Lưu Thị Mười và những góc phận đàn bà

(VNBĐ – Nghiên cứu – Phê bình). Mươi năm trước, khi Lưu Thị Mười viết và in loạt truyện ngắn trên các báo, tạp chí văn nghệ địa phương: Trăng khóc, Người đàn bà khóc, Cũng may em chưa ngoại tình, Biển gọi…, chị được giới cầm bút và bạn đọc đón nhận như một cây bút mới đầy triển vọng. Là nữ, viết văn xuôi (trên vùng đất người làm thơ đông đảo), nhất là, các truyện ngắn đều khai thác đề tài người phụ nữ, với cách đào sâu tâm lý, tâm trạng, về nỗi buồn, nỗi bức bối những nghịch cảnh, về tình yêu, đời sống gia đình.

Chị in thành tập, 2015, Trăng khóc. Rồi vươn xa ngoài Bình Định với những truyện ngắn dự thi trên Văn nghệ Quân đội, trên các trang văn khác. Và in Âm ỉ tàn tro, 2020. Đến giờ, trong ngoài 30 truyện ngắn đã công bố trên các diễn đàn, trước sau Lưu Thị Mười vẫn viết về người phụ nữ với những khát khao, khát thèm, có tên chung là đàn bà. Cây bút nữ đào sâu khai thác mỗi đề tài nữ, là nét riêng đáng trân trọng. Tâm huyết một tiếng nói, lựa chọn ấy. Và cũng đầy thử thách: rất dễ trùng lắp cách thể hiện, hoặc cạn “vốn”.

Người phụ nữ nào cũng cần có người đàn ông cho mình. Để được yêu. Để được làm vợ, làm mẹ: niềm hạnh phúc cũng là thiên năng lớn lao. Nhưng trên đời này làm gì có đàn ông hoàn hảo, nên người nữ vẫn thấy người chồng rất tốt của mình không thể có sự hấp dẫn điều này điều kia ở người đàn ông khác.

Có thể từ chuyện mê làm thơ, mơ ước trở thành người nổi tiếng, một cô giáo bỏ chồng con êm ấm ở một xã đảo đi theo người đàn ông có điều kiện sống cuộc sống thượng lưu, sáng tác và thành danh, được truyền thông, bạn đọc vây phủ những hào quang; mười năm sau người đàn ông cũng chạnh lòng khi thấy mình chỉ là cái bung xung quanh nàng, đã quay đi. Vừa lúc đứa con gái ở quê không có mẹ gần gũi, đã thành hư hỏng và tử nạn đua xe, nàng trở về, điên loạn (Diều đứt dây). Hoặc tình cờ qua internet, nối liên lạc với “tình cũ”, những đẹp đẽ một thời bùng cháy dữ dội, nàng vừa yêu chồng vừa mong có cuộc gặp hẳn sẽ lãng mạn, nồng nàn với người xưa không vẹn. Cuộc hẹn nhân chuyến đi hội thảo ở thành phố nhiều kỷ niệm, vừa thấy tội lỗi vừa đầy mê dụ, náo nức (Cũng may em chưa ngoại tình). Có khi chồng là một quan chức, mải miết với quyền, tiền, đời sống gia đình dù đủ đầy vật chất, vẫn thiếu thời gian, không gian mơ mộng; trong triền miên mất ngủ của nàng, người đàn ông khác xuất hiện, đêm đêm cùng nhau nghe nhạc qua mạng…, nàng thấy sự dịu êm tơ tưởng. Và cuộc gặp thực ở một khách sạn đêm sinh nhật với tiếng ghi ta thực, người thực, và ánh nến… (Xoáy vực). Có khi là cuộc gặp lại tình cờ sau ly hôn 10 năm trong chuyến đi công tác miền núi phối hợp các cơ quan, dù vờ không quen nhưng ký ức sống động bao năm hiện lên, nằm chung trong một nhà sàn, họ nghe cả tiếng trở mình cố nén của người kia. Dù ai cũng đã có gia đình mới, nhưng tình xưa vẫn ngún cháy trong lòng. Một đêm với tâm tư thương mình, thương người (Âm ỉ tàn tro).

Hoặc từ những nghịch cảnh. Người đàn bà lỡ yêu, sinh con với một người, được gả cho một gã buôn bán rắn giàu có, keo bẩn, thô bỉ, sống âm thầm cam chịu trong ngôi nhà kín cổng cao tường, bị chồng đánh chửi. Cuối cùng nàng treo cổ tự tử (Người đàn bà khóc). Hoặc cô gái Việt và chàng trai Hàn yêu nhau. Nhưng cha chàng trai là lính Hàn xưa tham gia thảm sát Gò Dài, còn gia đình cô gái nhiều người chết oan khốc cuộc nạn đó. Họ sẽ thế nào? (Truyện chưa thể đặt tên). Hoặc từ những cô gái Việt đi tour với các doanh nhân, những khách sạn sang trọng, những phụ kiện hào nhoáng, thực chất phía sau là những ê chề, tởm lợm. Dù họ cũng có những chàng trai đáng yêu, nhưng vốn lỡ sa chân vì muốn có tiền thoát nghèo, vì thèm khát cuộc sống sang trọng, họ lâm cạm bẫy không thể thoát ra (PG). Hoặc những người nữ mơ giấc mơ “thiên đường Mỹ”, đang sống nghề nail, đối diện thực trạng buồn tẻ xứ người, đầy khó khăn, không thấy tương lai (Ngõ thiên đường).
V.v…

Nói chung, các câu chuyện của Lưu Thị Mười đều khai thác muôn mặt bi kịch của người đàn bà. Có khi từ hoàn cảnh. Từ tham vọng. Hay từ thói đồng bóng, hão huyền… Thế mạnh của nhà văn nữ này là “chuyện” đôi khi không có gì, vẫn nhờ đi sâu vào tâm lý, tâm trạng nhân vật mà dựng nên những ngổn ngang hồn, ví như đàn bà gò má cao, tướng “sát phu” theo quan niệm dân gian, cũng hình thành truyện Biển gọi. Hay từ một lời khen, sự thán phục lúc thỏa mãn chuyện giường chiếu của người đàn ông từng trải: “Em rất đàn bà”, mà mãi ám thị, tự ve vuốt mình đến dĩ lỡ, nạo phá thai…, cả đứa con gái nuôi cũng lao vào vòng xoáy ấy thành bi kịch thê thảm (Ngu dại đàn bà).

Đặc tả tâm lý tâm trạng nhân vật có lợi thế đi vào những góc khuất hồn người, nhất là chuyển tải cái bi, cái bức bối, bế tắc, chưa thỏa.

Thử đọc vài đoạn: “Hóa ra anh ấy chưa bao giờ ra khỏi miền suy nghĩ và quan tâm của Miên. Chỉ là tạm chôn vùi, bằng cuộc sống mới mẻ, bằng sự yên ổn mà Miên đang tạo dựng, bằng cả sự tự trọng mà Miên phải sống cho hợp lẽ. Bằng cả tình yêu vô bờ bến của Miên dành cho Gạo và Nếp (hai đứa con riêng của chồng) dù không rứt ruột đẻ ra. Và bằng cả cái ơn với người chồng hiện thời. Tất cả che lấp lên miền quan tâm của cô dành cho anh. Tháng ngày đong đầy. Rồi thời gian… Vậy mà đêm nay, ở vùng núi lạnh giá này. Tất cả lại ùa về. Và âm ỉ, nhoi nhói trong cô những tháng ngày tưởng cũ” (Âm ỉ tàn tro). Hay: “Cả ba người đàn ông làm chuyện chồng vợ cùng chị đều là những ám ảnh trong cuộc đời. Ám ảnh vì ghê tởm những năm tháng tuổi thơ nhơ nhớp không gột rửa sạch sẽ được những đau đớn do cha gây ra. Ám ảnh vì day dứt, tội lỗi khi đi ăn giật, vay mượn chút yếu lòng của chồng người đàn bà xóm giềng. Và ám ảnh bởi cái gọi là hạnh phúc từ một ngây thơ suy nghĩ quá đơn giản, khờ khạo mà chị tự vẽ ra và tự đặt lòng tin. Chưa ai từng yêu chị. Chị cũng chưa từng yêu ai” (). Và đây nữa: “Hắn liếm hết người em rồi nhìn em như một con mồi. Hắn nhấm nháp và tận hưởng. Mà em thì vẫn phải tươi, và gồng mình giữ cơn ói không trào ra. Liên tục mấy lần quấy nhiễu trong đêm như thế… Đến khi hắn bắt đầu ngáy, em đã lao vào toa lét đóng cửa thật kỹ và nôn. Giá mà có thể xé nát mình ra để tẩy rửa” (PG)…

Tôi trích dẫn vài đoạn gần như bất kỳ, các tâm trạng, hoàn cảnh khác nhau trong vô vàn – mặt mạnh có thể nói là sở trường của văn Lưu Thị Mười. Đi vào thế giới nội tâm nhân vật, người viết phải có cảm nhận tinh tế để sắm vai, hóa thân. Và nhà văn truyền xúc cảm của mình đến với bạn đọc: người đọc sẽ sống cùng nhân vật, hạnh phúc hoặc vật vã đau nỗi đau nhân vật, tức câu chuyện mà nhà văn muốn kể cho chúng ta như có thật đâu đó ngoài đời.

Như mọi cây bút văn xuôi khác, việc tạo tình huống, xây dựng nhân vật, nhập vai, ít nhiều trong các truyện ngắn của Lưu Thị Mười có chất “tự truyện”: những dằn vặt, những “sóng lòng”, những “ngoại tình” trong tâm tưởng, những khát khao mơ mộng, huyễn tưởng,… có cơ hội bung xõa bằng các thoáng chợt bắt gặp, bằng con chữ. Những giả định, sắp xếp, toan tính, đã có cơ hội: đời sống và văn chương dường như kích cầu nhau. Một ý tưởng chợt hiện từ gợi ý thực nào đó được chữ nghĩa tìm cách phục dựng hình vóc, hồn cốt, và ngược lại, nhiều khi chính chữ nghĩa dẫn dắt diễn biến, tạo ra đời sống. Nếu nhà văn có vốn sống phong phú, có nền tảng tri thức và triết học sâu xa, cuộc đẩy tới của chữ nghĩa vẫn tạo ra hình khối hiện thực sinh động, đầy thuyết phục, chất chứa nỗi niềm nhân bản, nhân sinh. Bằng không, trò chơi chữ nghĩa này nhanh chóng bế tắc: năng khiếu chỉ tạo ra một ít sản phẩm tình cờ. Chữ nghĩa không giúp nhà văn trường lực!

Lưu Thị Mười về căn bản viết về người nữ thời hiện đại, người cùng thời, cùng thế hệ mình, là lựa chọn hợp lý cho thiên hướng giãi bày, tâm trạng. Những yêu đương, mơ mộng, làm vợ làm mẹ, những hài lòng, thỏa thuê dục tính, những nghịch cảnh, khát thèm, bất như ý… đều được khai thác bằng sự am tường, trải nghiệm. Và bởi, “chuyện” với nhà văn nữ này thường ở mức cái phông nền chứ ít khi là thân phận thấu suốt đời người, nên thế mạnh chữ nghĩa phát huy các khoảnh khắc. Chị, hoặc xoáy sâu vào các tình thế tâm trạng, hoặc tìm cách thể hiện theo kết cấu “truyện trong truyện”, hoặc những nghịch cảnh song đôi để hỗ trợ nhau, như PG, Ngõ thiên đường, Hoa bất tử, Những người đàn bà khóc, Sóng trên sông… Dù sao, các kiểu bù sớt, che chắn này cũng thuần kỹ thuật: nó tạo cảm giác đủ đầy, “có da có thịt” cho từng truyện đơn lẻ, nhưng nếu theo dõi trang văn chị thường xuyên hoặc đọc nối tiếp nhau một tập truyện, sẽ nhận ra sự trùng lặp.

Khá nhiều sự trùng lặp. Như kiểu mô-típ không chủ ý. Hoặc cái chết bất ngờ những đứa con (Diều đứt dây, Người đàn bà khóc…), người phụ nữ không sinh con được nữa (Âm ỉ tàn tro, Ngu dại đàn bà, Mùa xuân bên kia triền dốc, Sóng trên sông…), hoặc phải mang thứ bệnh hiểm nghèo (Con dốc ngược, Hoa bất tử, Bồng bềnh mây tím…), hoặc bố chồng, bố dượng dâm đãng, đê tiện (Sóng trên sông, Lũ), người chồng là quan chức rồi vào tù (Người đàn bà nghe nhạc đêm, Sóng trên sông)… Và sự trùng lặp đáng kể ở cách thể hiện, ở chữ nghĩa. Dễ thấy những “hoang hoải”, “bã bời”, những tiếng cảm thán “con ơi”, “mẹ ơi”, dấu ba chấm… xuất hiện với tần suất dày đặc. Tâm trạng “hoang hoải” có khi hiện diện đến 4 lần trong một truyện ngắn, Diều đứt dây chẳng hạn.

Lưu Thị Mười rất thích miêu tả tâm trạng bằng phương thức độc thoại nội tâm, khi trực tiếp, khi gián tiếp. Cũng là nét nổi trội tạo nên “chất” văn cây bút nữ. Có thể nói tất cả truyện ngắn của chị đều sử dụng kỹ thuật này, cùng liên tiếp những trạng từ, tính từ nối tiếp nhau, đẩy tới, đôi lúc tương đồng nhau, lặp lại, nhịp ngắn. Tức chữ nghĩa cũng về hùa phô diễn. Cùng đọc vài đoạn: “Chỉ có những câu thơ đến giờ còn chung thủy. Cứ như khoét sâu, xoay xoáy vào nỗi niềm. Thơ ơi! Một ngày nào, có lại bỏ ra đi? Những câu thơ điên dại! Những câu thơ cháy bỏng! Những câu thơ hoang hoải! Nước mắt! Tuyệt vọng! Khát khao! Dâng hiến!” (Diều đứt dây). Đây là đoạn văn thời đầu cầm bút của chị. Còn đây, từ trang viết sau gần 10 năm: “Hùng à, em không phải bỏ cuộc, không định bỏ cuộc đâu! Em không định rời bỏ cuộc đời này nữa sau khi gặp anh. Nhưng em không còn sự lựa chọn khác. Không còn. Hùng à! Nếu cứ tiếp tục thế này, cứ tiếp tục thế này thì một ngày, một đêm nào đó em cũng trở thành kẻ sát nhân anh ơi… Thì con gái em sẽ thế nào? Ông ta là bố của nó. Vậy nên, Hùng ơi! Đây là cách duy nhất. Cách duy nhất lúc này để giải thoát. Chỉ có thể tự hủy hoại mình. Tôi tìm những viên kẹo xanh đỏ đưa vào miệng. Nhiều. Thật nhiều. Hết cả chai. Những viên kẹo mới làm tôi thoát khỏi nơi này. Êm dịu. Lịm dần. Tôi khát. Hùng ơi! Cho em ly nước đi anh. Cho em chút mát lành. Cho em chút dịu êm…” (Sóng trên sông). Cũng thật tình cờ trong các trích dẫn này vì lối viết của chị tràn ngập như thế, bạn có thể bắt gặp bất kỳ truyện ngắn nào.

Là con dao hai lưỡi thôi: khi nhà văn không tiết chế, mọi thứ có thể đều nói hết, nói thừa, người đọc chẳng còn gì day dưa, suy gẫm, xúc động. Dễ thấy số phận người nữ trong truyện ngắn Lưu Thị Mười đầy bi kịch, đọc văn chị thấy hay hay, nhưng đọc xong là chẳng còn mấy đọng lại, vì chị đã thương cảm nhân vật thay ta. Thương cảm nhân vật hay tự thương mình, những dàn dựng, những câu chuyện phần nhiều là cái phông để mắc lên những tâm trạng, bi kịch?

Ngay từ ưu thế, sở trường, chị cũng bộc lộ những hạn chế đáng tiếc.

Lưu Thị Mười đã có những truyện ngắn phát huy thế mạnh của mình khá ấn tượng: Lũ, Cũng may em chưa ngoại tình, Sóng trên sông, PG… khá hay hiện thực người đàn bà đơn thân, một mình trong đêm chèo chống trong tuyệt vọng để được sống trong nước dâng xả lũ; Cũng may em chưa ngoại tình là cái xao động rất nhân tình chuyện chồng tốt và “tình cũ” lãng mạn; Sóng trên sông vừa bức bối, cô độc cảnh người nữ vợ quan chức sống đủ đầy nhưng như món hàng trang trí của người chồng độc đoán, vô lương, chỉ nhăm nhăm chuyện quan quyền; thêm những bế tắc trong vượt thoát, nỗi đau các tuyến nhân vật song hành; PG là cận cảnh những cô gái mơ giấc mơ nhanh chóng giàu có, sang trọng, sa bẫy chính trò chơi thân xác của mình… Tức là, chữ nghĩa đã có nền chuyện tốt mà tung tẩy!

Có vẻ Lưu Thị Mười viết rất nhanh, nghĩ được mạch truyện là các trang giấy ào ạt lấp đầy trong niềm cảm hứng miên man. Tôi tin, nếu điềm tĩnh chắt lọc, bồi lắng về vốn sống và vượt qua sự phô phang chữ, mê miên đẩy tới cho thỏa, cho đã đời chữ, chị sẽ tìm thấy nhiều hơn sự đồng cảm của bạn đọc.

Coi như văn chương là một cuộc chơi đi. Thích thì cầm bút, không thì dừng. Nhưng là cuộc chơi sang trọng, bởi, ngoài những khám phá các nỗi niềm nhân sinh, còn đồng vọng, phản hồi, lan tỏa trong người đọc.

Những góc phận đàn bà từ trang viết nhà văn nữ là đóng góp quý. Mười năm cầm bút, Lưu Thị Mười khá bản lĩnh và tự tin chuyên chú vào góc phận ấy, và đã tạo nên dấu ấn cho mình về đề tài, về chữ nghĩa – dù thành công hay chưa. Tôi chúc chị không là một góc phận như các nhân vật nữ của mình trong văn chương, nhưng để đi xa hơn, hy vọng chị xem mọi thứ là bước khởi đầu cho lộ trình đầy gian nan, đơn độc, chông gai nhiều gấp vạn hoa hồng.

Mùa đại dịch, 12.10.2021

LÊ HOÀI LƯƠNG

(Văn nghệ Bình Định số 102 tháng 10.2021)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Truyện cổ viết lại cho thiếu nhi

Viết lại truyện cổ như một cảm hứng đối với các nhà văn viết cho thiếu nhi. Gọi là cổ, nhưng trong đời sống, xét đến cùng, những gì mang tính phổ quát, không bao giờ cổ…

Từ bước chân Dế Mèn…

Với những ai quan tâm đến tình hình nghiên cứu văn học thiếu nhi trong nước những năm qua, Tiến sĩ Lê Nhật Ký đã không còn là cái tên xa lạ…

Làm mới một câu chuyện cổ

Nếu trong truyện “Tấm Cám”, người dì ghẻ bị căm ghét bao nhiêu, thì ở “Cổ tích viết lại” của Phạm Hồng Oanh, nhân vật này lại chiếm được cảm tình của độc giả bởi tấm lòng thương thảo…