Lời thì thầm nội tâm

(VNBĐ – Thơ và lời bình). Có vô vàn định nghĩa về thơ. Nghĩ về thơ, luận bàn về thơ. Rồi bao nhiêu diễn đàn quy mô, những tọa đàm mi ni, nhiều nội dung, nhưng thường có mục: thế nào là một bài thơ hay? Dù vô bổ những diễn đàn ấy nhưng cũng là cái loay hoay, trăn trở của người cầm bút.

Quá khó để có một nhận định, đánh giá nhất quán, nhìn chung, dễ thống nhất kiểu cũ mòn ai đó từng nêu rằng, thơ hay là thơ đọng lại, ám ảnh. Và cũng mỏi với hệ thống lý luận, lý thuyết, về thi pháp, thi ngôn, thi ảnh, về tri nhận các kiểu…

Nhưng có một nhanh chóng chấp nhận trong bạn đọc: trong vô vàn thơ trên mọi nơi mọi lúc vây bọc quanh ta, bài thơ nào nghe (hay đọc) mà hay, mọi người bật lên tiếng reo vui tán thưởng ngay. Không phân biệt nó thuộc trường phái nào, phong cách nào, cũ hay mới, cứ bật ra: “Hay!”, “Thơ hay!”.

Bài thơ Cõng bạn về quê của Lý Hoài Xuân tạng này: nó chinh phục tức khắc người nghe/ đọc, lần đầu tiên, vô điều kiện!

***

Đề tài tình đồng đội, những người từng đánh giặc cũng đọng lại nhiều bài thơ hay. Chuyện cạn tỏ nỗi niềm, thân thiết ký gửi kiểu “mày, tao” cũng từng có, như bài: Gửi bạn bè làm xong nghĩa vụ của Phạm Sỹ Sáu nhiều người thích.

Trước sau, với Cõng bạn về quê, nhà thơ Lý Hoài Xuân chỉ trò chuyện với bạn, với hài cốt bạn, lời thì thầm nội tâm, giản dị và trực diện. Bắt đầu bằng chút bối cảnh:

May mày vẫn còn
Không bị mối xơi
Không bị lũ cuốn trôi như nhiều đứa khác

Hôm chôn mày, vội vã
Đá tảng chặn nhát xẻng đào sâu
Sợ hòa bình lâu
Đồng đội ngậm ngùi, lo lắng!

Những cuộc chiến khốc liệt của dân tộc mình mấy chục năm qua, đâu đó còn hàng vạn hài cốt liệt sĩ chưa được tìm thấy, chưa được quy tập, và chắc chắn ngần ấy vĩnh viễn tan vào rừng xanh núi thẳm, vào bưng biền, vào lòng biển khơi. Cả chương trình “nhắn tìm đồng đội” nhiều năm trên truyền thông, chương trình “đi tìm đồng đội” rộng khắp trong xã hội. Tìm thấy là may. Và còn, là may. Bởi vô vàn lý do để lạc mất, hoặc “mối xơi”, “lũ cuốn”. Những cuộc chôn đồng đội ở chiến trường vội vã, biết rồi, gặp rễ cây rừng đan dày hay đá tảng, không thể đào sâu. Xót đắng lòng nhưng khó thể khác, cuộc chiến đấu vẫn khốc liệt phía trước.

Cuộc chiến sinh tử, mất còn cho hai chữ hòa bình. Không cuộc chiến nào trên hành tinh này người lính không mơ ngày hòa bình. Người may mắn còn sống, đã đành. Với người nằm lại:

Mà hòa bình
Cũng chẳng ai tìm mày
Bao nhiêu việc
Kẻ quên
Người nhớ
Tao cứ tưởng mày đã vào nghĩa trang
Đâu ngờ mày vẫn nằm đó!

Không một chút trách cứ, chuyện “chẳng ai tìm mày”. Nhưng câu thơ lừng khừng: “Bao nhiêu việc/ Kẻ quên/ Người nhớ”. Một chút lừng khừng ngẫm ngợi thôi. Lãng quên hay vô tâm, vô cảm? Cũng không hẳn. “Tao cứ tưởng”… rồi “Đâu ngờ mày”…, mọi thứ cứ nhẹ bẫng!

Có phải không, xửa xưa giờ, chuyện cầm gươm súng đánh giặc, cái chết với người lính “nhẹ tựa lông hồng”? Người ra đi “cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”, chiến trường “da ngựa bọc thây”, ngay cái ý nghĩ thoảng gợn nếu chết trận, kỷ vật chiến trường, hài cốt có về được với người thân không, cũng nằm ngoài: nó riêng tư, một kiểu “trữ tình ngoại đề”.

Người đời có tâm lý: trong mất mát, rủi ro vẫn tìm thấy điều mất mát ít nhất để tự an ủi, để thấy trong cái rủi ấy vẫn còn “may mà”. Thì với hàng vạn người lính chưa tìm được hài cốt, việc “mày vẫn nằm đó”, là được, là may!

Không trách cứ mọi thứ, người lính tìm được xác đồng đội như nỗi mừng. Rưng rưng. Thắt nghẹn.

Chuyện tiếp theo, cha mẹ không còn, thì về quê với người yêu cũ còn giữ tấm ảnh. Cũng là quê. Là nơi từng thương nhớ, đợi chờ.

Tao bỏ mày vào ba lô
Cõng đi tàu Thống Nhất
Cấm cựa quậy để nhân viên tàu biết
Họ ách lại giữa đường thì khổ mày ơi!

Hòa bình. Rồi thống nhất đất nước. Lạ lùng sao, niềm vui lớn phải đổi bằng bao nhiêu máu xương, cả máu xương trong ba lô người bạn, chuyến tàu đúng là có tên “niềm vui chung” ấy – tàu Thống Nhất – người lính cũng phải cõng bạn mình về quê như một điều trộm lén!

Chỉ tình cờ trùng hợp thôi. Đã nói không trách cứ không buồn đau mọi điều mà. Nào ai biết ai nghĩ hòa bình rồi cũng có bao nẻo phức tạp, rắc rối. Chỉ hai người lính, người còn sống cõng hài cốt bạn về quê, dù phải tìm cái quê hợp lý nhất. Hai người, với chút nỗi niềm, riêng tư.

Dường như Lý Hoài Xuân không làm thơ, nếu xét thơ với mọi thứ nhì nhằng nội dung, nghệ thuật gì gì đó. Chút ý nghĩ, tâm trạng, tâm sự về bạn, với bạn, đúng ra là với hài cốt bạn, chân thành và trực diện. Ở đây là cái tuyệt đích của chân thành và trực diện.

Vậy có nên định nghĩa thơ hay là thơ từ trái tim đến với trái tim không?

Cõng bạn về quê

(Với liệt sĩ Nguyễn Hữu Nhơn)

LÝ HOÀI XUÂN

May mày vẫn còn
Không bị mối xơi
Không bị lũ cuốn trôi như nhiều đứa khác.

Hôm chôn mày, vội vã
Đá tảng chặn nhát xẻng đào sâu
Sợ hòa bình lâu
Đồng đội ngậm ngùi, lo lắng!

Mà hòa bình
Cũng chẳng ai tìm mày
Bao nhiêu việc
Kẻ quên
Người nhớ
Tao cứ tưởng mày đã vào nghĩa trang
Đâu ngờ mày vẫn nằm đó!

Mẹ không còn
Cha không còn
Ở đâu cũng được
Nhưng người yêu mày còn cất giữ ảnh mày.

Thôi thì cứ theo người yêu về quê
Tao bỏ mày vào ba lô
Cõng đi tàu Thống Nhất

Cấm cựa quậy để nhân viên tàu biết
Họ ách lại giữa đường thì khổ mày ơi!
(Theo Thivien.net)

LÊ HOÀI LƯƠNG

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thơ, hãy bắt đầu từ nơi ấy mà đi   

Tập thơ “Tiếng của thiên lương” của Mai Thìn lôi cuốn người đọc bởi một lối viết coi ý tứ là trọng, coi tổng thể nặng hơn chi tiết và rất nặng lòng trước thế thái nhân tình…

Phê bình văn học trong “Dạo gót vườn văn”

“Dạo gót vườn văn” với 83 bài viết, bàn về nhiều thể loại thuộc lý luận – phê bình, chân dung nhà văn, chuyện làng văn nghệ, phê bình sách, bình thơ, bình luận về văn xuôi, ngôn ngữ…

Đời cần lắm, những vần thơ

Sang đến thế kỷ hai mươi, Yến Lan, chỉ mới mười sáu, mười bảy tuổi thôi, đã hóa mình thành ông lái đò với bao niềm tâm sự trong bài thơ mang mang phong vị cổ, Bến My Lăng.