Mặt trời muộn

(VNBĐ – Truyện ngắn).

1.

Bên đây nhà hoang, bên kia bãi rác, tranh nhau thối. Chiều tối, vài ba ngọn gió thổi vờn quanh, xông cho khu vực này bốc lên mùi uế khí đặc quánh. Lũ chuột lích rích kéo vào hang ổ chơi trò đánh lộn, trong hốc gỗ mục phát ra tiếng “chíttt… chíttt” xoắn xuýt. Mùi ẩm mốc nồng đặc. Nhà hoang sụp nửa, từng mảng tường đất như lớp da khô bong tróc rơi xuống, lẫn trong cái tanh tưởi, khai khắm. Người thường chỉ hít một hơi có khi nôn mửa cuồn cuộn. Địa bàn này làm gì có ai bén mảng, ngoại trừ một kẻ đờ đẫn như du hồn vất vưởng chốn nhân thế. Là ả.

Ả chôn mình giữa mớ vải rách bùng nhùng, co rúm, miệng lẩm nhẩm “đần, đần” không rõ nghĩa. Tóc bết thành mảng lẫn mẩu rác thải chưa rụng xuống, tay đưa lên cào cào da đầu. Hình xăm “Song ngư đớp trăng” nơi cổ tay đã nhăn nhúm, xám xịt cáu bẩn. Hai mắt vô hồn nhìn mãi vào khoảng không như đuổi theo hư vô nào đó, khuôn miệng nhìn qua có thể thấy được trước kia khá duyên dáng vậy mà giờ màu môi trắng bệch, nhễ nhại nước miếng chảy ròng. Ả cố há ra ngoạm lấy cánh tay, đói, bụng kêu rồn rột, cười. Không ngừng nỉ non: “Đần… đần…”.

Ả, từng nức tiếng một vùng, nhưng là tiếng dữ. Nhan sắc so hoa, nõn nà gợi cảm, chỉ kém cái nết. Nhưng nết có kém tí mà đẹp vẫn hấp dẫn chán, đấy là đàn ông bảo thế. Khối kẻ lân la mơ tưởng, ả “lạt mềm buộc chặt”, ỡm ờ nhủng nhẳng với gã nọ thằng kia, có khi cũng đã chung chạ cả đống rồi chứ chẳng bỡn. Ấy lạ! Thế mà cái bụng của ả hãy cứ thon gọn, chưa thấy nó to lên lần nào, có kẻ ác ý rủa ả đời này không con không cái. Ai bảo chồng họ đớp bả của ả cơ chứ! Dù lẳng lơ thành tiếng ả cũng không ngại miệng lưỡi người đời, lượn lờ trước mắt họ, vẫn cười tủm tỉm. Mấy lần bị những kẻ hận ả “tập kích” nện cho túi bụi, hai bên lao vào gầm rú xỉ vả, hung hăng giật tóc xé áo, người dân báo án gây rối trật tự, công an đưa họ về đồn tạm giữ, phạt cảnh cáo nhưng ả có chừa đâu? Thiên hạ chẳng tiếc lời dè bỉu, gọi ả “con phò”, nhiều năm rồi.

Ả tên thật là Tâm, chín tuổi mất mẹ, bố lấy vợ kế. Tâm tính ả từng trong sạch, hết lòng thương con Tuệ – đứa em kém hai tuổi, ráng chăm lo cho nó, sợ mẹ kế không tốt sẽ khiến em khổ. Cứ vậy đến khi bước sang tuổi mười sáu, sau biến cố trời giáng, ả nổi loạn, bắt đầu những ngày tháng bỏ nhà đi bụi. Qua mấy năm tiếp ả tròn hai mươi, có kẻ rủ buôn bán ma túy, chưa kịp sa chân vào tội lỗi thì nghe tin người bố ở nhà “tắt thở”. Đứa em thút thít gọi ả về, cực chẳng đã đành quay lại… Rốn thêm đôi năm ở nhà lo cho em lấy chồng xong, ả rời bỏ nơi “chôn nhau cắt rốn” lên thành thị bỏ bùa đàn ông, thay tên đổi họ thành Kiều Duyên, làm việc tại quán karaoke khá nổi tiếng. Sắc vóc bỏng mắt của ả không khó để khiến ông chủ thèm muốn, chỉ là không hiểu sao chưa đến vài tháng ả đã bỏ việc, bắt đầu công cuộc lang chạ tự do như gái điếm trong mắt người đời suốt mấy năm thanh xuân… cho đến khi ả gặp thằng Đần.

2.

Thằng Đần hùng hục như trâu húc mả. Ai bảo gì nghe nấy, chẳng quản người ta bắt hắn làm nặng gấp mấy lần kẻ lao động bình thường, vắt kiệt cái sức vốn sung đến vô lý của hắn. Hai mươi chín tuổi, vạm vỡ, mỗi lần gồng mình khuân vác cả tạ vật nặng lên vai là cơ bắp nổi cuồn cuộn, da dày màu đồng nhễ nhại mồ hôi dưới tiết trời cháy bỏng, quần áo te tua càng làm hắn trông lạc loài với những thanh niên cùng trang lứa. Hiếm khi hắn đau ốm, kể cũng lạ, dù lăn lộn như con thú hoang dã, ăn bụi nằm bờ không có nơi nào thực sự là chỗ cho hắn bấu trụ.

Hắn tên Sáng, từ trong bụng mẹ đã bị bố bỏ rơi, vẫn được sinh ra. Hắn chưa tròn tuổi thì mẹ đi bước nữa. Sáng theo mẹ về nhà dượng. Kể ra bố dượng đối xử với hắn chẳng tệ. Ông là thầy giáo làng. Ở cái thôn nghèo bé tí ấy thì dượng của hắn được coi như có tri thức nhất, phải tội phúc ông mỏng, gần bốn mươi mới lấy vợ nhưng chưa tới mấy tháng thì vợ chết, sau có người mai mối cho ông với mẹ của Sáng, ông gật đầu mà mẹ Sáng cũng ưng bụng. Họ về sống với nhau hai năm thì có con riêng. Em trai chào đời, Sáng mừng đến nỗi cả ngày quẩn quanh bên mẹ nhìn em bú tí, cười khanh khách. Biệt danh “Bu Bu” của em trai cũng do hắn nựng nịu gọi mà thành. Tên em hắn là Du.

Mười ba tuổi, hắn đưa em lên đồi nhặt củi. Sườn đồi dốc, gồ ghề lởm chởm. Đeo củi còng lưng, dù cẩn thận nhưng thằng Du vẫn suýt ngã dập đầu. Hắn nhanh tay lẹ mắt giữ em lại, chẳng ngờ phía dưới chân sụt một cái, mất đà, ngã. Dây buộc củi đứt phựt, củi rơi tứ tung, hắn được tảng đá chặn lại nên không lăn sâu xuống dưới, ơn giời! Khổ nỗi, mạng không mất nhưng cái trí khôn thì từ đó mất hút. Đầu hắn va đập mạnh, thủng một lỗ do cạnh của tảng đá chọc vào. Thằng Du sợ vỡ mật, không kịp biết anh Sáng sống chết thế nào đã quăng củi trên lưng ù té chạy thẳng về kêu gào dân làng, bố mẹ đi cứu. Cấp cứu ở viện huyện, thằng Sáng vớt được cái mệnh, âu cũng là trời còn có tình. Khổ nỗi… từ đứa trẻ lanh lợi, hắn trở nên ngờ nghệch, ngọng nghịu, chỉ có cái nết là không thay đổi, vẫn chịu khó đỡ đần bố mẹ, vẫn thương thằng Du, thậm chí biết điều hơn nữa. Ngày trước có khi hắn còn bướng bỉnh cãi người lớn, túm tụm trẻ con trong làng đi chọc phá hàng xóm làm vui, ấy vậy mà sau khi đầu óc bị thương tổn, ngoan một phép.

Thằng Du xót anh, bảo: “Anh nghỉ tay đi, làm sau. Có ai bắt ôm đồm hết việc vào mình thế này đâu?”. Hắn gãi ót, rặn từng chữ: “Kh…ông làm… ăn không ngo…n”.

Du chịu thua, xắn tay hỗ trợ. Mẹ, dượng hắn nhìn con đã mất khôn, chẳng đành ghét bỏ, nén tiếng thở dài. Thôi thì trời cho gì nhận nấy. Con vẫn là con. Ngờ đâu, năm thằng Sáng mười chín tuổi cùng Du đi chợ huyện, vốn đã dặn anh phải theo sát bên mình, chẳng biết sơ sẩy thế nào lạc mất nhau. Khi thằng Du phát hiện đã muộn, nhớn nhác chạy khắp cả chợ tìm gọi, không thấy. Thông báo về nhà, cả bố mẹ ráo riết tìm cũng không ăn thua. Người ta bảo: “Thằng Sáng đần như thế khéo bị kẻ xấu lừa đi rồi”. Dượng hắn nhờ đến công an. Hi vọng, chờ đợi… Mẹ hắn khóc cạn nước mắt. Dù gì cũng là máu thịt của bà, bà không thương sao đành. Thằng Sáng mất tích từ đó.

***

Qua chục năm, hắn vẫn sống, trôi dạt, bơ vơ. Kể ra đời còn nhiều kẻ có lòng nhón tay làm phúc cho hắn tí cơm thừa canh cặn, từ thiện chút đồ ăn mặc, cho hắn lao động tay chân kiếm miếng lót dạ qua ngày. Hắn lang thang chợ này phố nọ, qua không biết bao nhiêu tỉnh thành, vật vờ như cái bóng cô độc nhưng dai sức, nhếch nhác mà chưa lần nào làm chuyện thất đức, đói rét đến mấy cũng không cướp giật của ai cái gì. Hắn chất phác trong cái sự “đần” đến là quy củ, coi biệt danh “thằng Đần” trong miệng thiên hạ thành tên của mình.

Bà chủ quán vỉa hè cho hắn cái bánh rán, tốt bụng dặn: “Đi đường phải cẩn thận, thấy xe cộ là tránh ra nghe không?”.

Hắn gật đầu. Thế mà vẫn suýt chết vì tai nạn đường bộ. Nườm nượp phương tiện, với thằng Đần cũng chỉ là con cào cào, con muồm muỗm trên ruộng lúa đang bay qua bay lại. Hắn dớ dẩn băng qua đường, tí nữa thì đi “chầu trời”. Có anh Khôi – cảnh sát giao thông vội chạy ra ngăn, chưa kịp trách phạt đã nhận thấy đầu óc hắn không bình thường, thở dài, tử tế đưa hắn qua đường. Song, nghĩ thế nào lại thấy không yên tâm, đành dẫn về, giới thiệu hắn tới trung tâm tình thương. Chuyện này chẳng nằm trong phận sự của anh, nhưng cái nhân đạo ở con người đôi khi chỉ có thể giải thích bằng tính nhân đạo. Lòng trắc ẩn của anh Khôi, hắn không hiểu nhưng rất ngoan, cúi đầu gặm bánh chưng được anh mua cho. Người phụ trách ở mái ấm tình thương chào đón hắn. Thằng Đần có nơi sinh hoạt, gặp những người cùng cảnh, chẳng phải là thằng đần duy nhất. Thầy cô dạy kỹ năng sống cho người khuyết tật trí tuệ, hắn dần hiểu thường thức đơn giản, không thể thông minh nhưng đã bớt tối dạ, nói chuyện tròn vành rõ chữ phần nào. Hơn ba năm trôi qua yên ả, hắn vô tình làm bị thương người bạn ở trung tâm, sợ hãi tột độ nên trốn đi, lại trở về chuỗi ngày lang bạt.

Hắn gặp ả.

3.

Hai kẻ trái ngược nhau như hai thái cực quẩn vào trò đùa số phận. Buổi tối mùa đông lạnh ngắt, mưa lây phây như cắn vào da thịt, ấy vậy mà ả vẫn đến nhà nghỉ làm cái công cuộc lặp đi lặp lại bao năm. Gã chủ cũ ở quán karaoke ả từng phục vụ hưng phấn thái quá, thô bạo do ngấm men rượu. Chiều chuộng nhu cầu sinh lý của gã xong, ả đau nhừ thân xác, vết bầm ứ lại, cau mặt nguyền rủa kẻ mới nãy còn vục đầu như thú đói. Gã thỏa mãn lăn ra ngáy. Ả ghét cay ghét đắng, cầm tiền bình thản quay lưng, nhủ: Thằng cha này là cây hái tiền, cặp kè với gã chẳng thiệt. Nhịn.

Ra khỏi nhà nghỉ, khuya khoắt. Một phút ả cũng không muốn ở lại hít thở chung bầu không khí với gã. Mấy năm trước thằng cha lợi dụng Kiều Duyên để lấy lòng khách sộp, mà ả thì chúa ghét việc bị dắt mũi. Ả bỏ làm, gã mò theo, rỉ tai: “Anh sẽ ly hôn, rước em về làm bà chủ”. Buồn cười, ả tự xỉ vả, mình cũng có tư cách ghê tởm kẻ khác cơ đấy?

Quá khuya, ánh đèn vàng vọt ngoài đại lộ soi đến con hẻm, lờ mờ. Bóng cây lù lù bất động như đang úp lên người nặng trĩu. Cái thùng rác lục cục, ả liếc mắt, chắc mèo hoang động dục hành sự? Bất chợt thấy sống lưng lạnh toát, bản năng mách bảo nguy hiểm khiến ả vội quay lại, hai thằng người vây lấy. Chúng bịt khẩu trang, mũ kéo xuống, trong tay có hung khí. Đường vắng, kêu ai cứu? Ả gượng cười, cố giữ bình tĩnh, mồi chài:

– Các anh… có muốn vào kia cùng em…

– Con điếm. Chết đi! – Một thằng xông vào nện mấy cái lia lịa bằng gậy gỗ, ả ngã xuống.

– Dám quyến rũ bố ông. Cho mày chết. Cho mày chết! Chó má!

Ả la hét. Một tên hăng tiết hành hung, tên còn lại chực bịt miệng ả. Sau thùng rác bỗng lao ra cái bóng đen nhanh như chớp húc cho chúng lảo đảo. Kẻ côn đồ chưa kịp phản ứng, bóng đen không sợ chết húc tiếp, giằng co hỗn loạn. Ả kinh sợ, co rúm. Vật bén nhọn từ tay côn đồ đâm về phía ả, bóng đen loạng choạng thế nào lại chắn ngang ngăn cản, hứng trọn nhát sâu vào bụng. Máu đổ. Hai kẻ thủ ác kéo nhau lên xe chạy biến. Ả cũng lập cập muốn trốn: “Không biết gì hết! Không biết gì hết!”. Tập tễnh chạy, càng nhanh càng tốt.

Thằng Đần nằm trên con hẻm buốt lạnh, máu như đông lại sền sệt, rên rỉ không thành tiếng. Có lẽ hắn chẳng ý thức được cái gì gọi là chết, liều mạng cũng thật vô lý. Ả không biết thằng Đần, nhưng hắn mấy lần thấy ả. Hắn ngủ sau thùng rác cả tuần rồi, lén xem ả ngồi xuống trò chuyện với mèo hoang, xé bánh cho nó ăn. Hắn thèm được như con mèo ấy…

Ả hổn hển, chân nặng trĩu không thể lết thêm về phía trước, quay đầu nhìn lại. Cái bóng đen kia vẫn nằm đó. Ả tập tễnh trở về hiện trường…

Thằng Đần được chuyển lên xe cấp cứu, may mắn vết thương không chí mạng. Hắn nằm viện, chẳng có thân nhân, ả đành chăm sóc, coi như báo ơn. Cái mạng của ả dù sao cũng được hắn che chở. Thở dài. Ả chẳng phải kẻ lương thiện, người đời thấy Kiều Duyên chỉ hận không thể lột xác loại phụ nữ bẩn thỉu này, chưa ai bênh vực, nói gì đến xả thân cứu giúp trong hoạn nạn? Thằng Đần đúng là đần thật, ngu thật. Thiên hạ mà có mấy thằng ngu như thế có khi xã hội lại lành hiền đi ít nhiều. Ả cười.

***

Thằng Đần khỏe lại, ả toan đường ai nấy đi. Trước cổng viện, ả dúi cho hắn cái túi có vài bộ đồ mới, khăn mặt, lương khô, lon nước, giấy vệ sinh, đôi triệu bạc nhưng toàn tiền lẻ. Dặn:

– Nhớ chưa? Cái túi phải đeo trước ngực thế này, ôm chặt vào, đừng để người ta giật.

Rồi ả chỉ vào người hắn:

– Đồ bẩn thì phải thay, bộ thay ra thì cất đi, thấy ai tốt thì xin họ tí nước rửa ráy, giặt qua cho sạch, tiền trong này đừng cho ai thấy, muốn ăn gì phải xem người nào lành lành mà nhờ mua, chỉ lấy một tờ đưa người ta thôi, nghe chưa?

Thằng Đần ngơ ngác.

– Nghe chưa?

– Nghe rồi…

– Nhắc lại xem nào!

– …

Im tịt.

– Nhắc lại đi.

– Duyên… không… đi cùng thằng Đần… à?

Ả ngớ ra:

– Đi cùng anh làm gì? Tôi phải sống cuộc đời của tôi! Anh cũng thế. Đi đi!

Thằng Đần ôm túi đồ, nhìn ả bằng đôi mắt sạch sẽ. Gương mặt hắn từ hôm được Kiều Duyên chăm sóc ở viện đến giờ không bị dơ bẩn. Ả tiếc thay hắn, giá kể đừng ngu thì ngoại hình này, cái nết này sẽ có tương lai. Tội nghiệp hắn, nhưng ả không phải nhà cứu trợ, chỉ muốn dứt nợ cho rảnh.

Thằng Đần lủi thủi nhích từng bước, ả vẫy xe taxi rồi ngồi lên, liếc mắt thấy tên kia đứng đực mặt nhìn về phía này như chó lạc chủ. Đàn ông kiểu nào mà Kiều Duyên chưa từng gặp: đạo mạo, tiểu nhân, gian manh, hào hoa. Riêng loại như thằng Đần thì lần đầu thấy: ngây ngô, ánh mắt không tạp niệm, cũng biết xấu hổ, tốt tính. Khi hắn ở viện, biết giúp đỡ mấy bệnh nhân cùng phòng. Lúc ả mang cơm cho, hắn mở ra nhưng không cắm đầu ăn ngay, bụng sủi ùng ục vẫn đưa bát cho ả. Hắn cho rằng ả cũng đói. Kiều Duyên chỉ cười. Bà bệnh nhân bên cạnh nói: “Nhiều người thông minh còn không được như nó đâu cháu ạ!”. Xe chạy, bóng thằng Đần mỗi lúc một nhỏ bé, hắn vẫn ngờ nghệch trông theo. Ả biết mình vướng phải cục nợ to đùng rồi, kêu taxi dừng lại.

Cuối cùng… không đành bỏ rơi hắn.

4.

Thằng Đần được ả cưu mang, tìm cho việc làm ở chợ. Với ả, hắn chỉ đơn giản là thằng đần, không sợ ai dị nghị. Dân quanh đây còn lạ gì “con phò”? Ả mỗi đêm đều “đi làm ăn”, ban ngày chủ yếu ngủ dưỡng sức, còn thằng Đần đi bốc hàng cho dân buôn, xong việc tự về, quen đường quen nẻo. Đời ai biết chữ ngờ mà tránh? Ở lâu sinh tình, buồn vui ả có chỗ kể lể, từ khi nào quen hơi ấm của thằng Đần mỗi khi hắn vụng về dỗ: “Duyên đừng khóc”, hỏi ả: “Duyên đau à?” rồi thổi những vết bầm tím do ả bị đàn ông bạo lực lúc làm tình. Đời người phụ nữ như ả, xét cho cùng vẫn chỉ là cánh bèo trôi dạt mong một chỗ yên bình đậu lại, sinh sôi cho đến khi héo rũ mà thôi. Ả quá mỏi mệt với những cuộc truy hoan phù du, bất cần bấy lâu cũng bào mòn tâm lý ả rồi.

Gục đầu vào vai thằng Đần, khóc. Ả tưởng mình đã cạn nước mắt kể từ ngày bị chính cha ruột cưỡng bức ấy. Nhục nhã, cay đắng và đau xót…

Minh họa: Nguyễn Văn Cần

Ả trở thành nạn nhân của bố đẻ trong lần gã say rượu loạn tính. Năm đó, Kiều Duyên mới mười sáu, bố ả đang độ tráng niên. Gã lấy vợ ở tuổi đôi mươi, đi thêm bước nữa sau khi mẹ ả qua đời. Vợ kế và gã bất hòa. Sung sức không chỗ giải tỏa, gã nốc rượu, hóa thú. Sự việc kinh hoàng đó chẳng ai biết. Tội tày trời, gã cũng sợ hãi và dằn vặt, hối hận. Ả ghê tởm tận xương tủy, sao có thể chấp nhận gã là cha mình nữa? Nếu không vì còn bảo bọc em Tuệ, ả sẽ ra đi vĩnh viễn. Gã bố sau lần đó không tái phạm hành vi thú tính nữa. Ả ngậm chặt miệng, cố dỗ mình nguôi ngoai song vẫn bị nhấn vào địa ngục, hễ nhắm mắt là thấy cảm giác tởm lợm. Không cách nào dỗ dành cái thân xác đã ô uế. Điều kinh khủng chưa chấm dứt. Ả có chửa. Mười sáu tuổi nói nhỏ không nhỏ, nói lớn cũng chẳng lớn bao nhiêu, thiếu kinh nghiệm, nào hay cái thai đã lớn dần trong bụng? Đến khi giật mình nhận ra thì đã qua bốn tháng, không giấu được những con mắt lõi đời của thiên hạ và bà mẹ kế, lời lẽ thị phi gì họ cũng nhổ ra được. Gã bố sợ tái mặt. Mụ vợ tưởng gã chồng sốc vì con gái mất nết, dè bỉu: “Đấy! Thế này bảo chúng ta giấu mặt vào đâu hả giời? Ăn bờ ở bụi với thằng nào mà cái bụng ễnh ra. Nhục nhã!”. Gã bố đờ đẫn, cũng tuyệt vọng lắm, chỉ muốn lao đầu vào đâu chết quách cho giải thoát. Chưa kịp nghĩ cách xử lý đã nghe tiếng hét thất thanh của con Tuệ từ phòng chị gái, gã hoảng hốt lao đến. Ả tự tử. Được cấp cứu kịp thời nhưng cái thai sẩy, để lại di chứng khiến ả vô sinh. Ý chí sống tàn lụi, cuộc đời tan nát. Hận! Nhưng có hận thế nào cũng chỉ mình ả phải chịu thương tổn. Gã bố đã tai nạn chết. Ả trả thù ai? Sa đọa mười năm rồi… không gì cứu vãn nổi.

Nước mắt chảy ròng…

– Đừng… đừng khóc. Sao Duyên… lại khóc?

Thằng Đần thương ả. Hắn không ý thức được mình thương ả, nhưng thấy Duyên khóc, hắn đau. Thấy Duyên đi qua đêm, hắn nhớ. Ăn cơm thiếu Duyên ngồi chung, hắn tự hỏi “Duyên đã ăn chưa?”. Nhìn ả ăn mặc gợi cảm ra khỏi cửa lại buồn, dù chẳng biết đang buồn cái gì. Ả đi làm đêm về, hắn vui vẻ chuẩn bị bữa sáng cho người ta. Hắn thương Duyên như thế đấy!

Ả cay đắng lắc đầu. Thằng Đần thanh sạch quá! Người đàn ông thanh sạch như hắn sao có thể hiểu được cái bẩn thỉu của ả? Ả gượng đứng dậy. Thằng Đần vội bước theo, bị đập vào lưng Kiều Duyên.

– Duyên đi tắm. Đừng theo.

Hắn nghe lời, chờ ả đi ra với hương thơm thoang thoảng của sữa tắm, chờ ả lên giường ngủ, hắn buông màn cho người đang cuộn tròn trong đó. Duyên không đi qua đêm, hắn nghĩ, cười ngây ngô.

– Đần có thích Duyên không? – Ả thở nhẹ, ngồi dậy nhìn hắn, đột ngột lên tiếng.

Hắn gật.

– Có muốn làm người đàn ông của Duyên không?

Hắn vẫn gật.

Ả cười. Có lẽ hắn chẳng hiểu ả nói gì. Nhưng… ả xấu xa với hắn được không? Kiều Duyên kéo tay hắn… Thằng Đần mờ mịt cúi xuống, đối diện gương mặt mộc xinh đẹp của ả. Hắn ngơ ngác, ả thấy bóng mình trong đôi mắt trong sáng của Đần. Màn rũ xuống, lần đầu tiên hắn được chung chăn với Duyên.

5.

Bên nhau hơn một năm, ả mất tích.

Trong hơn một năm đó, ả ngừng hẳn làm “phò”, cùng hắn chuyển đến nơi khác, dùng số tiền tích góp mua căn hộ nhỏ ở thị trấn, nương tựa nhau. Ả muốn yên ổn cùng thằng Đần. Hắn đối với Duyên vô cùng tốt, như bến đỗ bình lặng bao dung lấy cánh bèo trôi, ôm Duyên của hắn trong vòng tay ngây ngô căng đầy hơi ấm và tôn trọng. Ả tháo vát, hắn cũng kiếm ra đồng tiền lao động chân chính, biết tự mua cho ả cái kẹp tóc, cái vòng tay khi đi qua chợ. Ả chưa bao giờ thấy món quà nào đẹp đẽ như quà của hắn.

– Đần ga lăng thế này nhỡ bị cô nào cướp đi mất thì Duyên biết tìm ở đâu?

Hắn khờ khạo vuốt tóc ả, lẩm bẩm:

– Đần không theo ai đâu.

Hắn đã bớt ngốc, giao tiếp đơn giản không khó, thi thoảng mới bị nhát gừng. Ả rúc đầu vào ngực hắn. Giờ, Duyên bán hàng tạp hóa, có người chồng đần đần mà đáng tin cậy, chẳng ai ở đây biết quá khứ của ả, họ mỉm cười thân thiện. Nhưng, ngày vui như vệt nắng chiều tà hắt qua đỉnh núi, mặt trời lặn xuống là mất hút.

Định mệnh chia cắt ả với thằng Đần như bản án nhân quả mà luật đời trừng phạt cho những lầm lỗi xưa kia của ả. Sớm hôm ấy, thằng Đần vào thị trấn lấy hàng. Mọi khi đến giờ là về. Buổi đó, hết ngày vẫn không thấy bóng hắn. Ả sốt ruột. Trời tắt nắng, cảm giác bất an trào dâng. Gọi điện, thông báo “thuê bao…” liên tục. Ả lo lắng muốn khóc…

Tối muộn, thằng Đần về. Sau lưng có hai người một nam một nữ theo tới. Vừa bước vào cổng, hai người phía sau đã hốt hoảng. Có chuyện. Hắn phản ứng chậm, nhưng từ khi gặp Duyên cũng sáng dạ hơn, vội lao vào trong nhà sục sạo mọi ngóc ngách, miệng không ngừng thì thào: “Không thấy Duyên… không thấy Duyên”.

– Anh Sáng…

– Chị ơi…

Hai người bên cạnh bủn rủn trước mớ hỗn độn, máu vương trên nền gạch, đồ rơi tung tóe dưới đất. Không ai biết cách đó một tiếng, có hai kẻ chụp bao tải lên đầu ả, bắt cóc. Duyên kháng cự, vớ được chai bia trên kệ hàng, chưa kịp nện vào hung thủ đã bị gã giật lấy đập choang vào đầu ả, nước bia cùng máu ào ạt chảy, ả choáng váng, xụi lơ. Hung thủ ôm vội lên xe tải mang đi…

Những ngày sau, hắn như kẻ mất hồn ngồi đợi Duyên của hắn, chẳng dám đi đâu, sợ Duyên về không gặp. Cái lần về muộn đó, là sự cố. Hắn lấy hàng ở chỗ quen, bị cuốn vào vụ xô xát, rơi hỏng điện thoại. Nào ngờ từ đây, có người nhận ra hắn là người từng mất tích ở chợ huyện, liền báo cho công an. Vợ chồng thằng Du hối hả thay mẹ đến xác nhận. Bố dượng hắn năm ngoái bệnh nặng đã mất, mẹ đang ốm, ở nhà. Vừa trông thấy Sáng, Du đẫm nước mắt, nghẹn giọng gọi “anh”. Hắn há miệng theo bản năng phát ra hai tiếng “Bu Bu”. Cô em dâu bên cạnh rơm rớm lệ, vừa mừng vừa tủi, trong sâu thẳm cũng hy vọng sẽ có ngày đoàn tụ với người chị đã bỏ đi biền biệt của mình. Vợ chồng Du muốn đưa Sáng về nhà, hắn không chịu. Hắn nhớ Duyên, phải mau về với Duyên thôi. “Ông nói gà bà nói vịt” mãi mới biết có người tên Duyên đợi hắn. Duyên là ai? Hắn mở túi đeo trên hông, lấy bức ảnh đôi của hắn và ả cho vợ chồng em trai coi. Vợ của Du vừa nhìn, chết lặng…

***

Công an bắt được đối tượng của một vụ trọng án. Hung thủ chính là hai kẻ côn đồ từng tập kích Kiều Duyên trong hẻm và đâm trúng thằng Đần. Một lần tới thị trấn X. thực hiện phi vụ buôn lậu, chúng tình cờ gặp ả khi vào mua thuốc lá, bèn hạ thủ với ả. Ả bị trói trong kho hàng, chúng thay phiên cưỡng hiếp, tra tấn. Chẳng ngờ lơ là một chốc, kẻ thân tàn ma dại như ả lại có thể ngoan cường trốn được…

Đần và vợ chồng Du nhận tin từ phía công an, đã tìm thấy ả.

Trời vào xuân. Căn nhà hoang và đống rác thải cạnh đó bốc mùi nồng nặc, hun cho người ngạt thở. Xe ô tô chở tốp thân nhân đi đón ả dừng lại trên lề đường. Đần hấp tấp đi xuống khoảnh đất đầy rác thải, hướng đến căn nhà hoang xập xệ.

Hắn xuất hiện như những tia nắng mùa xuân đầu tiên khẽ khàng chạm lên hoa cỏ mơn mởn, không đường đột, hoa cỏ chẳng giật mình, hạt sương mai lắc lư trên phiến lá xanh mềm mại.

Trong góc kia, người phụ nữ bẩn thỉu cuộn mình trên đống vải rách. Ả không còn ra hình ra dạng nhưng hắn vừa chạm mắt đã mừng rỡ nhận ra Duyên của hắn. Tiếng hít thở bỗng trở nên nhẹ bẫng. Hắn khẽ khàng bước đến, sợ Duyên giật mình sẽ biến mất.

Ả mở mắt…

Hắn ngồi xuống…

Như đã chạm đích đau thương của cả đời người, những tia sáng phía trước le lói.

Bàn tay đang sờ lên mặt ả, ấm áp. Hắn cười. Ả cũng cười…

VIÊN NGUYỆT ÁI

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Tường ảo

Bức tường tối đen. Tôi có thể cảm nhận qua tiếng còi xe. Có ba mặt tường. Bên ngoài mỗi mặt là một thế giới khác nhau. Mặt vẽ hình đầu người là một trong ba bức tường ấy…

Cây cô đơn

Cây cô đơn có tự bao giờ và vì sao người ta gọi là cây cô đơn. Chắc có lẽ, cây cũng như người, khi đơn lẻ, cô độc giữa thế gian rộng lớn thì cũng chỉ như một minh chứng về sự hiện hữu…

Tấm áo Điện Biên

Cha mang trên mình tấm áo Điện Biên
Áo trấn thủ với bao đường ngang dọc
56 ngày đêm lấn từng thước đất
Xẻ dọc chiến hào siết chặt vòng vây.