Làng chiếu Chương Hòa

(VNBĐ – Bình Định mến yêu). Được hình thành từ thời Tiền Lê, nghề dệt chiếu đã có mặt khắp nơi trên cả nước. Ở thị xã Hoài Nhơn, làng chiếu cói Chương Hòa thuộc xã Hoài Châu Bắc có từ lâu đời, đến nay vẫn tấp nập, tạo nên bức tranh quê đẹp, thơ mộng, nghĩa tình.

Ngã ba Chương Hòa thuộc thôn Gia An Đông xã Hoài Châu Bắc, ga tàu lửa Chương Hòa có từ thời Pháp thuộc, nơi đây bà con trong vùng đã chọn làm địa điểm trao đổi, mua bán các sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ, trong đó có chiếu cổ truyền của địa phương. Về sau, nhà ga chuyển địa điểm về Tam Quan (nay là phường Tam Quan). Tuy nhiên, do thói quen bà con sản xuất chiếu ở xã Hoài Châu Bắc (gồm các thôn Chương Hòa, Gia An, Gia An Đông, Gia An Nam, Quy Thuận) và phường Tam Quan Bắc (gồm Công Thạnh, Dĩnh Thạnh, Trường Xuân) thị xã Hoài Nhơn vẫn giữ ngã ba Chương Hòa làm nơi mua bán, trao đổi các sản phẩm. Chiếu Gia An anh trải em nằm/ Phải duyên chồng vợ trăm năm anh chờ…

Thu hoạch cói. Ảnh: Lê Phước Thịnh

Trong những năm qua, hoạt động làng nghề tuy có nhiều bước thăng trầm, nhưng chiếu cói Chương Hòa đã có mặt tại nhiều thị trường trong và ngoài nước, góp phần giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống Nhân dân. Theo thống kê của UBND Hoài Châu Bắc hiện làng nghề chiếu Chương Hòa có trên 340 hộ sản xuất ở các thôn Chương Hòa, Gia An, Gia An Đông, Gia An Nam, Quy Thuận. Trong đó, có hơn 250 hộ dệt chiếu thủ công, các hộ còn lại đầu tư hơn 80 máy dệt để nâng cao năng suất. Nhằm nâng cao giá trị của cây cói cũng như giải quyết được nhiều việc làm hơn, bên cạnh nghề dệt cói, người dân còn sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cói như: mũ, túi xách, đệm chà chân…

Tương truyền, cách đây trên 300 năm có cụ ông (không nhớ họ tên) từ Thanh Hóa mang theo nghề dệt chiếu vào đây sinh sống để khởi xướng nghề dệt chiếu cói trên vùng đất này được dân làng suy tôn làm ông Tổ. Đền thờ Tổ nghề dệt chiếu Chương Hòa có tại thôn Gia An Đông. Hằng năm, vào mùng 10 tháng Giêng âm lịch, lễ cúng Tổ theo nghi thức dân gian diễn ra thường có hát án, hát Bội và một số trò chơi dân gian truyền thồng của địa phương.

Sản phẩm chiếu Chương Hòa khá đa dạng về mẫu mã, đã có đến hàng trăm loại. Có thể kể một số loại thông dụng như: Chiếu trắng, chiếu rằn, chiếu hoa râm, chiếu gấm, chiếu vảy ốc, chiếu con cờ, chiếu long phụng, đặc biệt là chiếu cổ lồi có hoa văn nổi lên đã đạt giải thưởng tại Hội chợ toàn quốc năm 1986. Với uy tín và chất lượng chiếm ưu thế trên thị trường, chiếu Chương Hòa đã chiếm được cảm tình đông đảo của người tiêu dùng trong và ngoài nước. Chiếu Chương Hòa vừa mang dáng dấp của chiếu Việt Nam nói chung, lại có nét đặc trưng của riêng Chương Hòa. Điều này xuất phát từ việc tiếp thu kỹ thuật, kinh nghiệm dệt chiếu từ các nơi khác kết hợp với óc sáng tạo và bàn tay tài hoa, khéo léo của các thế hệ thợ thủ công Chương Hòa làm ra mà có được.

Ngày nay, những sản phẩm về chiếu có thể đa dạng với nhiều chất liệu, mẫu mã, nhưng làng nghề chiếu cói truyền thống Hoài Nhơn vẫn mang những giá trị và sự ưa chuộng nhất định trên thị trường. Không đơn thuần chỉ là giá trị sử dụng mà còn là giá trị văn hóa truyền thống, là sản phẩm mang nặng ân tình mà cha ông để lại cho người dân miền “xứ Hoài yêu thương”.

Ghé thăm làng chiếu cói Chương Hòa du khách sẻ cảm nhận được sự tấp nập làm việc của làng nghề, những chiếc chiếu đã hoàn thành, cánh đồng cói, màu sắc từ sợi cói nhuộm thành phẩm, tạo nên bức tranh quê đẹp thơ mộng nhưng ấm áp nghĩa tình như câu ca dao lưu truyền trong người dân nơi đây:

Chiếu cói làng em nhuộm màu tươi tắn
Công em rày mưa nắng gió sương
Chiếu này đi khắp tứ phương
Gửi người quân tử trải giường nghỉ ngơi.

NGUYỄN VĂN PHƯỢNG

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Vẻ đẹp quê hương Hoài Nhơn

Thị xã Hoài Nhơn nằm ở phía Bắc tỉnh Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn 87km, là cửa ngõ giao lưu kinh tế quan trọng ở phía Bắc tỉnh…

Những chỉ dấu lịch sử, văn hóa xứ Hoài

Hoài Nhơn là vùng đất giàu trầm tích văn hóa, là nơi ghi dấu ấn đấu tranh cách mạng mạnh mẽ của Bình Định. Năm tháng đi qua, thế hệ tiếp nối mãi ghi tạc công ơn của cha anh…

Làng bún, làng hoa

Làng chuyên sản xuất bánh tráng, bún số 8 Tăng Long 1 thuộc phường Tam Quan Nam (TX Hoài Nhơn), được UBND tỉnh Bình Định công nhận làng nghề truyền thống vào tháng 8.2020…