(VNBĐ – Nghiên cứu & Phê bình). Đầu năm 1972, chúng tôi, những sinh viên đang học dở đại học, hoặc đã tốt nghiệp và đi làm được vài ba năm, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc lên đường nhập ngũ. Đó là những ngày náo động khác thường của thời chiến vốn lúc nào cũng náo động. Những chàng trai trong ngoài hai mươi tuổi nô nức lên đường, những người đưa tiễn không hề quen biết đứng chật bên các hè phố, rút khăn lau nước mắt, chỉ lặng nhìn mà không dám nói lời vĩnh biệt, dù linh cảm cho họ biết những người ra đi đợt này rồi sẽ không bao giờ quay về nữa. Mùa hè khốc liệt Quảng Trị đang chờ họ phía trước.
Vào thời điểm căng thẳng đó, một đêm hành quân không trăng sao, Đài phát thanh Giải phóng phát đi bài thơ Sóng vẫn đập vào eo biển của Lê Văn Ngăn, một cây bút sinh viên đô thị miền Nam. Cũng như vài năm trước, với thông tin và tư liệu ít ỏi thời đó, chúng tôi đã từng được đọc Trần Vàng Sao, một cây bút sinh viên thành phố Huế: Bài thơ của một người yêu nước mình (1967). Có gì đó như thể trong đêm tối mịt mùng bắt gặp một đốm lửa, trên sa mạc bão cát bỗng nhiên có một mạch suối, giữa đại ngàn âm u có một tiếng gọi. Lê Văn Ngăn viết:
Tôi thầm hỏi có phải em đang gửi lòng mình qua sóng biển nhắn cho tôi biết
rằng nỗi đau đớn em vẫn còn mang nặng
… Quy Nhơn, Quy Nhơn từng đêm bão cát thổi qua lòng em
và tôi lặng lẽ dưới mái nhà
căng lòng mình ra như tấm áo
trên tấm áo ấy bão cát chỉ gây ra lời hy vọng
che chở được em
giờ đây, đoàn quân xâm chiếm, theo từng nhịp cánh quạt ngừng, đổ bộ lên quê hương tôi
(Sóng vẫn đập vào eo biển – 1972)
Bài thơ viết năm 1972. Có gì đó nhức buốt trong sự thảng thốt, xót xa trong sự bất lực như em và quê hương trước “đoàn quân xâm chiếm”! Nhưng như thế vẫn chưa đầy đủ. Còn cả niềm tin, niềm hy vọng, sự da diết với quê hương và cả sự quả quyết nếu phải “chết cho quê hương”:
Lòng em, những mái nhà tranh im lìm, nơi đó một quãng đời cũ
em còn cất giữ
và nếu một cuộc săn đuổi khác bắt đầu
em sẽ tự xé rách lòng em, che giấu những người bất khuất, những người đã gọi em
quê hương, quê hương, nơi trái tim tôi rung động dưới bầu trời sao
nơi tôi muốn được nhắm mắt dưới lòng đất quen thuộc
(Sóng vẫn đập vào eo biển)
Những câu thơ khó có thể qua mặt được nhà cầm quyền ở miền Nam lúc đó, trừ phi họ không đọc đến:
Lòng em không chịu dừng chân ở ngã ba rẽ về liên tỉnh
không muốn rứt mình bên này các ranh giới trước tham vọng của kẻ thống trị, em còn muốn tiếng sóng nơi em bắt nhịp với còi tàu Long Biên
và những vườn hoa bưởi
những vại nước lấm tấm bông cau
cũng có mùi hoa gạo
cho nên tiếng bom nổ ở miền Bắc
dù không nói tôi cũng biết lòng em chấn động
(Sóng vẫn đập vào eo biển)
Những lời nói với người yêu quả là khác thường. Lời tâm sự, lời nhắn gửi đã nhuốm màu thế sự, tâm trạng đang xáo trộn không chỉ chuyện riêng tư, điều gì đó hệ trọng đến riêng tư, như thể đang chen lấn trong lời yêu đã có bước đi của thời cuộc, không thể giấu kín nơi ý thức đang hướng về…, chẳng khác mấy với thơ ca miền Bắc thời điểm đó về cách dẫn ý, lập tứ, tạo nghĩa: tiếng sóng nơi em bắt nhịp với còi tàu Long Biên…/ tiếng bom nổ ở miền Bắc…/ tôi cũng biết lòng em chấn động. Cần đặt bài thơ này trong thời điểm ra đời của nó, để hiểu tâm trạng, mạch suy nghĩ và cả sự táo gan của ngòi bút!
Chúng tôi mang những câu thơ suy tư này vào mặt trận. Bây giờ trước mặt, cuộc “Chiến tranh Việt Nam”, bên kia chiến lũy không chỉ là kẻ xâm lược và tay sai, trước mặt, bên kia chiến lũy còn có đồng bào, còn có những trái tim đang “rung động dưới bầu trời sao” cùng nhịp đập với quê hương, còn có những chàng trai đất Việt, những “nhà thơ yêu hòa bình nên bị đời cho đi khiêng đạn” (Nguyễn Bắc Sơn), khi không còn cách nào khác! Họ là lớp thi nhân sinh ra trong thập niên bốn mươi của thế kỷ XX, lứa tuổi vừa vặn “như cùng hẹn trước” mà chiến tranh đang chờ sẵn. Họ là những Lê Văn Ngăn, Nguyễn Bắc Sơn, Thế Vũ, Ngụy Ngữ, Thái Ngọc San, Trần Phá Nhạc, Trần Vạn Giã… mỗi người một hoàn cảnh “lâm trận” bất đắc dĩ vào cơn bão lớn chiến tranh. Bi kịch của lớp trí thức trẻ này là họ biết mà không thể thoát khỏi hoàn cảnh sẽ gieo rắc tai họa cho họ. Một thời tao loạn đã cuốn họ đi theo kiểu “thân em như trái bần trôi/ gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu” (Ca dao), không chỉ với một người!
Lê Văn Ngăn sinh năm 1943, trong một gia đình lao động nghèo, bố làm phu xe: có một người phu xe/ cuộc đời cứ quay tròn, hai bánh xe quay tròn/…quay cho đủ số vòng quay đau khổ (Tả thực), mẹ kiếm sống bằng nghề chạy chợ bán gánh bún bò ở Huế: Mẹ tôi sinh tôi ra dưới đáy xã hội/ nuôi tôi lớn lên dưới đáy xã hội (Giới thiệu). Trong thơ anh, ngọn đèn dầu và bếp lửa như một ký hiệu thẩm mỹ, như một ký ức buồn thương, không phai mờ gắn với hình ảnh người mẹ suốt đời thức khuya dậy sớm cặm cụi kiếm kế sinh nhai cho cả nhà.
Trong đêm người mẹ gánh hàng qua xóm nhỏ
Và người con trai cầm đèn đi trước dẫn đường
(Mẹ, con và chiếc đèn dầu)
Ngọn đèn dầu ấy đã thắp lên từ khi tôi mới bước vào đời
dầu lóng lánh như thể làm bằng mồ hôi của cha, của mẹ
… Mai sau khi tôi giã biệt quê nhà
Có lẽ ngọn đèn còn theo tôi trên bước hành trình xa lạ
(Ngọn đèn dầu)
Bóng đêm còn dày đặc chung quanh mái nhà
Người con trai thắp lên ngọn đèn dầu và gọi mẹ ơi
… Bây giờ ngọn đèn đã từng soi đường cho người sống
Sẽ được đặt lên phía trên mái đầu người chết
(Mẹ, con và chiếc đèn dầu)
Sinh ra và lớn lên “dưới đáy xã hội”, cái nghiệp nghèo muôn thuở này, và tự ý thức được về cái nghiệp nghèo của mình như anh (sinh ra từ một mái nhà nghèo khó, nhưng tâm hồn con không nghèo khó – Thư cuối năm gởi mẹ) là “tiền đề” để đến với sứ mệnh thay đổi xã hội, nếu may mắn có một cơ hội. Nhưng cái cơ hội kia chưa kịp đến thì tháng 3 năm 1965, những đoàn quân lính thủy quân lục chiến Mỹ ào ạt đổ bộ vào Đà Nẵng, lúc này Lê Văn Ngăn mới ngoài 20 tuổi, lứa tuổi “ngon lành” của một cỗ máy chiến tranh, mà cơn lốc tham lam của nó sẽ cuốn đi tất cả những ai yếu thế không đủ sức kháng cự: bằng tiền bạc, bằng thế lực, bằng tự sát thương, bằng chạy chọt quen biết… Lê Văn Ngăn đã từng có những “ao ước” đáng sợ: ước chi anh cụt mất một chân/ để được đi mênh mông dưới vòm trời rộng/…để được nghe tiếng nạng gỗ gõ đều trên mặt đất (Hạnh Phước – người nữ của thành nhiễu nhương). Nhưng chiến tranh thì không hề quan tâm đến vui buồn của một cá nhân:
Chiến tranh đã trục xuất anh ra khỏi quê nhà
Bắt tay với phường bán huyết
Kề ly với kẻ xăm mình
…đánh cờ với những tay cuồng sỹ
Quàng vai đi với kẻ điên khùng
(Giữa khi mưa lưu hoàng đổ)
Với một hoàn cảnh xuất thân như vậy, với một tâm trạng vào đời khi “những con đường trước mặt anh đi/ đầy bóng tối” (Một bông cúc đen gởi cho P. ở Huế – 1972) như vậy, thơ Lê Văn Ngăn thường buồn, thường ngậm ngùi, ngôn từ thường có chút tiêu cực, không gian thường bị choàng lên một gam màu xám, ảo nảo, với những “chiều rơi”, “hoa khế rụng tơi bời”, “bậc thềm lá úa”, “ cuối sông đầy mây xám”…
ngày thanh niên hoa khế rụng tơi bời
ngồi nghe thấy con đường không giới hạn
…là cuộc sống giữa hai bờ lưu vực
là cửa gương le lói lửa chiều rơi
lấy đôi chút dịu dàng cho sự chết
nằm chiêm bao hoa khế rụng bên đời
(Đường hoa khế – 1972)
Đúng là những câu thơ buồn, nhưng ở Lê Văn Ngăn không phải là buông xuôi. Không dễ buông xuôi ở những nhà thơ có tâm hồn nhạy cảm “bẩm sinh” với sự lam lũ của đời người, có ý thức gắn bó với quê hương, có trái tim chứa đầy khát vọng hòa bình: trái tim ta trong mỗi bước đi đập theo nhịp trống/ độc lập hòa bình (Vì sao những lời quyết liệt – 1972). Lê Văn Ngăn chưa bao giờ mất đi niềm tin vào con người: nhưng không thể nào xóa trong ký ức tôi/ một niềm tin vào con người/ Phải, giữa tiếng ồn ào của man trá/ tôi vẫn còn tin vào con người (Vẫn còn tin vào con người). Vì anh quan niệm: Kẻ nào tin vào con người/ Kẻ ấy sẽ được tin (Nơi tạm trú và quê hương) cho dù “chúng tôi sống trong một thế giới quá nhiều tiếng động” (Hoàng hôn – 1972), cho dù “chúng tôi đã biết nhiều đau đớn”, cho dù “thời đại đang thi đua nói láo có hệ thống/ và thù ghét những tiếng nói thật” (Hoàng hôn – 1972), cho dù “trên những dấu khổ đau thầm lặng/ cầu đã bắc qua” (Một bông cúc đen gởi cho P. ở Huế – 1972), cho dù: đêm đêm chúng tôi những kẻ bị săn đuổi trên quê hương mình (Những kẻ bị săn đuổi – 1972).
mong các vết thương đừng thức dậy trong đêm khuya
chúng tôi đã biết nhiều đau đớn
mong những ngày tạm trú trên trần gian giữ lại nụ cười
phai dần đi tiếng khóc
(Trên những dấu rạn vỡ – 1972)
Thường gặp trong thơ các nhà thơ “đô thị miền Nam” tinh thần chán ghét chiến tranh và tình yêu da diết quê hương. Trong thơ Lê Văn Ngăn quê hương là nơi anh nhớ về ngọn đèn dầu và bếp lửa mẹ thường dậy sớm nhen lên niềm hy vọng đầu ngày, mà trên kia tôi đã nói:
Nơi tôi có một mái nhà từ quá khứ
Người mẹ đêm đêm thức dậy dưới nền trời sao, nhen lên bếp lửa đầu ngày
…Nơi ấy, dưới vầng sáng của một mối tình lớn lao
Tôi thầm gọi quê hương yêu dấu
(Thư về quê hương)
Quê hương cũng là nơi anh có những ngày “tạm trú trên trần gian”, tá túc cùng quán xá, bầu bạn với những “sổ nợ” (Khoản nợ nần một thuở cơ hàn/ Tôi vẫn hẹn lòng có ngày hoàn trả – Lâu năm nhưng chẳng là vĩnh viễn), lưu đày với những nhiễu nhương:
ở quê hương tôi khi trở lại nhà, kẻ lưu đày hát
lòng tôi là mặt biển tối tăm
(của một người sống sót)
Quê hương trong thơ Lê Văn Ngăn là nơi tìm về với những nhịp đập thầm kín của trái tim sau những lang thang bất định. Và cuối cùng, sau tất cả mọi trải nghiệm, anh nhận ra không “ở đâu cho bằng quê hương” (Đất nhiễu nhương).
quê hương chẳng phải điều trừu tượng
điều ấy tôi giữ bên lòng
vì đi xa em. Sóng vẫn đập vào eo biển
(Sóng vẫn đạp vào eo biển)
Thơ Lê Văn Ngăn rất giàu chất tự sự. Một tự sự đã nhuốm màu thế sự, đặc biệt là những sáng tác từ sau 1975, một tự sự lắng sâu trong cảm nhận với nhiều suy tư, được thanh lọc, gạt bỏ và giữ lại những gì thật cần thiết… rồi cộng thêm vào nhịp đập của trái tim người viết. Bởi vậy tự sự qua ngòi bút của Lê Văn Ngăn tuy được nghiền ngẫm, cân nhắc… mà “váng vất” tình người, thấm sâu đau buồn của con người. Đúng hơn, nó là tâm trạng day dứt của con người với thế sự, với thời cuộc, với con người:
Đi hơn nửa đời người qua những tháng năm ly tán chiến tranh
Giờ mới nghe tiếng màu xuân bước lại gần cánh cửa
Đợi em trở về dưới nền trời sao khuya
(Cố hương, một buổi chiều êm đềm)
đêm nay tôi trở về
nghe âm vang dưới đáy lòng sâu
nghe âm vang tiếng chân trên chặng đường khấp khểnh
tôi thầm nói
thế nào cũng hết bóng đêm
vì có một người tôi chờ đợi
(Vẽ lại bức tranh cũ)
tôi sẽ cố gắng sống qua thời đại này
không một lời than thở
vẻ đẹp của đời người, nếu không ai chia sẻ với tôi, thì tôi sẽ giữ kín
bên trong cho đến ngày, không còn tôi nữa
(Hoàng hôn)
***
Lê Văn Ngăn say mê thơ ca khi còn trẻ từ đầu thập niên sáu mươi của thế kỷ XX tại Quốc học Huế trong nhóm thi ca yêu nước Hoa thời gian cùng với những Nguyễn An, Nguyễn Lương Ba, Trần Văn Hòa, Ngô Nam Trân, Hồ Đắc Biên. Nhưng anh là “Nhà thơ không bao giờ lớn tiếng”(*) và chỉ để lại ba tập thơ chính: Vào một thời im bóng (1974), Viết dưới bóng quê nhà (2008), và Giữa khi mưa lưu hoàng đổ (2019). Phần lớn thơ Lê Văn Ngăn là thơ “tự do”, thơ không vần, “thơ văn xuôi”. Vắng hẳn trong thơ anh các thể loại lục bát, năm chữ, sáu chữ, tứ tuyệt…, trừ một đôi bài thất ngôn như Bên hồ thủy ngữ, Đất nhiễu nhương…
Khi cần thiết, câu dài ngắn, nhịp dồn dập như sóng biển, nhưng hầu hết thơ Lê Văn Ngăn đều chậm rãi, nhẹ nhàng và đặc biệt những câu thơ viết trong “im bóng”, “bóng quê nhà” như một ẩn dụ mang ý niệm thẩm mỹ của riêng anh, hoặc chung của thế hệ anh, một thế hệ: nơi xứ sở bị chiếm cứ những người lạ mặt/… chúng tôi, những kẻ bị săn đuổi trên quê hương mình/ Rút lui vào nơi trú ẩn/… Ăn những bát cơm trong bóng tối (Những kẻ bị săn đuổi – 1972), Nhưng con đường trước mặt anh sẽ đi/ đầy bóng tối (Một bông cúc đen gởi cho em P. ở Huế), Mai kia bóng xế không còn thấy/ hãy nhớ rằng anh đã nói gì (Bằng tiếng thoảng qua). Cái “bóng tối”, “bóng xế” này và cái “im bóng” kia có can cớ gì với nhau? Và vì sao những câu thơ chậm buồn thường đến với Lê Văn Ngăn trong đêm tối: Đêm khuya và những đêm khuya/ Tâm hồn tôi chưa yên tĩnh/ Và người đời chưa yên tĩnh (Đêm khuya và những đêm khuya), Dưới nền trời chưa tắt những vì sao/ các con đường nằm lặng im đợi bước chân người (Ở Huế), Bóng đêm còn dày đặc chung quanh mái nhà/ Người con trai thắp lên ngọn đèn dầu và gọi mẹ ơi (Mẹ, con và chiếc đèn dầu)…
Tuy là thơ văn xuôi không vần nhưng câu chữ dài ngắn của Lê Văn Ngăn vẫn giữ được nhịp điệu, là nhịp tâm hồn, nhịp của những dòng suy nghĩ từ tâm thức người viết. Nó hình như phản ứng ngầm với thứ thơ êm ái, suôn mượt từ thuở Thơ mới để làm nên vẻ đẹp hiện đại từ rất sớm trong thơ Lê Văn Ngăn. Nó có thể ảnh hưởng đâu đó từ R.Tagor, từ J. Frevert, hay từ A. Rimbaud…, những nhà thơ anh yêu thích. Nhưng ngôn ngữ thơ của anh giản dị mà sâu lắng, chứa đựng những suy nghĩ rất riêng, thể hiện một bề sâu của tri thức cũng như sự điềm đạm của tâm hồn anh. Bạn bè cùng thời vẫn nhớ trong các cuộc vui Lê Văn Ngăn hát và ngâm thơ mình rất hay. Nhà thơ Võ Quê trong một bài viết về Lê Văn Ngăn xác nhận điều này: Lê Văn Ngăn còn là một nghệ sĩ tài hoa trong lĩnh vực diễn xướng thơ ca, âm nhạc. Anh đã chuyển tải vào hình thức thể hiện những nội dung hàm súc, sâu sắc giúp người nghe cảm nhận hết thần thái những bài thơ…(**) Thơ văn xuôi mà “hát và ngâm” được, mà lại hát và ngâm hay được thì chắc chắn thơ ấy phải giàu nhạc tính nội tại mà người viết đã rất dụng công. Có thể nghe được nhạc điệu của ngôn từ, nhịp đi của ý thức, cái da diết trong cảm xúc và cả hơi thở của ngòi bút qua những câu dài ngắn, nỉ non như thể điệu lý, điệu hò xứ Huế quê anh:
Xin em hát những bài hát buồn miền hữu ngạn
những bài hát dưới trời chiến quốc le lói nắng hồng gươm
đám lưu dân thường hát
những bài hát gợi trong lòng anh kẻ thất chí đêm đêm vượt dòng sông
cùng ở góc trời mưa thu tàn úa
…xin em hát những bài hát buồn miền hữu ngạn
(Giữa khi mưa lưu hoàng đổ)
Trên bóng dáng các em đẩy xe hoa về thị xã mỗi đêm khuya
Tôi đọc thấy đường đi của vẻ đẹp
Con đường ấy, trước khi đến bình minh rực rỡ của những hàng hoa
Đã làm bằng những cuộc đời lặng lẽ
Làm bằng mồ hôi những vòng xe quay nặng nhọc
(Những người trồng hoa)
***
Một ngày hè năm 2002, ba mươi năm sau lần bất chợt nghe Sóng vẫn đập vào eo biển trên Đài phát thanh Giải phóng, chúng tôi có dịp ngồi với tác giả Lê Văn Ngăn tại Hồ Tây Hà Nội. Nhà thơ Ngô Thế Oanh tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1968 rồi vào luôn chiến trường khu V một mạch cho đến ngày hòa bình. Ngô Thế Oanh bị cận thị nặng, vậy mà vẫn mò mẫm thoát được bao nhiêu trận càn, bao nhiêu lần bom dội xuống đội hình, để đến ngày vừa chấm dứt chiến tranh, liền cùng với Thanh Thảo bổ đi tìm Lê Văn Ngăn hết Đà Nẵng, rồi Đà Lạt, vào Quy Nhơn, Nha Trang, ra Phan Thiết, đến Sài Gòn rồi về Huế, chỉ vì thích thơ Ngăn mà chưa biết mặt tác giả. Còn Lê Văn Ngăn khi thì “đời cho đi khiêng đạn”, khi thì nhảy rào hoặc “chém vè” trên gác xép nhà người thân trốn lính, rồi về làm “quan văn nghệ” tại Bình Định sau giải phóng, vẫn vui sống cho đến cái mùa hè 2002… Còn tôi, bất chợt nghe Sóng vẫn đập vào eo biển một lần trong đêm chiến tranh, nhớ cho đến bây giờ… Đột nhiên chúng tôi có một cuộc hội ngộ ngay tại Hồ Tây Hà Nội, đầu phố Nguyễn Đình Thi bây giờ. Cuộc đời vẫn chứa nhiều ẩn số, nhưng cuộc hội ngộ này không phải tình cờ theo kiểu ẩn số. Lê Văn Ngăn vẫn thỉnh thoảng ra Hà Nội, tá túc ở nhà Ngô Thế Oanh. Cũng như Trịnh Công Sơn, Hà Nội với Lê Văn Ngăn có những quyến rũ đặc biệt (Hà Nội xa xôi, Hà Nội những đêm chuyển gió mùa Đông Bắc/ Hà Nội chưa bao giờ nhận nơi tôi chiếc khăn len/…Nhưng Hà Nội vẫn có trong trái tim tôi đập nhịp ba: Hà Nội – Huế – Sài Gòn – Thư về Hà Nội). Biết tôi thích thơ Ngăn, Ngô Thế Oanh “bố trí” để “xem mặt”. Lê Văn Ngăn ngồi đó, hiền lành, điềm tĩnh, vầng trán in những nếp phong trần, ưu tư. Mặt hồ thoáng rộng hình như càng ngút ngát xa rộng trong đôi mắt nheo nhìn của anh. Thuốc lá bao giờ cũng ngún khói trên đôi môi xám nhợt (năm tôi hai mươi tuổi/ một điếu thuốc cháy tàn trong góc quán/ năm tôi ba mươi tuổi/ cũng một điếu thuốc cháy tàn nơi góc quán – Ví dụ một vẻ tàn phai). Dù Ngô Thế Oanh, và Lê Văn Ngăn, cả hai trời phú cho khả năng im lặng bẩm sinh, nhưng hôm ấy họ cứ rù rì, rủ rỉ nói về thơ, nói về đời, nói về người…Từ ngoài xa, những gợn sóng miên man cũng rù rì đổ về mạn bờ Nam. Có thể hình dung biển Quy Nhơn đang rì rào trước mặt. Và đâu đó trong đất trời, Sóng vẫn đập vào eo biển.
LÊ THÀNH NGHỊ
(*) Ngô Thế Oanh – Lời nói đầu (Thơ Lê Văn Ngăn, NXB Thuận Hóa, 2015)
(**) Võ Quê: Nhà thơ Lê Văn Ngăn – người anh lớn của tôi (Trong tập Giữa khi mưa lưu hoàng đổ, NXB Thuận Hóa, 2019. tr.157).
(Văn nghệ Bình Định số 99 tháng 7.2021)