Lưu giữ hồn cốt Bana Kriêm

(VNBĐ – Đọc sách). Được ví như là “từ điển sống của người Bana Kriêm Bình Định”, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, NNƯT Yang Danh đã dành cả tâm huyết của mình để lưu giữ hồn cốt của dân tộc ông. Ông đã in hàng chục đầu sách nghiên cứu, sưu tầm về những nét văn hóa truyền thống của người Bana Kriêm tại Vĩnh Thạnh, Bình Định. Trong số đó, tập sách gần đây nhất của ông – Văn hóa dân gian Bana Kriêm Bình Định, in tháng 12.2023 là công trình dày dặn hơn cả với hơn 400 trang chứa đựng nhiều thông tin có tính hệ thống với nhiều nét độc đáo về văn hóa người Bana Kriêm.

Sách được Hội VHNT Bình Định hỗ trợ xuất bản theo Quy chế chi tiêu hỗ trợ các hoạt động sáng tạo VHNT giai đoạn 2021 – 2025. Sách cấu trúc gồm hai phần chính: “Đặc điểm văn hóa vật chất” và “Đặc điểm văn hóa tinh thần”. Ở phần đầu, tác giả giới thiệu khái lược và đi sâu tìm hiểu về làng, nhà rông truyền thống, các loại nhạc cụ cổ truyền như pơ lơng khơng, đàn goòng, tơ rưng, tơ lía, cồng chiêng…; nghề dệt, đan truyền thống. Phần hai đi sâu vào khảo cứu về các loại hình như dân ca, truyện kể dân gian, lễ tục cưới hỏi, tri thức dân gian…

Bìa tập sách Văn hóa dân gian Bana Kriêm Bình Định. Ảnh: P.V

Theo nhà nghiên cứu Yang Danh, văn hóa dân gian của cộng đồng người Bana nói chung, người Bana Kriêm tỉnh Bình Định nói riêng rất phong phú và đa dạng cả về văn hóa vật thể và phi vật thể. Cộng đồng người Bana có trên chục lễ hội lớn nhỏ như lễ hội đâm trâu, ăn cốm lúa mới, lễ hội đổ đầu, lễ hội nhà rông… Văn hóa, văn nghệ dân gian cũng rất đa dạng. Người dân còn giữ nhiều bài hơ’mon, những câu chuyện dân gian, lời dân ca gần gũi, mộc mạc mà thấm sâu tinh thần của người Bana. Bằng sự tỉ mỉ, khéo léo của mình, người Bana Kriêm đã đan đát những vật dụng hay dùng thường ngày, tạo nên một vẻ đẹp khỏe khoắn trong từng đường nét hoa văn. Đặc biệt là thổ cẩm, sự kỳ công, tinh tế trong từng chi tiết nhỏ đã tạo nên trang phục truyền thống độc đáo của người Bana Kriêm. Có lẽ vậy, nhà nghiên cứu dân gian Yang Danh tự hào rằng: “Có thể nói, người Bana Kriêm Bình Định, gần như có năng khiếu bẩm sinh về nhận thức và cả việc làm chất chứa trong cái đẹp đời thường. Tất cả đều thể hiện một cách sinh động trong hiểu biết về thẩm mĩ, nhân văn trong một con người biết say mê sáng tạo, trong cái đẹp, cái hay của cuộc sống. Những con người ấy, đến với cái đẹp, cái hay một cách tự nhiên, phóng khoáng, như chính tâm hồn họ rung động, say sưa trước thiên nhiên và cuộc sống đang không ngừng phát triển muôn màu, muôn vẻ”.

Người Bana Kriêm tạo cho mình một đời sống tinh thần phong phú, biểu hiện qua những kết nối cộng đồng bằng lễ hội, sinh hoạt truyền thống quanh nhà rông, và sự kết nối về âm nhạc. Trong sách, hàng chục loại nhạc cụ của người Bana được nhắc gợi. Mỗi loại nhạc cụ, tác giả đưa ra dấu hiệu nhận diện, cách làm, cách sử dụng, những giá trị tinh thần mà nhạc cụ ấy mang lại. Như khi đề cập về cây đàn goòng, một loại nhạc cụ khá phổ biến mà làn điệu dân ca Bana hát được những bài gì – dù buồn hay vui, nhanh hay chậm – nhạc cây đàn goòng đều thể hiện được. Có lúc, việc sử dụng cây đàn goòng trong không gian im vắng, tĩnh mịch, được nhà nghiên cứu Yang Danh thuật lại từ một câu chuyện kể đầy chất trữ tình: “Trường hợp đêm thanh vắng, gió, rừng, sông suối im tiếng hát, tiếng nhạc cây đàn tấu lên thì bạn gái nhà bên mới ngồi lắng tai nghe được. Trong truyện kể Bya KơTơp của người Bana Kriêm có đoạn kể rằng: … Bya Kơtơp (nàng chim con cu đất) thường ngày hay dậy thật sớm đi lấy nước, nấu cơm, nấu canh cho cả nhà. Hôm nay nghe tiếng đàn goòng gợi tình thương nhớ của chàng trai nhà bên làm cho nàng – Bya Kơtơp mệt mỏi, dậy không muốn dậy, ngủ không ngủ được. Trời sáng tỏ, nàng thức giấc thấy cửa trong, cửa ngoài, cửa chính, cửa phụ bị đóng, khép kín, bị phạt, nàng không đi đâu cả ngày… nàng lại càng buồn khôn xiết…” (Tr. 72).

Thực tế đã cho thấy, nhiều loại nhạc cụ truyền thống của người Bana Kriêm hiện nay gần như không còn được sử dụng, ngay cả đối với loại nhạc cụ được xem như là linh hồn của người Bana là cồng chiêng, cũng hao khuyết dần trong nỗi ngậm ngùi của các nghệ nhân lớn tuổi. Trong quá trình điền dã, thu thập tài liệu, nhà nghiên cứu Yang Danh đã ghi chép cẩn thận, thống kê số liệu, ông đã dẫn chứng cụ thể trường hợp về sự mai một của cồng chiêng trong cộng đồng Bana Kriêm tại các làng: “Tà Điệk là làng tôi sinh sống. Làng có hơn bảy mươi hộ, một làng không lớn, cũng không nhỏ, nằm ngay cạnh thị trấn Vĩnh Thạnh. Năm 2010, làng còn có năm bộ cồng chiêng đầy đủ, trong đó có hai bộ của làng, còn ba bộ là của ba gia đình. Đợt kiểm kê trong năm 2018, làng Tà Điệk chỉ còn ba bộ; trong đó một bộ cồng, chiêng chung của làng đã bị hư, không sử dụng được, còn lại là hai bộ của gia đình. Một làng khác là làng Đe Kon Jil, trước đây thuộc xã Kôông Kring (Vĩnh Thạnh), được coi là một làng lớn, có gần một trăm nóc nhà, làng có tới bảy bộ cồng, chiêng, nhưng nay cũng chỉ còn ba bộ, các bộ cồng chiêng cũng không còn chuẩn như xưa” (Tr. 152).

Sự mai một của văn hóa truyền thống tại các dân tộc thiểu số là thực trạng chung hiện nay. Trong những giao hòa giữa các nền văn hóa, sự cộng cư của các dân tộc, có những kế thừa, tiếp biến, sáng tạo đáng mừng nhưng cũng có những lai tạp làm méo mó đi những giá trị nguyên bản của nét văn hóa đặc thù ấy. Những điều đó, được nhà nghiên cứu Yang Danh nhìn nhận thẳng thắn và truyền tải trong các trang viết của mình. Như khi đề cập đến những hoa văn truyền thống Bana Kriêm, ông chỉ ra những sai sót trong các chi tiết dệt thổ cẩm, đồng thời cũng bày tỏ sự trân trọng những hình nét mới, tạo nên vẻ đẹp của trang phục người Bana: “Hoa văn là hình ảnh sinh động nảy sinh trong thiên nhiên và xã hội, cho nên người dệt thổ cẩm nắm bắt được thứ gì, thấy cái gì hay, cái gì đẹp là có thể cho vào trong đường nét theo ý nguyện của mình. Hoa văn mới thường gắn một số hình ảnh, như: tên người, hình ảnh hoa sen nở, con bướm bay… xuất hiện trong tấm chơ hnẽk, áo ló, tấm váy của chị em phụ nữ. Những hình ảnh hoa văn mới này gắn vào một số tấm vải thổ không nhiều, nhìn thật kỹ mới có thể nhận thấy được. Chúng tôi cho rằng, hình ảnh hoa văn mới xuất hiện trong một vài tấm thổ cẩm là điều tốt, mang tính sáng tạo của người dệt cần nên phát huy, phát triển, làm cho hoa văn ngày càng đa dạng, phong phú và hài hòa trong sắc màu, đường nét hoa văn truyền trống của dân tộc mình” (Tr. 234).

Với văn hóa dân gian Bana Kriêm, trong các lễ hội, bên cạnh những tiếng nhạc, tiếng đàn, điệu múa, không thể thiếu được lời ca, tiếng hát mang làn điệu dân gian của dân tộc mình. Theo nhà nghiên cứu Yang Danh, những lời hát được mô tả rất chi tiết, cụ thể những nội dung mà người muốn hát, đi sâu vào bản chất thật của cuộc sống, thực trạng, tình cảm của từng con người. Như khi lời ca cất lên cho tình yêu đôi lứa, nghe mộc mạc, chân thành:

Inh vă lăng pơ kao rung reng
Inh vă lăng pơ kao veng dơng
Inh vă drơng pơ kao ‘brâu rang
Inh vă chang pơ kao‘yung plõng
Mă lẽi, hli ong đâng tơrôm
Drik drik hli a.bông đâng tu

Or! Hang nưih, hang klơm…

Tạm dịch:

Tôi muốn xem hoa đẹp, rung reng
Tôi muốn xem mầm nhú ở trên cành,
Tôi muốn hoa nở thật nhanh
Hoa đẹp tôi muốn nâng nhẹ
Nhưng sợ con kiến ở trong cây
Sợ con ong vây quanh ổ
Tim ơi! Sao cứ đau xót hoài…

(Tr. 324)

Công trình nghiên cứu này của tác giả cũng giới thiệu những tri thức dân gian của người Bana Kriêm, đúc rút từ mối quan hệ cộng sinh giữa con người với con người, con người với thiên nhiên, con người với vạn vật xung quanh, bám sâu vào thực tiễn, kinh nghiệm từ cuộc sống mà ra như nghe tiếng bồ chao kêu phải cảnh giác thú dữ, lấy trái không nên hạ cây, lấy mật không nên giết ong…

Tập sách mang đến nhiều thông tin hữu ích, giúp người đọc hiểu hơn về văn hóa dân gian Bana Kriêm Bình Định, đồng thời, cuốn sách cho thấy tình cảm sâu đậm của tác giả dành cho quê hương mình. Hành trình của nhà nghiên cứu Yang Danh vẫn tiếp diễn trong những gom nhặt cần mẫn, tâm huyết như ông đau đáu thổ lộ: “Các thế hệ ông bà, tổ tiên người Bana đã gây dựng nên một phương thức giáo dục, truyền bá cho các thế hệ con cháu bằng nét văn hóa dân gian đặc sắc của dân tộc mình một cách nhẹ nhàng, thuần phát mà chắc rằng thế hệ hôm nay và mai sau không thể quên được. Nhưng những di sản, kỉ vật quý giá mà ông bà, tổ tiên người Bana để lại, hiện nay khai thác chưa được bao nhiêu, phần nhiều còn tồn đọng trong Nhân dân, trong các nghệ nhân. Đáng buồn hơn là một phần không nhỏ đã và đang mai một dần. Thiết nghĩ việc khai thác, nghiên cứu, sưu tầm và giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa, văn nghệ dân gian của cộng đồng người Bana nói chung, người Bana Kriêm nói riêng là quan trọng và cần thiết”.

ĐỨC LINH

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Xin đau thương từ nay khép lại…

Chim én bay của nhà văn Nguyễn Trí Huân xuất bản lần đầu năm 1988, gần đây, tôi mới có duyên đọc hết tác phẩm này. Gần 200 trang với một sức nén về ngôn ngữ và cảm xúc…

Động Cườm – di tích văn hóa Sa Huỳnh

Động Cườm là một cồn cát chạy dọc ven biển của thôn Tăng Long 2 thuộc phường Tam Quan Nam. Vùng này xưa kia có thể nằm trong vùng biển cổ nối liền từ mũi Sa Huỳnh đến Bắc Bình Định…

Tour La Vuông: Một sản phẩm công nghiệp văn hóa

Thị xã Hoài Nhơn đang chọn La Vuông để xây dựng, phát triển điểm du lịch sinh thái văn hóa và nghỉ dưỡng – một sản phẩm công nghiệp văn hóa. Đây là một nơi có địa hình và khí hậu lý tưởng…

Một vùng đất vừa hiện hữu vừa huyền thoại

Dừa không lá của Cao Duy Thảo là câu chuyện về chiến tranh xứ dừa, một khắc họa vô thanh kỳ ảo. Bài thơ không có cái ầm ào sôi réo đạn bom, chỉ bắt đầu bằng sự mềm mại đến thắt lòng…