược lại tạo thành những âm thanh chát chúa, kèm theo tiếng quát: “Đứng im. Chạy tao bắn”. Trên vai là trầm, phía dưới là chân, trước mặt là rừng. Không ai bảo ai, mọi người đều cố gắng chạy thật nhanh về phía trước, mặc kệ những tiếng quát, tiếng súng vọng ở sau lưng. Bởi ai cũng thừa hiểu: Chỉ có chạy mới còn cơ hội sống sót, mới có thể đem trầm về.

Không ngờ cuộc chạy trốn đó lại mất một người…

Vị sư già cúi mặt xuống như cố giấu nỗi niềm trong đôi mắt. Đêm dường như đã xuống nhanh hơn và cái lạnh ở giữa nơi rừng núi cũng thấm vào khiến gã phải thu người lại. Vị sư già dường như nhận ra nên ngước lên nhìn gã, lên tiếng:

– Hay là anh ngủ đi để ngày mai còn lên đường.

– Con vẫn đang nghe đây ạ! Sau lần đó thì sao nữa thầy?

– Tôi hay gặp ác mộng

– Ác mộng? – Gã hỏi lại.

– Phải! Phu trầm đâu phải ai cũng may mắn tìm thấy trầm. Cả mấy mươi lần họa hoằn mới có một lần tìm thấy. Không lẽ về tay không thì lấy gì để chuẩn bị cho chuyến đi kế tiếp? Vậy là buộc phải tàn sát thú rừng hoặc lấy đi những cây gỗ quý. Giết con heo rừng chỉ để lấy cặp nanh, hạ sát con gấu để lấy tay, lấy mật đem về bán cho đầu nậu đặng kiếm tiền trang trải. Đó là chưa kể đốn hạ một cây dó thì cũng đốn hạ, làm gãy đổ hàng chục, hàng trăm cây khác bên cạnh. Nói chung sát sinh nhiều lắm.

Lúc mình còn trẻ, khỏe, nguồn năng lượng tốt bên trong còn đủ dồi dào nên không sao nhưng khi yếu rồi, nguồn năng lượng xấu thay thế. Gặp ác mộng cũng là bình thường.

Tôi hay mơ thấy đủ loại linh hồn mà tôi từng sát hại trước đây. Từ cái cây đến con thú, rồi những người mà tôi từng nợ họ đều nhìn tôi với ánh mắt căm hờn, giận dữ. Nghiệp của mình cả.

– Vậy là thầy quyết định đi tu?

– Không. Phải một thời gian sau, khi có đủ duyên thì tôi mới phát nguyện đi tu.

***

Vài âm thanh lạ khiến gã giật mình tỉnh giấc. Gã thấy mình đang nằm trên giường với tấm chăn đắp ngang ngực. Gã đưa mắt nhìn sang vị sư già vẫn ngồi trên phiến đá, dưới bàn thờ Phật với chuỗi hạt trên tay. Gã nhớ là mình đang ngồi hầu chuyện với sư thầy thì cơn buồn ngủ ập tới khiến gã không tài nào cưỡng lại được và rồi thiếp đi lúc nào không biết. Chắc sư thầy đã đỡ gã lại giường rồi đắp chăn cho gã.

Vị sư già dường như biết gã đã tỉnh giấc nhưng không quay lại nhìn, thản nhiên nói:

– Anh cố gắng ngủ đi mai còn lên đường. Không có chuyện gì đâu.

– Nhưng… nhưng… – Gã ấp úng.

– Là ma đó! Một con ma nữ. Nhưng nó chỉ chọc phá thôi chứ không hại người.

Nghe nhắc đến “ma” một luồng hơi lạnh chạy từ trên xuống khiến gã rùng mình, cảm giác như sau lưng có ai đang nhòm ngó. Xốc lại chiếc chăn lên gần tới cổ, gã không ngừng đảo mắt nhìn quanh.

Vị sư già từ tốn:

– Năm đó có một vụ lở núi, đất đá rơi xuống chôn vùi căn nhà dưới chân núi làm cô gái chết oan. Mà anh thấy đó, ngọn núi này đâu đâu người ta cũng đào xới, chặt phá hết cây rừng thì những vụ lở núi như vậy là thường. Cô gái chết khi còn khá trẻ nên oán nghiệp chưa tan. Từ ngày tôi về núi này lập thất, hồn ma nghe tiếng chuông, kinh kệ hàng ngày cũng vơi bớt phần nào oán nghiệp. Nhưng mà “ma bắt tùy người, sơn ăn tùy mặt”, tâm mình tĩnh tại thì không có gì phải sợ quỷ hay ma.

Nghe những lời vị sư già, bất giác gã nghĩ đến công việc mình đang làm. Có phải vì tâm mình không tĩnh nên gã mới sinh sợ hãi?

Minh họa: Lê Duy Khanh

Hai mươi hai tuổi, gã ra trường, trở thành phóng viên mảng phóng sự điều tra của một tờ báo lớn. Bằng sự năng nổ cộng với ngòi bút sắc bén của mình, gã gây được tiếng vang với những bài báo phanh phui tiêu cực, cùng với nhiều giấy khen, giải thưởng đạt được. Nhưng sau khi lập gia đình, cuộc sống không dư dả khiến gã thay đổi, không còn giữ được cái tâm của người cầm bút như trước.

Gã nhớ cái lần mình viết loạt bài phóng sự về tình trạng khai thác titan gây ô nhiễm nguồn nước. Khi bài sắp sửa lên khuôn thì có người tìm đến với gã. Nhìn số tiền đặt trước mặt, số tiền mà gã chưa bao giờ nhìn thấy, gã đứng trước hai lựa chọn: một là nhận tiền và thay đổi nội dung bài báo; hai là chấp nhận đương đầu với những lời đe dọa, những tin nhắn khủng bố rồi nhận về những đồng lương còm cõi. Nghĩ đến đứa con mới lên hai đau ốm liên miên, nghĩ đến cha mẹ già ở quê cũng cần phải có tiền phụng dưỡng, nghĩ đến người vợ trẻ hay than ngắn thở dài mỗi khi đến kỳ thanh toán tiền nhà, tiền điện, tiền nước,… gã đành tặc lưỡi: Chỉ một lần thôi.

Nhưng cái “một lần” của gã không dừng lại được. Cứ vậy, ngòi bút của gã tiếp tục bị bẻ cong. Những phóng sự gã viết, thay vì được dùng để đưa ra công luận thì gã lại tìm đến doanh nghiệp sai phạm để “đi đêm”, mặc cả. Tiền kiếm được càng nhiều, càng dễ khiến gã mỗi ngày một lún sâu hơn. Phóng sự về nạn phá rừng lần này, cũng như loạt bài phóng sự trước đó về tình trạng ô nhiễm nguồn nước, khai thác cát trên sông gây sạt lở,… không ngoài mục đích đó.

Có tiền, chiếc xe cà tàng của gã được thay thế bằng chiếc xe hơi bóng lộn. Căn nhà trọ tồi tàn mà hai vợ chồng gã ở khi mới cưới cũng được thay thế bằng căn nhà ba tầng đầy đủ tiện nghi. Những bữa cơm rau dưa đạm bạc được thay thế bằng những bữa ăn nhà hàng với rượu Tây, gái đẹp. Mỗi lần gã về quê là một cuộc đón tiếp linh đình. Cha mẹ gã tự hào ra mặt. Còn bà con xóm giềng thì niềm nở, ngợi khen. Cái danh “nhà báo” đã mang đến cho gã tiền tài, danh vọng.

Nhưng có tiền, vợ gã cũng thay đổi, không còn là người phụ nữ hiền lành mà hay ghen tuông, cau có, khiến không khí gia đình thêm ngột ngạt. Đứa con trai lớn của gã cũng nhiễm thói ăn chơi từ khi nào không biết, chỉ đến khi nó gây ra một vụ tai nạn, công an mời lên làm việc thì gã mới hay. Còn riêng gã là những đêm trằn trọc khi nghĩ tới chuyện mình có thể bị bắt, bị tố cáo, bị gài bẫy,… Và hằng sa số các chiêu trò khác mà gã luôn phải nghĩ cách đối phó, đề phòng.

Muốn “được” thì phải “mất”, không ai thành công mà không phải đánh đổi. Nhưng liệu rằng sự đánh đổi của gã có xứng đáng?

Đang miên man nghĩ thì bất giác gã nghe thấy tiếng gà rừng gáy. Gần bốn giờ sáng. Không muốn nán lại lâu hơn, gã xin phép sư thầy rời khỏi nơi đây, không quên cảm ơn thầy đã cho gã trú ngụ một đêm.

Gã bước ra ngoài. Trời vẫn còn rất tối. Rồi như có điều gì đó thúc giục, gã không lên đỉnh núi nữa mà rẽ xuống chân núi.

***

Từ chân núi nhìn lên, ngọn núi loang lổ với nhiều dấu vết bị băm nát dài hàng cây số chạy từ trên đỉnh xuống chân núi. Thảm thực vật bị cày xới nham nhở, hàng trăm tảng đá lớn nằm lăn lóc khắp nơi. Một vài ngôi nhà nằm rải rác, lẫn trong những vườn cây bàng bạc màu của bụi đá.

Gã liếc nhìn đồng hồ đã hơn tám giờ sáng. Thời điểm này chắc mọi người đã đi làm hết, khó có thể gặp ai. Nghĩ vậy nhưng gã vẫn lôi từ trong ba lô ra một số đồ nghề cần thiết cho việc tác nghiệp. Máy ảnh choàng qua vai, trên tay là máy ghi âm cùng cuốn sổ ghi chép, gã dợm chân bước tới một ngôi nhà gần đó.

Một lão nông chắc tuổi đã ngoài sáu mươi xuất hiện trước mặt gã. Dường như ông tính ra ngoài nhưng thấy gã nên dừng lại hỏi han:

– Bộ chú em từ xa tới? Tui nhìn thấy chú em lạ quá!

– Con là phóng viên, muốn tới đây tìm hiểu đời sống của bà con mình dưới chân núi này. Bác có rảnh không con xin phép hỏi vài câu? – Gã đáp.

– À, thì ra là nhà báo.

Khuôn mặt của lão nông nhanh chóng giãn ra, mời gã vào nhà uống trà, rồi bắt đầu kể:

– Khổ lắm nhà báo ạ. Bà con sống dưới chân núi này không khi nào được yên giấc. Lắm khi đang nằm ngủ, nghe tiếng “uỳnh” như động đất. Chạy ra ngoài xem thì thấy một tảng đá rơi xuống gần nhà.

Nhấp một ngụm trà, lão nông nói tiếp:

– Đó nhà báo thấy không, nhà của thằng Nghĩa mới bị đá rơi trúng mấy hôm trước. May mà cả nhà không ai bị làm sao.

Nhìn theo hướng tay ông lão chỉ, một ngôi nhà sụp mất một phần mái, sót lại vài cây kèo bị gãy ngang, nằm xiêu vẹo, gã hỏi:

– Bà con mình không khiếu nại mỏ đá hay phản ánh gì với chính quyền hả bác?

– Có chứ sao không. Mỗi lần như vậy, chủ mỏ cũng cử đại diện xuống xem xét để bồi thường. Hay như chính quyền cũng đưa mấy đoàn vào khảo sát. Nhưng cuối cùng đâu cũng vào đó cả thôi – Lão nông thở dài bất lực.

Ghi chép vài thông tin quan trọng, sực nhớ câu chuyện “ma nữ” tối qua, gã hỏi:

– À, bác có nhớ vụ lở núi cách đây gần chục năm làm một cô gái trẻ thiệt mạng?

– Nhớ chứ. Nó là đứa cháu gọi tôi bằng chú mà. Tội nghiệp con nhỏ. Đẹp người đẹp nết mà chết sớm quá chừng. Năm đó con nhỏ chỉ mới 16, 17 tuổi đầu…

…Đêm đó, khi ánh đèn trên những mỏ đá vẫn còn sáng rực, đám thanh niên làm trên đó chỉ mới rục rịch về nhà chưa kịp cơm nước. Anh chị Hai tôi bận công chuyện nên đi vắng mấy ngày để con nhỏ ở nhà coi ngó. Tôi với vài người bạn mải mê nhậu trước hiên bỗng nghe mấy tiếng “ầm ầm” từ xa vọng tới. Mọi người hớt hải chạy ra thì thấy đất đá lấp mất ngôi nhà của anh Hai tôi.

Đất đá nhiều lắm, như quả đồi nên cũng không biết làm cách gì để cứu cháu, đành phải gọi cầu cứu chính quyền. Người ta đưa xe cuốc vào mà phải mất gần hai ngày mới dọn xong đống đất đá. Cháu gái tôi khi được tìm thấy không còn rõ được hình hài.

Anh chị Hai tôi lúc về tới nhà mới hay tin con gái mình mất, quá đau lòng nên cũng không còn muốn ở đây nữa. Một thời gian sau thì dọn về quê sinh sống.

Mà con nhỏ thiêng lắm. Lúc nó mới mất, đám thanh niên đi về khuya vẫn bị nó nhát suốt, chạy té khói. Chỉ sau này thì tự nhiên yên ắng hẳn đi…

Ông lão nói xong, mắt lơ đãng nhìn lên trên núi. Gã cũng nhìn theo, chỉ thấy những khoảng trắng xanh xen kẽ với nhau như một bàn cờ. Tất cả, kể cả gã, cứ nghĩ mình là người chơi cờ thì hóa ra đều là quân cờ trong bàn tay kẻ khác. Rồi đến lượt những kẻ đó, suy cho cùng cũng đều nằm dưới bàn tay của mẹ thiên nhiên. Đời người, sống hay chết cũng chỉ cách nhau có một bàn tay.

***

Cơ quan chức năng vào cuộc điều tra ngay sau khi loạt bài phóng sự của gã được đăng tải. Lần này, gã quyết định từ chối những món lợi mà người ta có thể đem lại. Gã thay đổi? Không hẳn. Chỉ là cuộc gặp gỡ hôm nọ khiến gã nghĩ đến chuyện “nhân – quả” nhiều hơn và cả những tiếng kêu oan khuất, những bức xúc của nhóm người yếu thế đang cần gã viết bài một cách trung thực và khách quan nhất. Đó là từ khi kinh tế khu vực này đi lên, những dự án xây dựng, giao thông ngày càng nhiều đồng nghĩa với nhu cầu về sử dụng đất đá tăng cao. Nhận thấy được điều đó, một vài doanh nghiệp hám lợi cấu kết với cán bộ biến chất tiến hành “thông thầu” để được quyền khai thác đất đá. Thay vì chỉ khai thác trong phạm vi được cấp phép, khai thác đi đôi với việc tái tạo rừng như cam kết thì người ta tận thu tất cả những gì có thể, để lại cho núi những bức vách dựng đứng hay những cái hồ sâu hoắm sẵn sàng sạt lở bất cứ lúc nào. Mấy vụ tai nạn do lở núi gây ra, bằng cách này hay cách khác người ta đều làm cho vụ việc nhanh chóng “chìm xuồng” và tình trạng đó vẫn tiếp diễn cho đến nay.

Kết thúc quá trình điều tra, hơn chục người phải tra tay vào còng số tám trả giá cho việc làm của mình. Còn gã, sau phóng sự này cũng muốn dành cho mình chút thời gian nghỉ ngơi, đồng thời muốn nghe tiếp câu chuyện của vị sư già trên núi.

Hai vòng dạo quanh sườn núi, lục lọi trong trí nhớ của mình những vết tích còn sót lại, gã vẫn không tài nào tìm thấy “căn chòi” của vị sư già mà mình trú lại hôm trước. Thấm mệt. Gã ngồi xuống tảng đá bên vệ đường, bỗng nhiên có một người từ đàng xa đi tới. Người đàn ông đến trước mặt gã, dừng lại và lên tiếng hỏi:

– Sáng giờ tui thấy chú cứ quanh quẩn khu vực này. Chú đang tìm gì à?

– Em đi tìm tịnh thất của một sư già tu trên núi này, mà sáng giờ tìm hoài hổng thấy.

– Haha. Tui đi lên xuống khu núi này cả chục năm nay có thấy am, thất gì đâu chú ơi. Nếu có, thì chỉ có ngôi mộ của một phu trầm tử nạn trên núi được chôn cất dưới gốc cây cổ thụ đằng kia thôi.

Người đàn ông nói xong bỏ đi mất dạng, chỉ còn lại một mình gã thẫn thờ, tự hỏi mình chuyện gì đã xảy ra trong đêm hôm đó, trên ngọn núi này…

NGÔ NAM GIANG

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thơ dự thi của Nguyễn Tấn On

Nhiều khi núi đứng lặng thinh
Một chiếc lá rớt – giật mình – nhớ quê
Rưng rưng lỗi hẹn cuộc về
Thương từng vạt cỏ, bờ đê sông gầy.

Hồn đá

Đá nối tiếp đá. Đá bạt ngàn đá. Đá tựa vào nhau. Bà Ngàn đi giữa những đồng đội của anh Toàn. Tay bà nắm chặt gói đá anh Toàn gửi về. Lòng bà đau đáu…

Thơ dự thi của Ngô Văn Cư

Có bàn chân trần kể chuyện trăm năm
Ngọn đèn dầu soi vào trầm tích
Gương mặt người hồng lên màu đất
Tạc vào bóng đêm