Mấy ý kiến về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở Bình Định

(VNBĐ – Nghiên cứu & phê bình). LTS: Văn hóa là tấm thẻ căn cước không chỉ của mỗi dân tộc mà còn là “chứng thư” cho những khác biệt của mỗi vùng miền. Trong xu thế hiện nay, mỗi một địa phương có những chiến lược khác nhau, thích ứng với từng điều kiện cụ thể nhằm bảo tồn di sản văn hóa của địa phương mình và phục vụ cho quảng bá, tổ chức du lịch cộng đồng. VNBĐ giới thiệu ý kiến của TS. Võ Minh Hải (Giám đốc Trung tâm ngôn ngữ Nhật Bản) về công việc này.

1. Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa gắn với việc khẳng định địa văn hóa Bình Định
So với các địa phương khác trong cùng khu vực, Bình Định là vùng đất có ý nghĩa chiến lược trong hành trình Nam tiến của tiền nhân, là mảnh đất “tồn sinh” và “cộng hưởng” của dòng văn hóa chủ lưu Việt – Chăm – Hoa. Vì vậy, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa Việt, chúng ta cần quan tâm đến yếu tố mang tính khu biệt này. Việc tái hiện việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa tiêu biểu của người Việt, Hoa, Chăm và kể cả các tộc người thiểu số khác trên địa bàn là nhằm hướng đến quá trình phục hưng không gian văn hóa đặc trưng của vùng đất này trong lịch sử hình thành và phát triển. Vì thế, cần phải có một cái nhìn tổng quan, logic và có tính kế thừa đối với những công trình kiến trúc, lễ hội, nghệ thuật biểu diễn truyền thống và hoạt động văn hóa trên địa bàn trước khi xây dựng đề án bảo tồn và phát huy giá trị của nó. Do đó, trong quá trình triển khai, nếu chúng ta quan tâm đến vấn đề này sẽ góp phần định hình được vị thế địa văn hóa của tỉnh nhà trên bản đồ văn hóa và du lịch hiện nay ở khu vực và quốc gia.

Quá trình khẳng định những nét khu biệt của địa văn hóa Bình Định sẽ thúc đẩy việc xây dựng lòng tự hào về quê hương, tạo điểm nhấn văn hóa, sức hút du lịch trong bối cảnh kiến tạo các cộng động văn hóa – du lịch mang sắc màu địa phương và có tính chuyên biệt.

2. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Bình Định phải gắn liền với nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số
Di sản văn hóa là hiện thân của truyền thống, trầm tích sinh hoạt, tín ngưỡng và giao lưu của các cộng đồng văn hóa. Việc tìm hiểu, khẳng định, xác tín những giá trị bất biến và khả năng lan tỏa của nó là vấn đề khoa học và cần nguồn tư liệu điền dã, thành văn phức tạp. Do vậy, công tác nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di sản này cần phải tuân thủ theo một chiến lược khoa học, thiết thực và phù hợp với đặc trưng văn hóa, đặc điểm vật chất, phi vật chất và khả năng lưu trữ của di sản. Vì thế, hệ thống đề án, kế hoạch bảo tồn, phát huy khi xây dựng cần dựa trên những ý kiến tham mưu, kết luận khoa học, đánh giá khách quan và có trách nhiệm của các chuyên gia, nhà nghiên cứu. Hệ thống đề tài khoa học và công nghệ được đề xuất nghiên cứu cần có tính ứng dụng, tư vấn giải pháp và hướng đến việc cụ thể hóa các vấn đề được đặt ra từ các di sản văn hóa của địa phương Bình Định.

Hiện nay, các công trình kiến trúc văn hóa tiêu biểu của tỉnh nhà đang đứng trước nguy cơ mai một theo thời gian. Thậm chí, một số di tích còn bị hư hại hoàn toàn phải tôn tạo, tu sửa mới. Chính vì lẽ đó, ta sẽ rất khó khăn trong việc tìm về các giá trị nguyên bản cổ xưa khi tiếp cận với các công trình kiến trúc này như hệ thống tháp Chăm, thành Hoàng Đế, hệ thống cảng thành – hổ cơ, cảng thị Nước Mặn, lịch sử kiến tạo chữ Quốc ngữ cũng như các lễ hội tiêu biểu ở Bình Định. Việc thiết kế, tạo dựng không gian 3D các công trình, di sản văn hóa sẽ góp phần lớn trong quá trình giữ gìn và phát huy di sản văn hóa ngay cả khi di sản đó chỉ còn trong tiềm thức. Thông qua lời kể, mô tả của những người đi trước, tích hợp với việc nghiên cứu tài liệu, tư liệu, khảo sát thực tế, cũng như nhờ đến các phần mềm công nghệ, ta có thể mô phỏng nền không gian ba chiều đối với di tích, kết hợp với kính thực tế ảo để giúp cho du khách quan tâm đến lịch sử, cội nguồn di tích có thể hình dung được kiến trúc di tích trong quá khứ ngay trên nền kiến trúc được tu bổ hiện tại. Cách làm này còn tăng được tính trải nghiệm, mới lạ, tạo nên nét riêng biệt cho di tích, hứa hẹn thu hút lượt lớn những người quan tâm cũng như các du khách hiếu kỳ.

Để giới thiệu và quảng bá cho du khách có cái nhìn bao quát hơn, hiểu rõ hơn về kiến trúc di tích, ta có thể sử dụng trình mô phỏng để mô phỏng di tích đó và quảng bá nó trên nền tảng mạng xã hội để khách du lịch có thể dễ dàng tìm hiểu trước về nó trước khi quyết định tham quan. Thêm vào đó, ta có thể tạo ra một sơ đồ vị trí các địa điểm tham quan di sản văn hóa Hán Nôm ở Bình Định kèm những thông tin cơ bản về di tích đó để du khách nắm rõ được vị trí của các di sản cũng như tạo điều kiện cho các nhà lữ hành có thể nắm biết vị trí và tạo ra các chương trình tour du lịch văn hóa hợp lý. Đây cũng là một phương pháp được rất nhiều điểm tham quan du lịch ở Việt Nam có quy mô lớn thực hiện để dễ dàng giới thiệu cho du khách.

Có thể nói, từ nhận thức về sự phát triển căn bản, toàn diện của văn hóa thông qua các nguyên tắc khoa học và công nghệ số sẽ tạo nền tảng vững chắc cho việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa địa phương. Điều này đỏi hỏi sự chung tay và trách nhiệm của các nhà quản lí, chuyên gia, doanh nghiệp và cộng đồng nhân dân đối với việc giám sát quá trình sử dụng, bảo tồn và phát huy giá trị thiết thực của di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Bình Định.

3. Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Bình Định cần dựa vào cộng đồng
Đưa di sản văn hóa đến với cộng đồng là phương cách truyền thông tốt nhất về bề dày lịch sử văn hóa của dân tộc Việt Nam. Kế hoạch bảo tồn di sản văn hóa hiệu quả và khoa học không chỉ giúp giữ gìn được giá trị di sản độc đáo này mà còn phải quan tâm vấn đề đưa di sản đó đến với cộng đồng trong cuộc sống đương đại. Muốn làm được điều ấy, các cơ quan quản lý cần phải làm “trẻ” và “khỏe” di sản. Bên cạnh việc phục nguyên không gian văn hóa của di sản, chúng ta cần xác định, lựa chọn, thúc đẩy và phát huy những giá trị có giá trị bất biến, vượt tầm của di sản để đầu tư làm cho nó có thể tương tác, lan tỏa đến cộng đồng.

Đưa di sản đến với cộng đồng các bạn trẻ và khách du lịch cũng là một phương án cần triển khai khẩn cấp. Hiện nay, trong hoạt động du lịch, các di tích lịch sử – văn hóa trở thành điểm đến không thể thiếu trong các chương trình du lịch văn hóa. Thực tế tồn tại hiện nay, một bộ phận hướng dẫn viên không đầu tư tìm hiểu về di sản văn hóa các địa phương do đó đã gặp không ít khó khăn khi hướng dẫn thuyết minh cho du khách các vấn đề có tính khu biệt của vùng địa văn hóa Bình Định. Vì thế, trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình du lịch, hướng dẫn viên cần sử dụng các thông tin tri thức đã được số hóa để truyền tải tốt hơn những thông điệp từ quá khứ của cha ông để lại, giúp cho du khách hiểu thêm, yêu thêm và mong muốn quay trở lại.

Đưa di sản văn hóa đến với nhà trường và cộng đồng dân cư cũng là một vấn đề cần quan tâm. Hiện nay, việc thực hiện chương trình giáo dục địa phương trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể 2018, việc giới thiệu và tổ chức quảng bá, tìm hiểu các di sản tiêu biểu của địa phương đến các bạn học sinh đã và đang tạo được hiệu quả lan tỏa rất rốt. Việc làm này cần được tổ chức thường xuyên thông qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa, thuyết trình, cuộc thi tìm hiểu về di sản văn hóa quê hương. Ngoài ra, để nâng cao trách nhiệm của người dân trong việc bảo tồn di sản, các địa phương cần có các chương trình sinh hoạt công dân, giới thiệu, khẳng định và nêu bật những ưu lợi thế của di sản văn hóa địa phương. Cùng với niềm tự hào là trách nhiệm chung tay bảo vệ, hạn chế sự xâm hại di sản văn hóa, là đóng góp lớn nhất mà cộng đồng xã hội đã mang lại chúng ta – những người làm công tác văn hóa hiện nay.

TS. VÕ MINH HẢI

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thành Bình Định: Đau đáu dấu xưa

Đã in hàng chục đầu sách, nhưng những trang viết của nhà văn Trần Duy Đức luôn nhất quán một dòng chảy về nơi “chôn nhau cắt rốn” An Nhơn…