Lẽ huyền vi lớn lao của sự sống

(VNBĐ – Thơ & lời bình). Bài thơ là một motif khá quen thuộc với giới sáng tác: những thao thức lắng nghe một tiếng vọng, một ý tưởng nào đó từ thinh lặng đêm khuya, khơi gợi hoặc hoàn thiện một suy tư, một ý tưởng. Không phải một, mà chuỗi dài những thao thức như thế trong một đời người cầm bút…

Vậy nhà thơ, họa sĩ Nguyễn Tân Quảng đã nghe thấy gì, cảm nghiệm được gì? Cũng toàn những âm thanh quen: tiếng dế, tiếng con cuốc lẻ bạn, tiếng trái cây chín rụng ngoài vườn, tiếng đàn muỗi đói, cây lá cựa mình gió khuya, rồi tiếng mọt đục kèo cột, thảng hoặc tiếng ếch ngoài xa… Ơ hơ, vậy thì có gì để bàn, ai chả từng nghe những tiếng đó hằng đêm? Chính là chỗ này đây: từ những quen thuộc ấy, đã có một Nguyễn Tân Quảng thâm hậu, khác biệt trong cảm nhận, hưởng thụ, mà bao người nghe chẳng thấy gì.

Bài thơ theo thủ pháp tăng tiến. Âm thanh đầu “nỉ non tiếng dế” mà thấy “se xót lòng” có vẻ cố ý, hoặc riêng tư quá, chưa mấy thuyết phục. Thì ri rỉ tiếng dế bờ rào bờ ruộng gợi sự buồn, cô liêu nơi thôn dã chứ làm gì mà vống lên “se xót lòng”, chỉ trừ khi có tâm trạng. Nhưng khi nghe tiếng “con cuốc mất chồng” mà gắn với “tiếng một quả bòng rụng khuya” có vẻ đã nhiều khơi gợi. Về sự mất mát, sự chết chóc, chia lìa.

Vấn đề là, thao thức thì nhiều, kiểu mất ngủ. Nhưng có thực thao thức để lắng nghe hay không là từ đây, từ những âm thanh chừng như rất mơ hồ:

sương rơi tàu chuối đầm đìa
cây vườn thức giấc ngoài kia gió về
đêm đêm thao thức nằm nghe
trở trời nhức mỏi bờ tre cựa mình

Nghe vậy là đã tinh tế, đã gắn bó, thấu tỏ cùng cây cỏ, thiên nhiên. Một hòa quyện sự sống con người với tự nhiên, vừa mở ra điều nhận chân lớn lao, vừa khiến ta hiểu thêm mấy sự nghe đoạn đầu, sâu xa hơn.

Và ta sẽ tiếp tục khám phá loạt “nghe” của nhà thơ, mỗi thứ tiếng sẽ đem lại một cảm nghiệm, một hiệu ứng tâm hồn với con người đã nhập vào thế giới vô biên ấy.

nhìn sâu vào cõi u minh
tiếng đàn muỗi đói tan thành bóng đêm
tai nghe tiếng mọt ru êm
lòng như kèo cột cũng mềm nhũn ra
nghìn năm tiếng ếch không già
có gì thổn thức như ta gọi mình

Bạn sẽ thấy cách diễn tả khá hay: mỗi âm thanh đọng lại thành những suy tưởng có tính khái quát. Các diễn tả không chỉ bất ngờ về nhận thức, liên tưởng, mà đang nâng lên thành triết lý, gọi tên những thực tế song hành và ám ảnh trong đời sống hữu hạn của con người. Cái thực tế con người biết nó thực có, nhưng thường làm như không có vì khó thể hiểu hết, không thể cải thiện.

Và 2 câu cuối, giải mã mọi thứ:

đêm đêm lắng phía vô hình
lặng thinh mà đất lặng thinh mà trời.
Thì ra, có một thứ vô thanh mà lớn lao, vang động!

Nhưng cái vô thanh này: đất, trời, thực chất được hình thành từ những âm thanh kia, cái ta bắt đầu thâm nhập cho rằng đơn giản, tầm thường như tiếng giun dế, tiếng con cuốc lẻ bạn, tiếng cây lá, tiếng đàn muỗi khuya, tiếng mọt nghiến, tiếng ếch ngàn năm quen thuộc… Không, đất và trời – tự nhiên ấy, là một tổng hòa: các âm thanh kia mới làm nên cảm nhận vô biên, con người chỉ có thể cảm thấu.

Lặng thinh mà đất lặng thinh mà trời, khó có cách diễn tả nào hay hơn!

Có lẽ sẽ dễ hiểu hơn, thuận tai hơn khi viết theo nghĩa quan – hệ – từ: lặng thinh là đất lặng thinh là trời. Nhưng Nguyễn Tân Quảng đã viết , tức một kiểu nói nhấn độc đáo, có nghĩa A mà là B, chứ A B thì nói làm gì. Thơ tối ưu diễn tả chính ở chỗ này. Và còn hơn thế, cách nói nhấn này kín đáo hàm ý: đất trời còn dung chứa, là “mẹ” của muôn loài, một cảm thấu có tính nhắn gửi. Các âm thanh gợi nhớ đến đất trời, nhưng chính đất trời là nguồn cội sản sinh mọi âm thanh sự sống trên đời.

Bài thơ chỉ là một chiêm nghiệm của nhà thơ về lẽ huyền vi lớn lao của sự sống, của tự nhiên, nhưng có sức lay động, khơi gợi lớn về mọi sự quanh ta, bí ẩn và quy luật. Con người thường chỉ quan tâm tới mối quan hệ của con người với nhau, và những toan tính lợi lạc. Nếu biết lắng nghe tự nhiên, mọi thứ hẳn sẽ tốt đẹp hơn chăng? Có thể chỉ suy diễn thôi.

Khơi gợi, không ồn ào to tát một khẳng định nào, bài thơ đã làm đúng phận sự mình, là khai mở một vùng tâm hồn. Và nhà thơ đã bộc lộ niềm hân hoan tiếp nhận sự khai mở ấy.

Đêm đêm thao thức

NGUYỄN TÂN QUẢNG

Đêm đêm thao thức nằm nghe
nỉ non dế khóc mà se xót lòng

tiếng kêu con cuốc mất chồng
thình lình tiếng một quả bòng rụng khuya

sương rơi tàu chuối đầm đìa
cây vườn thức giấc ngoài kia gió về

đêm đêm thao thức nằm nghe
trở trời nhức mỏi bờ tre cựa mình

nhìn sâu vào cõi u minh
tiếng đàn muỗi đói tan thành bóng đêm

tai nghe tiếng mọt ru êm
lòng như kèo cột cũng mềm nhũn ra

nghìn năm tiếng ếch không già
có gì thổn thức như ta gọi mình

đêm đêm lắng phía vô hình
lặng thinh mà đất lặng thinh mà trời.

LÊ HOÀI LƯƠNG

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thiên tài tàn nhẫn

Pablo Picasso – người mà cả thế giới tôn vinh là bậc thầy của sự phá cách trong nghệ thuật, lại là một cái tên đầy mâu thuẫn khi nhắc đến đời sống riêng tư của ông, đặc biệt là với phụ nữ…

Nghe từ tâm phía quê nhà…

Cách mà nhà thơ Bạch Xuân Lộc lấy tên Vũng Nồm đặt tên cho thi tập của anh cũng là một khẳng định tình yêu với quê nhà. Vũng Nồm, đã chất đầy nơi anh bao kỷ niệm…

Ký hiệu đời tôi là một chấm xanh, xanh ngắt

Người làm thơ chỉ mượn ngôn ngữ thơ để giải bày những “rắc rối” trong tâm trạng của mình. Có lẽ vì vậy, thơ Phùng Khắc Bắc đạt đến sự giản dị mà không tầm thường của một ngòi bút…