Không chỉ là lịch sử…

(VNBĐ – Nghiên cứu & Phê bình). Tại Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc năm 2022, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Bình Định đã tham gia 02 vở diễn Vua thánh triều Lê (thể loại: Tuồng; đạo diễn: NSND Hoàng Quỳnh Mai; tác giả kịch bản: Lê Duy Hạnh; tác giả chuyển thể: Đoàn Thanh Tâm) và Cô thần (thể loại: Ca kịch Bài chòi; Tác giả: Văn Trọng Hùng; Chuyển thể: NSƯT Tấn Hào; Đạo diễn: NSND Hoài Huệ). Cả hai vở diễn đều được dàn dựng nâng cao, tham gia Liên hoan nghệ thuật Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc – 2022 do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) tổ chức tại Nghệ An từ ngày 16 – 28.5. Cả hai kịch bản sân khấu này đều khai thác thể tài lịch sử, nhìn lại những vương triều với bao minh tranh ám đấu, biến loạn suy vong. Qua đó, đề cao sự trung nghĩa, cương trực và để lại nhiều thông điệp ý nghĩa.

1.

Vở tuồng Vua thánh triều Lê ca ngợi vua Lê Thánh Tông đã minh oan cho Nguyễn Trãi trong vụ đại án Lệ Chi Viên. Mặc dù quá trình minh oan gặp nhiều trở ngại nhưng cuối cùng, vua Lê Thánh Tông đã giải được án oan, trả lại phẩm tiết, nhân cách cho Nguyễn Trãi.

Địa vị, quyền lực như là cái bẫy nhân cách, làm đảo điên quần hùng. Lịch sử đã ghi lại bao cuộc tranh giành, ám toán gió tanh mưa máu vì dục vọng vương quyền. Trong vở diễn, có lúc vua Lê Thánh Tông nhìn ngai vàng trị vì thiên hạ mà “cảm thán”: “Ngai vàng… ngai vàng! Chính vì tranh giành ngươi mà Đại công thần Nguyễn Trãi/ Bị tru di tam tộc/ Vì oan án Lệ Chi Viên/ (Cũng chính vì tranh giành ngươi mà anh ta)/ Vua Nhân Tông, kế nghiệp Tiên vương/ (Tưởng yên vị với ngươi lại bị người anh khác của ta là)/ Lạng Sơn Vương Nghi Dân hạ sát/ Rồi Nghi Dân bị triều thần phế truất/ (Các đại quan nhà Lê)/ Tôn phù ta, ta đến với ngươi/ (Ở ngươi)/ Có cả sự cao thượng tuyệt vời/ Và bao nỗi ức oan bất tận/ Người có tài đức,/ ngồi lên ngươi là vận may cho đất nước/ Còn kẻ dốt hèn,/ ngồi lên ngươi thì khốn khổ muôn dân”. Nhận diện rõ điều đó, nên vua Lê Thánh Tông mới tỉnh táo xác lập lại kỷ cương triều chính, một lòng tôn phù đạo trị nước theo tinh thần như trong Bình Ngô đại cáo đã từng vạch rõ: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân để thay cường bạo”.

Một cảnh trong vở Vua thánh triều Lê. Ảnh: T.L

Vở diễn mang đến nhiều phân đoạn hay, nhiều nhân vật được xây dựng nên khiến khán giả suy ngẫm. Như nhân vật Quốc công Nguyễn Lê, người nắm nội chính triều đình. Trong thời bình, vị Quốc công này cũng đắm đuối hoan lạc. Khi nhớ về hai câu trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân/ Quân điếu phạt trước lo trừ bạo!”, thì ông ta cười mai mỉa mà ngẫm rằng: “Yên dân, trừ bạo là thời của ông. Còn yên thân, hưởng lạc là thời của tôi!”. Thực may, đến cuối cùng, ông đã sực tỉnh, hồi đầu, biết ghìm cương trước hố sâu của sa đọa và phản trắc mà giúp vua Lê Thánh Tông giải oan án Lệ Chi Viên. Qua nhân vật, có thể thấy sự tha hóa, thói ích kỷ tham lam là hiểm họa khôn lường luôn chực chờ ở mỗi con người.

Vua thánh triều Lê từng được đánh giá là vở diễn đỉnh cao về đề tài lịch sử của Sân khấu kịch nói IDECAF (TP. Hồ Chí Minh) từ năm 2012. Sau đó, được Nhà hát Cải lương Việt Nam dàn dựng. Và kịch bản này, đã được tác giả Đoàn Thanh Tâm chuyển thể sang nghệ thuật Tuồng. Hầu hết, các diễn viên của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Bình Định ở độ tuổi trên dưới 40 đã thể hiện tròn vai. Các diễn viên Thái Phiên (vai Lê Thánh Tông), Hoàng Thanh Bình (vai Nguyễn Thị Anh) được trao HCV; diễn viên Thu Thẳm (vai Ngọc Dao), Cẩm Nhung (vai Hạ Kiều), Thái Anh (vai Thái úy Lê Lăng) được trao HCB; diễn viên Ngọc Nhân (Quốc công Nguyễn Lê) được trao HCĐ.

2.

Vở ca kịch Bài chòi Cô thần xoay quanh cuộc đời trung thần Trần Văn Kỷ. Sau khi vua Quang Trung mất, Thái sư Bùi Đắc Tuyên khuynh đảo triều chính, nhà Tây Sơn rối ren và bị Nguyễn Ánh tiêu diệt. Nhà Nguyễn đã ra sức chiêu dụ Trần Văn Kỷ nhưng ông đã chối từ, trầm mình xuống dòng Hương giang để giữ trọn khí tiết.

Vở diễn khắc họa chân dung mưu sĩ tài hoa Trần Văn Kỷ. Phận số ông gắn liền với triều Tây Sơn. Tấm lòng của ông với vua Quang Trung, nhất mực chung chung thủy. Vở diễn dễ tạo ấn tượng với người xem bởi một kịch bản công phu (kịch bản được Hội NSSK Việt Nam trao giải Ba kịch bản văn học năm 2021). Khi được đưa lên sân khấu, Cô thần thêm phần độc đáo bởi màn vũ đạo được đầu tư, giàu sinh khí; nhân vật “người đánh đàn” hát diễn ở ngoài sân khấu chính, xê dịch khoảng cách gần hơn với khán giả… Nhiều diễn viên đã cho thấy nét diễn già dặn, như vai Bùi Đắc Tuyên do Cao Bá Tuấn thủ vai, đã lột tả được bản chất một tên quan dâm dật, xảo trá mưu toan, phản trắc cơ hội. Vở diễn có những lời thoại, câu hát đắt giá. Như qua lời của Diễm Thúy – người tình của Thái sư Bùi Đắc Tuyên, đã cho thấy sự rệu mục, rối ren của triều Tây Sơn, khi những kẻ cơ hội, con buôn đã thò tay vào những chiếc ghế quyền lực: “Ai bảo dân cờ bạc, con buôn không được vào cung vua phủ chúa? Vào được tất. Có tiền hoặc không có tiền thì có… tình thì ngồi chỗ nào mà chả được”.

Đáng chú ý, trong vở diễn nhân vật người đánh đàn xuất hiện rất ít, nhưng mỗi lời hát của ông đều như thấm thía, nghe ra nỗi xót xa dịu vợi trước sự sụp đổ của một vương triều và sự nuối tiếc cho một bậc trung thần mất chúa. Tiếng hát ấy như còn vọng lại: “Chúa không có đức cương quyết, đại thần giết hại lẫn nhau. Quan quân chia bè kéo cánh, triều cương mục nát. Đó là biến lớn. Biến ở bên trong không yên thì lấy gì mà chống chọi được biến loạn bên ngoài. Nhà Tây Sơn ắt phải bị diệt vong./ Làng Vân Trình Hương Trà quê cũ, ông trở về ẩn tích mai danh./ Ôi… cảm thương thay bóng dáng một Cô thần/ Như cánh chim cô đơn giữa bầu trời bão dông vần vũ/ Ngai vàng điện ngọc đã thay ngôi/ Triều cũ vua xưa đã mất rồi/ Dám hỏi non sông cười hay khóc/ Hương giang lặng lẽ những đầy vơi…”.

Một cảnh trong vở Cô thần. Ảnh: B.N

“Cô thần” Trần Văn Kỷ đã cho thấy khí tiết của mình khi chối từ thẳng thừng lời chiêu dụ của Nguyễn Ánh, ông nhất quán: “Trung thần bất nhị quân/ Cô thần không phò hai chúa”. Ở Trần Văn Kỷ, chỉ Hoàng đế Quang Trung mới xứng danh là bậc quân vương đủ đức độ, bản lĩnh để ông tuân phục, hết lòng dốc sức dốc tâm. Qua vở diễn, qua tấm lòng trung của Trần Văn Kỷ, khán giả còn thấy được vị thế của Hoàng đế Quang Trung đối với tướng sĩ và Nhân dân. Vị quân vương ấy với bản lĩnh và tài năng của mình đã đánh đuổi giặc Thanh, dẹp yên bờ cõi, thu phục nhân tâm. Năm 1792, Hoàng đế Quang Trung băng hà, con trai là Nguyễn Quang Toản (9 tuổi) kế vị, đặt niên hiệu Cảnh Thịnh. Quang Trung mất đi, Cảnh Thịnh lại còn quá nhỏ tuổi non nớt, triều Tây Sơn rơi vào hỗn loạn vì không có bậc quân vương đủ uy dũng và bản lĩnh để chế ngự quần thần, tướng lĩnh. Kẻ ác, kẻ cơ hội lợi dụng tình thế nhiễu nhương, Tây Sơn suy vi nhanh chóng.

Rõ ràng, bất kỳ một vương triều nào, quyết thành bại vẫn là người đầu lãnh. Nếu gặp bậc quân vương trí huệ, anh minh, biết thương dân, thì đó là phúc phận của quân và dân nước ấy. Nếu gặp phải kẻ nắm quyền hành nhu nhược, kém cỏi, thì bao mầm họa từ ấy cũng nảy nòi. Ở khía cạnh này, có thể thấy giữa Cô thần và Vua thánh triều Lê có giao điểm chung. Bởi, vua Lê Thánh Tông cũng từng ngẫm ngợi trước ngai vàng mà rằng: “Người có tài đức,/ ngồi lên ngươi là vận may cho đất nước/ Còn kẻ dốt hèn,/ ngồi lên ngươi thì khốn khổ muôn dân”. Không chỉ riêng ở những vương triều cách đây hai hay sáu thế kỷ, mà đến thời điểm hiện tại, vai trò của người lãnh đạo hết sức quan trọng. Cô thần ngoài phác tạc nên hình ảnh một trung thần khí tiết đáng trọng còn để lại nhiều gợi ngẫm trong sự liên tưởng đến hiện thực đời sống khách quan. Vở diễn Cô thần đã mang lại nhiều giải thưởng lớn cho các nghệ sĩ Bình Định. Kịch tác gia Văn Trọng Hùng được trao giải Tác giả xuất sắc; biên đạo múa Kim Tiển được trao giải Biên đạo múa xuất sắc. Các nghệ sĩ: Phương Phú (vai Trần Văn Kỷ), Thùy Dung (vai Châu Đang), Cao Bá Tuấn (vai Bùi Đắc Tuyên) nhận được HCV; diễn viên Kim Tiển (vai Diễm Thúy), Nguyễn Thế Cường (vai Lê Văn Hưng) được trao HCB; Hoài Tâm (vai Nguyễn Ánh), Sử Thành Việt (vai Võ Văn Dũng) được trao HCĐ.

Với hai vở diễn, sân khấu truyền thống Bình Định nhận được ghi nhận lớn tại Liên hoan khi vở Cô thần đạt HCV; 13 diễn viên của Nhà hát đoạt giải (05 HCV, 05 HCB và 03 HCĐ). Bên cạnh đó, 03 cá nhân nhận được giải thưởng danh giá dành cho tác giả kịch bản (kịch tác gia Văn Trọng Hùng), đạo diễn xuất sắc (NSND Hoài Huệ) và biên đạo xuất sắc (Kim Tiển). Hai vở diễn ngoài đề cao chính nghĩa, lòng nhân còn tạo nhiều khoảng lặng cho sự gợi ngẫm, soi chiếu, vạch ra những thói tật của kẻ có quyền lực/ ham muốn quyền lực.

Không chỉ là lịch sử, Vua thánh triều LêCô thần đã tạo cho mình một đời sống khác trong bao ngẫm gợi của khán giả, ngay cả khi cánh màn nhung sân khấu đã khép lại…

BẢO NHI

(Văn nghệ Bình Định số 113 tháng 9.2022)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Truyện cổ viết lại cho thiếu nhi

Viết lại truyện cổ như một cảm hứng đối với các nhà văn viết cho thiếu nhi. Gọi là cổ, nhưng trong đời sống, xét đến cùng, những gì mang tính phổ quát, không bao giờ cổ…

Từ bước chân Dế Mèn…

Với những ai quan tâm đến tình hình nghiên cứu văn học thiếu nhi trong nước những năm qua, Tiến sĩ Lê Nhật Ký đã không còn là cái tên xa lạ…

Làm mới một câu chuyện cổ

Nếu trong truyện “Tấm Cám”, người dì ghẻ bị căm ghét bao nhiêu, thì ở “Cổ tích viết lại” của Phạm Hồng Oanh, nhân vật này lại chiếm được cảm tình của độc giả bởi tấm lòng thương thảo…