Mãi còn tình yêu người đến sau

(VNBĐ – Thơ và lời bình). Khi nghe tin nhà thơ Xuân Diệu đột ngột qua đời (18.12.1995), viết xong bài thơ Người khóc anh sau tất cả mọi người nhà thơ Lệ Thu ghi thêm lời đề tặng: “Kính tặng “đôi hồn thi sĩ” Xuân Diệu & Huy Cận) là có ý. Bà hiểu tình yêu Huy Cận dành cho Xuân Diệu không chỉ đôi hồn thi sĩ – bạn thơ thời Thơ thơ, Gửi hương cho gió, Lửa thiêng…, mà còn là tình yêu máu thịt: em gái Xuân Diệu, Xuân Như, là vợ Huy Cận. Xuân Diệu “giã từ cõi thực để vào hư” là lúc Huy Cận đang ở trời Tây: Cố vấn văn hóa Việt cho tổng thống Pháp trong chuyến đi công tác. Huy Cận đã gọi điện, yêu cầu đám tang Xuân Diệu chậm chút chờ ông về.

Tôi chú thích vậy để người đọc bài thơ hiểu sâu hơn hoàn cảnh nó ra đời.

Và nhà thơ bắt đầu: “Người khóc anh sau cùng/ có thể là người thương anh nhất”. Thực ra, tình thương/ yêu, dành cho một con người và dành cho văn chương không có khái niệm sau cùng. Đó chỉ là cách nói theo nghĩa đen, chuyện thời gian. Ở phía ngược lại, tôi nhớ 2 câu thơ của nhà thơ Hải Như khóc chủ tịch Hồ Chí Minh: “Ta đến muộn, đừng lo, Người vẫn đợi/ Với Bác Hồ, Người thương nhất kẻ đến sau”. Vấn đề là xuất phát điểm của thương/ yêu. Có tình yêu vô vụ lợi, cũng có tình yêu có mục đích. Có thể “khóc” thật vì yêu kính, nhưng là khóc để chứng tỏ mình, để…

Triết gia Phạm Công Thiện từng viết: “Độ lượng mà có mục đích, dù mục đích chỉ thuần túy độ lượng, thì độ lượng ấy không phải độ lượng thuần túy”. Cũng vậy, tôi hiểu rằng, tình yêu mà có mục đích, dù mục đích chỉ thuần túy tình yêu, thì tình yêu ấy cũng không phải tình yêu thuần túy.
Nhà thơ Lệ Thu (người đồng hương Xuân Diệu – Tuy Phước, Bình Định) viết về “người khóc sau cùng” (tức Huy Cận), đã từ liên cảm tâm hồn đến tâm hồn mà thấu tận hai thi sĩ, người còn, người mất. Bằng tình yêu. Cái khoảnh khắc nhà thơ lớn ra đi.

Bài thơ đi qua những lớn lao nhất, về thơ, về tình, của hai thi sĩ. Chẳng hạn, đây “con sóng” Xuân Diệu lớp lớp vô hồi tình yêu “đã hôn rồi hôn lại/ hôn mãi cát vàng em”: “biển sâu thẳm nên xốn xang nhường vậy/ quá thương bờ/ sóng vỗ khôn nguôi”. Rồi đây, 2 anh em Huy – Xuân : “Ơi người bạn đường thân thiết của anh tôi/ hãy về lại đất này như con trai của mẹ/ hãy thay anh bước qua cầu… khe khẽ/ nhịp cầu này anh nối những đời thơ”. Mấy câu thơ đơn giản ngữ nghĩa mà nói nhiều hơn lớp vỏ ngôn từ.

Vì sao có “con trai của mẹ”? Xuân Diệu con trai, Huy Cận cũng “con trai”. Không thấu hiểu không thể viết được như thế. Và lại trở về với Xuân Diệu: “nhịp cầu này anh nối những đời thơ” – cái nhịp cầu tre qua sông Gò Bồi xưa, rồi qua cửa sông Côn vào Quy Nhơn đi học, “nằm một đêm đò sáng tới nơi” – để Xuân Diệu bay thênh thang đường thơ của mình.

Vẫn dòng yêu thương thấu tận này, bài thơ tiếp tục: “Người thương anh/ thương cả vạn Gò Bồi/ thương từng chiếc lá me rơi/ thương cả mùi nước mắm/ thương thơ anh đằm nguyên vị mặn/ dẫu trọn đời tình tự với đơn côi”. Lá me, lá keo tuổi nhỏ Xuân Diệu; cả mùi hương nước mắm vạn Gò Bồi “Ông đồ Nghệ lấy o làm nước mắm”…, được Lệ Thu xúc động gắn với “trọn đời đơn côi”. Chị đã ngay từ đầu “có mặt” nhưng đến giờ mới hiện diện đúng nghĩa! Và từ đây, là chị, với Huy – Xuân, với quê hương: “Đây Gò Bồi – dòng nước thực hay mơ/ Sông hối hả như một đời thi sĩ/ Đồng lúa ấy ru hồn anh yên nghỉ/ Bầu trời quê ôm ấp dấu anh nằm”.

Sao tôi nói từ đây là chị? Có một chút kỹ thuật: nếu tất cả những câu thơ từ đầu chí cuối bài thơ chỉ viết hoa chữ đầu mỗi khổ, khổ thơ này khác. Tất cả chữ đầu đều viết hoa: Đây Gò Bồi, Sông hối hả, Đồng lúa, Bầu trời. Vì tất cả, đã hòa trong chị, khái niệm quê hương – đồng hương trong tình yêu lớn.

Tôi chỉ gợi mấy ý riêng mình. Bài thơ hay, tự nó đến với bạn đọc bằng con đường ngắn nhất. Xin trích thêm khổ cuối, nhà thơ lại hòa cùng Huy Cận, Xuân Diệu, để gửi tới mai sau, tới những người yêu thơ: “Phút cuối cùng gửi lại quê hương/ tình bạn ấy/ một đời anh ôm ấp/ Xin dịu nhẹ khăn mềm lau nước mắt/ người khóc anh sau tất cả mọi người”. Tất nhiên, tiếng khóc cả chị nữa trong bài thơ, mãi mãi không bao giờ là “người khóc” sau cùng.

Thơ bây giờ đang nỗ lực cách tân, đổi mới. Đương nhiên, khái niệm văn hóa cũng không bất biến, huống chi. Tìm tòi mới trong thi ca để theo kịp thời đại là cần thiết, là quyết liệt. Nhưng thơ còn nguyên thiên chức: góp phần làm cho cuộc sống đẹp hơn, con người đẹp hơn. Tôi vui mừng trước những tìm tòi mới và tôi cũng thực sự xúc động khi đọc Người khóc anh sau tất cả mọi người. Bài thơ giúp tôi thêm một lần tin rằng tình yêu thuần túy có thật, và con người mãi đẹp.

Ngày giỗ thứ 35 Xuân Diệu, 18.12.2020

LÊ HOÀI LƯƠNG

 

Người khóc anh sau tất cả mọi người
(Kính tặng “đôi hồn thi sĩ” Xuân Diệu & Huy Cận)
LỆ THU

Người khóc anh sau cùng
có thể là người thương anh nhất
vì không tin chia ly là sự thật
không tin trên đời người ta có thể lìa nhau

Người khóc anh mang một niềm đau
lớn hơn cuộc đời người ấy
biển sâu thẳm nên xốn xang nhường vậy
quá thương bờ
sóng vỗ khôn nguôi

Người khóc anh sau tất cả mọi người
hạt nước mắt như là hạt muối
ai biết được quê hương mình may, rủi
tạo hóa sinh anh và anh đã đi rồi!

Người thương anh
thương cả vạn Gò Bồi
thương từng chiếc lá me rơi
thương cả mùi nước mắm
thương thơ anh đằm nguyên vị mặn
dẫu trọn đời tình tự với đơn côi!

Ơi người bạn đường thân thiết của anh tôi
hãy về lại đất này như con trai của mẹ
hãy thay anh bước qua cầu… khe khẽ
nhịp cầu này anh nối những đời thơ
Đây Gò Bồi – dòng nước thực hay mơ
Sông hối hả như một đời thi sĩ
Đồng lúa ấy ru hồn anh yên nghỉ
Bầu trời quê ôm ấp dấu anh nằm

Anh vẫn về từ cõi xa xăm
cùng giọt nắng ban mai lấp lánh
cùng giọt mưa những ngày nắng hạn
da diết lòng anh nỗi nhớ con đường

Phút cuối cùng gửi lại quê hương
tình bạn ấy
một đời anh ôm ấp
xin dịu nhẹ khăn mềm lau nước mắt
người khóc anh sau tất cả mọi người.

12.1985 – (Rút từ “Điềm đạm Việt Nam” của Lệ Thu, Nxb. Văn học, 2014)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thơ, hãy bắt đầu từ nơi ấy mà đi   

Tập thơ “Tiếng của thiên lương” của Mai Thìn lôi cuốn người đọc bởi một lối viết coi ý tứ là trọng, coi tổng thể nặng hơn chi tiết và rất nặng lòng trước thế thái nhân tình…

Phê bình văn học trong “Dạo gót vườn văn”

“Dạo gót vườn văn” với 83 bài viết, bàn về nhiều thể loại thuộc lý luận – phê bình, chân dung nhà văn, chuyện làng văn nghệ, phê bình sách, bình thơ, bình luận về văn xuôi, ngôn ngữ…

Đời cần lắm, những vần thơ

Sang đến thế kỷ hai mươi, Yến Lan, chỉ mới mười sáu, mười bảy tuổi thôi, đã hóa mình thành ông lái đò với bao niềm tâm sự trong bài thơ mang mang phong vị cổ, Bến My Lăng.