Ký hiệu đời tôi là một chấm xanh, xanh ngắt

(VNBĐ – Nghiên cứu & Phê bình). Thường gặp trong đời những con người giản dị và khiêm nhường, lặng lẽ và khuất lấp, giống như một thứ hoa dại dọc đường, sớm nở tối tàn chẳng để lại một ấn tượng gì đặc biệt. Những con người như vậy ở đời không hiếm, nhưng trong văn chương… hơi bị hiếm. Trong văn chương, chưa nói chuyện kẻ máu mê sáng tạo thường khi “bốc đồng” một tấc đến mây, rồi ngạo mạn khinh bạc, xem thường thiên hạ, thì chỉ nội một việc nhu cầu chia sẻ chính đáng với đồng nghiệp cũng cho thấy ít khi họ “giữ kín” được mình. Cho nên, nghệ sĩ là những người luôn muốn được mọi người biết mặt, nhớ tên. Không có những nghệ sĩ chỉ “hát khi xay lúa, múa khi tắt đèn”. Không có nhiều ví dụ cho việc một nhà văn nào đó chỉ viết cho mình, chỉ mình mình biết, không cần chia sẻ, không cần giao lưu, không cần bạn đọc. Phùng Khắc Bắc cũng không ngoại lệ. Chỉ có điều, anh sống trên thế gian không nhiều, tính tình anh lại kín đáo, và có thể vì chưa thật tự tin, nên cho chỉ đến khi anh nằm xuống, bạn bè mới biết anh đã viết truyện ngắn, viết tiểu thuyết và làm thơ. Những tác phẩm của anh (Tập truyện ngắn Chiều xuân nắng hanh, tiểu thuyết Đời thường, tập thơ Một chấm xanh) đều xuất bản sau khi anh mất. Tập thơ Một chấm xanh viết rải rác phần lớn là trong nửa đầu những năm tám mươi của thế kỷ XX, thời gian anh đeo lon thiếu úy, công tác tại Phòng Văn hóa Văn nghệ Quân đội, Tổng cục Chính trị.

Nửa đầu những năm tám mươi của thế kỷ XX, khi Phùng Khắc Bắc cầm bút làm thơ, đất nước trước công cuộc đổi mới, ngột ngạt chưa từng thấy. Trải qua ba chục năm chiến tranh bom đạn ùng oàng là thế nhưng lòng người thanh thản, yên tĩnh, tin tưởng và tự hào. Nhưng chỉ dăm bảy năm sau hòa bình, khi những cuộc chiến tranh khác chưa nguôi trên biên giới, sự cấm vận như dồn cả dân tộc vào góc tăm tối cùng kiệt, đến mức khẩu hiệu kêu gọi toàn dân hồi đó là “Đổi mới hay là chết”.

Khi đứng trước bom đạn, kể cả những khi kẻ thù dùng các thứ vũ khí tối tân nhất dậm dọa đưa đất nước ta về thời kỳ đồ đá, không ai sợ, vì không có một thế lực nào có thể khuất phục nổi một dân tộc, khi dân tộc ấy biết đứng lên. Nhưng thời bình, trước những khó khăn to lớn, những trì trệ kéo dài, nguy cơ tàn lụi cả một dân tộc là điều đã được nghĩ đến. Sự bức bối ấy cũng đã xuất hiện trong văn chương. Những tác phẩm Tướng về hưu, Cái đêm hôm ấy đêm gì, Người đàn bà quỳ, Vua lốp… đem đến sự oi ngột chẳng khác gì Tắt đèn, Bước đường cùng… của thời kỳ dân tộc còn nô lệ. Viết văn, làm thơ trong bối cảnh như vậy, dù muốn hay không, cũng không tránh được không khí của thời đoạn. Phùng Khắc Bắc cũng vậy, thơ anh là nỗi trăn trở, nỗi đau đời, cuộc đối thoại tê điếng của một cá nhân trước xã hội, trước số phận, trước sự sinh diệt nghiệt ngã.

Phùng Khắc Bắc vào bộ đội khá sớm. Anh không nghe theo lời bố thi vào Đại học, mà tình nguyện ra mặt trận. Một chàng thư sinh mảnh khảnh với cái dáng đi dật dờ, khật khưỡng như bơi trong bộ quân phục thùng thình, bị chiến tranh cuốn vào cơn lốc dữ dằn trong đội hình Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 miền Tây Nam bộ như một “trò đùa” của chết chóc mà tuổi trẻ những năm tháng ấy phải đương đầu. Nhưng rất kỳ lạ, dù kinh qua nhiều trận đánh trong một khoảng thời gian không phải ngắn (10 năm) trên địa bàn ác liệt nhất của bom đạn, Phùng Khắc Bắc vẫn không hề hấn gì. Như tuổi trẻ hồi ấy thường nói: bom đạn đã “chê” anh. Tuy nhiên chiến tranh thì ít khi “bỏ qua” những việc thường làm của nó. Chiến tranh đã rình rập Phùng Khắc Bắc từ một hướng khác:

Anh về lại ngôi nhà của mình/ Sau mười năm chiến tranh// Mẹ đón anh buổi bình minh nhập nhoạng/ Cơn mưa đón anh buổi hừng đông chạng vạng// Mưa… mưa… mưa/ Mưa ngoài trời/ khắp nơi/ Mưa ngoài sân/ nhưng cũng mưa cả trong nhà//…Ngày xưa/ chỗ ướt mẹ nằm/ Sau mười năm/ vẫn chỗ mưa mẹ đứng (Ngày hòa bình đầu tiên).

Chiến tranh đã dùng một “miếng đánh” như một thứ đòn hiểm, êm nhẹ mà tê buốt, để vây bủa làm bức ngạt tâm trạng của những con người hay buồn lo, nghĩ ngợi: Mẹ xếp những thùng, chậu, nồi, xoong…/ Khúc nhạc mưa nhà dột tấu lên/ Ru êm cánh võng/ Người lính nằm im,/ Nghe âm thanh chiến tranh trong người mình cất giọng/ Trong đêm hòa bình đầu tiên (Ngày hòa bình đầu tiên).

Người trở về sau mười năm lăn lộn hy sinh, chứng kiến biết bao đồng đội đã đổ xương máu, cái nhận được ngoài bầu trời tự do kia, là sự nghèo kiệt xơ xác của hậu phương. Miền Bắc không những đã dâng hiến “những giọt máu tươi nhất” cho mặt trận, mà cũng đã đem vào mặt trận những hạt gạo cuối cùng. Hình ảnh người mẹ “chạy trời không khỏi ướt” mười năm chính là “viên đạn” âm ỉ của chiến tranh, có thể kết liễu nốt những gì như mầm sống đang cựa quậy trong mỗi tâm hồn những đứa con đi xa về:

Có phải những viên đạn trong vô hình ý nghĩ
Bắn lúc đêm khuya vào đứa con thơ bé
Đã để những lỗ thủng lốm đốm trên màu tóc mẹ

(Ngày hòa bình đầu tiên)

Chiến tranh không chỉ làm nghèo kiệt, chiến tranh còn để lại di chứng bởi những cái chết im lặng khủng khiếp của hàng vạn con người khi mang trong mình cái chất độc da cam mà những kẻ chế tạo ra nó cho đến hôm nay vẫn một mực không nhận ra tội lỗi của chúng. Phùng Khắc Bắc rơi vào trường hợp oái ăm này: Chỉ là thương binh/ Thương binh không có vết sứt ngoài da/ Thương binh có những vết rách trong phổi/ Được hàn gắn bằng kháng sinh và tình đồng đội/ Thương binh có siêu vi trùng nằm ngủ trong gan/ Có vết rạn trong van tim, có vết loét lam nham/ trong dạ dày. Và nguy hiểm nhất là có những tế bào lạ/ biến hình của chất độc da cam nằm lặng yên, mỉm cười thâm trầm trong máu (Ra đi).

Nhưng cái “chất độc màu da cam” Phùng Khắc Bắc đang mang trong số phận mình chưa phải là cái đáng nói nhất. Với anh, hình ảnh mẹ và quê hương ngày gặp lại là nỗi ám ảnh không nguôi tận sâu trong tâm hồn. Sau mấy chục năm, với Phùng Khắc Bắc, cái làm anh trăn trở nhất là “lưng mẹ vẫn cong hình lá hẹ xuống ruộng lúa”, “mẹ vẫn tính đời mình bằng những trận mưa cơn”, căn nhà vẫn là “chỗ ướt mẹ nằm, chỗ mưa mẹ đứng”. Người đang làm day dứt tâm trạng Phùng Khắc Bắc lúc này là mẹ. Anh đang nói tới một hiện thực của hàng vạn con người, trong hàng vạn ngôi nhà sau những năm tháng loạn li chiến tranh: Mẹ cứ im lặng/ Cái im lặng nặng trơ như đá/ Mẹ chẳng dám từ chối ai/ Mẹ chỉ dám thở dài lúc một mình quên mất/ Mẹ chờ hết thời loạn li/…Mẹ cứ buồn, cứ lo, cứ bạc đầu, cứ ốm đau,/ vì làm sao khác được/ Chỉ dáng mẹ với cái nhìn là không lụi tàn, không mờ phai (Ra đi).

Trong thơ Phùng Khắc Bắc, vùng đồi trung du quê hương anh thường khi hiện lên trong dáng vẻ của một miền quê khô cằn kiệt quệ. Vùng đất mà “con gà mái – móng mỏ cũng mòn di vì miếng ăn”: Con trở về giản dị,/ Cái ngõ nhỏ, mái nhà quê, biến thành cổng trời,/Thành lâu đài trong mắt mẹ đón con/…Nơi ấy là vùng sỏi đồi/ Nhưng vẫn dáng hình mâm xôi/ Và hạt đậu, hạt ngô, cõng nhau “trèo lên quan dốc”/ Nơi đấy là đất quê anh/ Dù ở đấy cây lúa, cây ngô giành nhau chỗ đứng/ Hòn sỏi, hòn đá chia nhau chỗ nằm (Trở về miền đồi).

Phùng Khắc Bắc biết mình cũng chỉ là số phận “viên sỏi nhỏ” của cái vùng đồi khô cằn kia. Cũng như bao người khác sống sót trở về, Phùng Khắc Bắc bắt tay tạo dựng cuộc sống của riêng mình. Cái hạnh phúc lớn lao của toàn dân tộc, đổi bằng “núi xương sông máu”, đó là nền hòa bình thì mọi người đã có trong tay, nhưng hạnh phúc riêng trong từng mái bếp thì không ai lo nổi cho ai. Câu ca tếu táo quen thuộc và thương xót ngày nào: Đầu đường đại tá bơm xe/ Cuối đường trung tá bán chè đỗ đen…/Còn chàng thiếu úy đi đâu/ ba lô lộn ngược nhảy tàu Bắc Nam như vẫn còn nhắc nhở chúng ta về một thời mà việc quanh quẩn với miếng ăn như choán hết mọi trí khôn của con người. Phùng Khắc Bắc không ở ngoài “không gian” ấy, thậm chí đôi khi tôi vẫn nghĩ chính anh là “chàng thiếu úy” vẫn thường “nhảy tàu Bắc Nam” với cuộc mưu sinh “vĩ đại” ấy. Anh cưới vợ, sinh con, lo toan chạy vạy xin việc cho vợ, rồi khi tạm yên yên lại lo kế sinh nhai. Cô giáo dạy toán, vợ anh, sáng lên lớp, chiều ngược tàu Bắc Giang mua chịu mấy chục xếp bánh đa Kế, tối lại lộn tàu về Hà Nội “giải bài toán” tiền học phí cho con. Như bao con thuyền nhỏ khác, cái gia đình đơn sơ của anh cũng hạ mái, căng buồm đội mưa gió, lướt vào cơn bão lớn của thời cuộc: Ta – đã ba mươi năm xa/ Ba mươi năm nằm hầm/ Ba mươi năm làm mục tiêu cho những họng súng/ Của ba kẻ thù lăm lăm…/ Nhà dột/ Con dốt/ Vợ xa/ Mẹ xa/ Chỉ vì ta/ Nhưng ta chưa một lần kêu khổ/ Cũng chưa một lần vì những cái đó mà sợ/ Chỉ sợ duy nhất là mình không dám quên mình đi (Trên điểm tựa).

Tận sâu trong thâm tâm Phùng Khắc Bắc vẫn là một con người “nguyên vẹn”, vẫn còn những điều nguyên vẹn, để sống với đời: Chỉ bộ óc là không hề sây sứt gì/ Bộ óc thêm những vết nhăn hằn sâu/ Không có cái gì/ chết đi/ trong bộ óc (Ra đi).

Hiển nhiên khó có thể nói đó là sự “nguyên vẹn” may rủi, dễ dãi với một con người 47 tuổi đời và hơn mười năm trải qua bom đạn. Phùng Khắc Bắc vẫn rất rắn rỏi: Nhưng ta chưa một lần kêu khổ/ Chưa một lần vì những cái đó mà sợ. Có thể nhận ra anh qua đoạn thơ này như một người can đảm và quả quyết!

Nhưng ở đời mọi việc không phải bao giờ cũng “êm chèo mát mái”. Vào cái buổi khó khăn chồng chất khó khăn, tìm được một góc bình yên giữa muôn vàn gian nan là điều không dễ. Đã có lúc Phùng Khắc Bắc phải nén mình trong tuyệt vọng: Gió lung lay phên dậu dập dồn//Trái tim khóc hoài, máu cứ chảy vào trong (Biển hối thương).

Với một “trái tim máu cứ chảy vào trong” như vậy, sau “ba mươi năm làm mục tiêu cho những họng súng/ Của ba kẻ thù lăm lăm”, người lính ấy trở về hòa nhập với đời, nhưng ám ảnh của chiến tranh thì vẫn không nguôi trong tâm hồn. Rất nhiều khi Phùng Khắc Bắc nói về cái chết, như thể cái chất độc da cam kia âm thầm gặm nhấm, lấn sân trong từng tế bào sống của anh, đang muốn vươn lên thế “thượng phong”. Và cái cơ thể vốn mảnh khảnh và tiều tụy của anh không ai tin được đó lại trở thành “chiến địa” của cuộc sinh tử không cân sức giữa Phùng Khắc Bắc và cái “chất độc da cam… mỉm cười thâm trầm trong máu” kia. Rất nhiều khi Phùng Khắc Bắc nói về cái chết. Thơ anh có những bài, những câu là cuộc đối thoại giữa sống và chết, giữa âm thế và dương thế như là linh cảm về một sự chẳng lành treo lơ lửng đâu đó. Chẳng hạn: Bài thơ riêng cho những người đã chết, Ta chết đây, Trước mộ em trai ở nghĩa địa Hà Lầm… Cái bóng của thần áo đen tay cầm lưỡi hái kinh sợ kia như lẩn khuất đâu đó, hiện ra rồi lại biến đi như chợt nhận ra chưa phải lúc cần có mặt trong ngôn từ Phùng Khắc Bắc: Ta chết đây,/ Xin chào những người cùng sinh giờ này (Ta chết đây). Viết về cái chết, Phùng Khắc Bắc lại muốn mọi người hãy “bừng tỉnh”:

Tiếng những cục đất rơi vào nắp quan tài lục bục
Làm ta bừng tỉnh giữa đời
…Anh hãy sống
sống dần dà
đừng vội
Vì chúng ta còn phải chết nhiều lần

(Trước mộ em trai ở nghĩa trang Hà Lầm)

Hóa ra không phải chỉ là cái chết mà là triết lý về sự sống và cái chết!

Những ngày tháng trước khi mất, Phùng Khắc Bắc mắc nhiều thứ bệnh. Nhưng căn bệnh chính đưa anh về cõi “quên” là nhiễm trùng máu toàn bộ cơ thể, biến chứng của chất độc da cam những năm anh hứng chịu trên chiến trường. Như linh cảm được ngày ra đi của mình, biết rõ mình không sống được bao năm nữa, biết mỗi con người cũng chỉ là một “hạt bụi” trên dương gian muôn nỗi nhọc nhằn, vậy mà Phùng Khắc Bắc vẫn không quên nhắc mỗi chúng ta hãy vượt qua cái “hữu hạn” của kiếp người, đừng biến mình thành hư vô:

Ta hãy mau chỉ là hạt bụi
…Nhưng đừng thành hư vô 

(Nỗi buồn)

Và cho dù gặp bao trắc trở Phùng Khắc Bắc vẫn muốn mình là một “hạt bụi người” trong sáng: Ký hiệu đời tôi là một chấm xanh, xanh ngắt/ Ký hiệu thơ tôi là sự minh bạch trong rắc rối đến khôn cùng.

Ta hiểu sự “minh bạch trong rắc rối đến khôn cùng” này là điều Phùng Khắc Bắc muốn nhắn gửi người đọc quan niệm của anh về thơ: có phải theo anh, thơ cần biết vượt qua những vặt vãnh tầm thường để vươn tới sự minh bạch, trong sáng. Chỉ như vậy, thơ mới là nơi con người tìm đến để có thêm một lời an ủi làm tan đi những nỗi nhọc nhằn vốn rất có sẵn trong cuộc đời!

***

Như đã nói trên kia, khi còn sống Phùng Khắc Bắc vốn rất khiêm nhường, nên rất ít người được đọc thơ anh. Người đưa thơ anh đến với người đọc là nhà văn Xuân Thiều, một người vốn rất quan tâm giúp đỡ những cây bút trẻ. Nhà văn Xuân Thiều đã được chị Tuất, cô giáo dạy toán, vợ anh Phùng Khắc Bắc cho xem những tác phẩm cất giấu kỹ trong ngăn kéo của chồng mình. Và thơ anh đã đến tay bạn đọc. Bây giờ thì Xuân Thiều cũng đã về xứ Tây phương cực lạc. Nhiều bài thơ của Phùng Khắc Bắc trong tập Một chấm xanh như ở dạng phác thảo, chưa có đầu đề, chưa gia công, trau chuốt, chưa tự biên tập lại, và không phải bài nào cũng hay. Nhưng toàn bộ thơ anh hiện rõ tính chân thực của một ngòi bút khá nhiều trăn trở. Anh nói về mọi việc thoải mái vì hình như chỉ nói với riêng mình nên giọng thơ rất chân thành, không giấu con người tác giả, nhưng không sa vào “diễn” một cách thô thiển. Người làm thơ chỉ mượn ngôn ngữ thơ để giải bày những “rắc rối” trong tâm trạng của mình. Có lẽ vì vậy, thơ Phùng Khắc Bắc đạt đến sự giản dị mà không tầm thường của một ngòi bút.

Tôi, người viết những dòng này cũng có những năm sống và làm việc gần anh. Tuy không cùng đơn vị, nhưng hai cơ quan cùng trong một số nhà thân thuộc. Cũng khá nhiều lần tề tựu cạnh nhau bên ấm trà cùng với những đồng nghiệp khác, nhưng tuyệt nhiên không có ai một lần được nghe anh nói về những sáng tác của mình, trong khi, nghề làm biên tập như tôi, phải đón tiếp, phải lắng nghe không biết bao nhiêu “những tác phẩm tâm huyết” của biết bao nhiêu cây viết đến từ mọi miền. Phùng Khắc Bắc ngồi đó, lặng lẽ châm trà, vê thuốc lào, miệng luôn cười, nhưng không bao giờ cười thành tiếng. Sự yên lặng từ nơi anh, vì thế càng yên lặng, như một “ký hiệu” của riêng Phùng Khắc Bắc.

Nhà thơ Phùng Khắc Bắc (1944-1990) tên thật là Phùng Khắc Toàn, sinh tại Thạch Thất, Hà Tây. Anh tham gia quân đội từ 1966 đến 1988 ra quân, về công tác tại Văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam. Sau khi qua đời, anh được NXB Quân đội Nhân dân ấn hành tập thơ Một chấm xanh (1991), tập truyện Chiều xuân nắng hanh (1995) và tiểu thuyết Đời thường (2001). Tập thơ Một chấm xanh được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng 1992.
M.T

TS. LÊ THÀNH NGHỊ

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Nghe từ tâm phía quê nhà…

Cách mà nhà thơ Bạch Xuân Lộc lấy tên Vũng Nồm đặt tên cho thi tập của anh cũng là một khẳng định tình yêu với quê nhà. Vũng Nồm, đã chất đầy nơi anh bao kỷ niệm…

Nói với con hay tự nói với mình

Bài thơ “Sớm mai con vào lớp ba” Y Phương viết cho con gái đang ở lứa tuổi bậc tiểu học chưa có nhiều trải nghiệm sống mà còn trong trẻo thuần khiết…