Huyền thoại Quy Nhơn

(VNBĐ – Bình Định mến yêu). Có thể còn cách giải thích khác về chữ Quy Nhơn khi năm 1602 chúa Nguyễn Hoàng cho đổi tên phủ Hoài Nhơn thành phủ Quy Nhơn, tức tỉnh Bình Định bây giờ. Nhưng cách hiểu phổ biến hàm ý tên gọi ấy là nơi quy tụ về những nhân vật, những tộc người để ổn định, dựng xây, phát triển vùng đất này.

Từ năm 1471, sau cuộc hành binh của vua Lê Thánh Tông, vùng đất kinh đô Đồ Bàn đã được sáp nhập vào Đại Việt, và cả trăm năm đất này là miền biên viễn. Người bản địa, người Việt tài giỏi đi trấn nhậm, những cư dân phạm pháp bị lưu đày…, sau này còn có người Hoa, hoặc buôn bán, hoặc “phản Thanh” không thành, cùng về đây định cư. Đến thời điểm chúa nhà Nguyễn cho đổi tên, miền “đất dữ” biên viễn đã thực sự phát triển nhiều mặt qua cảng Nước Mặn sầm uất trên bến dưới thuyền.

Phủ thành Quy Nhơn vốn là đất đế đô nhiều vương quốc cổ xưa đến kinh thành Đồ Bàn, thành Hoàng Đế, thành Bình Định. Mãi đến năm 1898, vua Thành Thái ra chỉ dụ thành lập thị xã Quy Nhơn làm trung tâm tỉnh lỵ Bình Định, và giờ, thành phố biển Quy Nhơn đã là đô thị loại I duyên dáng nét yên bình riêng biệt.

Nhưng hãy trở lại với gốc gác ngàn năm các đế đô trên đất Quy Nhơn xưa. Từ những cổ thành giờ không còn chút dấu vết thế kỷ thứ VII sau công nguyên đến kinh đô Đồ Bàn nổi tiếng đền tháp, đến thành Hoàng Đế chỉ còn vài phế tích, nhưng cũng đủ cho hậu thế ngạc nhiên chiêm bái từ cặp voi đế – hậu bằng đá, sản phẩm điêu khắc Champa, nhiều người tin rằng do vua Chế Mân sai làm tặng hoàng hậu Huyền Trân; mấy bức tường thành còn sót lại sau các trận chiến bi hùng quân Tây Sơn và quân Nguyễn, với những anh hùng hào kiệt đương thời Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng, Võ Tánh, Ngô Tùng Châu…, khác chúa nhưng vẫn là những tấm gương yêu dân yêu nước, và nơi phế thành này vẫn còn lại lầu Bát Giác tưởng niệm cuộc tự thiêu của Võ Tánh và hai ngôi mộ cùng Song Trung miếu người đời sau tưởng niệm kẻ “chiến bại” còn sống trong lòng người.

Nơi giao tranh những trận chiến bi hùng trải cả ngàn năm qua này, dõi mắt nhìn xa xa chung quanh, sẽ thấy những ngôi tháp Chăm sừng sững mà các nhà khoa học Pháp đã xác định là “phong cách Bình Định”, phong cách cuối, đẹp nhất của kiến trúc Chăm, và, riêng cụm tháp Dương Long hiện nay là tháp gạch – đá cao nhất Đông nam Á. Không cần đi khắp 8 cụm, 14 tháp quanh thành Đồ Bàn, ngay tại trung tâm đô thị Quy Nhơn cũng có thể chiêm ngưỡng Tháp Đôi bề thế, xinh đẹp, đã từng gợi ý cho những vần thơ, ý nhạc. Không riêng Bình Định có kiến trúc tháp gạch độc đáo của người Chăm, nhưng chỉ khi đến Quy Nhơn, thi sĩ đa tài Văn Cao mới viết mấy dòng tuyệt bút trong bài Quy Nhơn 3: “Từ trời xanh/ Rơi/ Vài giọt tháp Chàm”!

Ở mảng văn hóa cổ xưa xứ Quy Nhơn – Bình Định không thể không nhắc tới hai “đặc sản” độc nhất vô nhị là Hát bội và nơi khởi nguồn của chữ Quốc ngữ. Dù còn vài nghi vấn về “tiên tổ” Hát bội – danh nhân Đào Duy Từ với trứ tác “Sơn hậu” nhưng không ai quan tâm đến nghệ thuật đặc sắc này mà không thừa nhận vị trí “hậu tổ” Tuồng Đào Tấn. Và người thầy ông, cụ tú Nguyễn Diêu với những vở kịch hát để đời. Riêng chữ Quốc ngữ, những công trình mới nhất đều ghi nhận rằng, chính từ cảng thị Nước Mặn, những vị giáo sĩ Dòng Tên người Bồ, người Ý: Francesco do Pina, Buzomi, Cristoforo Borri…, sau đó là Alexandre Rhodes hoàn thiện từ những năm nửa đầu thế kỷ XVII, để có hôm nay ngôn ngữ chính của dân tộc ta. Văn minh cảng thị Nước Mặn và nguồn cội chữ Quốc ngữ vẫn còn nhiều dấu tích ở nơi cách đô thị hiện đại Quy Nhơn chỉ nửa giờ xe máy nếu ai có công tìm đến.

Ngày nay, khách phương xa về Bình Định – Quy Nhơn không ai không tìm đến Bảo tàng Quang Trung được xây dựng ngay trên nền đất ngôi nhà xưa gia đình Tây Sơn tam kiệt, nơi ở và là nơi phát tích đám cháy vĩ đại của cuộc khởi nghĩa những anh hùng hiệp khách thời loạn, một vương triều lóe sáng rồi vụt tắt chỉ hơn hai chục năm mà kịp làm nên những chiến tích anh hùng, bi tráng nhất trong lịch sử dân tộc: đập tan hai tập đoàn phong kiến chia rẽ đất nước gần ba trăm năm và đánh tan hai thế lực ngoại xâm hùng mạnh.

Tây Sơn tam kiệt, nhất là Quang Trung đại đế, vị anh hùng kiệt xuất vẫn còn sống mãi trong sử sách với bao huyền tích, huyền sử. Càng lúc càng rờ rỡ trong niềm yêu kính và ngưỡng vọng, chiêm bái về công tích của người đời sau.

Đó là Quy Nhơn xa, Quy Nhơn hôm qua.

Quy Nhơn, tầm nhìn mới. Ảnh: Nguyễn Công Trung

Quy Nhơn hôm nay vẫn hàm chứa từ nội tại truyền thống và tiềm năng không nhỏ. Dù không có vịnh biển đẹp tầm thế giới như Nha Trang, dù chưa là đô thị năng động như Đà Nẵng, chưa lợi thế như cố đô Huế những đền đài lăng tẩm…, ở dải đất ven biển miền Trung, Quy Nhơn vẫn như một người đẹp thôn dã cao sang, sẽ một ngày thành quý phi trong sử xưa. Với ba bề núi gần, núi xa, cùng vịnh biển vòng cung xanh đẹp, với chiếc cầu bắc qua đầm Thị Nại dài mấy cây số, nơi từng xảy ra những trận thủy chiến lừng danh trong sử sách, đi qua vùng rừng sinh quyển mắm, sú tuyệt đẹp, đến với Nhơn Hội nhiều tiềm năng kinh tế, và xa nữa là những bãi biển nguyên sơ Hải Giang, Nhơn Lý, Cù Lao Xanh…, tiềm năng du lịch biển rất riêng của thành phố này vẫn có sức hấp dẫn mời gọi.

Cách trung tâm thành phố vài cây số, một thắng tích cấp quốc gia: Ghềnh Ráng – Tiên Sa với chuyện tình đẹp muôn thuở, vẫn ngân nga bên bãi tắm nổi tiếng gắn với hoàng hậu Nam Phương, người “Đệ nhất mẫu nghi thiên hạ” cuối cùng chế độ phong kiến Việt Nam luôn là sự tò mò muốn một lần nhìn ngắm, mơ màng của bất kỳ ai. Cũng chính trên ngọn đồi và vịnh biển xinh đẹp, huyền thoại này là nơi yên nghỉ của nhà thơ tài hoa bậc nhất Hàn Mặc Tử. Ông là một trong tứ đại danh gia thơ ca Bình Định thời 30 – 45 làm nên Trường phái thơ Bình Định sừng sững một thời: Quách Tấn, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan.

Khi nhắc tới nhà thơ tài hoa mệnh bạc họ Hàn, ít người biết rằng, lọt thỏm giữa thành phố Quy Nhơn, núi Bà Hỏa là nơi xưa Hàn thi sĩ từng sống trong túp lều cô quạnh để né tránh sự ghê sợ của người đời vì căn bệnh hủi oan nghiệt và viết những vần thơ độc đáo, kinh dị trước khi vào trại phong Quy Hòa mấy tháng rồi qua đời…

Mỗi vùng đất đều có những hàm chứa năng lực nội tại, có khi cả ngàn năm mới được khai phóng, cũng như có những vùng đất từng vàng son một thuở rồi rơi vào tịch mịch.

Quy Nhơn là nơi chứa cả hai điều lộng lẫy và nghiệt ngã đó.

Nhưng, như tên gọi khởi nguồn, nơi quy tụ những tài trí và tâm huyết, ý chí và nghị lực, miền đất này đang hiển lộ với cả sự nồng nhiệt, mơ mộng của mình để hướng tới một tương lai khởi sắc đúng tầm vóc vốn có từ lịch sử cùng nhiều năng lượng dự phóng cho tương lai.

Quy Nhơn, miền đất huyền thoại đang khai mở…

TUYẾT NHUNG

(Văn nghệ Bình Định số 101 tháng 9.2021)

Từ khóa liên quan:

Chia sẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Vẻ đẹp quê hương Hoài Nhơn

Thị xã Hoài Nhơn nằm ở phía Bắc tỉnh Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn 87km, là cửa ngõ giao lưu kinh tế quan trọng ở phía Bắc tỉnh…

Những chỉ dấu lịch sử, văn hóa xứ Hoài

Hoài Nhơn là vùng đất giàu trầm tích văn hóa, là nơi ghi dấu ấn đấu tranh cách mạng mạnh mẽ của Bình Định. Năm tháng đi qua, thế hệ tiếp nối mãi ghi tạc công ơn của cha anh…

Làng bún, làng hoa

Làng chuyên sản xuất bánh tráng, bún số 8 Tăng Long 1 thuộc phường Tam Quan Nam (TX Hoài Nhơn), được UBND tỉnh Bình Định công nhận làng nghề truyền thống vào tháng 8.2020…

Làng chiếu Chương Hòa

Ở thị xã Hoài Nhơn, làng chiếu cói Chương Hòa thuộc xã Hoài Châu Bắc có từ lâu đời, đến nay vẫn tấp nập, tạo nên bức tranh quê đẹp, thơ mộng, nghĩa tình…