Mai Xuân Thưởng, sáng mãi đầu lĩnh phong trào Cần Vương

(VNBĐ – Bình Định mến yêu). Cuối tháng 5.2024, tại TP. Quy Nhơn, Sở VH&TT phối hợp cùng Sở KH&CN, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh, Trường ĐH Quy Nhơn, Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (Trung tâm ICISE) và Hội đồng họ Mai tỉnh Bình Định tổ chức Hội thảo khoa học “Mai Xuân Thưởng với phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX”. Tham gia hội thảo có nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu đến từ Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Viện Sử học Việt Nam, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển… Hội thảo đã làm rõ vai trò của Mai Xuân Thưởng trong phong trào Cần Vương, đồng thời đưa đến những kết luận liên quan đến hành trạng lịch sử hoạt động của ông và mở ra nhiều vấn đề cần đào sâu, nghiên cứu.

1.

Mai Xuân Thưởng sinh năm Canh Thân (1860), mất năm Đinh Hợi (1887), người thôn Phú Lạc, tổng Phú Phong, huyện Tuy Viễn, tỉnh Bình Định (nay là thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Ông là một trong những thủ lĩnh đầu tiên ở tỉnh Bình Định, ở khu vực Nam Trung kỳ và trên cả nước tham gia khởi nghĩa chống Pháp theo mệnh lệnh của vua Hàm Nghi trong dụ Cần Vương năm 1885.

Năm 1885, Mai Xuân Thưởng đậu cử nhân tại trường thi Hương Bình Định. Hưởng ứng chiếu Cần Vương, ông tập hợp đồng chí, xuất của nhà, nuôi quân, luyện tướng, chuẩn bị dựng cờ khởi nghĩa. Giữa tháng 9.1885, ông đem toàn bộ nghĩa quân của mình gia nhập quân của Đào Doãn Địch. Đào Doãn Địch tạ thế, ông trở thành người lãnh đạo phong trào Cần Vương Bình Định, chống thực dân Pháp vào cuối thế kỷ XIX, ông được nghĩa quân suy tôn Bình Tây Nguyên soái.

Hoạt động chống Pháp của nghĩa quân Mai Xuân Thưởng không chỉ ở Bình Định, mà còn mở rộng ra các tỉnh như: Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận… làm cho bộ máy cai trị của Pháp và tay sai khốn đốn, lung lay. Lo sợ vì sự lớn mạnh của phong trào, thực dân Pháp ra tay đàn áp khốc liệt.
Tháng 9.1886, thực dân Pháp thực hiện một kế hoạch tấn công, đàn áp trên quy mô lớn đối với phong trào kháng chiến ở Bình Định. Quân Trần Bá Lộc từ Nam kỳ đánh ra, bắt đầu từ Bình Thuận. Ở phía Bắc, từ Quảng Ngãi, Nguyễn Thân được Pháp viện trợ vũ khí, liên tục mở các cuộc phản công vào phía Nam. Quân Pháp đổ bộ từ biển. Nghĩa quân Cần Vương ở Bình Định rơi vào tình thế cô lập, bị kẹt giữa các lực lượng của Trần Bá Lộc, Nguyễn Thân và quân Pháp. Tháng 5.1887, Mai Xuân Thưởng cùng nhiều tướng lĩnh phong trào bị bắt.

Phong trào thất bại, biết không thể dụ hàng được Mai Xuân Thưởng, ngày 15.4 năm Đinh Hợi (1887), Pháp đã xử tử ông. Thi hài của ông được Nhân dân mai táng tại quê nhà thôn Phú Lạc, xã Bình Thành. Sau đó được cải táng tại ngọn đồi cao thuộc thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn, là nơi khi xưa Mai Xuân Thưởng chọn làm căn cứ chống Pháp. Đây cũng là nơi xây dựng di tích lịch sử Lăng Mai Xuân Thưởng để hậu thế tưởng nhớ vị anh hùng này.

2.

Có một số nguồn tư liệu cho rằng Mai Xuân Thưởng ra hàng địch chứ không phải bị bắt. Như theo sách Nhân vật Bình Định (NXB Gò Vấp, Sài Gòn, 1971), Đặng Quí Địch viết: “Tại đình Phú Phong tên đồ tể Lộc đã hạ độc thủ; bắt giam Mai mẫu, tra tấn dã man dân hai làng Phú Phong và Phú Lạc. Lộc bắn tin cho Mai công hãy sớm ra hàng, nếu không thì y sẽ giết Mai mẫu và làm cỏ dân hai làng… Một ngày trong tháng Tư năm nhuận năm Đinh Hợi (1887), ông ra nộp mình cho giặc tại đình Phú Phong”. Quách Tấn trong Văn tế Mai Xuân Thưởng ngày 21.01.1962, cũng đã viết: “Tang tóc đã nhiều, lòng chẳng nỡ kéo dài thế thủ/ Đành một thác cho tròn nghĩa vụ/ Trói thân nạp giặc/ Đức hy sinh nhuần thấm sơn xuyên”.

Tuy nhiên tại Hội thảo, nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra tài liệu cho thấy Mai Xuân Thưởng bị bắt chứ không phải “tự nộp mình cho giặc”. Trong đó, nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang đã nhắc đến Bản báo cáo của Tirant gửi Thống đốc Nam kỳ ngày 10.5.1887, được GS Charles Fourniau công bố trong bài viết: Cuộc kháng chiến chống Pháp ở Bình Định – Phú Yên (1885 – 1887) (đăng tạp chí Nghiên cứu Lịch sử). Bản báo cáo của Tirant ghi rõ: “Lúc ấy, Mai Xuân Thưởng có năm mươi người đi theo ông, trong đó có toàn bộ gia đình của ông: mẹ, vợ và những người phụ tá, kể cả em của ông. Bị vây hãm trong một làng Chàm (có thể ở Vân Canh) ngày 04.4, nhưng nhóm nhỏ này đã thoát ra được. Ngày 21.4, gia đình Mai Xuân Thưởng bị bắt, nhưng ngay đêm hôm sau ông lại giải thoát được. Nhưng đêm 30.4 rạng ngày 01.5, một trong những thủ hạ của Mai Xuân Thưởng bị bắt làm tù binh ngày 21 và được giải thoát đêm hôm sau, đã ra hàng và chỉ chỗ ở những người đang chạy trốn (ở chỗ của người Chàm và cách Phú Phong, quê quán của ông ba ngày đường). Lộc và Giảng đã bắt được Mai Xuân Thưởng ngày 04.5 khi ông đang trốn trong một cái hang núi Hòn Nhên ở làng Thang Ót, gần chỗ giáp giới Phú Yên và ngọn nguồn sông Côn”.

Lăng Mai Xuân Thưởng tại thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn. Ảnh: Cổng thông tin huyện Tây Sơn

GS.TS Phạm Hồng Tung (Viện Việt Nam học và KHPT, Đại học quốc gia Hà Nội) cũng nhất quán “Mai Xuân Thưởng bị bắt”, và ông dẫn ra công trình của Trần Trọng Kim: “Ở đây tôi chỉ xin bổ sung thêm, rằng ngay trong công trình Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, một trí thức thân Pháp, biên soạn từ năm 1919, xuất bản lần đầu vào năm 1920, cũng ghi nhận: “Ở mạn Bình Thuận, Phú Yên thì thiếu tá De Lorme và viên Công sứ Aymonier cùng với Trần Bá Lộc đem lính Tây và lính Nam kỳ ra đánh dẹp. Trần Bá Lộc dùng cách đánh dữ dội, chém giết rất nhiều, bởi vậy đất Bình Thuận không bao lâu mà yên; rồi đem quân ra dẹp đảng văn thân ở Phú Yên và Bình Định, bắt được cử nhân Mai Xuân Thưởng, Bùi Điền và Nguyễn Đức Nhuận đem chém”.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang khẳng định: “Theo chúng tôi, với nguồn tư liệu của Phủ Toàn quyền Đông Dương và những hồ sơ của Tổng Trú sứ Bắc kỳ và Trung kỳ, hồ sơ lưu trữ ở bộ Thuộc địa Pháp về Cuộc kháng chiến chống Pháp ở Bình Định – Phú Yên (1885 – 1887), là chứng cứ cơ sở khoa học xác tín anh hùng Mai Xuân Thưởng bị giặc Pháp bắt chứ không phải nộp mình như một số tác giả đã nhận định. Dòng lịch sử vẫn trôi chảy, các sự kiện tiếp tục diễn ra, những tình tiết được phô bày, nhưng tấm lòng yêu mến, kính ngưỡng những vị anh hùng của dân tộc vẫn mãi mãi trường tồn với non sông đất nước. Anh hùng Mai Xuân Thưởng dù có ra nạp mình hay bị giặc bắt, nhưng vẫn một lòng yêu nước thương dân, không đầu hàng giặc, là tấm gương sáng cho hậu thế noi theo”.

3.

Tại Hội thảo, vai trò của anh hùng Mai Xuân Thưởng của phong trào Cần Vương ở Nam Trung Kỳ, kéo dài từ Quảng Nam vào đến Bình Thuận những năm 1885 – 1887 được nhiều nhà nghiên cứu xác định “ông chính là thủ lĩnh tối cao”. Nội dung từ báo cáo của tổng đốc Thuận Khánh là Trần Bá Lộc gửi Giám đốc Nha Nội chính Nam kỳ, báo cáo đề ngày 17.5.1887 như khẳng định thêm vai trò của Mai Xuân Thưởng: “Mai Xuân Thưởng, thủ lĩnh tối cao của quân khởi nghĩa Nam Trung kỳ từ Quảng Nam đến Bình Thuận, đã bị bắt vào ngày 06 vừa qua và tất cả các phó tướng của anh ta cũng đã bị bắt hoặc quy hàng”.

Về khía cạnh này, nhà nghiên cứu Võ Nguyên Phong cho rằng: “Cần thảo luận thêm về những thông tin cho rằng, anh hùng Mai Xuân Thưởng khởi nghĩa chống Pháp chỉ vì muốn phục hồi một phong trào Tây Sơn tại Bình Định, đây là nhận định dường như chưa chính xác. Các chứng cứ cho thấy, đó có thể chỉ là một âm mưu chính trị nhằm hạ thấp vai trò của thủ lĩnh Mai Xuân Thưởng. Cần thêm nhiều nghiên cứu sâu hơn về thân thế và hành trạng Mai Xuân Thưởng trong lịch sử, tuy nhiên vẫn rất rõ để khẳng định, ông chính là linh hồn, là thủ lĩnh tối cao của phong trào Cần Vương phía Nam từ Quảng Nam đến Bình Thuận. Ngoài ra cần tiếp tục nghiên cứu sâu về các anh hùng Cần Vương khác ở Bình Định, làm rõ về những hành trạng của họ đối với cuộc khởi nghĩa ở Bình Định và Nam Trung kỳ”.

Một số tồn nghi về anh hùng Mai Xuân Thưởng đã có những góc nhìn chung từ Hội thảo. Cuộc khởi nghĩa do Mai Xuân Thưởng lãnh đạo tuy thất bại nhưng đã khơi dậy trong quần chúng Nhân dân truyền thống quật cường, tinh thần yêu nước sâu sắc, được thế hệ sau suy tôn. Ông Mai Thanh Thắng, Chủ tịch Hội đồng họ Mai tỉnh Bình Định, bày tỏ: “Chúng tôi mong rằng những tồn nghi về anh hùng Mai Xuân Thưởng sau khi được làm sáng tỏ sẽ được điều chỉnh trong những tư liệu lịch sử. Mong muốn Di tích Lăng Mai Xuân Thưởng sẽ được tôn tạo, đúc tượng thờ ông, bổ sung những tư liệu, hiện vật để phát huy giá trị là điểm đến giáo dục truyền thống yêu nước cho Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ”.

Kết luận tại Hội thảo, GS.TSKH Vũ Minh Giang – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, cho rằng: “Với nhiều nguồn sử liệu được các chuyên gia, nhà nghiên cứu, học giả cung cấp, thảo luận tại Hội thảo, cùng với những phân tích, đánh giá khoa học, logic đã xác định Mai Xuân Thưởng bị giặc Pháp bắt và xử trảm. Những ý kiến đóng góp còn lại tại Hội thảo cần có nghiên cứu sâu hơn trên tinh thần khoa học để có những nhận thức mới về Mai Xuân Thưởng cho đến thời điểm này…”.

ĐỨC LINH

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Vũ Ngọc Liễn: Kẻ sĩ “ham chơi”

Mỗi thời một khác, nhưng con người và sự nghiệp của Vũ Ngọc Liễn đã mặc nhiên xếp ông vào hàng kẻ sĩ. Phải, kẻ sĩ của đất Thang Mộc, quê hương mà ông dành trọn đời dâng tặng…

Vẻ đẹp quê hương Hoài Nhơn

Thị xã Hoài Nhơn nằm ở phía Bắc tỉnh Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn 87km, là cửa ngõ giao lưu kinh tế quan trọng ở phía Bắc tỉnh…