(VNBĐ – Truyện ngắn).
1.
Mưa rây bụi lên dòng đêm bồng bềnh sương khói. Con thuyền trôi chầm chậm trên dải sông đen thẫm kiếm tìm chốn đậu. Lão bộc bước ra mũi thuyền, đôi mắt chợt sáng lên khi bắt gặp ánh đèn le lói xuyên qua liếp tre của quán lá sát mép sông, tựa hờ lưng vào bờ, cọc tre buộc một con thuyền nhỏ đã cũ dập dềnh theo nhịp sóng. Mái chèo men theo ánh sáng ấy mà cập bến.
Hơi lạnh theo bước chân khách ùa vào gian hàng khiến ánh lửa từ ngọn đèn thắp bằng dầu lạc khẽ chao nghiêng như muốn tắt. Lão bộc theo hầu khách vội kéo liếp. Tiếng gió hòa với làn mưa lây rây trên mặt sông bị chặn lại ở phía ngoài. Người bán ngẩng đầu nhìn khách. Một vệt sững sờ thoáng qua nơi đáy mắt thăm thẳm, nhanh đến mức lão bộc tự nhủ có lẽ mình nhìn nhầm. Lão kín đáo quan sát. Một cô gái trẻ, khuôn mặt như sương khói nhạt nhòa. Chỉ có đôi mắt trong veo như lòng giếng cổ, chạm vào ánh nhìn là có thể soi hết cả những điều giấu kín trong lòng. Cô gái điềm nhiên trước hai người khách lạ, đưa đôi bàn tay gầy mỏng mảnh hiện lên cả những đường gân xanh mờ dưới lớp da trắng xanh nâng bình rượu nhỏ được ủ kín trong nụn rơm thơm mùi nếp mới. Rượu từ chiếc bình nhỏ chảy ra, nhẹ như một làn khói sóng sánh trong lòng chiếc ly đất nung nâu bóng, xù xì, mộc mạc. Tràn đầy ly, khói tan. Rượu trong vắt như sương sớm đọng trên lá sen tỏa ra thứ hương lúc nồng nàn, khi thoang thoảng, vướng vít trong gian quán nhỏ như một dải lụa mềm tưởng chừng chỉ cần đưa tay ra là có thể chạm được nhưng lại mờ ảo, mơ hồ, khơi gợi ký ức đã vùi im trong tâm tưởng khiến khách chuếnh choáng. Cô gái nâng ly đầu tiên, rải xuống lòng sông. Rượu hòa cùng những tiếng thì thầm của cô gái bị hơi gió và làn mưa bụi thổi bay là là trên mặt nước. Cô nâng chiếc ly thứ hai, giọng nhẹ bẫng như hơi nước:
– Ly rượu Không Tên này xin mời tướng quân.
Đôi mắt sắc bén của khách lóe lên một tia kinh ngạc và dò xét. Lão bộc phía sau lưng siết chặt tay kìm chế cơn kích động. Chẳng mũ mão, chẳng gươm đao, chỉ một bộ áo vải nâu bình dị, sao cô gái biết thân phận của khách. Cô gái chẳng để ý, ngửa cổ uống cạn ly rượu còn lại. Khách đưa ly lên. Rượu tràn qua cổ. Mát lạnh như được uống một ngụm nước giếng khơi giữa trưa hè oi bức rồi ngấm dần từng chút một những đắng đót, xót xa từ cõi xa thẳm nào dội lại.
Khách buông ly. Những vệt sương loang mỏng mảnh, mờ ảo trong tâm trí đột ngột trở nên rõ rệt, sắc lẹm như dao cắt.
Quán nhỏ bỗng như hóa thành con thuyền nhỏ xuyên qua làn mưa bụi, chòng chành trôi ngược tháng năm.
2.
Mùa thu năm nay kinh thành có chuyện vui. Sau mấy chục năm tưởng như đã tuyệt giống, bất ngờ vùng đất phên dậu giáp phía Bắc lại dâng lên vua những trái hồng quý. Cả một mâm hồng xếp cao đến ngọn những trái màu vàng đậm, vuông vức, chia cạnh rõ ràng, đều tăm tắp. Bổ một trái, mùi mật tứa ra quyện với vị ngọt thanh tao, ý nhị. Từ những triều đại trước, giống hồng này được chọn để tiến vua. Cả mấy chục cây hồng cổ thụ mọc trên một ngọn đồi cao, quanh năm mây phủ cũng chỉ chọn được một mâm quả dâng lên vua. Dân gian truyền lại, những cây hồng đầu tiên trên ngọn đồi ấy được vị vua mở cõi của nước Việt gieo trồng, rồi đời tiếp đời, cây nào già cỗi gục xuống thì những cây con lại mọc lên, nối tiếp nhau chứng kiến những đổi thay, thăng trầm của non sông, xứ sở. Năm nào đồi hồng ra được nhiều trái, năm ấy mưa thuận gió hòa, người dân được sống an ổn. Năm nào hồng ra ít trái, còi cọc, đắng chát là năm ấy mất mùa, loạn lạc. Đến đời vua cuối của triều đại trước, đột nhiên cả mấy năm trời đồi hồng không ra hoa, kết trái, cây lá cứ héo đi, úa dần rồi khô quắt lại. Chẳng ai dám nói ra nhưng đều cho rằng điềm trời báo hiệu sự kết thúc của một vương triều đã từng huy hoàng. Rồi giặc phương Bắc tràn sang, loạn ly tan tác. Đồi hồng bị lửa giặc thiêu rụi. Những người già trong làng ngước mắt nhìn trời, chỉ thấy mịt mùng một màu xám xịt chẳng biết là tro bụi thốc lên hay mây trời sà xuống. Cúi xuống đất chỉ thấy giọt nước mắt già nua, đặc quánh những cay đắng và phẫn uất nhỏ xuống vạt đồi nham nhở. Ngỡ rằng giống hồng quý từ thời khởi tổ cứ thế mà tan thành tro bụi, nào ngờ ngày tân vương ca khúc khải hoàn lập nên triều đại mới, dân làng kéo nhau về quê cũ, đứng trước ngọn đồi, cụ già nhất làng chợt run run cúi xuống òa khóc khi đôi bàn tay chạm phải những chiếc lá non tơ bật lên từ lòng đồi cháy đỏ. Mười mấy năm chăm sóc, nâng niu, từ cái cây đầu tiên bật lên trong tro tàn, đồi hồng đã lại xanh những thân cây vươn về phía mây trắng trên đỉnh đồi và bắt đầu kết trái. Năm nay nhà vua trẻ thân chính đảm đương việc nước, đồi hồng ra trái trĩu trịt, hương thơm theo gió lan khắp vùng. Dân làng lại chọn những trái hồng thơm ngon nhất dâng lên Đức Vua. Những tiếng chúc mừng nhà vua hợp ý trời và được lòng dân vang lên không ngớt trong các buổi chầu. Long nhan giãn ra xem chừng vừa ý.
Khi dư âm của mâm hồng tiến vua còn chưa phai nhạt thì vị tướng quân đầu triều bất ngờ dâng tấu xin cáo lão. Cả triều đình xôn xao. Vị tướng đức cao vọng trọng, luận về công lao, nhìn khắp bờ cõi cũng chẳng ai bằng. Vị tướng đã sát cánh bên tiên đế trong những năm khởi nghĩa chống giặc nguy nan nhất, hai lần liều mình cứu chúa không màng đến cả tính mạng, có lần bị mũi tên xuyên gần tim, chỉ còn một chút hơi tàn, may gặp vị thầy lang trẻ miền núi có bài thuốc gia truyền từ mấy đời tổ tiên truyền lại cứu lại được. Ngày lên ngôi, tiên đế giao cho vị tướng từng vào sinh ra tử với mình chức tước dưới một người trên vạn người và nhờ cậy dạy dỗ vị hoàng tử mình yêu quý nhất. Tiên đế qua đời, vị tướng lại có công phụ chính, tận tâm tận sức chẳng nề hà. Vị vua trẻ nổi tiếng thông minh, sáng suốt, chỉ mới thân chính gần một năm đã chứng tỏ được phong thái của một vị minh quân dốc lòng vì con dân trăm họ, vì tự chủ của non sông đất nước, giữ yên cương vực bờ cõi. Kẻ khôn khéo nghĩ thầm trong bụng hay tướng quân có mâu thuẫn với nhà vua, sợ bị kết tội công cao hơn chủ nên cáo lão sớm để tránh đầu sóng ngọn gió. Kẻ kết bè đảng lén lút bàn với nhau có lẽ vị tướng bất mãn khi không còn được trọng dụng. Một vài lão quan sắp đến tuổi cáo lão hồi hương chậm chạp vuốt râu suy đoán nhà vua đã trưởng thành, đã tự có chính kiến của mình, không còn thích nghe những câu chuyện về thời xa xưa gian khổ của vị tướng già nữa. Vị tướng già chưa lẩm cẩm nhưng có lẽ đã không còn cái khí thế sát phạt, quyết đoán của những ngày cầm gươm trên lưng ngựa, mải đắm chìm trong những chiến công ngày xa xưa của mình mà không thể nhận ra cái nhíu mày trên mặt rồng ngày càng rõ nét. Dẫu có suy nghĩ gì, việc vị quan đầu triều lui về cũng khiến nhiều kẻ vui mừng, rục rịch chờ cơ hội leo lên thay thế.
Cáo lão, vị tướng chỉ dẫn theo lão bộc thân tín, lênh đênh trên một chiếc thuyền, theo dòng chảy từ con sông nằm ven kinh thành mải miết qua những làng quê, những bờ bãi nằm hai bên sông. Sau cái đêm nói chuyện trước ngày đức vua tuyên bố thân chính, vị tướng thường xuyên mất ngủ hoặc nếu chợp mắt được trong chốc lát thì lại gặp những giấc mơ kỳ lạ. Không phải ngài tham quyền cố vị hay có mưu đồ gì. Vốn dĩ tướng quân cũng đã định lui về, đi dọc miền đất nước thăm thú lại núi rừng, làng mạc đã từng che chở cho mình và nghĩa quân, ngắm cảnh đổi thay của non sông dưới sự dẫn dắt của một triều đại mới chờ ngày gặp lại báo cho tiên đế mừng. Mỗi đêm, cứ nhắm mắt lại, ngài lại thấy những hình ảnh lúc gần lúc xa, mờ ảo một cõi sương giăng. Tỉnh lại, cố nhớ mà chỉ thấy đầu óc mang mang một vùng trắng xóa. Điều ấy khiến vị tướng luôn trong trạng thái bứt rứt, khó yên ổn. Các thầy thuốc trong phủ bắt mạch chẳng chẩn đoán ra được bệnh, bếp củi đỏ lửa cả ngày sắc thuốc mà tình hình vẫn chẳng thuyên giảm. Đến tận khi vị thầy lang năm nào đột ngột tìm đến. Ngày chiến thắng, vị tướng đã cho người đi tìm thầy lang để trả ơn nhưng chẳng thấy. Người ta bảo thầy lang đi khắp nơi tìm dạy học trò và chữa bệnh giúp đời. Thầy lang đã già, chòm râu dài chạm ngực bạc trắng mà nước da vẫn đỏ au như hun lửa nhìn thẳng vào đôi mắt sắc của vị tướng, chậm rãi:
– Chẳng ai biết được thứ thuốc thang nào chữa được căn bệnh của ngài. Chỉ có chính ngài tự đi tìm may ra nhờ duyên trời mới có thể gặp.
3.
Khách thấy mình ngồi trên con thuyền chòng chành trôi ngược lại tháng năm. Chiều mùa đông ảm đạm, chàng thanh niên ôm xác chị, bao nhiêu nước mắt nuốt ngược vào trong khiến ánh nhìn như có thể thiêu cháy mọi thứ. Mồ côi từ bé, hai chị em tần tảo nương tựa vào nhau. Người chị dịu hiền ấy đã chọn cách thà làm ngọc nát chứ không làm tì thiếp cho giặc. Ngọn lửa căm thù thiêu mòn ý chí, chàng trai trẻ muốn xông ngay vào đồn giặc tìm tên chủ tướng, mặc kệ có bao nhiêu vết gươm chém lên người, bao nhiêu mũi tên xuyên qua thân. Cô gái hàng xóm giữ chàng lại, van nài chàng phải sống, phải tìm cách để giết giặc trả mối thù không chỉ của chàng mà còn của bao gia đình tan nát dưới vó ngựa quân xâm lược. Cô giấu chàng dưới thuyền, ngụy trang thành người bán rượu đưa chàng vượt qua tai mắt của giặc đi tìm nghĩa quân đã nổi dậy ở miền trong. Thuyền giặc đi tuần, bắt nàng lên hầu rượu, chàng định vùng dậy nhưng nàng lắc đầu ra hiệu nàng tự lo liệu được, đừng xốc nổi mà làm hỏng việc lớn. Gần sáng nàng trở về, áo quần nhàu nhĩ, nước mắt còn chưa kịp khô trên gò má. Nàng gắng nở nụ cười dịu dàng trấn an chàng. Nụ cười của người con gái lúc ấy sao mà thê lương quá, nó như một mũi dao khoét vào tim chàng – một thằng con trai sức vóc mạnh mẽ lại chẳng thể bảo vệ nổi một người con gái yếu đuối, cũng chẳng thể bảo vệ chị gái của mình. Chàng ngập ngừng hỏi hay nàng theo chàng, đừng trở về làng nữa. Nhưng nàng còn cha mẹ già yếu, đâu thể bỏ mặc. Họ im lặng đến khi từ biệt. Chàng đã hèn nhát không thốt lên nổi lời hẹn ước với người con gái cùng làng đã bất chấp tất cả để cứu mình.
Cô gái bảo, bình rượu Không Tên được chưng cất từ loài lúa dại mọc trên doi đất nhô ra nơi khúc sông huyền thoại. Con sông bắt nguồn từ vùng đất thiêng của xứ sở, xuôi qua những thôn xóm, làng mạc, ngàn năm hào phóng cho phù sa màu mỡ và cá tôm nuôi dưỡng những người dân hiền lành, chân chất như hạt lúa, củ khoai lớn lên từ ruộng đồng, bờ bãi. Nhưng sông cũng biết gầm lên giận dữ khi giặc tràn vào hà hiếp dân lành, âm mưu đặt ách đô hộ lên xứ sở vốn bao dung, nhân hậu. Sông đã bao lần chịu đau, khoan vào lòng mình những cọc nhọn, âm thầm hứng chịu mũi sắt sắc lạnh xé toang từng đợt sóng để chờ vùi xác giặc. Giặc tan, những lớp sóng rủ rỉ rù rì nối tiếp nhau hết lớp này đến lớp khác, không kể về những chiến công oai hùng, không nhắc đến những trận thắng tiêu diệt được bao nhiêu giặc thù mà lặng thầm, bao dung vỗ về những linh hồn đã ngã xuống cho đất mẹ. Nơi ấy, năm nào đội quân anh dũng nước Việt quyết tử bảo vệ cho thuyền của vua chạy thoát khỏi vòng vây quân giặc, vị chủ tướng hiên ngang ngẩng cao đầu nhận lưỡi gươm của giặc còn hơn cúi đầu sống kiếp giàu sang nhưng khuất nhục. Mỗi năm chỉ được thu hoạch lúa đúng ngày vị tướng và đội quân trai trẻ anh dũng hi sinh mới có thể nấu thành rượu. Rượu lại vùi trong tro nếp rơm trăm ngày rồi lại ủ vào nùi rơm, một ly kính những linh hồn đã nằm lại với sông núi, một ly cho tâm mình và còn lại dành mời khách hữu duyên gặp trong đêm Rằm cuối cùng của năm. Người khách đang đi tìm phương thuốc trị thứ tâm bệnh mà chính bản thân người đó cũng không hiểu nó tới từ đâu và phải gọi tên là gì. Cô gái rót cho khách thêm một ly. Ly rượu thứ hai khách uống có vị mặn như nước mắt.
4.
Đội quân tiếp viện của giặc đã tiến gần sát biên giới. Chàng trai năm nào nay đã trở thành một tướng quân dạn dày kinh nghiệm, giả thua để nhử địch tiến sâu vào nơi mai phục. Giặc nghênh ngang qua cửa ải như vào chốn không người. Đến eo núi, quân kỵ qua cầu. Một hồi pháo lệnh. Cầu sập. Đám quân đằng sau không tiến lên được. Quân mai phục từ sườn núi, từ các hốc đá bắn những trận mưa tên vào kẻ thù. Người ngựa hoảng loạn giẫm đạp lên nhau chạy tan tác, không chết bởi tên thì xô nhau xuống vực mà chết. Máu nhuộm cỏ đỏ bầm, tanh nồng. Vị tướng tự tay chém đầu tên tướng giặc, dẫn đoàn quân chiến thắng trở về. Đôi mắt tướng giặc mở trừng trừng như không tin nổi rằng mình quá khinh địch đến nỗi sa vào mai phục. Còn vị tướng, lúc ấy trong lòng nặng trĩu nỗi niềm ưu tư. Để đến ngày chiến thắng, chàng đã đi qua những ngôi làng tan hoang, những mái nhà xơ xác, những xác người bị giặc giết hại chồng chất lên nhau. Chính tay chàng đã chôn cất những người bạn thân thiết từng chia nhau củ rừng, nắm quả dại lót lòng những ngày bị giặc vây khốn. Đã từng ngồi khóc bên những nấm mộ nhỏ nhoi giữa rừng, xót xa cho ước mơ bình dị về ngày chiến thắng trở về mãi mãi bị chôn vùi dưới ba tấc đất. Chính chàng, ngày đi cũng chỉ mong ước thắng giặc trở về mái nhà xưa, trả ơn cô gái hàng xóm đã giúp mình chứ nào có mong ước xa xôi khanh hầu công tướng.
Khuôn mặt của người con gái ấy giờ đây đã mờ ảo, lẫn vào hàng trăm, hàng nghìn khuôn mặt vị tướng gặp trong suốt quãng đời chinh chiến và leo lên tột đỉnh vinh quang. Chỉ có ký ức đen đặc cuồn cuộn trở về, rõ ràng hơn bất cứ điều gì.
Rượu lại được rót vào ly, ánh lên sắc đỏ trong veo khiến chiếc ly đất nung như cũng rực sáng. Chuyện xưa kể lại, đời trước, có hai nàng công chúa lá ngọc cành vàng không thích lầu son gác tía mà chỉ thích múa gươm, luyện võ. Giặc tràn sang cướp nước, hai nàng xin vua cha theo quân đánh giặc. Thế giặc mạnh, hai nàng giả làm thôn nữ dựng quán lá ven sông, đêm đêm chèo thuyền bán rượu. Đêm trăng sáng, hai nàng mời gọi giặc lên thuyền du ngoạn uống rượu thưởng trăng. Giặc say. Thuyền đắm. Xác tướng giặc bị sóng cuốn ra biển. Còn hai nàng neo lại bến sông, dân lập đến thờ tưởng nhớ. Đời sau, có cô thôn nữ nghèo, lúc nước mất nhà tan, vì bảo vệ người nàng thầm thương lên đường đánh giặc đã cắn răng chịu tủi nhục, nhơ nhớp. Đêm đêm, nàng chuốc say giặc bằng những ly rượu thơm lừng, bằng nụ cười, tiếng hát, đổi lấy tin giặc báo cho nghĩa quân đang ẩn náu chờ ngày đuổi giặc. Nàng nhận hết những lời mỉa mai, cay nghiệt, nhận hết những xa lánh, tủi hờn. Tận cái đêm thuyền giặc cháy đỏ giữa lòng sông, dân làng mới hiểu những đay nghiến đanh sắc mà nàng âm thầm hứng chịu. Hồn nàng cũng neo lại với bến sông, con thuyền.
Rượu phải được rót vào những chiếc ly được nung từ đất sét đào ở bãi bồi đoạn sông nơi có hai nàng công chúa đã quên thân vì nước, nhào với nước sông nơi nàng thôn nữ dùng rượu độc đốt cháy thuyền giặc. Những chiếc ly không màu mè, bóng bẩy, chẳng cao sang như ngọc ngà, vàng bạc, như cách họ đã âm thầm hi sinh dù ở bất cứ địa vị nào.
Khách muốn hỏi điều gì đó mà lời nói cứ nghẹn trong cổ họng không thoát ra được. Ngày chiến thắng ngài trở về làng cũ. Cô gái hàng xóm đã không còn. Dân làng bảo cô không lấy chồng, ở vậy nuôi mẹ cha đến ngày khuất bóng rồi một người một thuyền lênh đênh sông nước trôi dạt về đâu không ai biết. Vị tướng cũng không lấy vợ. Vết thương chỗ hiểm khiến ngài chẳng muốn làm liên lụy đến bất cứ ai. Ngài dự tính tìm được cô gái sẽ nói rõ để cô lựa chọn. Trả công cho nàng cả đời không lo ăn mặc hoặc ở lại bên ngài, hai con người không toàn vẹn nương tựa vào nhau, ngài sẽ coi cô như em gái. Vết thương! Ly rượu ánh lên sắc đỏ thấm vào ruột gan, làm dịu đi những ấm ức sâu kín trong lòng khách.
Mưa đã tạnh. Tiếng sóng vỗ vào mạn thuyền bì bộp. Người con gái thì thầm:
– Kìa, đến giờ họ sang sông rồi. Ngài có nghe tiếng gọi đò không? Năm nào cũng vào ngày này, họ trở về, vốc ngụm nước hòa ly rượu nhạt nấu từ lúa gạo bên bến sông quê để linh hồn có nơi neo đậu, đoàn tụ cuối năm. Đêm cũng sắp tàn, xin được tiễn tướng quân.
Thuyền trôi trong bồng bềnh sương phủ mặt sông. Chỉ còn tiếng mái chèo khua thấp thoáng cùng tiếng gọi đò lúc gần, lúc xa. Ngoảnh đầu lại, quán lá đã không còn.
5.
Đêm ấy, vị tướng đầu triều có một giấc ngủ yên ổn, không mộng mị. Một thời gian sau, dưới chân ngọn đồi trồng giống hồng quý có một lớp dạy võ cho con em người dân trong vùng. Mỗi sớm, người thầy và lão bộc dẫn bọn trẻ đứng dưới đồi hồng, ngắm nhìn mây vờn trên những ngọn cây, kể cho chúng nghe về những người không tên đã ngã xuống trước khi bắt đầu bài tập…
ĐÀO THU HÀ