(VNBĐ – Thơ và lời bình). Đọc bài thơ Mùi mưa của nhà thơ Lâm Huy Nhuận, tôi rất thích cách cảm nhận mưa của ông. Có người thì “nghe mưa”, có người “ngắm mưa” còn Lâm Huy Nhuận thì “nếm mưa” để cảm nhận “mùi mưa”. Và, “mùi mưa” là hình ảnh ẩn dụ Lâm Huy Nhuận dùng để dẫn dắt bạn đọc bước vào không gian bài thơ khám phá thế giới nội tâm đầy trắc ẩn của con người.
Chủ thể trữ tình trực tiếp hiện diện trong bài thơ để đối thoại cùng bạn đọc suy niệm của mình về hạnh phúc đời người ở tuổi xế tà.
Mùi mưa – bạn chỉ cho tôi
Đã chết đâu đó ngoài trời xa xa
Hai câu thơ mở đầu là lời khẳng định “Mùi mưa đã chết”. Nói đến “chết”, người ta thường liên tưởng đến sinh linh qua đời với trạng thái cảm xúc buồn, rợn lạnh, xót đau. Ở đây, phải chăng “mùi mưa” cũng là một sinh thể có linh hồn từng gắn bó máu thịt với người trong cuộc khiến người kể không khỏi ngỡ ngàng, thảng thốt khi bật lên hai tiếng “đã chết”. Biểu cảm như thế hẳn “mùi mưa” phải có ý nghĩa rất quan trọng đối với họ.
Thời gian nay cũng đã già
Nhón bàn tay héo rờ qua mỗi ngày
Khái niệm thời gian thường đi liền với nhanh – chậm, ngắn – dài chứ thời gian mà “già” thì mới thấy trong thơ Lâm Huy Nhuận. Qua cách nói khác lạ này, phải chăng nhà thơ đề cập đến tuổi già? Phải, người già thường ngồi đếm tuổi, đếm thời gian đi qua trong niềm tiếc nuối, bâng khuâng. Điều này, Lâm Huy Nhuận đã để cho hình ảnh “Nhón bàn tay héo rờ qua mỗi ngày” cất tiếng. Hoài niệm quá khứ, tiếc nuối những gì đã qua có thể xem là đặc tính của người già. Người thơ tiếp tục trình hiện tư duy này:
Tìm về những phút ngất ngây
Hòa cùng lũ trẻ vui vầy nếm mưa
“Nếm mưa” xuất hiện ở cặp lục bát này là từ khóa giải mã cho “mùi mưa”. Bởi, có “nếm” thì mới biết được “mùi”. Vậy, “mùi mưa” là mùi như thế nào mà khiến cho người nếm phải “ngất ngây” trong những ngày tháng cũ? Lời đáp nằm ở cụm từ “hòa cùng lũ trẻ vui vầy”. Bóng dáng của một gia đình đầm ấm, thuận hòa, hạnh phúc đã hiện ra trong ký ức tuổi già. Vậy ra, “Mùi mưa” là “mùi” hạnh phúc gia đình, đầm ấm, thuận hòa. Một thứ “mùi” quý giá như thế bảo sao khi thưởng thức/ tận hưởng “nếm” không “ngất ngây” cho được. Đối với tuổi già, có lẽ không có hạnh phúc nào hơn là được sống trong bầu không khí gia đình hạnh phúc vui vầy cùng con cháu.
“Mưa” trong cảm thức của nhiều người thường mang vẻ buồn rầu, sầu não như kiểu “Đêm mưa làm nhớ không gian/ Làm run thêm lạnh nỗi hàn bao la” (Huy Cận). Nhưng “mưa” qua cái nhìn của Lâm Huy Nhuận thì rất ấm áp, vui tươi. Kiến tạo hình tượng “mùi mưa”, Lâm Huy Nhuận đã gây ấn tượng lạ trong cách dụng ngôn, khác trong biểu nghĩa.
Nhưng “mùi mưa” đó giờ đã vuột khỏi tầm tay. Mất thì phải “tìm về”. Liệu “mùi mưa” có tìm về được và tìm về bằng cách nào?
Mùi mưa – giờ quá xa xưa
Thơm trang cổ tích cợt đùa thế nhân
Mở đầu bài thơ: “mùi mưa đã chết” đến cuối: “Mùi mưa – giờ quá xa xưa”. Đầu – cuối hô ứng làm đậm thêm ý khẳng định “tìm về” mùi mưa là hoàn toàn vô vọng. Như thế cũng có nghĩa là người trong cuộc hoàn toàn cô đơn. Cô đơn ai mà không sợ. Đặc biệt đối với người già. Họ sợ cô đơn sẽ bào mòn thể xác vốn đã “héo”. Nhưng thực tại mùi mưa không “tìm về” được thì phải làm sao? – “Cổ tích”, đó là hướng tìm. Thực tại mù tăm thì đành phải tìm trong thế giới hư huyền, tưởng tượng. Có lẽ trong suy niệm của họ, chỉ trong cổ tích, mùi mưa mới không “chết”. Có vẻ như hướng tìm đã định trước nên ngay khi mở đầu bài thơ, “mùi mưa” đã được đặt vào trong một không gian mơ hồ “đâu đó”, “ngoài trời xa xa”, cuối bài thơ nó lại được đẩy vào thời gian xa thẳm “quá xa xưa”. Thi sĩ đã phủ lên “mùi mưa” một không – thời gian huyền hồ, hư ảo nên rất có lý khi “trang cổ tích” xuất hiện ở cuối bài thơ.
Ký ức về “mùi mưa” là ký ức vui nên “trang cổ tích” cũng trở nên “thơm”. Sống với trang cổ tích “thơm” như vậy, họ cảm thấy thế nào? – “Cợt đùa thế nhân”. Một thái độ bi hài, chua chát hiển lộ qua cụm từ này. Đọc đến đây, tôi mường tượng đến hình ảnh những người già trong viện dưỡng lão hoặc trong những túp nhà xiêu, từng ngày, từng giờ ngồi hướng mắt ra cổng hóng chờ bóng người thân trong vô vọng, hắt hiu, mỏi mòn. Chắc hẳn những lúc này họ nhận ra rằng con cháu đã lãng quên họ, đã bỏ rơi họ, “Mùi mưa đã chết”. Họ có tồn tại chăng chỉ là nhờ nương vào “trang cổ tích” mà họ đã tưởng tượng nên. Sống mà phải tìm hạnh phúc trong tưởng tượng chẳng phải là “cợt đùa thế nhân” sao? Tôi lại hình dung lúc này họ nhếch môi cười, một cái cười chua chát, đằng cay khi đứng giữa đôi bờ hư-thực. Dù cố bơi trong hư ảo để cố quên thực tại nhưng rồi cũng phải quay về với thực tại quay quắt héo mòn trong nỗi cô đơn dày dặc ở chặng cuối cuộc đời. Tác giả đặt “cợt đùa thế nhân” nơi tận cùng bài thơ làm lời kết cho bi kịch “thế nhân”. Một kết thúc bất ngờ gây nhức nhối lòng người về đạo hiếu bị bào mòn.
Bảo rằng bài thơ “Mùi mưa” mang cảm thức thế sự? Đúng. Chẳng phải tác giả đang kể cho ta nghe về chuyện “thế nhân”? Bằng sự chiêm nghiệm (có thể là trải nghiệm bởi chủ thể trữ tình trực tiếp hiện diện xưng “tôi”), Lâm Huy Nhuận ghi lại thực tế buồn trong cuộc sống thời hiện đại qua một bài thơ ngắn, chỉ có bốn cặp lục bát. Nói là kể chuyện nhưng thực chất nhà thơ chỉ nghiêng ngòi bút xoáy vào nội tâm của đối tượng trữ tình (nỗi cô đơn của người già). Chỉ cần “nhìn” vào nội tâm đó mà “thấy” được bóng dáng của xã hội thời hiện đại là nét đặc sắc của ngòi bút Lâm Huy Nhuận. Giọng thơ có vẻ thản nhiên nhưng đằng sau mỗi con chữ lại hiển hiện một nỗi niềm xót tủi, đắng cay. Cảm xúc người thơ thì dồn nén nhưng giữa các câu thơ lại luôn mở ra nhiều khoảng trống để bạn đọc bước vào đó mà liên tưởng cảm nhận “mùi mưa” chảy qua miền ký ức và thấm thía “trang cổ tích” thực tại thấm đẫm nỗi buồn “thế nhân”.
Mùi mưa
LÂM HUY NHUẬN Mùi mưa – bạn chỉ cho tôi Thời gian nay cũng đã già Mùi mưa-giờ quá xa xưa |
TUỆ MỸ