Mắt phố

(VNBĐ – Tản văn). Nếu những ngôi nhà trên phố được liên tưởng như một “khuôn mặt” nào đó thì có lẽ những ô cửa sổ tựa như đôi mắt. Đi dọc theo phố, tôi thường ngước nhìn những “đôi mắt phố” và thầm đoán có gì phía sau những ô cửa đa sắc màu kia?

Sáng sớm, những đôi mắt phố he hé mở như còn ngái ngủ với mộng mị đêm qua. Có lẽ chủ nhân của những ngôi nhà cũng mới vừa tỉnh giấc và chưa kịp mở cửa sổ. Họ còn nấn ná vài phút trên giường, thầm điểm ra những việc cần làm cho một ngày mới. Đôi khi, cũng chỉ là muốn giữ những phút giây hiếm hoi để nghe rõ tiếng chim lích rích chuyền cành ngoài song cửa. Một lát nữa thôi, những thanh âm trong trẻo kia sẽ bị chìm đi trong nhịp sống ồn ã của thành phố.

Buổi trưa, dù bất cứ mùa nào trong năm, người trong nhà cũng sẽ mở tung cánh cửa sổ đón nắng, gió, không khí của bên ngoài tỏa vào trong phòng. Lúc này, “đôi mắt” mở to ngắm phố đông người qua, ngắm những tất bật mưu sinh đang chảy xuôi ngược ngoài kia… Cuộc sống thay đổi cũng kéo theo sự biến đổi “dung nhan” của những ô cửa sổ xưa cũ. Phần lớn các nhà mặt phố thường lựa chọn cửa kính đóng mở theo chiều đẩy “lên – xuống” chứ không còn cách đóng mở cửa “ra – vào” như trước.

Chiều đến, những cánh cửa sổ được đóng vào một chút để chủ nhân ngôi nhà tận hưởng những giây phút quây quần ấm áp bên mâm cơm gia đình. Sẽ có ríu rít, sẽ có ấm áp yêu thương, nhưng cũng không thể tránh khỏi sẽ có những căn bếp lạnh hắt hiu…

Đêm, kết thúc một ngày với bao vui buồn, từng đôi mắt phố dần khép mi trả lại khoảng không gian tĩnh lặng cho mỗi người. Sau một ngày với bao dự định, có việc ta đã thực hiện và có những điều vẫn còn chờ đợi trong tương lai. Nhưng dù vui hay buồn cũng đã qua một ngày.

Mỗi thành phố mang phong cách kiến trúc khác nhau. Những “mắt phố” Hà Nội mang trong mình một chút bí ẩn của văn hóa phương Đông, một chút dịu dàng thanh lịch của đất nghìn năm văn vật. Phố Hà Nội chủ yếu là những ngôi nhà mang đậm lối kiến trúc cổ điển kiểu Pháp. Tôi yêu những khung cửa sổ bằng gỗ, thường sơn màu nâu hoặc màu xanh lá đậm trên những con phố cổ kính của Hà Nội như Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Trần Phú, Lê Hồng Phong, Khúc Hạo… Dường như, không chỉ mình tôi, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp nhiều người tự cho phép bản thân tạm quên đi áp lực cuộc sống để có những phút giây sống chậm. Họ thả bước nhẩn nha ngắm phố, chụp hình lưu dấu những thời khắc chuyển mùa khác nhau trong năm, ngắm những ô cửa sổ khép – mở phảng phất kỷ niệm. Thật kỳ thú, mắt phố Hà Nội không thể lẫn với một nơi nào khác…

Sài Gòn cũng mang kiến trúc của Pháp nhưng dường như rất hiếm gặp những con phố cổ kính như Hà Nội. Các công trình còn lưu dấu kiến trúc cổ của Pháp tại Sài Gòn có tuổi đời trên trăm năm luôn hấp dẫn du khách tới thăm như: Nhà hát lớn, Nhà thờ Đức Bà,  Bưu điện Thành phố, chợ Bến Thành, trụ sở UBND Thành phố. “Mắt phố” của Sài Gòn trên các đường phố khác mang nét hiện đại, trẻ trung và năng động như cuộc sống nơi đây.

Nói đến “mắt phố”, chúng ta không thể không nhắc tới những “môn thần” ở phố cổ Hội An. Đi dọc theo các tuyến phố trong lòng Hội An, dễ dàng bắt gặp những “mắt cửa” được làm bằng gỗ, chạm khắc rất công phu nơi cửa chính của các ngôi nhà. Những “con mắt cửa” chính là nét văn hóa tâm linh đặc sắc của người dân nơi đây bởi vừa là vật trang trí, vừa để trừ tà và mang đến sự an lạc cho chủ nhân ngôi nhà.

Đời người dặm dài năm tháng. Có những khoảnh khắc rời đi, tôi ngước nhìn khung cửa sổ thân quen. Nơi ấy, đọng lại bao kỷ niệm vui buồn. Ánh mắt đầu tiên tôi chạm vào khi trở về từ nơi xa cũng là ô cửa với bóng hoàng lan la đà trong sương khói heo may. Có những khi, tôi trở về phố cũ, lặng ngắm ô cửa sổ của ngôi nhà xưa, lòng chợt thương về những tháng ngày vô ưu bên cha mẹ và anh trai.

“Mắt phố” khép – mở mỗi ngày, chứng kiến bao thăng trầm của dòng đời. Dẫu năm tháng trôi, đời người luân lạc, nhưng mỗi khi trở về, “mắt phố” vẫn ở đó đợi ta. Đằng sau ô cửa là những câu chuyện kết nối từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Dường như, “mắt phố” của mỗi đoạn đường, mỗi góc phố đều ẩn giấu trong mình một thông điệp riêng. Và tôi tin rằng, dù đêm có dài bao nhiêu, bình minh cũng sẽ vẫn ló rạng. Mỗi sớm mai thức dậy, “mắt phố” lại mở ra để đón ngày mới với sắc thái tràn đầy năng lượng an lành.

* Ảnh minh họa: internet

VY ANH

(Văn nghệ Bình Định số 113 tháng 9.2022)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thơ dự thi của Lê Văn Hiếu

Ta lăn lóc đứng ngồi
Ta lên rừng xuống bể
Nay ta chín – ta vẫn là hạt gạo
Vẫn đăm đắm cánh đồng chiều
Vẫn thương câu hát gánh qua sông…

Mê Cung

Giây phút Minh nhận ra trái tim của mình cũng là một mê cung là khi cậu nhìn vào mắt người con trai đó. Bộ dạng nó áp sát vào người cậu như muốn tìm kiếm ở đó một sự chở che, nương náu và an ổn…