“Mình ơi” nghe thương đứt ruột

(VNBĐ – Nghiên cứu, phê bình). Người miền Nam xưa, vợ chồng gọi nhau là “anh – tui”, “em – tui”, “cậu – tui”, “cô – tui”. Tuổi sồn sồn, có con có cái thì gọi nhau “ba thằng Tèo”, “má thằng Tèo”, nhằm tên đứa con lớn mà gọi. Khi già thì cứ “ông – tui”, “bà – tui” cho gọn. Có một cách xưng dễ thương não nùng bất di bất dịch từ trẻ cho đến lúc có con, cho đến lúc già là “mình – anh”, “mình – em”, “mình – tui”. Bạn coi tuồng cải lương Đời cô Lựu, nghe cô đào Bạch Tuyết lên câu vọng cổ “mình ơi” là bủn rủn cả hồn. Ông chồng cô Lựu bị bắt đày ra Côn Đảo vì tội làm “quốc sự”, thật ra đây là âm mưu của hội đồng Dư để chiếm vợ chiếm đất tá điền. Khi chồng cô Lựu vượt ngục trở về để thanh toán mối thù với hội đồng Dư, cô Lựu gặp lại chồng thì “bình tan gương vỡ”, vì áp lực đủ điều mà cô đã trở thành vợ của hội đồng Dư, vẫn yêu chồng rất mực nhưng cô kẹt cứng giữa đôi bờ, đau khổ mà cất lên “mình ơi, nghe em nói…”. “Mình” trong cô Lựu vẫn dạt dào yêu thương, “mình” vẫn tràn ngập trái tim nàng nhưng thôi đành đứt gánh tơ vương vì không thể khác.

“Mình” trong phương ngữ Nam bộ là ngôi thứ nhất số ít. “Mình” có nghĩa là tui, em, con, cháu… Người nhà quê hay xưng “mình” ngay cả với cha mẹ mình: “Má nhớ mua cho mình chai dầu dừa xức tóc nha!”. Hồi nhỏ, mình (cũng “mình” nha) có thằng bạn, loay hoay chơi đồ hàng với mình, lâu lâu nó lại hét lên: “Má ơi, mình nhớ má!”. Cứ hét lên theo chu kỳ như vậy, như bị “bệnh liệu” vậy (bệnh lặp đi lặp lại một câu nói nhiều lần trong ngày mà không biết để làm gì). Mà má nó có đi đâu xa, nhà nó cách nhà mình một hàng ranh bông bụp, má nó đang nấu cơm trong bếp. Nói chuyện với bạn bè xưng “mình” cũng thường gặp, người yêu cũ gặp lại nhau không thể xưng “anh – em” được, thì xưng “mình” cũng tiện. Nhưng “mình” trong tình nghĩa vợ chồng lại là ngôi thứ hai số ít. “Mình” ở đây là “mình” (hiểu rộng ra là thân thể, tâm hồn) của người gọi, người vợ người chồng của người gọi được người gọi công nhận là “mình của mình”:

Mình ơi tôi gọi là nhà
Nhà ơi tôi gọi mình là nhà tôi
(Bùi Giáng)

Hai “mình” trong một nhà luôn trong ấm ngoài êm là như thế, bởi vì “mình với ta tuy hai mà một”. Vợ chồng chấp nhận gọi “mình” qua lại có nghĩa là duy nhất; có nghĩa cả vợ lẫn chồng đều tự nguyện dấn thân, sẵn sàng hy sinh vì nhau.

Vợ chồng với nhau, khi không gọi “mình” nữa là “có chiện”. “Mình” là sống chết, là thước đo những vui buồn, hạnh phúc, đớn đau, khổ sở… trong đời sống vợ chồng. Ví mà xưng “anh – em”, “anh – tui”, “em – tui”… khi “có chiện”, còn tiếp tục xưng y chang vậy được. Còn mà, khi ông chồng mình ổng “có mèo” (có bồ), chỉ có nước nhìn ổng lên gan lộn ruột thôi, chứ còn lòng dạ nào đặt bàn tay lên ngực trái ổng vuốt vuốt mà mình ơi mình hỡi. Các cặp vợ chồng ra tòa ly hôn, nhiều cặp vẫn xưng “anh – em” bình thường – cho đến lúc này thì “anh – em” vốn dĩ chỉ làm nhiệm vụ đại từ xưng hô lịch sự, chứ không còn màu sắc tình cảm. Nhưng nếu vợ chồng gọi nhau “mình” giữa tòa thì tuyệt đối không, chưa thấy trường hợp này bao giờ, chán ghét nhau tới cổ, đưa nhau ra tòa là hết nước hết cái, còn gì nữa mà mình mẩy tay chân!

Từ “mình” phát âm giọng Nam bộ là “Mìng”. “Mìng” nghe càng dễ thương, càng chơn chất, càng Nam bộ. “Mìng” chỉ dành cho những tình yêu tự nguyện. Cặp đôi thành vợ thành chồng do bị cưỡng hôn hay tảo hôn “không ưa” gọi nhau là “mìng”. Chuyện kể rằng có ông phú hộ có đến ba bà vợ, nhưng ông không yêu bà nào cả. Mỗi bà do má ông hoặc ông đi cưới đều do cần thêm người quán xuyến việc nhà và cần có người đẻ con trai cho ông. Rốt cuộc, với ba bà vợ, ông có đến mười người con, nhưng chỉ toàn con gái. Năm mươi tuổi, ông qua đời vì bệnh. Nhưng sau khi trút hơi thở cuối cùng, ông vẫn không nhắm mắt. Ai vuốt mắt, mắt ông cũng không khép lại. Gia đình làm hết cách, mắt người chết vẫn không khép. Người Nam bộ không bao giờ làm việc tẫn liệm cho người chết mà mắt chưa khép. Họ cho rằng, đây là việc xui, việc “không nên”, vì khi chôn người chết không khép mắt thì sẽ có hiện tượng “chết trùng”- tức ngày giỗ của người chết đó, bất luận thế nào cũng sẽ có một người trong họ hàng bị chết theo. Cứ thế, xác ông phú hộ để nằm trên phản ba ngày ba đêm mà mắt vẫn không khép. Đến cuối giờ chiều ngày thứ ba, bỗng có người phụ nữ tấp ghe vào bến sông trước nhà ông, bà chạy ào lên nhà, ôm xác ông, gọi “mìng ơi” và khóc nức nở. Thế là mắt ông phú hộ khép ngay tức khắc. Ba bà vợ chứng kiến sự việc lạ lùng và cùng “ngộ” ra: ông phú hộ chịu khép mắt lại ra đi vì chờ hai tiếng “mìng ơi” của bà thuyền chài lạ hoắc lạ huơ kia. Thế là ba bà vợ đồng khóc rống lên, họ khóc vì tủi thân, vì ra thân trâu ngựa làm việc nhà và đẻ đái cho ông bấy lâu mà không bằng một tiếng “mìng ơi” của cái bà lạ hoắc kia. Họ khóc cũng vì “ngộ” ra một điều, ông phú hộ chẳng yêu ai trong số ba người họ, bởi vì tiếng “mìng” bất di bất dịch đã dành cho bà thuyền chài rồi. Còn mối tình bí mật giữa ông chồng các bà với bà thuyền chài, các bà cũng chẳng cần quan tâm nữa, bởi vấn đề đại sự trước mắt đang chờ các bà: làm đám tang cho đức ông chồng giàu có và khả kính. Vậy đó, “mìng ơi” trong tình yêu xưa của người Nam bộ có “sức công phá” ghê gớm như vậy!

Thêm một câu chuyện về “mìng ơi” đẫm nước mắt trong cải lương Nam bộ. Người Nam bộ xưa ảnh hưởng sâu sắc cải lương – loại hình “nghệ thuật vàng” này hầu như góp phần rất lớn trong chuyện định hướng cuộc sống và định hình cảm xúc người Nam bộ xưa. Điều này cũng hợp lý. Vì ngày xưa, các soạn giả, thầy đờn, đào kép cải lương làm nghề rất nghiêm túc và rất kỹ. Một thời với soạn giả Viễn Châu, Trần Hữu Trang, Hà Triều – Hoa Phượng, Năm Châu, Yên Ba, Kiên Giang… các nghệ sĩ cải lương gạo cội như Hùng Cường, Bạch Tuyết, Thanh Nga, Thanh Sang, Phượng Liên, Minh Cảnh, Tấn Tài, Minh Phụng, Minh Vương, Lệ Thủy, Mỹ Châu… mặc sức tung hoành trên sân khấu với nhiều vở cải lương để đời như Sân khấu về khuya, Nửa đời hương phấn, Đời cô Lựu, Xin một lần yêu nhau, Máu nhuộm sân chùa… Đến đây, xin nói về “mìng ơi” trong vở cải lương Tướng cướp Bạch Hải Đường do nghệ sĩ Hùng Cường thủ vai tướng cướp. Dù có bà vợ ngoại tình, trời ơi đất hỡi đi tố cáo chồng mình là tướng cướp, không để ý đến những “hành tung” này, khi sự việc vỡ lở, ông tướng cướp đi cướp để nuôi vợ con vẫn một hai “mìng ơi mìng hỡi” chia tay vợ trước khi đi lãnh án tù. Nghe Hùng Cường “xuống sề” rớt nước mắt: “Mìng ơi sao mìng nỡ làm chuyện này khi con Thu chưa tròn hai tuổi…”. Nghệ sĩ Hùng Cường vào vai này đang độ chín của nghề: chín chắn, đẹp trai, giọng nói ấm áp hút hồn, ca hay, diễn có duyên… khiến khán giả chết lên chết xuống. Vở diễn kéo màn rồi mà các bà các cô vẫn sụt sùi lau nước mắt, thương cho anh tướng cướp “mìng ơi” ngọt ngào với vợ ngay cả khi bị phụ tình. Có lẽ đây cũng là “thủ thuật” của soạn giả Nguyễn Huỳnh làm mưa làm gió một thời trên sân khấu Dạ Lý Hương với hai “vơ đét” Hùng Cường – Bạch Tuyết. Hùng Cường càng “mìng ơi” thắm thiết thì khán giả càng oán ghét người vợ trắc nết lăng loàng của tướng cướp Bạch Hải Đường – thời người ta thích đề cao chủ nghĩa anh hùng cá nhân bất luận và chăm chút xây dựng hình ảnh người vợ người mẹ biết hy sinh vì chồng vì con.

“Mìng ơi” ngày xưa thần thánh như vậy đó. Giờ cũng còn nhiều cặp vợ chồng Nam bộ gọi nhau “mìng ơi”. Nhưng có vẻ không thắm thiết, thiêng liêng như ngày xưa nữa. Đời sống hiện đại khiến người ta nhiều khi phải quay cuồng trong cái mới. Nhiều giá trị thực chất cũng bị bào mòn đi. “Mìng” là cái nếp nhà đôi khi cũng bị phá vỡ. Đôi khi “mìng” không còn là thân thể, tâm hồn của chính mình trao cho người vợ người chồng nữa; mà chỉ đơn giản là đại từ nhân xưng thay thế “anh”, “em”. Biết sao được, đời phải luôn vận động và thay đổi. Nếu không vận động, không thay đổi thì đã không là “đời”.

THU TRÂN

(Văn nghệ Bình Định số 103 tháng 11.2021)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thơ, hãy bắt đầu từ nơi ấy mà đi   

Tập thơ “Tiếng của thiên lương” của Mai Thìn lôi cuốn người đọc bởi một lối viết coi ý tứ là trọng, coi tổng thể nặng hơn chi tiết và rất nặng lòng trước thế thái nhân tình…

Phê bình văn học trong “Dạo gót vườn văn”

“Dạo gót vườn văn” với 83 bài viết, bàn về nhiều thể loại thuộc lý luận – phê bình, chân dung nhà văn, chuyện làng văn nghệ, phê bình sách, bình thơ, bình luận về văn xuôi, ngôn ngữ…

Đời cần lắm, những vần thơ

Sang đến thế kỷ hai mươi, Yến Lan, chỉ mới mười sáu, mười bảy tuổi thôi, đã hóa mình thành ông lái đò với bao niềm tâm sự trong bài thơ mang mang phong vị cổ, Bến My Lăng.