Lặng lẽ trên từng trang viết…

(VNBĐ – Chân dung văn nghệ sĩ). Nguyễn Thanh Quang tốt nghiệp khoa Sử, trường ÐH Tổng hợp Huế năm 1981. Ngay năm đó, anh được nhận về công tác tại Sở Văn hóa Thông tin Bình Định đến khi nghỉ hưu, năm 2019. Anh tham gia nhiều công trình nghiên cứu, đồng tác giả nhiều đầu sách. Lặng lẽ trên từng trang viết, bằng thái độ làm việc nghiêm túc và cẩn trọng, nhà nghiên cứu (NNC) Nguyễn Thanh Quang đã có nhiều bài viết, công trình giá trị, giúp bạn đọc hiểu hơn về văn hóa, lịch sử liên quan đến đất và người Bình Định.

Từ những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, anh đã được phân công biên soạn hồ sơ di tích của tỉnh Nghĩa Bình nên có điều kiện đi lại, tiếp cận nhiều tư liệu. 40 năm gắn bó với các lĩnh vực: Bảo tàng, Quản lý di tích rồi Quản lý văn hóa là điều kiện tốt để anh tiếp cận, tìm hiểu về lịch sử và văn hóa Bình Định, một vùng đất trầm tích nhiều nền văn hóa cổ: Sa Huỳnh, Champa; một địa điểm 2 lần kinh đô của hai tộc người Chăm, Việt (Đồ Bàn và Hoàng Đế); vùng đất thượng võ, tôn văn của hai vua: Thái Đức – Nguyễn Nhạc và Quang Trung – Nguyễn Huệ… Anh bộc bạch: “Lịch sử, văn hóa của đất và người Bình Định đã cuốn hút tôi, thôi thúc tôi viết”.

Qua những trang viết của anh, những lớp trầm tích văn hóa được bóc tách, nghiên cứu tỉ mỉ. Chúng có mối liên hệ nhất định với nghiệp vụ, công tác chuyên môn của anh. Trong các mảng nghiên cứu, anh đặt sự quan tâm nhiều về chữ Quốc ngữ với hàng trăm bài viết đã được công bố. Lý giải điều này, anh thổ lộ: “Khi đọc một số bài khảo cứu và sách viết về chữ Quốc ngữ, hầu hết đều cho rằng Hội An hoặc Thanh Chiêm (Quảng Nam) là cái nôi hoặc nơi phát tích của chữ Quốc ngữ. Đáng chú ý là tập sách: Hội An – Nôi chữ Quốc ngữ (Hồng Nhuệ – Nguyễn Khắc Xuyên – Nha Trang, 2000 – Lưu hành nội bộ); Những đặc trưng cơ bản của tiếng Quảng Nam và vị trí của nó trong việc hình thành chữ Quốc ngữ (PGS. TSKH Lý Toàn Thắng và các cộng sự, Viện Ngôn ngữ học – Sở KH&CN Quảng Nam, 2006); Dinh trấn Thanh Chiêm – Kinh đô thứ hai xứ Đàng Trong (Châu Yến Loan, NXB Đà Nẵng, 2015). Tuy nhiên, nhờ vốn hiểu biết của mình và nhiều tư liệu khác, tôi tin vai trò của đất và người Bình Định trong cuộc phôi thai hình thành chữ Quốc ngữ phải lớn hơn rất nhiều và gần như chưa được đề cập. Vả chăng, ở mảng này còn nhiều tồn nghi cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá thấu đáo, khách quan. Nên tôi tự mở cho mình thêm một mảng nghiên cứu. Nghĩ và bắt tay thực hiện ngay, tôi viết bài khảo cứu đầu tiên về chữ Quốc ngữ: “Nước Mặn – nơi phôi thai chữ Quốc ngữ” đăng ở Tạp chí Khoa học Công nghệ Bình Định (tháng 2 – 3.2005). Sau đó, tôi tiếp tục tra cứu và bổ sung thêm tư liệu, đăng ở các báo, tạp chí. Từ nhiều năm trước, tôi tin một cách mãnh liệt rằng Quy Nhơn – Bình Định là nơi phôi thai của chữ Quốc ngữ”.

Nhiều lần được trò chuyện cùng anh và linh mục Gioan Võ Đình Đệ, một người bạn cũng là một người có nhiều bài viết nghiên cứu chuyên sâu về chữ Quốc ngữ, câu chuyện giữa họ khi nói về chữ Quốc ngữ như kéo dài say sưa. NNC Nguyễn Thanh Quang, chia sẻ: “Có lẽ, về mảng đề tài chữ Quốc ngữ, tôi không đơn độc vì bên tôi luôn luôn có người đồng hành là linh mục Gioan Võ Đình Đệ. Từ hội thảo chữ Quốc ngữ tổ chức ở Phú Yên (2015) đến hội thảo ở Bình Định (2016 và 2018), TP. HCM 2 lần (2019), Đà Nẵng (2020). Đến hiện nay, một số tồn nghi về lịch sử chữ Quốc ngữ giai đoạn phôi thai đã được tôi cùng cha Đệ bóc tách làm sáng tỏ và chưa nhận được phản biện nào về vấn đề này”.

Những năm gần đây, NNC Nguyễn Thanh Quang liên tục công bố các công trình nghiên cứu chung với các tác giả khác như các tập sách Chữ Quốc ngữ, từ Nước Mặn đến Làng Sông (Nhà xuất bản Ðồng Nai, 2018), Bà đỡ khai sinh chữ Quốc ngữ (Nhà xuất bản Ðồng Nai, 2019), Một số vấn đề về chữ Quốc ngữ (Nhà xuất bản Khoa học Xã hội & Tạp chí Xưa và Nay, 2020). Đặc biệt, cuối năm 2020, lần đầu tiên anh đã xuất bản tập biên khảo của riêng mình, cuốn sách Hoài Nhơn, Qui Nhơn, Qui Ninh, Bình Định – Đất và Người (Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ TP Hồ Chí Minh). Sách dày 750 trang, gồm 5 phần: Một trong những cái nôi cổ xưa nhất của loài người; Trung tâm của nền văn hóa Champa; Tây Sơn Tam kiệt; Hoài Nhơn – Bình Định Đất và người, Miền đất phôi thai, phát triển truyền bá chữ Quốc ngữ và văn học Quốc ngữ. Sách giàu cứ liệu giúp người đọc tiếp cận những trầm tích văn hóa theo thời gian của Bình Định, tập hợp những mảng nghiên cứu chính mà NNC Nguyễn Thanh Quang gắn bó. Và ở ngay tập sách này, nhiều bài viết về chữ Quốc ngữ cho thấy những luận điểm và chứng cứ mới về chữ Quốc ngữ được anh đưa vào sách. “Ví dụ về cư sở đầu tiên, nơi dịch quyển kinh đầu tiên, trường Quốc ngữ đầu tiên, đánh giá đóng góp của các thừa sai đầu tiên với chữ Quốc ngữ. Tôi muốn có một đánh giá thận trọng dựa trên những cứ liệu xác thực để chúng ta cùng nhìn nhận lại về vấn đề chữ Quốc ngữ một cách khách quan, công bằng”, anh tâm sự.

Thật ra, với tập sách Hoài Nhơn, Qui Nhơn, Qui Ninh, Bình Định – Đất và Người, anh đã có bản thảo từ lâu nhưng lần lữa mãi đến năm 2020 anh mới có điều kiện biên tập, bổ sung và xuất bản. Việc xuất bản cũng khá bất ngờ, khi tình cờ trong một cuộc chuyện trò với một doanh nhân người Bình Định, một người cũng khá mê sách biết anh chuẩn bị ra sách nên ngỏ ý muốn xem bản thảo và sẽ hỗ trợ một phần nào đó cho việc in ấn. “Sau khi xem xong, ông ấy đã gọi điện cho tôi và nói rằng sẽ tài trợ toàn bộ chứ không phải hỗ trợ. Và khi cuốn sách được ra đời, dù là sách khảo cứu, kén bạn đọc nhưng có lẽ do một số mảng đề tài trong sách ít người viết nên đã được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt, đặc biệt là những người Bình Định xa quê”, anh chia sẻ niềm vui.

Nhiều lần đến căn nhà nhỏ của anh ở phường Trần Hưng Đạo, TP. Quy Nhơn, lại bắt gặp anh cặm cụi bên giá sách, loay hoay với mớ bản thảo dày cộp. Anh khiêm tốn rằng, mình biết gì viết nấy trong khả năng cho phép. Nhưng nhiều lần tiếp xúc với anh, lại thấy một sự thầm lặng làm việc, lao động miệt mài và nghiêm túc. Vẫn còn đó những dở dang bản thảo sách về văn hóa Bình Định đang đi vào khâu hoàn thiện cuối cùng mà anh gọi là “của để dành”, sẽ in trong thời gian đến. Có lúc tôi trêu: “Sau cuốn sách dày dặn Hoài Nhơn, Qui Nhơn, Qui Ninh, Bình Định – Đất và Người, nhiều người “lo” là anh sắp cạn vốn!”. Nghe vậy, anh cười sảng khoái, vui vẻ đáp lời: “Cạn sức thì có thể chứ Bình Định là vùng đất giàu trầm tích văn hóa, lịch sử, còn bao nhiêu điều ẩn gợi chưa khai thác hết, làm sao tôi cạn vốn được. Nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ, còn sức tôi còn viết, chỉ sợ lực bất tòng tâm”.

NNC Nguyễn Thanh Quang sinh năm 1959, quê ở huyện Phù Cát; hội viên Chi hội Văn nghệ dân gian (Hội VHNT Bình Định). Anh đồng tác giả nhiều đầu sách như: “Di tích, danh thắng Bình Định” (Bảo tàng Bình Định xuất bản, 1997), “Duyên hải miền Trung – Đất và Người” (NXB Tổng hợp TP. HCM, 2004), “Lê Đại Cang – nhân cách bậc quốc sĩ” (NXB Hội Nhà văn, 2013), “Chữ Quốc ngữ – Sự hình thành, phát triển và đóng góp vào văn hóa Việt Nam” (NXB Đại học Quốc gia, 2016), “Tổng Đốc Lê Đại Cang với An Giang” (NXB Sân khấu, 2017)… Tập khảo cứu “Hoài Nhơn, Qui Nhơn, Qui Ninh, Bình Định – Đất và Người” của NNC Nguyễn Thanh Quang đã đạt giải Khuyến khích Giải thưởng VHNT năm 2020 của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam.

Nhiều bài viết của NNC Nguyễn Thanh Quang đã giúp bạn đọc tiếp cận gần hơn với lịch sử, văn hóa, con người Bình Định. Anh viết bằng sự cẩn trọng và tấm lòng trân trọng với tiền nhân, với lịch sử, mang đến những góc nhìn khách quan, hữu ích trong công tác nghiên cứu. Nhìn nhận lại vấn đề nghiên cứu, bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử hiện nay, nhất là vấn đề nghiên cứu, bảo tồn ở Bình Định, anh tâm sự: “So với nhiều địa phương khác, ở mảng đề tài đất nước và con người Bình Định, các nhà nghiên cứu viết chưa nhiều, có thể kể một số tác phẩm tiêu biểu như: Danh nhân Bình Định của Bùi Văn Lăng (1941), Nước non Bình Định của Quách Tấn (1968), Nhân vật Bình Định của Đặng Quí Địch (1971),… Trong những năm gần đây, mảng đề tài này bạn đọc ngày một quan tâm nhiều hơn, nhưng các cây bút thì ngày một thiếu vắng dần, lực lượng kế cận mỏng. Có lẽ để việc nghiên cứu, bảo tồn di sản lịch sử – văn hóa tỉnh nhà được tốt hơn, cần có một chủ trương từ tỉnh và sự quan tâm phối hợp đồng bộ của các sở ngành liên quan”.

ĐỨC LINH

(Văn nghệ Bình Định số 96 tháng 4.2021)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Theo dấu di sản

Theo anh Lâm Trường Định – Giám đốc Trung tâm lưu trữ lịch sử tỉnh, qua các chuyến điền dã, những tài liệu thu thập được tiến hành lập bản sao và số hóa để lưu trữ…

Ngọt lành cây trái Hoài Ân

Vùng đất trung du Hoài Ân luôn biết níu giữ phù sa và đón nhận hạt giống mới. Chừng mười năm trở lại đây, đất này xuất hiện ngày càng nhiều giống cây trái sinh trưởng tốt và cho năng suất cao…

Đầy lên ký ức tươi xanh…

Cuối tháng Tư, Hội VHNT phối hợp Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Bình Định tổ chức chuyến giao lưu, thực tế sáng tác tại Đồn biên phòng Cát Khánh, với sự tham gia của gần 40 văn nghệ sĩ, nhà báo…