(VNBĐ – Bình Định mến yêu). Những năm gần đây, Chi hội Sân khấu (Hội VHNT Bình Định) và Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh đã tổ chức giao lưu, tìm hiểu nghệ thuật dân gian Bình Định và tổ chức chương trình trải nghiệm nghệ thuật truyền thống trong môi trường học đường, mang lại nhiều hiệu quả tích cực, góp phần gìn giữ và lan tỏa nghệ thuật truyền thống Bình Định.
1.
Trong hai năm qua, Chi hội Sân khấu đã phối hợp cùng Tổ bộ môn Ngữ văn (Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) tổ chức giao lưu tìm hiểu nghệ thuật hát Bội và Bài chòi dân gian Bình Định. Tại các buổi giao lưu, các loại hình nghệ thuật truyền thống được giới thiệu khái lược cho các em. Tại đây, các em học sinh còn được gặp gỡ nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân tài danh như NSND Hòa Bình, NSND Phương Thảo, nghệ nhân – biên đạo Hoàng Việt…, đồng thời được xem các nghệ nhân, nghệ sĩ trình diễn lại trích đoạn mẫu mực, cuốn hút.
Ngày 26.3.2023, buổi giao lưu tìm hiểu nghệ thuật hát Bội Bình Định đã được tổ chức tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Nhắc nhớ lại kỷ niệm đẹp về buổi giao lưu, nhà thơ, nhà giáo Trần Hà Nam, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn chia sẻ: “Bình Định gắn liền với tên tuổi của các danh nhân Đào Duy Từ – ông tổ hát Bội và Đào Tấn – Hậu tổ hát Bội. Nghệ thuật hát Bội là niềm tự hào của mảnh đất này, nhưng theo thời gian, lớp trẻ hiện nay khá xa lạ với loại hình nghệ thuật độc đáo này. Buổi giao lưu về hát Bội hết sức thành công. Diễn giả Hoàng Việt – người đang nắm trong tay vốn liếng diễn xuất quý báu được truyền từ thế hệ đi trước đã thật sự làm các em phấn khích khi lồng vào trong nội dung bài nói chuyện những vũ đạo, làn điệu minh họa sống động. Qua đó, học sinh hiểu được nguồn gốc, tên gọi “hát Bội”, sự phát triển của hát Bội trên mảnh đất quê hương. Đặc biệt, nghệ nhân Hoàng Việt còn truyền đến cho các em ngọn lửa đam mê và những tinh túy của kịch bản tuồng hát Bội Đào Tấn – gắn với những đặc trưng của văn học trung đại cũng như những sáng tạo đưa hát Bội lên đến đỉnh cao của hậu tổ hát Bội”.
Sức hấp dẫn của buổi giao lưu còn đến từ màn hát Bội dân gian Ông già cõng vợ đi hội do NSND Phương Thảo trình diễn. Đây là tiết mục đã giành được nhiều lời tán dương của bạn bè quốc tế, với nét độc đáo một nhân vật diễn cả hai vai – ông già và cô gái. “Tiếng cười vang lên không ngớt vì nét dí dỏm trong nội dung màn diễn, đồng thời còn là sự thán phục trình độ điêu luyện của nghệ sĩ gạo cội. Không những vậy, các học sinh còn được trực tiếp lên sân khấu, vào vai các nhân vật Ông già cõng vợ, Cu Sứt… đầy hào hứng, với một sự tiếp thu rất nhanh nhạy, từ vũ đạo đến diễn xướng. Bên cạnh đó, khi các nghệ sĩ biểu diễn trích đoạn “Kỷ Lan Anh đẻ” trong vở tuồng Hộ Sanh Đàn nổi tiếng của Hậu tổ Đào Tấn, các em học sinh thật sự thán phục khi nghệ thuật ước lệ tượng trưng đã được cách điệu đỉnh cao với việc đưa chuyện sinh nở lên sân khấu”, nhà thơ, nhà giáo Trần Hà Nam hồi tưởng.
Tiếp nối thành công đó, ngày 31.3.2024, cũng tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, buổi giao lưu tìm hiểu nghệ thuật Bài chòi dân gian Bình Định đã được hai bên phối hợp thực hiện. Tại đây, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn An Pha – nguyên Chủ tịch Hội VHNT Bình Định đã giới thiệu những nét đặc trưng cũng như tiến trình hình thành, phát triển của Bài chòi dân gian Bình Định. Bên cạnh đó, các em học sinh còn được xem các nghệ nhân là những hạt nhân tiêu biểu của Bài chòi dân gian Bình Định hiện nay biểu diễn hô hát, đặc biệt là trình diễn lại trích đoạn Bài chòi lớp Cao Quân Bảo phá bảng chiêu phu (do nghệ nhân Hoàng Việt và Kiều My thể hiện). NSND Hòa Bình – nguyên Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Bình Định, Chi hội trưởng Chi hội Sân khấu tâm sự: “Các chương trình giao lưu nằm trong kế hoạch hoạt động của Chi hội Sân khấu, chúng tôi muốn đưa nghệ thuật sân khấu lan tỏa vào môi trường học đường, giúp các em học sinh – những người trẻ tiếp cận với văn hóa truyền thống. Qua sự tương tác trực tiếp, qua những chia sẻ tâm huyết từ các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ, nghệ nhân gạo cội, các em sẽ hiểu hơn về các loại hình nghệ thuật độc đáo của quê hương mình”.
2.
Mong muốn góp phần gìn giữ và phát huy nghệ thuật truyền thống, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Bình Định (nơi có hai đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp: hát Bội và Dân ca kịch Bài chòi) cũng đã tích cực lan tỏa nghệ thuật truyền thống đến với học sinh trong và ngoài tỉnh. Khi đến tham quan Nhà hát, các học sinh từ các trường học trong và ngoài tỉnh, cả du khách nước ngoài sẽ được nghe giới thiệu về trang phục, đạo cụ, mặt nạ Tuồng và đặc trưng của hát Bội Bình Định tại Phòng truyền thống; được thưởng thức các tiết mục do các nghệ sĩ của Nhà hát biểu diễn. Đặc biệt, đầu năm 2024, Nhà hát cũng đã ban hành Kế hoạch tổ chức trải nghiệm di sản nghệ thuật truyền thống tại huyện Tuy Phước. Tính đến nay, Nhà hát đã phối hợp Phòng VH-TT, Phòng GD&ĐT, Trung tâm VH-TT&TT huyện Tuy Phước tổ chức chương trình trải nghiệm nghệ thuật truyền thống tại Trường THCS Phước Lộc vào ngày 27.5; và gần đây nhất là Trường THCS thị trấn Tuy Phước vào ngày 10.7.2024
Tại các chương trình, các em học sinh được nghe nhà viết kịch Đoàn Thanh Tâm, NSND Phương Thảo, NSƯT Tấn Hào, NSƯT Băng Châu, NNƯT Nguyễn Phú… giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển cùng những nét đặc trưng của loại hình di sản nghệ thuật hát Bội, Bài chòi và dân ca Bài chòi Bình Định; phân tích về những làn điệu, tính ước lệ trong hát Bội; sự gần gũi, dí dỏm của nghệ thuật Bài chòi dân gian; nét riêng của sân khấu ca kịch Bài chòi Bình Định… Đồng thời, các nghệ sĩ, nghệ nhân đã giao lưu, trả lời những câu hỏi của học sinh liên quan về nhạc cụ dân tộc sử dụng trong hát Bội, Bài chòi; chia sẻ về những kỷ niệm nghề… giúp học sinh nắm bắt, hiểu thêm về những nét đặc sắc của nghệ thuật truyền thống. Các em học sinh còn trải nghiệm tham gia chơi Hội đánh Bài chòi dân gian để hiểu hơn thể thức của loại hình nghệ thuật này.
Các nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cũng đã biểu diễn các trích đoạn tại buổi giao lưu: Nhị khí Chu Du (trong vở Giang Tả cầu hôn), Đêm Phú Xuân (trong vở Anh hùng với giai nhân) ở Trường THCS Phước Lộc. Trích đoạn hát Bội Thầy Nghêu xủ quẻ (trong vở Nghêu, Sò, Ốc, Hến), trích đoạn ca kịch Bài chòi Ông xã Bà đội tại Trường THCS thị trấn Tuy Phước. Các trích đoạn mang yếu tố hài hước dân gian như hâm nóng lên không khí của các buổi giao lưu, khiến các em học sinh thích thú. Em Nguyễn Minh Quân, lớp 7A1 trường THCS thị trấn Tuy Phước chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên em được xem và trải nghiệm với hát Bội, Bài chòi. Em cũng đã hát thử theo các làn điệu và lời ca của hai loại hình nghệ thuật này, được xem các cô chú anh chị nghệ sĩ biểu diễn rất thu hút, sinh động. Chúng em rất vui, và biết thêm được nhiều điều. Mong rằng sẽ có thêm những hoạt động như thế này để chúng em được biết và trải nghiệm nhiều hơn”.
Khi nhắc về chương trình giao lưu tại trường mà mình quản lý, cô Đặng Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Tuy Phước thổ lộ: “Chương trình rất bổ ích. Học sinh của chúng tôi đã được tận mắt xem và tham gia trải nghiệm việc biểu diễn, hô hát các làn điệu Tuồng, Bài chòi. Nhà trường cũng đã có kế hoạch dạy học bộ môn giáo dục địa phương cho từng lớp học. Trong đó có nghệ thuật truyền thống như âm nhạc nghệ thuật Tuồng, Ca kịch Bài chòi, giúp các em học sinh nắm bắt được những di sản của quê hương mình, nhất là khi Tuy Phước là quê hương của Hậu tổ Tuồng Đào Tấn”.
3.
Phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, việc truyền tải nghệ thuật truyền thống trong đôi ba buổi gặp gỡ giao lưu là điều gần như bất khả, bởi tính ước lệ, tượng trưng, sự phong phú, lớp lang của các làn điệu, lớp tuồng… Nhưng có thể thấy, những cuộc giao lưu, trải nghiệm đã lan tỏa tinh thần của di sản, xích gần khoảng cách hơn giữa thế hệ trẻ với nghệ thuật truyền thống của cha ông. NNƯT Nguyễn Phú bộc bạch: “Quả thực, rất khó để có thể nghe các em hát tròn trịa được một làn điệu dân ca, hô đúng nhất một câu Bài chòi chứ chưa nói đến các em có thể học được bộ môn nghệ thuật được xem là bác học như hát Bội. Chỉ số ít trong nhiều học sinh hiểu và yêu thích các bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Nên những cuộc giao lưu, trải nghiệm nghệ thuật trong môi trường học đường giữ một vai trò quan trọng, cần tổ chức nhiều hơn. Bên cạnh đó, theo tôi nghĩ, để hoạt động này mang lại hiệu quả thiết thực hơn nữa, giúp các em hứng thú đón nhận sâu sắc thì ngoài sự tận tâm của các nghệ sĩ, nghệ nhân và một kịch bản hay, gần gũi với các em, thì cần lắm sự quan tâm của chính quyền địa phương, của ngành giáo dục, mà cụ thể ở đây là cấp phòng và nhà trường cần có sự đồng hành chia sẻ, góp sức chuyên môn sư phạm. Không nên xem hoạt động này là phong trào ngoại khóa mà phải là một nội dung đề tài có tính chất tích cực trong việc hình thành nhân cách, giáo dục đạo đức, thẩm mỹ cho học sinh. Có thể khẳng định, trong số các em vẫn có những hạt nhân nổi trội mà chúng ta có thể bồi dưỡng, đào tạo, hướng nghiệp cho các em sau này”.
Việc bảo tồn, phát huy di sản nghệ thuật truyền thống là một hành trình dài, cần sự quyết tâm, đồng bộ. Và ở đó, những chương trình giao lưu với học sinh để giới thiệu cái hay, cái đẹp của nghệ thuật hát Bội, Bài chòi đã mang đến những trải nghiệm thực, gần gũi, giúp học sinh hiểu sâu hơn về di sản văn hóa của Bình Định, góp phần tiếp thêm tình yêu di sản cho giới trẻ.
BẢO NHI