(VNBĐ – Truyện ngắn). Lão Hán ngồi dựa lưng vào cây muỗm già, bắt đầu thở từng cơn mệt nhọc. Nhìn vào trong đền vẫn thấy đèn đuốc sáng choang, lão muốn gọi to nhưng miệng lão chỉ ú ớ không thành tiếng. Tiếng đàn, tiếng sáo hòa cùng tiếng cung văn vẫn vọng ra rất rõ, thêm cả tiếng con nhang đệ tử đang tấu lạy cô vang lên. Tối nay tại đền Cây Thị có buổi lễ hầu Thượng Nguyên của cô đồng Thanh, một cô đồng tài sắc vẹn toàn nức tiếng cả vùng Đà Bắc này. Khi cung văn ngân lên nốt cuối, tiếng đàn, tiếng phách cùng tiếng trống cũng theo nhịp rộn ràng như tiễn cô về trời. Trong phút chốc, đàn im phách lặng, đồng thăng cũng là lúc buổi lễ hầu cửa Thánh chấm dứt. Trời về khuya nên cái lạnh thấu xương của miền núi khiến nhiều người phải xuýt xoa, các con nhang đệ tử cùng bốn cậu hầu dâng và cung văn ngồi húp những bát cháo gà nóng hổi do nhà bếp mang lên, đồng hồ lúc này đã chỉ sang ngày mới.
Lúc mọi người bắt đầu chìm sâu vào giấc ngủ, cả khu nhà đền im lìm trong bóng tối, chỉ có ánh trăng khi mờ khi tỏ soi xuống sân đền, từ phía xa chốc chốc lại vẳng tiếng chó sủa hóng, tiếng chim “bắt cô trói cột”. Trên mái đền có mấy con mèo động đực gào lên những tiếng nghe thảm thiết, khiến cho không gian của đền mang màu sắc ma quái. Tỉnh lại sau khi lịm đi được một lúc lâu, toàn thân lão Hán ê buốt còn từ phía thắt lưng trở xuống gần như mất cảm giác, nhất là ở đôi chân. Lão nhìn quanh thấy mình đang ở trong căn nhà kho của đền, nơi đây lão thường hay cất đồ vàng mã. Dưới ánh đèn đỏ quạch, lão thấy khuôn mặt xinh đẹp đến ma mị của một cô gái trạc 25 tuổi, lão nhận ra ngay đó là cô đồng Thanh, người lúc chiều trước khi hầu đồng đã có buổi thưởng trà và đàm đạo chuyện nhân tình thế thái. Nhìn thấy cô đồng Thanh, lão mừng rỡ muốn nhờ cô gọi người dìu lên nhà trên để uống thuốc vì lão nghi mình bị trúng gió. Trong cái lạnh của sương muối, tự nhiên lão thấy khuôn mặt của cô đồng Thanh sao giống hình ảnh người vợ ở quê nhà đến vậy.
Ngày đó nhà ngay bến phà Sa Cao, sáng nào lão Hán cũng đi phà sang Thái Bình làm việc, vợ hắn ở nhà làm ruộng và nuôi lợn. Khi mấy con lợn cái đến thời kì động đực, vợ hắn cho gọi anh chàng hay dắt con lợn đực hơn một tạ với bộ truyền giống to vật vã đi quanh làng để phối giống cho lợn cái. Lúc mấy con lợn cái nhà lão đậu thai cũng là thời điểm vợ lão phải lòng thằng trai trẻ đó. Ngày cuối tuần sau khi đi làm, lão bất chợt về nhà đột xuất, ở sân nhà con lợn đực vẫn nằm thở phì phò, còn cửa nhà thì khóa chặt. Lão Hán đã vào nhà từ cửa bếp, trên chiếc giường duy nhất của gia đình, nơi vợ chồng lão và hai đứa con thường nằm chen chúc những ngày đông giá buốt, lão thấy mụ vợ và thằng trai trẻ đó đang phối giống với nhau. Lão Hán đi khỏi nhà ngay hôm đó, sau khi đã tặng cho tên trai trẻ một nhát dao chí mạng vào lưng, bỏ lại sau lưng tiếng gào khóc của mụ vợ.
***
Ngày xưa vùng Mường Chiềng còn hoang vu, dân cư thưa thớt, các bản của người Mường, người Thái ẩn hiện sau những vạt lúa nương. Nhiều người nhớ lại, hồi đó có một người đàn ông dưới xuôi đã lên dựng một cái đền nhỏ ngay dưới gốc cây thị cổ, bà con trong vùng quen gọi là đền Cây Thị. Ngôi đền dựng ở một gò đất cao và hoang vắng, nhưng là thế đất rất đẹp, lưng tựa vào núi, mặt hướng ra cửa sông. Người đàn ông thủ nhang ngôi đền chính là lão Hán, người qua lại chủ yếu là những lái buôn trâu, mấy bà buôn chuyến, lâu dần các con nhang đệ tử dưới xuôi cũng biết đến mà tìm về hầu cửa thánh. Trải qua năm tháng, nhiều người cũng làm lễ trình đồng tại đây khiến đền Cây Thị bắt đầu nổi tiếng và được những người “căn cao số nặng” tìm về. Đền Cây Thị được thập phương công đức nên bắt đầu xây dựng lại với tòa ngang dãy dọc khang trang và bề thế hơn rất nhiều. Lão Hán ngoài việc chăm lo hầu cửa thánh còn có thú vui là đánh xóc đĩa, ngày trước ít tiền đánh nhỏ, sau nhiều tiền mỗi lần mở bát là tiền triệu. Con bạc là những kẻ săn lùng đồ cổ, mấy tay lái trâu hay chủ bãi vàng dưới xuôi lên, tất cả bọn họ đều đã từng ngồi cùng sới bạc với lão. Vào ngày giỗ của Thánh Mẫu hồi tháng Ba năm đó, sau khi đóng cửa đền lão lại chui vào chiếu bạc để sát phạt, hôm đó thua nhẵn túi khiến lão phải về sớm. Cầm đèn pin soi đường, lão Hán men theo triền núi tối hun hút và trong cái lạnh tái tê mò về đền Cây Thị. Khi chuẩn bị mở cổng, lão vấp phải một bé gái chừng chín, mười tuổi đang nằm rét run lập cập ngay cửa đền. Con bé nheo mắt vì chói do ánh đèn pin, nó ngước nhìn lão giọng thều thào:
– Cháu đói và rét quá.
Lòng trắc ẩn nổi lên, lão đưa con bé vào đền rồi lấy đĩa xôi đưa cho nó, trời lạnh nên xôi cứng như đá, vậy mà con bé ăn ngon lành. Ngáp dài vì buồn ngủ, lão Hán chỉ tay vào góc đền nói cộc lốc:
– Lấy chiếu ở góc ban thờ, nửa trải xuống đất cho đỡ lạnh, nửa đắp thay chăn cho ấm.
Vì xót thương hoàn cảnh con bé mồ côi không nơi nương tựa, lão Hán nhận nó làm con nuôi để giúp lão mọi công việc trong đền. Con bé được cái thông minh nhanh nhẹn nên lão rất hài lòng. Nhiều lúc ngồi ăn nhậu với đám con nhang đệ tử, lão hay tự hào giải thích, nhiều đứa trẻ bị bỏ lại cửa chùa và được các sư trụ trì đem lòng từ bi để nuôi nấng, bọn trẻ đó được ví như “hoa rơi cửa Phật”. Con bé này được nhà đền nhận nuôi là phúc phận của nó, số nó được gọi là “lộc vương cửa Thánh”. Nói xong, lão ngửa cổ nốc cạn chén rượu trong tiếng tán thưởng của đám nhậu cùng mâm.
Cô bé được gọi tên là Xoài đã lớn lên cùng với tiếng đàn, tiếng sáo, tiếng hát của cung văn trong các lễ hầu nhập hạ; lễ hầu tán hạ; lễ hầu tất niên. Dù còn ít tuổi nhưng hễ nhà đền có việc, nó một tay lo chu toàn tất cả khiến mọi người rất yêu quý. Được hưởng lộc thánh nên chỉ vài năm sau, từ một con bé đen đủi và gầy khẳng khiu như cây sậy, nó đã lớn phổng phao có da có thịt. Nhiều lần lão Hán đã không thể rời mắt khỏi bộ ngực thanh tân mới nhú sau lần áo mỏng của con bé. Những lúc ngồi ăn cơm cùng mâm, trong lòng lão lại rạo rực một cảm giác khó tả. Bản năng đàn ông tưởng đã lụi tàn theo những cuộc nhậu lúc tàn canh hay những đêm sát phạt nhau trên chiếc bạc thâu đêm suốt sáng bất ngờ được lại trỗi dậy trong lão. Vào kì kinh nguyệt đầu tiên, báo hiệu con bé Xoài đã trở thành thiếu nữ, lão đuổi nó xuống ngủ ở gian nhà ngang gần kho củi, lão không cho nó nằm trong đền vì sợ ô uế cửa thánh. Khi Xoài tròn 15 tuổi, vào đêm giao thừa, sau khi lễ hầu xông đền kết thúc, nó dọn dẹp xong thì mệt quá nên nằm xuống giường là ngủ luôn. Chính đêm đó, lão Hán đã lẻn vào gian nhà kho cưỡng hiếp nó, mặc cho con bé khóc lóc kêu van, mắt lão long sòng sọc còn miệng thì rít lên bằng một giọng ma quái:
– Mày là “lộc rơi cửa Thánh”, nên hôm nay tao vâng mệnh cõi trên để thụ lộc rơi, lộc vãi chốn nhân gian.
Do sức yếu không chống cự lại được lão Hán, con bé Xoài đã chịu thất tiết trước lão dê già mang danh hầu cửa thánh. Nhiều đêm sau đó lão Hán liên tục mò vào nhà kho để cưỡng bức con bé Xoài tội nghiệp. Vào một đêm sáng trăng, do chịu không nổi nên Xoài đã khóa chặt cửa không cho lão Hán được thỏa mãn. Đêm đó do thua bạc khá đậm nên lão Hán điên tiết vì không được giải đen. Trong cơn cuồng nộ, lão đã chạy ra bể hóa vàng để khơi một mồi lửa rồi đốt luôn mái nhà kho. Trong thâm tâm lão Hoán nghĩ, con bé cứng đầu sẽ phải chui ra vì không chịu được khói, nhưng khi ngọn lửa thiêu trụi gian nhà kho, con bé Xoài vẫn không thấy tăm hơi. Dù lão cố bới trong đống tro tàn để tìm kiếm, tuyệt nhiên một mẩu xương cũng không có. Hối hận vì hành động ngu xuẩn của mình, lão Hán bèn xây một ngôi miếu nhỏ trên nền nhà kho cũ và gọi là miếu trinh nữ, ngôi miếu được các con nhang đệ tử quanh năm hương khói cầu cúng, sự việc cũng dần chìm vào quên lãng cho đến hôm nay.
***
Ngồi sát cạnh lão Hán, cô đồng Thanh từ từ cởi tấm áo bông chần hình quả trám màu tím, bên trong cô không hề mặc một chiếc áo nào. Khác với khuôn mặt khả ái, tấm thân trần của cô đồng Thanh không nuột nà, ngược lại toàn bộ vùng lưng và bộ ngực để trần đều nhăn nhúm và chằng chịt những vết sẹo do bỏng gây ra. Lão Hán trợn mắt kinh hoàng nhận ra, cô đồng Thanh xinh đẹp chính là con bé Xoài ngày nào. Tuy lão Hán không nói được thành lời vì lưỡi đã thụt vào trong, nhưng cô đồng Thanh như hiểu lão muốn nói gì, cô vén tay áo để lộ cánh tay ngọc ngà, cô xem đồng hồ rồi cất tiếng trong và vang như chuông ngân nói:
– Ông yên tâm, thuốc sẽ ngấm từ từ không chết ngay được, nhưng cũng không có thuốc giải đâu. Chậm nhất là sáng sớm ngày mai, trước khi ánh bình minh xuất hiện, ông sẽ được về hầu cửa thánh ở cõi thiêng.
Nhìn nét mặt sợ hãi của lão Hán, cô ngồi bên cạnh thủ thỉ như nói với người tâm giao:
– Ngày đó tôi thoát được khỏi đám cháy, nhưng sống không bằng chết. Tôi được một bà mế người Mường bắt gặp nằm ngất lịm bên ruộng lúa nương. Chính bà mế đã vào rừng hái lá thuốc chữa cho tôi, mế còn dạy cho tôi nghề thuốc để cứu nhân độ thế.
Cô đồng Thanh lấy ra chiếc khăn tay màu hồng thơm phức mùi nước hoa, cô nhẹ nhàng lau dãi đang chảy ra từ miệng lão Hán, rồi cho biết, nhờ mấy năm được ông cưu mang và sống tại đền, nên tôi biết mình có căn đồng, dù yêu nghề thuốc nhưng tôi đã ra trình đồng mở phủ, tuy nhiên cứ nhắm mắt là tôi lại không quên được món nợ xưa. Tách trà ông uống hồi chiều đã được tôi pha thuốc độc chế từ vỏ cây rừng. Ông hãy yên tâm mà nhắm mắt, dù ông có là thằng “giời đánh thánh vật” nhưng tôi hứa sẽ lập miếu thờ và tôn làm Đức Ông. Lão Hán nghe thấy hết mà không nói được câu nào, nước mắt lão tuôn rơi trên khuôn mặt nhăn nhúm vì sợ hãi đến cùng cực. Trong giờ phút này, không biết lão khóc vi hối hận hay vì sợ cái chết đang cận kề. Cô đồng Thanh vẫn kiên nhẫn ngồi bên cạnh an ủi:
– Tôi biết mọi giấy tờ nhà đất của nhà đền, ông đều mang đi cầm cố đánh bạc hết còn đâu nữa. Tôi sẽ đi chuộc về, đền Cây Thị sẽ nổi danh khắp vùng này dù ông không còn nữa.
Đền Cây Thị có lễ vào hạ, cô đồng Thanh hầu đủ 36 giá đồng từ sớm tới khuya để tưởng nhớ đến người thủ nhang của đền, tính ra hôm nay là ngày giỗ 100 ngày của lão Hán. Dưới tiết trời vẫn còn mát mẻ, các con nhang đệ tử ngồi chật kín trong đền đang chắp tay khấn vái, tiếng hát của cung văn cất lên mượt mà kèm theo tiếng đàn, tiếng sáo khiến cho không gian của đền nhuốm màu sắc huyền bí. Gương mặt của cô đồng Thanh bừng sáng bởi ánh đèn, ánh nến, nó toát lên một vẻ đẹp quá đỗi liêu trai và ma mị khiến ai nhìn vào cũng phải ngất ngây.
BÙI NGỌC PHÚC